CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

 “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng”

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Kn 18:6-9;  Dt 11:1-2, 8-19;  Lc 12:32-48)

        Đức tin tựa như một viên ngọc quý được chiêm ngưỡng từ nhiều góc cạnh khác nhau.  Hôm nay Lời Chúa trình bày đề tài đức tin dựa trên kinh nghiệm xuất hành của tổ phụ Áp-ra-ham khi được Thiên Chúa kêu gọi và trên kinh nghiệm của dân Chúa trước cuộc Xuất Hành thoát vòng nô lệ Ai-cập, đặc biệt ngay trong đêm trước khi họ lên đường vào sáng hôm sau.  Chính chúng ta hôm nay cũng đang ở trong một cuộc xuất hành đi về quê hương trên trời.  Do đó, Chúa Giê-su đã lập lại lời Chúa Cha hứa ban Nước của Người cho chúng ta và Chúa Giê-su còn kêu gọi chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng khi Người trở lại đón chúng ta ngày tận thế.  Trong cả ba cuộc xuất hành, ông Áp-ra-ham, con cháu Ít-ra-en của ông và chúng ta, tất cả đều tiến bước trong đức tin, nghĩa là nắm chắc lấy niềm hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa.  Nói khác đi, đức tin chúng ta chính là bảo đảm cho điều chúng ta hy vọng là được vào quê hương vĩnh cửu trên trời.

 

        1.  Đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham là bảo đảm cho những điều ông hy vọng  (bài đọc 2:  Do-thái 11:1-2, 8-19)

        Tổ phụ Áp-ra-ham được mệnh danh là cha của đức tin.  Đoạn thư Do-thái hôm nay ca tụng đức tin của ông và quả quyết rằng đức tin là động lực giúp ông giữ vững niềm hy vọng vào những lời Thiên Chúa hứa với ông.  Trước hết chúng ta có thể mô tả diễn tiến đức tin của ông Áp-ra-ham như sau.  Đầu tiên Thiên Chúa đã tuyển chọn ông Áp-ram (tên cũ của ông Áp-ra-ham), bằng cách kêu gọi ông bỏ quê hương để ra đi, đến một nơi Người sẽ cho ông biết.  Tuy chưa biết rõ Chúa, nhưng ông tin Người và ra đi.  Cuộc xuất hành của ông Áp-ra-ham thật là mạo hiểm:  Đất Hứa ở đâu chưa biết và dòng dõi đông hơn sao trời cát biển chỉ là một hy vọng không có nền tảng đối với hai ông bà già gần trăm tuổi.  Nhưng Thiên Chúa hứa có nghĩa là Người ban cho ông niềm hy vọng đích thực.  Do đó, ông Áp-ra-ham vẫn trung kiên trong niềm hy vọng vì ông tin vào Thiên Chúa.  Đổi lại, Thiên Chúa đã “chứng giám” đức tin của ông nên Người trung thành thực hiện lời hứa và ban cho ông và bà Xa-ra vợ ông được toại nguyện vì sinh ra người con duy nhất là I-xa-ác.  Vậy là nhờ đức tin của Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã làm cho “một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều hơn sao trời cát biển, không tài nào đếm được”.

        Tuy nhiên đức tin của ông vẫn cần được tôi luyện thêm bằng thử thách.  Thiên Chúa đã thử thách ông khi Người truyền cho ông phải đem I-xa-ác lên núi Mô-ri-a để sát tế nó.  Nhưng trên núi này, một lần nữa Thiên Chúa đã “chứng giám” đức tin của ông nên Người cứu mạng I-xa-ác, thay thế mạng cậu bằng mạng con dê mắc sừng trong bụi gai mà ông bắt nó để làm hiến lễ dâng lên Người.  Vì ông đã tin rằng “Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy”, nên Người đã cho ông được “nhận lại người con ấy như một biểu tượng” nói lên điều ông đã tin.

        Có một điều trong đức tin của ông Áp-ra-ham được áp dụng vào đức tin của mỗi người chúng ta, đó là “nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách”.  Tại đây, ông sống trong lều như nơi tạm trú, vì ông “trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng”.  Chúng ta có thể nói mình đang sống trong Giáo Hội tại trần gian này khác nào sống tại nơi đất khách, trong khi trông đợi ngày được Chúa đón vào “thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” là nước thiên đàng.  Nếu tổ phụ Áp-ra-ham đã lấy đức tin mà cư ngụ tại Đất Hứa như một lữ khách trước khi được đến “thành” của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải sống đức tin vào Thiên Chúa để tiếp tục cuộc xuất hành về nước thiên đàng.  Mong rằng đức tin của chúng ta sẽ được Chúa chứng giám!

 

        2.  Đức tin của dân Ít-ra-en được biểu lộ trong đêm “vượt qua”  (bài đọc 1:  Khôn ngoan 18:6-9)

        Trong khi đoạn thư Do-thái đề cao đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham, thì sách Khôn ngoan lại đặc biệt nhớ lại một thời điểm đức tin của dân Chúa được biểu lộ sống động nhất, đó là đêm vượt qua, đêm dân Ít-ra-en ăn thịt chiên với bánh không men để sáng hôm sau xuất hành thoát khỏi Ai-cập.  Thời điểm này đã được báo trước cho dân Ít-ra-en với lời hứa là Thiên Chúa sẽ cứu dân Người khỏi ách nô lệ Ai-cập.  Người người trông đợi đêm cứu thoát ấy, nhưng họ vẫn cảm thấy sợ hãi vì không biết hy vọng của họ có thành hiện thực không.  Họ cần thêm can đảm để thực hiện những điều Thiên Chúa đã truyền cho họ phải làm.  Để củng cố đức tin của họ, Người đã dùng những hình phạt giáng xuống vua Pha-ro-ô và dân Ai-cập.  Cảm tạ Chúa, bây giờ họ trông đợi đêm vượt qua ấy với đức tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.  Cho nên Thiên Chúa đã “chứng giám” đức tin của họ đang khi “họ âm thầm dâng lễ tế trong nhà”, giết chiên vượt qua, ăn thịt chiên, ăn bánh không men và rau đắng.  Nắm vững cùng một đức tin vào Thiên Chúa, họ đã “đồng tâm nhất trí, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia”, bởi vì đây là một cuộc xuất hành vô tiền khoáng hậu với bao gian nguy thử thách.  Là cuộc xuất hành của cả một dân tộc nên toàn dân cần phải đoàn kết để chống lại cuộc đuổi theo của quân Ai-cập và đương đầu với những dân tộc họ phải đi qua để tiến vào Đất Hứa.  Truyền thống biểu dương đức tin vào Thiên Chúa trong đêm vượt qua được lưu lại cho con cháu họ và sẽ được thay thế bằng cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa.

        Nói tóm lại, đức tin đã đóng vai trò rất quan trọng đối với dân Ít-ra-en và cuộc Xuất Hành của họ thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập.  Cũng thế, đức tin của Chúa Giê-su vào Chúa Cha cũng là yếu tố không thể thiếu, đặc biệt trong cuộc Thương Khó của Người để vượt qua sự chết mà sống lại vinh quang.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

 

        3.  Đức tin của chúng ta trong cuộc xuất hành khởi đi từ trần gian để tiến về nhà Cha trên trời  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 12:32-48)

        Chúng ta đã nghe kể về đức tin trong hai cuộc xuất hành, một là của tổ phụ Áp-ra-ham rời bỏ quên cha đất tổ để đi tới Đất Hứa Thiên Chúa đã kêu gọi ông, hai là cuộc đại Xuất Hành của dân Chúa ra khỏi Ai-cập để trở về Đất Hứa sau hơn bốn trăm năm làm nô lệ cho nước này.  Tuy nhiên còn một cuộc xuất hành nữa mỗi người chúng ta đang hành trình mặc dù ở những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau.  Đó là giữa cuộc đời trần gian hiện tại, chúng ta đang tiến về một tương lai dứt khoát khi Con Người đến, nói khác đi là khi chúng ta từ giã cõi đời này.  Là người con Chúa, chúng ta bước đi trong đức tin, sống theo đức tin vào lời Chúa Cha hứa là Người “đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”.  Dĩ nhiên lời Chúa hứa thì Người sẽ thực hiện, nhưng không có nghĩa là chúng ta không cần làm gì cả cũng sẽ được ở trong Nước của Người.  Trái lại, chúng ta phải biết làm việc, sử dụng đúng cách của cải tiền bạc đời này và nhất là phải chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp Chúa đến trong giờ chết của chúng ta bất cứ lúc nào. 

        Chúa Giê-su dùng hình ảnh các người đầy tớ phục vụ ông chủ, luôn luôn sẵn sàng để đợi chủ đi ăn cưới về.  Đám cưới của dân Do-thái ngày xưa thường bắt đầu vào buổi tối và khó biết được lúc nào tiệc cưới xong và quan khách ra về.  Do đó, trong khi đợi ông chủ đi dự tiệc cưới trở về thì ở nhà, các đầy tớ vẫn phải chu toàn việc bổn phận và phải sẵn sàng mở cửa khi ông chủ gõ cửa.  Giống như các đầy tớ, chúng ta chuẩn bị đón Chúa bằng đời sống đức tin được thể hiện qua việc làm.  Đó là một đức tin sống động được chứng minh qua việc làm như thánh Gia-cô-bê tông đồ đã dạy.  Chúa đã hứa ban Nước thiên đàng cho chúng ta, còn chúng ta thì sống niềm hy vọng sẽ được về Nước của Người.  Tuy nhiên cuộc xuất hành của chúng ta thường làm cho niềm hy vọng ấy bị thử thách không ngừng.  Chỉ có đức tin đích thực, tin vào tình yêu Thiên Chúa, tin vào tình yêu cứu độ của Người, mới bảo đảm cho niềm hy vọng của chúng ta và giữ cho niềm hy vọng ấy được kiên vững.  Ước mong đức tin của chúng ta được Chúa “chứng giám” và Chúa sẽ đón nhận chúng ta vào nhà vĩnh cửu của Người trên nước thiên đàng!

 

                   Lm. Đa-minh Trần đình Nhi     


Suy Niệm Lời Chúa Năm C