CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

Cầu nguyện trong mối tương quan thân mật với Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 18:20-32;  Cl 2:12-14;  Lc 11:1-13)

        Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về cầu nguyện.  Nhưng định nghĩa nào cũng phải dựa trên nền tảng mối tương quan giữa chúng ta với Chúa.  Điều này được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày qua câu chuyện ông Áp-ra-ham cầu xin Chúa đừng phá hủy thành Xơ-đôm và câu chuyện các môn đệ Chúa Giê-su xin Người dạy họ cầu nguyện nên Người đã dạy họ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.  Mỗi câu chuyện đều đề cao thái độ thân mật với Chúa trong việc cầu nguyện.  Riêng thánh Phao-lô, ngài đã đặc biệt dừng lại ở một tư tưởng trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su đã dạy:  “Xin Cha… tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.  Ngài đã chiêm ngưỡng việc Thiên Chúa “xóa sổ nợ” của nhân loại bằng cách “đóng đinh nó vào thập giá” của Đức Ki-tô.

 

        1.  Lối cầu nguyện “mặc cả” của ông Áp-ra-ham khi ông can thiệp cho thành Xơ-đôm  (bài đọc 1:  Sáng Thế 18:20-32).

        Sau khi ghé thăm gia đình ông Áp-ra-ham, ba người lữ khách (Thiên Chúa và hai vị sứ thần) lại tiếp tục lên đường.  Hai vị sứ thần đi trước, hướng về thành Xơ-đôm;  còn Thiên Chúa thì “đứng lại với ông Áp-ra-ham” và cuộc trò chuyện giữa Áp-ra-ham với Thiên Chúa bắt đầu.  Tuy nhiên trước khi đi vào cuộc trò chuyện của các ngài, chúng ta hãy nhìn lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham như thế nào.  Một chi tiết quan trọng trước khi ông Áp-ra-ham tiễn khách đã cho thấy mối tương quan thân thiết Thiên Chúa dành cho ông Áp-ra-ham.  Ba vị khách đứng dậy và “nhìn xuống phía Xơ-đôm”.  Các ngài nhìn thấy gì ở dưới đó?  Các ngài thấy cảnh tội lỗi xấu xa và ghê sợ trong lối sống của dân thành Xơ-đôm. 

        Một sự kiện cụ thể chứng minh tình trạng sa đọa này của dân thành Xơ-đôm được kể lại trong chương 19 tiếp theo.  Hai vị sứ thần đến nhà ông Lót là cháu của ông Áp-ra-ham vào buổi chiều, và bởi ông Lót nài nỉ nên hai vị ở lại nhà ông đêm đó.  Các ngài chưa đi nghỉ thì dân trong thành đã bao vây nhà ông Lót và bắt ông phải đem hai người khách ra cho họ thỏa mãn tình dục đồng tính luyến ái!  Vì hiếu khách, ông Lót đành phải đề nghị trao hai đứa con gái của ông cho họ để thay thế.  Cuối cùng hai vị sứ thần đã phải ra tay làm cho bọn sách nhiễu ấy bị mù mắt hết, khiến chúng không sao tìm ra cửa để xông vào nhà.  Sáng sớm hôm sau, hai sứ thần đã thuyết phục ông Lót đem vợ, con gái và con rể mau rời khỏi thành trước khi thành bị phá hủy.  Các con rể ông cho là trò đùa nên không đi.  Trên đường chạy trốn, bà vợ ông Lót không nghe lời sứ thần, ngoái lại nhìn và hóa thành cột muối.

        Thiên Chúa quyết định phá hủy thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra.  Nhưng trước khi thi hành, Thiên Chúa lại muốn chia sẻ với Áp-ra-ham về việc Người sắp làm.  Người hỏi:  “Ta có nên giấu Áp-ra-ham điều Ta sắp làm chăng?”  Vì đã yêu thương và tuyển chọn Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã không giấu ông việc Người sắp phá hủy Xơ-đôm.  Khi Thiên Chúa xem chúng ta như bạn hữu, Người giao phó cho ta trách nhiệm đối với thế giới.  Ông A-đam đã được trao trách nhiệm cai quản các tạo vật khác (Sáng Thế 2:19).  Cũng thế, ông Áp-ra-ham ý thức trách nhiệm can thiệp vào số phận thành Xơ-đôm.  Tình bạn hữu với Thiên Chúa cũng như tình bạn giữa con người với con người có nghĩa là chia sẻ tất cả.  Ở đây Thiên Chúa chia sẻ với ông Áp-ra-ham về số phận sắp bị tiêu diệt của thành Xơ-đôm.  Còn ông Áp-ra-ham thì muốn can thiệp xin Chúa tha thứ cho thành Xơ-đôm.  Ông đưa ra lý do để xin Chúa dừng tay:  “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?”  Chúa chấp thuận lý do để dừng tay, nên Áp-ra-ham đề ra con số đầu tiên:  vì năm mươi người lành trong thành, xin Chúa đừng phá hủy.  Chúa gật đầu.  Nhưng kiếm mỏi mắt cũng chẳng đủ số.  Thế là Áp-ra-ham rút dần con số người lành xuống 45, 40, 30, 20 rồi số chót là 10.  Cứ mỗi lần “mặc cả” với Chúa, ông Áp-ra-ham nhắc lại điệp khúc “Mặc dù con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa”.  Ông tỏ ra táo bạo khi mặc cả một cách thận trọng nhưng cương quyết.  Quả thực chúng ta có cảm tưởng việc ông Áp-ra-ham mặc cả với Chúa chẳng khác gì hai “ông già” đang bàn về một công việc làm ăn.  Ông Áp-ra-ham táo bạo, nhưng luôn giữ thái độ tôn kính.  Còn Thiên Chúa thì hầu như luôn nhượng bộ, chấp nhận mức thấp nhất là mười người lành do Áp-ra-ham đưa ra “lần này nữa thôi”!  Sau đó, Thiên Chúa đi làm việc của Người theo thỏa thuận với ông, còn ông thì về nhà.

        Thực ra đây là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và ông Áp-ra-ham về số phận thành Xơ-đôm, nhưng riêng phía ông Áp-ra-ham thì đó là việc cầu nguyện.  Dựa trên tương quan mật thiết với Chúa, ông Áp-ra-ham mới dám “táo bạo”, có vẻ như “tấn công” Chúa để Người phải nhận đề nghị của ông.  Có lẽ chúng ta khó hình dung đây là việc cầu nguyện của ông Áp-ra-ham với Chúa, nhưng thực sự ông đã cầu nguyện với tất cả đức tin sẵn có của ông.  Cuối cùng ông đã được toại nguyện với điều kiện nếu có được mười người công chính trong thành Xơ-đôm.  Còn chuyện thật ra thành Xơ-đôm không có đủ con số ấy nên đã bị thiêu hủy là thực trạng của Xơ-đôm mà ông Áp-ra-ham không biết được thôi.  Nghe câu chuyện xong, có lẽ chúng ta tự hỏi:  chắc có nhiều lần tôi cũng “mặc cả” với Chúa khi cầu nguyện.  Nhiều người cầu xin Chúa:  nếu Chúa cho con vượt biên an toàn, con sẽ làm điều này điều kia;  nếu con được khỏi bệnh, con sẽ siêng năng đi nhà thờ…  Rồi sau khi được toại nguyện, chẳng thấy con làm gì cả, hoặc được khỏi bệnh rồi cũng chẳng thấy con bước tới nhà thờ!  Chúng ta “mặc cả”, nhưng thực sự có đức tin không?  Hơn nữa, khi hứa chúng ta có hứa với tất cả lòng yêu mến Chúa không?  Tuy nhiên, dù được như ý hay không, việc cầu nguyện của chúng ta vẫn phải nằm trong tương quan mật thiết với Chúa, vì Chúa đã nhận chúng ta là bạn hữu của Người rồi (Gio-an 15:14).

 

        2.  Cầu nguyện trong mối tương quan Cha-con và anh chị em với nhau  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 11:1-13).

        Chúa Giê-su đã làm một việc đột phá về cầu nguyện.  Trước hết Người “cầu nguyện ở nơi kia”, nơi vắng vẻ chỉ có Người ở trong sự hiện diện của Chúa Cha.  Vậy mà cũng đủ để môn đệ Người phải thắc mắc không hiểu Người cầu nguyện như thế nào.  Chắc chắn phải có điều gì khác và đặc biệt trong lối cầu nguyện của Chúa.  Do đó một người trong nhóm môn đệ đến thưa với Chúa:  “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.  Chúa liền dạy họ kinh Lạy Cha.

        Ngay lời đầu tiên “Lạy Cha”, Chúa Giê-su đã đặt nền tảng cho việc cầu nguyện:  đó là mối tương quan Cha-con và tương quan anh chị em con cùng một Cha.  Đã là tình Cha và con thắm thiết, cùng với tình anh chị em thì nói gì chẳng được!  Cho nên trước hết là con nghĩ đến Cha và tất cả những gì là của Cha:  danh thánh Cha, Triều Đại Cha và ý muốn của Cha.  Tiếp theo là nghĩ về mình và anh chị em.  Chúng ta xin lương thực hằng ngày dùng đủ, xin ơn tha thứ tội lỗi để khi được tha thứ chúng ta cũng biết tha thứ cho anh chị em, chúng ta xin được giải thoát khỏi cám dỗ.

        Một khi chúng ta đã lấy tương quan với Chúa và với anh chị em làm nền tảng, thì chúng ta không còn ngại ngùng, thậm chí không sợ “quấy rầy” Chúa, nhưng kiên trì, giống như anh bạn đang đêm đến “vay ba cái bánh” về đãi khách.  Cầu nguyện là quấy rầy, cứ lì ra đó cho đến khi nào Chúa nhậm lời.  Chúng ta quấy rầy và lì, vì chúng ta biết Chúa yêu thương chúng ta và đổi lại chúng ta cũng yêu mến Chúa!  Chúng ta xin cá, lẽ nào Chúa lại cho ta con rắn, xin trứng không lẽ Chúa lại cho ta con bọ cạp!  Vậy khi cầu nguyện, chúng ta hãy xem lại nền tảng mối tương quan với Chúa trước đã, ngay cả khi mối tương quan ấy chưa được thắm thiết lắm.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

 

        3.  Thiên Chúa đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá  (Cô-lô-xê 2:12-14).

        Dĩ nhiên câu chuyện ông Áp-ra-ham và kinh Lạy Cha được Chúa Giê-su dạy đã cho chúng ta nhiều bài học về cầu nguyện.  Nhưng trên thực tế, chúng ta đều là những người tội lỗi, mắc nợ Chúa rất nhiều và cần Chúa tha thứ.  Do đó, suy niệm của thánh Phao-lô về việc Thiên Chúa xóa sổ nợ cho nhân loại trở thành bài học thực dụng cho tất cả chúng ta, như chúng ta cầu xin trong kinh Lạy Cha:  xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.  Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã sai Con Một đến trần gian để kêu gọi chúng ta sám hối.  Hơn thế nữa, người Con ấy còn chết trên thập giá để chuộc lại tội lỗi chúng ta.  Thánh Phao-lô đã dùng hình ảnh đẹp và vô cùng cảm động để giải thích việc Chúa Ki-tô chuộc tội cho chúng ta.  Ngài viết rằng Thiên Chúa đã “đóng đinh” sổ nợ của chúng ta vào thập giá.  Đúng vậy, Chúa Giê-su đã gánh lấy mọi tội lỗi chúng ta để làm “sổ nợ” của chúng ta, nên khi Người bị đóng đinh vào thập giá thì sổ nợ tội lỗi chúng ta cũng chịu đóng đinh vào thập giá.  Chúa Giê-su đã lấy cái chết trên thập giá để trả nợ cho chúng ta rồi.

        Cho dù mỗi ngày chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa vì Người xóa nợ, không những nợ tội tổ tông và các tội quá khứ của chúng ta, mà còn nợ của những tội chúng ta đang phạm hằng ngày nữa.  Được xóa nợ là để sống một cuộc sống mới cho một tương lai vĩnh cửu.  Vậy chúng ta cố gắng đừng làm gì xấu để rồi lại mắc nợ, nợ Chúa và nợ anh chị em;  trái lại chúng ta chỉ có một cái nợ nên mắc và dễ trả, đó là cái nợ tình yêu:  yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C