CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN C
Kn 18,6-9 ; Dt 11,1-2.8-19 ; Lc 12,32-48
TỈNH THỨC ĐỂ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN BẤT NGỜ
I.HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG : Lc 12,32-48
(32) “Hỡi
đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của
Người cho anh em. (33) Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm
lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể
hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không
đục phá. (34) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở
đó”. (35) Anh em hãy
thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. (36) Hãy làm như những người đợi
chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.
(37) Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật
là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào
bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. (38) “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ
tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. (39) Anh em hãy biết
điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không
để nó khoét vách nhà mình đâu. (40) Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì
chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. (41) Bấy giờ
ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho
tất cả mọi người ?”. (42) Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia
trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở,
để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc. (43) Khi chủ về mà
thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. (44)
Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản
của mình. (45) Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu
mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa.
(46) Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ
hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với
những tên thất tín. (47) Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn
bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. (48)
Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị
đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được
giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
2. Ý CHÍNH: Trong Tin mừng
hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ phải sẵn sàng đón Người lại đến,
bằng thái độ luôn tỉnh thức và sẵn sàng:
- Tỉnh thức
như người đầy tớ trung tín, thức canh để sẵn sàng mở cửa đón chủ về
nhà vào bất cứ giờ nào lúc đêm khuya (c 35-38).
- Tỉnh thức như
người chủ nhà biết giờ kẻ trộm đến, sẽ sẵn sàng canh phòng không để
nó đào ngạch khoét vách nhà mình (c 39-40).
- Tỉnh thức
như người quản lý trung tín và khôn ngoan, luôn sẵn sàng chu toàn bổn
phận cấp phát lương thực cho gia nhân theo lệnh của ông chủ (c 42-48).
3. CHÚ THÍCH:
- C 32-34: +
Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ:
Các môn đệ được gọi là đoàn chiên bé nhỏ vì số lượng ít, không
địa vị quyền hành và sống khó nghèo, đang khi kẻ thù của các ông
thì vừa đông vừa mạnh lại vừa giàu có. Nhưng Đức Giê-su đã trấn an
các ông: đừng vì thế mà khiếp nhược sợ hãi, vì “Thầy đã thắng thế
gian” (Ga 16,33), vì có Thầy luôn ở bên và vì Thiên Chúa sẽ ban phần
thưởng thiêng liêng là Nước Trời đời đời cho các ông sau này. + Hãy
bán của cải mình đi mà bố thí:
Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải có tinh thần siêu thoát và từ
bỏ, thể hiện qua hành động sẵn sàng bán đi những của cải mình có mà
phục vụ tha nhân. + Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ
cũ rách: Cần phải tích
trữ của cải thiêng liêng không bị hư nát, không sợ bị kẻ trộm lấy
mất... Những của cải thiêng liêng ấy có được nhờ làm các việc từ
thiện và bố thí cho những kẻ nghèo. + Vì kho tàng của anh em ở
đâu, thì lòng anh em cũng ở đó: Nếu
xác định kho tàng của mình là của cải thiêng liêng, thì các môn đệ
sẽ liệu sao để có được nhiều thứ của cải ấy.
- C 35-37: + Anh em hãy thắt lưng
cho gọn, thắp đèn cho sẵn: Đây
là thái độ Mô-sê yêu cầu dân Do thái phải có khi ăn bữa tiệc chiên
Vượt qua trước giờ xuất hành ra khỏi nước Ai cập (x. Xh 12,11). Đây
cũng là thái độ của các tín hữu hôm nay chờ đợi giờ Đức Giê-su lại
đến vào ngày thế mạt (x. Lc 12,37; 17,8). + Hãy làm như người đợi
chủ đi ăn cưới về: Ông
chủ đi ăn cưới là hình ảnh tiên báo Đức Giê-su sắp lên trời trước khi
Người sẽ trở lại lần thứ hai vào ngày tận thế. + Để khi chủ vừa
về tới và gõ cửa là mở ngay:
Chúa sẽ đến bất ngờ trong giờ chết của mỗi người, cũng như trong
ngày tận thế chung của nhân lọai. Mọi người đều phải sẵn sàng mở
cửa đón rước Người. + Thật là phúc cho họ !: Ở đây Đức Giê-su đã thêm một
mối phúc nữa là: “Phúc cho những ai tỉnh thức sẵn sàng”. + Chủ
sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn...: Việc này khó xảy ra trong
thực tế, nhưng được dùng để diễn tả một thực tại thiêng liêng: Chúa
sẽ ưu ái phục vụ lại các đầy tớ trung tín. Họ sẽ được no thỏa ân
tình của Chúa như lời sách Khải huyền: “Này đây, Ta đứng trước cửa
và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ
dùng bữa tối với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa tối với Ta”
(Kh 3,20).
- C 38-40: +
Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về: Người Do thái thường chia thời gian ban đêm làm bốn
canh là: Chập tối, nửa đêm, gà gáy và tảng sáng (x. Mc 13,35). Canh
hai hay canh ba tức là khoảng từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng là lúc
người ta buồn ngủ nhất. Ở đây nhấn mạnh đến thái độ phải có của các
môn đệ là luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ giờ nào. +
Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến...: Đây là dụ ngôn
về ông chủ nhà cũng phải luôn tỉnh thức. Dụ ngôn nhấn mạnh đến khía
cạnh bất ngờ của giờ chết mỗi người. Muốn khỏi bị bất ngờ thì
người ta phải luôn tỉnh thức canh phòng. + Khoét vách nhà mình: Các vách tường nhà của người
Do thái thường được xây bằng gạch sơ sài, nên dễ bị kẻ trộm khóet
vách đột nhập vào nhà.
- C 41-44: +
Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất
cả mọi người ? : Câu hỏi
của Phê-rô là câu chuyển tiếp giữa lời khuyên chung cho tất cả các môn
đệ (các câu 35-40) và lời khuyên riêng dành cho các Tông đồ là những
người được ủy thác nhiệm vụ lãnh đạo cộng đoàn Ki-tô hữu (các câu
42-48). + Ai là người quản gia trung tín khôn ngoan mà ông chủ sẽ
đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở:
Hai đức tính mà người lãnh đạo cộng đoàn phải có là khôn ngoan
và trung tín. Nếu người quản lý cấp phát phần thóc gạo cho gia nhân
đúng giờ, thì mới chứng tỏ mình là người trung tín. Anh ta sẽ được
ông chủ tín nhiệm trao nhiệm vụ coi sóc tất cả gia sản của ông.
- C 45-48 : + Nhưng
nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng : “Chủ ta còn
lâu mới về”... : Đức Giê-su
nêu lên sự trở về chậm trễ và bất ngờ của ông chủ là chính Người, như
là một cách để thử thách lòng trung thành của các Tông đồ và những
người lãnh đạo cộng đoàn. + Đánh đập tôi trai tớ gái và chè
chén say sưa : Đây là tội
thiếu tinh thần trách nhiệm, sa đà vào thói ăn chơi mà bỏ bê nhiệm
vụ của người đầy tớ. + Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào
ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra : Đức Giê-su sẽ
đến bất ngờ và sẽ cô lập, ra vạ tuyệt thông cho những kẻ bất trung
ấy. + Đầy tớ nào biết ý chủ... : Sự phán xét
tùy thuộc vào mức độ ý thức và sự hiểu biết ý chủ của các đầy
tớ. + Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều... : Thiên Chúa sẽ
đòi mỗi người phải trả lẽ về các hồng ân đã nhận được và về trách nhiệm đã
được trao phó.
4. CÂU HỎI : 1) Tại sao
các môn đệ của Đức Giê-su không nên sợ hãi giờ chết ? 2) Đức Giê-su
khuyên các môn đệ phải có thái độ thế nào để đón chờ Người tái lâm
? 3) Các người lãnh đạo cộng đòan cần có thái độ nào để đón chờ
Chúa đến ? 4) Tại sao các môn đệ lại bị phán xét nặng hơn thường dân
?
II.SỐNG LỜI
CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Anh em hãy
thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ
đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay” (Lc
12,36).
2. CÂU CHUYỆN :
1) CHIẾC QUAN TÀI NHẮC NHỚ SỰ CHẾT :
Tại chùa Tô
Châu, có một nhà sư tên là Viên Thủ Trung. Ông là một nhà chân tu. Nhà
sư thường đặt trên bàn làm việc của mình một chiếc quan tài nhỏ làm
bằng gỗ quí, có một cái nắp có thể mở ra đóng vào được. Khách
đến chơi trông thấy chiếc quan tài thường hỏi nhà sư rằng : “Ngài chế
tạo ra cái này để làm gì vậy ?” Nhà sư trả lời : “Người ta sống
tất nhiên sẽ có lúc phải chết. Mà chết rồi là sẽ được đặt vào
nằm trong cái hòm này. Tôi thực lấy làm lạ : người đời ai cũng chỉ
biết đi tìm phú quí, công danh, tài sắc... mà chẳng hề nghĩ đến cái
chết. Phần tôi, mỗi khi có điều gì không vừa ý, tôi liền ngồi vào
bàn và nhìn ngắm chiếc quan tài một hồi lâu. Sau đó tôi cảm thấy tâm
hồn được bình an.
Thật ít có ai lại có thói quen suy nghĩ về cái chết, và cũng ít người nào
coi cái chết như một người bạn luôn đi bên cạnh để giúp mình vượt qua những nỗi
chán chường cuộc sống như nhà sư trong câu chuyện trên. Phần nhiều, người ta
thường bôn ba khắp nơi để kiếm tiền, và thu tích cho mình có nhiều tiền bạc, rồi
khi có nhiều tiền thì tìm cách thụ hưởng các thú vui do tiền
bạc mang lại, như thể họ sẽ không bao giờ phải chết. Lời Chúa dạy hôm nay đòi
chúng ta có thái độ chờ sự chết đến bất ngờ giống như một người đầy tớ thức
canh chờ mở cổng đón chủ nhà đi ăn cưới về nhà vào lúc nửa đêm.
2) DÂNG NGÀY MỖI SÁNG VÀ DÂNG
LỜI NGUYỆN TẮT TRONG NGÀY :
Một nhóm bạn
đang chơi bóng đá ngoài sân trường. Trong lúc nghỉ ngơi
sau hiệp thi đấu, thầy quản giáo đã hỏi các em rằng : “Giả như
Chúa cho các em biết các em chỉ còn sống được 15 phút nữa sẽ phải
chết. Vậy các em sẽ làm gì trong thời gian ngắn này ? Em thì trả lời sẽ về từ giã cha
mẹ và những người thân. Em khác cho biết sẽ đi gặp cha linh hướng và
xin xưng tội. Em khác nữa thì nói mình sẽ vào nhà nguyện chầu Thánh
Thể thật sốt sắng. Còn một cậu bé vốn có lòng đạo đức nhất là Lu-y
Gông-gia-ga thì lại nói : “Thưa Thầy, còn em cứ tiếp tục chơi
ạ !” Khi được hỏi lý do tại sao lại cứ chơi khi biết mình sắp chết,
thì cậu bé đã trả lời : “Vì mỗi sáng khi vừa thức dậy em đều dâng
ngày mới cho Chúa. Và trong ngày em năng nói với Chúa lời nguyện tắt
: ”Con xin làm việc này để
biểu lộ lòng con yêu mến Chúa”. Em nghĩ nhờ luôn kết hiệp với Chúa, chắc chắn Chúa sẽ không bỏ em trong giờ sau hết”.
3) DÙNG TIỀN BẠC ĐỂ MUA BẠN HỮU KHI CÒN ĐANG SỐNG :
Lời Chúa Giê-su hôm nay dạy chúng ta : "Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi
tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên
trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá.
Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12,33).
Một bà lão ăn mày kia tên là MA-RY. Bất kể mùa đông giá rét, hằng ngày bà lão đều vất vả đi bộ rảo qua các
đường phố xóm ngõ để ăn xin, trên người chỉ mặc một manh áo cũ đã bị sờn rách.
Bà kể lể hoàn cảnh túng cực của mình, kèm theo vẻ ngoài tiều tụy nghèo khổ, nên
đã được nhiều người thương tình bố thí. Tối đến bà lại trở về túp lều gỗ, ăn uống
những món ăn do người ta bố thí. Vì sống quá kham khổ nên cuối cùng bà đã chết
đột quị trong túp lều của mình mà không ai hay biết. Mấy ngày sau, khi xác
chết đã bốc mùi, nhà chức trách được tin đã tìm đến nơi. Họ thấy bà lão đã chết
đang nằm trên giường, nhưng ngón tay của bà như vẫn đang chỉ vào một góc nhà. Họ
đã cho đào bới góc nhà ấy và cuối cùng đã tìm thấy một hộp sắt, trong hộp có chứa tới 127.000 đô la, một món tiền khổng lồ. Nhưng số tiền lớn lao đó hiện tại lại không giúp ích gì được cho chủ nhân của nó.
4) KHÔN NGOAN CHUẨN BỊ GIỜ CHẾT SẼ ĐẾN :
Kho truyện cổ Tây Phương có kể truyện về một anh hề trong cung điện nhà
vua, được vua trao cho phủ việt là biểu tượng của vương quyền, để giúp vui cho
nhà vua.
Một hôm nhà vua truyền gọi anh hề lại gần và nói :
- Ngươi hãy giữ lấy cây phủ việt nầy cho đến khi tìm được một người khác
ngây ngô khờ dại hơn ngươi thì hãy trao cây phủ việt này lại cho hắn ta.
Từ đó, mỗi khi triều đình có tiệc thết đãi bá quan văn võ, anh hề đều được
vời đến giúp vui. Với cây phủ việt trên tay và với dáng điệu ngông nghênh, anh
hề đã rất thành công chọc cười mua vui cho nhà vua và quan khách. Rồi đến một
ngày, nhà vua bị lâm bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, vua liền
cho gọi anh hề lại gần và buồn rầu nói như tâm sự với anh :
- Này tên hề. Ta sắp sửa phải từ giã mọi người để đi du lịch đến một nơi rất xa.
- Thế Đức vua sắp đến nơi nào vậy ? anh hề hỏi.
- Ta cũng chẳng biết nữa.
- Thế Đức vua đi có lâu không ?
- Ta sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ trở lại nơi đây nữa.
- Thế Đức vua đã chuẩn bị hành trang mang theo chưa ?
- Chưa hề.
Anh hề liền cười hóm hỉnh và lễ phép tâu nhà vua như sau :
- Vậy xin mời Đức Vua hãy cầm lấy cây phủ việt nầy. Thảo dân xin trao nó lại
cho Đức Vua. Bởi vì mãi đến hôm nay thảo dân mới tìm được một người khờ dại hơn
thảo dân.
5) LUÔN TỈNH THỨC NHƯ MỘT NGƯỜI QUẢN GIA
TRUNG TÍN :
Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc. Nằm giữa
vườn là một tòa nhà tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn…
ai cũng phải công nhận vườn hoa đã được chủ vườn chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo óc
thẩm mỹ hiếm có. Một hôm một du khách đi qua nơi đây, thoáng nhìn khu vườn ông
thấy rất say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra cổng và chủ khách chào hỏi làm
quen với nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, phối hợp màu sắc…
câu chuyện dần dần đưa họ đến chỗ thân tình.
Du khách hỏi : “Xin lỗi ông cụ. Ông ở đây được bao lâu rồi ?”- “Khoảng 40 năm.” – “Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cây cảnh, chắc giờ này ông ấy có ở nhà ?” – “Ông ta không ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi” – “Ông ta có hay
trao đổi thư từ với cụ không ?” – “Không, ông ta bận lắm” – “Ông
không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ ?” – “Hàng tháng tôi đều nhận được ngân phiếu từ ông ta gửi qua bưu điện để
chi phí mọi sự cho khu vườn này” – “Thế tội gì cụ phải chăm sóc kỹ lưỡng thế
này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn công trình của cụ đâu ?” – “Tôi lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao
phó việc bảo quản chăm sóc khu vườn này, thì mình phải tận tụy làm việc chứ. Để bất cứ khi nào ông chủ trở về nhà, ông sẽ hài lòng với công việc tôi đang làm. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, thì chính tôi là người đầu tiên được thưởng ngoạn cảnh đẹp do tay mình chăm sóc”.
Người gia nhân trên đây thật đáng ca tụng. Ông làm việc không vì sợ nhưng
vì yêu, không vì cặp mắt của chủ mà vì tinh thần trách nhiệm. Ông coi việc của
chủ như việc của mình, nên đã hết lòng chu toàn công việc. Thái độ của ông
chính là thái độ mà Chúa muốn mỗi người chúng ta phải có khi phụng sự Chúa.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đã dạy chúng ta : “Hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi
chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa liền mở ngay cho chủ. Nếu canh hai hoặc
canh ba chủ trở về mà thấy như vậy thì phúc cho đầy tớ ấy”.
3. SUY NIỆM :
1) Tỉnh thức và sẵn sàng luôn : Tin mừng hôm
nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su thì cần
“Tỉnh thức và sẵn sàng” như sau:
-Như người đầy tớ trung tín (c 35-38) : Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong sự tỉnh thức,
giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới trở về nhà vào bất cứ giờ
nào trong đêm, để khi chủ vừa về tới gõ cửa là mở ngay.
-Như người
chủ nhà có trách nhiệm (c 39-40): Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh bị kẻ trộm đào ngạch
khoét vách nhà mình. Một người làm việc với tinh thần trách nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và bình an trong tâm hồn. Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã khuyên các tu sĩ dưới quyền rằng : “Hoa trái của thinh lặng là cầu
nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là đức ái. Hoa
trái của đức ái là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an“.
-Như người
quản gia trung tín và khôn ngoan (c 42-48) : Sự trung tín
khôn ngoan được biểu lộ qua việc người quản gia luôn chu toàn công việc bổn
phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân. Vào thời Hội
Thánh sơ khai, các tín hữu thành Tê-sa-lô-ni-ca đã tưởng lầm rằng ngày tận thế đã gần kề, nên có lối
sống buông thả, lười biếng không chịu làm việc. Do đó, thánh Phao-lô đã viết
thư chấn chỉnh lối sống ấy như sau : ”Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ
thị cho anh em : Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn. Thế
mà chúng tôi nghe nói : Trong anh em có một số người sống vô kỷ
luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô,
chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy : hãy ở yên mà
làm việc, để có của nuôi thân” (2 Ts 3,10-12).
2) Cụ thể phải tỉnh thức và sẵn sàng thế
nào ? :
- Sống tốt giây phút hiện tại : Hãy luôn ý thức để sống thật tốt giây phút hiện tại bằng việc chu toàn bổn phận
hằng ngày. Tránh chỉ lo tích trữ của cải cho mình, đừng quá bám víu vào những của
cải trần gian như Lời Chúa dạy : “Hỡi
đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của
Người cho anh em. Hãy bán của cải mình mà bố thí. Hãy sắm
lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể
hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng
không đục phá” (Lc 12,32-34).
- Chu toàn việc bổn phận : Đối với
những ai được Chúa trao quyền quản lý một gia đình, một dòng tu, giáo xứ, một tập đoàn lao động sản xuất... Hãy nhớ
rằng : Mọi quyền
bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Quyền bính là phương tiện để phục
vụ tha nhân. Người ta có thể lạm dụng quyền bính để phục vụ bản
thân và làm khổ kẻ khác, như tên quản lý trong bài Tin mừng đã : “Đánh đập tôi
trai tớ gái”, “chè chén say sưa” vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về. Hắn ta sẽ bị phạt
nặng vì đã biết ý Chúa mà cố tình bỏ bê việc bổn phận. Làm tốt việc bổn phận không phải là làm cho xong, mà phải làm với tinh thần
trách nhiệm cao và với lòng mến Chúa yêu người. Thi hào Tagore đã nói : "Tôi ngủ mơ thấy đời sống là vui. Tôi thức giấc thấy đời sống là bổn
phận. Tôi làm việc và thấy bổn phận chính là niềm vui".
- Sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ giờ nào : Sẵn sàng để biết sử dụng
của cải đúng theo ý Chúa : Cụ thể là chia
cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, góp phần nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người
già neo đơn và động viên an ủi nhưng người đau khổ bất hạnh…
- Ý thức chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng : Những ai không có tiền vẫn có thể làm việc tông đồ bằng sự phục vụ tha nhân. Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã
không cho người nghèo hay người bệnh tiền bạc vật chất, nhưng cho sự phục vụ
trong yêu thương. Đây cũng là một phương cách loan báo Tin Mưng hữu hiệu trong
xã hội hôm nay.
4. THẢO LUẬN : Bạn sẽ làm gì
để sẵn sàng đón cái chết đến bất ngờ ?
5. NGUYỆN
CẦU:
LẠY CHÚA
GIÊ-SU. Xin cho con biết tỉnh thức để đừng bao giờ ngủ quên trong những
đam mê lạc thú giả tạo. Xin cho con hiểu rằng : đồng tiền
chỉ là phương tiện giúp con nên hoàn thiện hơn, giúp con có điều kiện
thực thi bác ái là chia sẻ cơm áo cho người nghèo.- AMEN.
LM ĐAN VINH -
HHTM