Bám víu vào ai và cái gì ?
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVIII Năm – C
(Lc
12,13-21)
"Hư không trên các sự hư
không, và mọi sự đều hư không" (Gv 1,2). Lời của ông Côhelét khiến
chúng ta suy nghĩ. Côhelét là ai vậy? Ông tự xưng mình là con vua Đavít, vua ở
Giêrusalem. Chỉ có Salomon con vua Đavít là vua Giêrusalem thôi. Nhưng tại sao
ông lại bảo mình là Côhelét? Côhelét có nghĩa là "cộng đoàn". Tác giả
muốn nhân danh cộng đoàn dân Chúa mà giảng dạy. Ông suy tư về sự khôn ngoan và
lẽ sống ở đời, mà Salomon làm tổ phụ nổi tiếng về lẽ khôn ngoan.
Lẽ sống ở đời
Có người đặt câu hỏi : Khôn ngoan gì
mà viết "Hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không"
(Gv 1,2), xem ra có vẻ yếm thế.
Tác giả nói đến công lao khó nhọc, vận
dụng tay chân, trí óc ra để xây dựng cơ đồ, và giờ đây tự hỏi : công trình ấy
sẽ để lại cho ai, sẽ rơi vào tay người nào? Phần ông chắc chắn sẽ chẳng mang
theo được gì và không hiểu sẽ đi về đâu? Nghĩ như vậy mà không thấy hết thảy là
hư không sao?
Tác giả không có bi quan, yếm thế mà
chỉ khắc khoải. Ông không hề tiếc vì đã lao nhọc. Ông không buồn vì đã trổ tài
khôn ngoan. Ông chỉ ưu tư thắc mắc : sự nghiệp ấy rồi sẽ rơi vào tay ai? Chắc
chắn người nào đó không khó nhọc làm nên sẽ hưởng dùng. Rồi người làm ra nó sẽ
đi về đâu sau khi từ giã cuộc đời? Người ta có thể dựa vào đó để suy nghĩ rằng
cuộc đời chẳng có gì đáng sống; rồi lao nhọc làm gì để rồi ra đi với hai bàn
tay không? Nhưng đó không phải là ý nghĩa của tác giả sách Giảng viên.
Điều mà tác giả sách Giảng viên khuyên
chúng ta không nên thiển cận chỉ biết ngày hôm nay, sống và bám víu với cái tạm
bợ, nhưng phải nhìn xa về tương lai. Phải nhìn cao hơn bình diện đời này, để
xây dựng không uổng phí và sự nghiệp khỏi trở thành hư không. Ðó cũng là ý
tưởng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay.
Cái tạm thời
Một hôm, Đức Giêsu đi ngang qua dòng
người, ở giữa đám đông vây quanh Người, với tất cả khổ đau và kêu cứu. Một
người trong nhóm họ lên tiếng thưa : "Lạy Thầy, xin Thầy bảo
anh tôi chia gia tài cho tôi" (Lc 12, 13). Đức Giêsu bỗng dưng bị
đặt làm trọng tài giữa hai người trong tương quan nhân loại. Có người
hỏi : vì lý do gì mà người kia lại thưa với Đức Giêsu một điều như thế,
Người đâu phải là một quan tòa chuyên xử các vụ chia cắt gia tài của các gia
đình ? Chúng ta không vội kết án người này. Anh ta có hai lần đúng khi chạy đến
nhờ Đức Giêsu. Trước hết đối với Đức Giêsu không có gì vô nghĩa, thứ đến Đức
Giêsu với tư cách là Thầy, Người hoàn toàn có quyền làm trọng tại để giải quyết
cho anh vấn đề anh nêu ở trên, nên chạy đến Người cầu cứu!
Tuy nhiên Đức Giêsu nhanh chóng gạt
đi và dứt khoát từ chối can thiệp vào những chuyện như thế : "Hỡi
người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các
ngươi? " (Lc 12,14). Đức Giêsu không can thiệp, nhưng Người lại
chỉ cho cách cần phải giải quyết những vấn đề đó với tinh thần nào : "Các
ngươi phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không hễ ai được
dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu" (Lc
12,15).
Cái bền vững
Thật khôn ngoan khi biết rằng thế giới
mà chúng ta đang sống không mang lại ý nghĩa tối hậu chúng ta tìm kiếm trong
cuộc đời. Nhưng cũng thật sai lầm khi để mình bị giam hãm trong sự phi lí của
thế gian này. Thánh Phaolô trong bài đọc II mời gọi chúng ta tìm kiếm những sự
cao siêu trên trời (x. Cl 3, 1).
Câu hỏi được đặt ra : chúng ta đang
bám víu vào ai và cái gì ? Dụ ngôn Đức Giêsu kể trên dành cho chúng ta là
những người, đang tiêu tan cho những dự án và lo lắng mà không biết rằng thế
giời này là hư không (ý nghĩa văn chương hư không có nghĩa là hơi nước đọng
lại, phù du), chúng ta hy vọng sẽ thỏa mãn và ổn định lâu dài. Một
ngày kia, người giầu tỉnh giấc, đau buồn vì của cải thế gian này không còn là
của ông nữa.
Người nhà giầu bị trách là “ngu dại”,
không phải vì ông thu góp của cải. Những của cải, vật chất đời này không phải
là xấu, nhưng tự bản chất, chúng không có giá trị bền vững. Xấu ở chỗ lòng ông
bám víu trọn vẹn vào chúng mà quên đi cái được cái mất và ý nghĩa cuộc đời. Ông
muốn "nghỉ ngơi", ông muốn bình an "trong
nhiều năm" (x. Lc 12,19). Liệu có phải là mục đích cuộc đời của
ông không? Và tại sao? Ông có chắc rằng ông có thể tự cho mình nghỉ ngơi vui
chơi không ? Những thứ mà ông đang sở hữu có mang lại bình an và niềm vui
không? " Đó chính là lý do Đức Giêsu gọi ông là "kẻ ngu
dại" (Lc 12,20). Vì hạnh phúc bền lâu không đến từ thế gian này
mà đến từ Thiên Chúa. Ông đã nhầm khi chọn cái tạm bợ (đời này) làm chỗ dựa bền
vững.
Mỗi lần "kẻ
ngu dại" trong Tin Mừng xuất hiện là một lần Thánh Phaolô hỏi
chúng ta về vấn đề này : trong cuộc đời, chúng ta có "bê tha, nhơ
bẩn, dục vọng, ước muốn xấu và thèm khát hưởng thụ không ?" Chúng
ta có chắc rằng "Hư không trên hết các sự hư không?" Trong
đời ta có còn những thần tượng tạm bợ ở đời này không ? Đây là lúc chúng
ta gạt bỏ "những thủ đoạn của người xưa", vì ngu dại chọn
lựa sự hư không khi Đức Kitô trao ban cho chúng ta những phương tiện để xây
dựng trên sự bền vững.
Đức Giêsu và tác giả Sách Giảng Viên
nhắn nhủ chúng ta hay rằng, tất cả là hư không, là lầm lẫn khi con người chỉ lo
tìm địa vị, quyền hành và đặt hết tin tưởng của mình vào những sự vật chóng
qua, mà lại sao nhãng việc tích trữ các của cải thiêng liêng, thực thi các việc
lành phúc đức bác ái, thì chỉ là những kẻ dại dột và thua thiệt. Vì một ngày
kia, khi chết, chúng ta sẽ làm được gì với những thứ của cải vật chất chúng ta
từng ký cóp cả đời ? Chúng ta đã trang bị, sửa soạn cho mình được những gì khi
phải ra trước tòa Thiên Chúa? Mọi vất vả khó nhọc của những kẻ sống như thế sẽ
hoàn toàn hư không!
Đây là một lời dạy khôn ngoan luôn
mang tính thời sự. Vì trong thời đại chúng ta, nhiều người lãng quên các giá
trị tinh thần vĩnh cửu và cố chạy theo tìm kiếm cái tạm thời mau qua và chóng
hết.
Thánh Gioan Maria Vianey nói:
"Không có gì vững bền cả. Đời sống sẽ qua đi... danh giá cũng sụp đổ, của
cải rồi sẽ tiêu tan, sức khỏe cũng bị tấn công, chúng ta ra đi như làn gió.
"
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tìm
kiếm và tích lũy những thực tại của Nước Chúa. Amen.
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ