Chúa
Nhật 19 TN – Ngày 7 Tháng 8, 2022
Lm. Brice Higginbotham
Các bài đọc: Wis 18:6–9 • Ps 33:1, 12, 18–19, 20–22 • Heb 11:1–2,
8–19 or Heb 11:1–2, 8–12 • Lk 12:32–48
bible.usccb.org/bible/readings/080722.cfm
Vào thập niên 1950, Curt Richter, giáo sư Đại Học John Hopkins, đã tiến hành một loạt thí
nghiệm về khả năng phục hồi và sức mạnh bản năng sinh tồn. Có lẽ hôm nay, chúng
ta không cần lập lại thí nghiệm này, nhưng dù sao thí nghiệm đó cũng cho chúng
ta một bài học quan trọng. Đầu tiên, ông bỏ 46 con chuột vào một xô nước, và
quan sát từng con. Ông thấy tất cả 34 con chuột đồng tuy mạnh mẽ và hung hãn
nhưng đều chết đuối trong vòng vài phút. Tuy nhiên, trong số 12 con chuột nhà
được ông thả xuống nước, 9 con đã bơi nhiều
ngày trước khi kiệt sức và chết đuối. Những con chuột đồng khỏe hơn; những con
chuột đồng bơi giỏi hơn; ngược lại những con chuột nhà có ưu điểm sức khỏe dẻo
dai hơn nhiều tuy không mạnh mẽ. Tại sao? Giáo sư Richter đưa ra giả thuyết
rằng sở dĩ những con chuột sống sót trong nhiều ngày là vì chúng đã từng được
cứu trước đó. Những con chuột này có sức bền bỉ hơn bởi vì dường như chúng có
một cái gì đó giống như niềm hy vọng. Để kiểm tra giả thuyết của ông, đây là
những gì giáo sư ấy đã làm:
Lấy một đàn chuột hoàn
toàn khác, ông đặt chúng vào cùng một xô nước và lại đợi cho đến khi các con
chuột dần dần bắt đầu chết đuối. Thế
rồi, ngay trước khi mỗi con chuột sắp chết, ông cứu nó lên, chăm sóc một lúc và
giúp nó hồi phục. Ông lại thả những con chuột đó trở lại xô nước, ông khám phá
rằng giả thuyết của mình là đúng! Vì những con chuột đã được cứu trước đó,
chúng không bỏ cuộc nữa. Chúng đã bơi và cứ bơi, lâu hơn nhiều so với những lần
bơi trước đó.
Trái ngược với những gì
chúng ta thường nghĩ, khát khao được cứu thoát không làm lũ chuột đâm ra lười
biếng. Khát khao ấy không làm lũ chuột bỏ
cuộc. Trái lại, khát khao được cứu thoát đã mang lại cho chúng khả năng
phục hồi, vì thế chúng phải kiên trì.
Vậy còn chúng ta thì sao?
Bạn có bao giờ cảm thấy chìm ngộp trong cuộc sống không? Giống như bạn đang “chết đuối” trong điều mà Chúa Giê-su
gọi là “những lo lắng sự đời” (Lu-ca 21:34). Nếu bạn cảm thấy như vậy - và tất
cả chúng ta đôi khi cảm thấy bị cám dỗ, khô khan và bị chìm ngộp như vậy - hãy lắng
nghe lời khích lệ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy sẵn sàng. Thầy
nhân hậu và yêu thương của chúng ta đang đến. Người mong muốn giải thoát chúng
ta; Người muốn cứu chuộc chúng ta; Người muốn chúng ta được sống với Người mãi mãi.
Những con chuột của Giáo
sư Richter đã chết. Cuối cùng, giáo sư không thể cứu chúng khỏi sự chết. Nhưng Cha yêu thương
của chúng ta là Đấng tạo dựng vũ trụ. Cha yêu thương của chúng ta đã sai Con của Người được sinh ra bởi một Trinh nữ. Cha yêu thương
của chúng ta đã cho Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết! Nếu Thiên Chúa có thể làm
tất cả những điều đó, thì chúng ta không thể tin cậy Người cứu thoát chúng ta sao? Xét cho cùng, chúng ta còn
giá trị hơn nhiều so với những con chuột tầm thường kia!
Hết lần này đến lần khác,
Thiên Chúa dạy dân Người phải ghi nhớ tất cả những gì Người đã làm cho
họ. Thiên Chúa đã hứa với Áp-ra-ham rằng Người sẽ ban cho ông một dòng dõi. . .
rồi Người đã thực hiện, ngay cả khi tất cả dường như đều mất
hết. Thiên Chúa hứa sẽ giải cứu dân Người khỏi Ai Cập. . . rồi Người cũng đã làm như vậy, ngay cả khi kẻ lãnh đạo chính quyền chống lại họ. Thiên Chúa hứa sẽ đưa dân
Người vào Đất Hứa. . . rồi Người đã làm đúng vậy,
ngay cả khi họ kêu trách, phàn nàn và muốn trở lại kiếp nô lệ.
Bao lâu chúng ta còn mở lòng đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, Người sẽ không bao giờ để
chúng ta chết đuối, mặc dù Người muốn chúng
ta phải bơi. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng Người muốn chúng
ta tín thác nơi Người. Khi chúng ta bơi trong dòng nước hỗn loạn của cuộc sống này, lúc ấy lòng tín thác của
chúng ta nơi Người ngày càng vững mạnh hơn. Chúng ta biết rằng Người sẽ không
bao giờ để chúng ta chết đuối, hoặc như câu nói ngày xưa bảo rằng "Người luôn ban đầy đủ ân sủng để cứu rỗi". Vậy, khi tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa (2 Cô. 5: 7), chúng ta sẽ phát triển khả năng phục hồi vững
mạnh hơn là chúng ta từng nghĩ mình có thể. Và, kiên tâm bám
chặt lấy Chúa, chúng ta cũng tìm thấy niềm vui lớn hơn chúng ta tưởng. Đôi khi chúng ta thấy an tâm trong cuộc sống này và đôi khi
chúng ta không thấy an tâm. Nhưng một khi chúng ta đã chịu phép
thánh tẩy và bền vững trong ơn nghĩa Chúa, thì chúng ta sẽ tìm thấy ý
nghĩa của mọi sự khi trút hơi thở cuối cùng và đi gặp Chúa (có lẽ trên đường,
sẽ đi ngang qua Luyện ngục). Ước gì chúng ta đặt kho tàng và tâm hồn chúng ta vào trong Trái Tim Thiên Chúa, tín thác vào lòng thương xót của Người và tiến về phía Người trong sự kiên tâm và phó thác.
Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc
Điệp
Nguồn: https://www.hprweb.com/