CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN
Đường dẫn vào Nước Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 66:18-21; Dt 12:5-7, 11-13; Lc 13:22-30)
Đề tài
“Nước Thiên Chúa” là một trong những chủ đề cốt lõi lời giảng của Chúa
Giê-su. Chúa không ngại lập đi lập lại vấn
đề này và khai triển dưới những khía cạnh khác nhau. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày ý định ấy
của Chúa Giê-su và được giới hạn trong một đề tài thực tế: Đường dẫn vào Nước Thiên Chúa. Qua cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a (bài đọc 1),
khởi đầu của con đường là ý định của Thiên Chúa muốn tập họp mọi dân tộc và mọi
ngôn ngữ để làm thành Dân Mới của Thiên Chúa.
Trong một bài giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã khẳng định rằng
“Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”, trong khi
những kẻ được Thiên Chúa ưu đãi nhưng lại từ chối không muốn đi qua “cửa hẹp”
mà vào nên bị loại ra ngoài (bài Tin Mừng).
Một trong những hình thức “cửa hẹp” đã được đoạn thư Do-thái mô tả
là: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy”
(bài đọc 2).
1. “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của
Ta” (bài đọc 1: I-sai-a 66:18-21)
Sau khi
việc tạo dựng nhân loại đầu tiên bị phá đổ do tội lỗi và ma quỷ, Thiên Chúa đã
có một kế hoạch để tái tạo một nhân loại mới. Mặc cho ảnh hưởng của tội lỗi và ma quỷ mỗi
lúc một mạnh mẽ, Thiên Chúa vẫn âm thầm chuẩn bị kế hoạch của Người. Tuy nhiên đặc biệt qua nhiều vị ngôn sứ,
Thiên Chúa tiếp tục loan báo những việc Người sẽ làm để thực hiện lời hứa. Một trong những ngôn sứ ấy là I-sai-a. Trong bài đọc hôm nay, ngôn sứ hé lộ cho
chúng ta thấy giai đoạn cuối cùng của việc Thiên Chúa chuẩn bị thực hiện kế hoạch
cứu độ. Người phán: “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của
Ta”. Rõ ràng qua lời hứa này, người ta
nhận ra kế hoạch cứu độ không giới hạn cho riêng dân Ít-ra-en, nhưng cho “mọi
dân tộc và mọi ngôn ngữ”, nghĩa là cho toàn thể nhân loại. Thiên Chúa chỉ dùng lịch sử Ít-ra-en như bối
cảnh thực hiện kế hoạch cứu độ của Người.
Giữa dân tộc Ít-ra-en, Thiên Chúa sẽ đặt một dấu hiệu và sai những kẻ sống
sót của họ đến các dân tộc và các nơi xa xôi chưa hề được nghe nói đến
Thiên Chúa và được thấy vinh quang của Người.
Dấu hiệu ấy là cuộc thất trận lạ lùng của các nước liên minh chống lại
Giê-ru-sa-lem; sau khi chứng kiến dấu hiệu
này, những người Ít-ra-en sống sót sẽ đi khắp nơi rao giảng vị Thiên Chúa thật
của họ.
Tuy
nhiên, điều thực sự ngôn sứ I-sai-a muốn nói ở đây là ngài chỉ cho chúng ta thấy
về tương lai, tức việc thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Dấu hiệu nói lên kế hoạch ấy chính là Đức
Giê-su, Con Một Thiên Chúa đã sinh bởi Trinh Nữ Ma-ri-a trong nước
Ít-ra-en. Đúng vậy, Đức Giê-su sẽ rao giảng
cho nhân loại biết rằng Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để mọi kẻ
tin vào “dấu hiệu” ấy thì sẽ được cứu độ.
Sau khi sống lại, chiến thắng tội lỗi và sự chết, Chúa Giê-su đã sai các
môn đệ Người “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”,
để muôn dân được thấy “vinh quang” của tình yêu Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã thiết lập Nước Thiên Chúa và
các môn đệ Người có nhiệm vụ phải đưa tất cả những “anh chị em trong Đức Ki-tô”
thuộc mọi dân tộc về làm “lễ phẩm” tiến dâng Thiên Chúa. Con đường dẫn tới Nước Thiên Chúa là chính Đức
Giê-su Ki-tô. Nhưng con đường vào Nước
Thiên Chúa như thế nào thì chúng ta hãy nghe Chúa Giê-su nói trong bài Tin Mừng
hôm nay.
2. “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào Nước
Thiên Chúa. Có nhiều người sẽ tìm cách
vào mà không thể được” (bài Tin Mừng: Lu-ca 13:22-30)
Điều khiến
rất nhiều người ngạc nhiên là Chúa Giê-su quả quyết rằng ai muốn vào Nước Trời thì
phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”.
Chắc chắn Chúa Giê-su không muốn làm chúng ta nản lòng, nhưng Người muốn
chúng ta biết sự thật là “nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Qua cửa hẹp chỉ khó khi chúng ta không muốn vất
bỏ những “hành lý kềnh càng”. Đó chính
là lý do tại sao Chúa đòi hỏi rằng ai muốn theo Người thì phải “từ bỏ mình, vác
thập giá hằng ngày”. Cửa hẹp này là lối
sống của Chúa Giê-su, đối nghịch với lối sống buông thả và tội lỗi của thế
gian. Bước theo lối sống này, chúng ta
phải chấp nhận hy sinh khi phải từ bỏ lối sống của thế gian. Chúng ta hãy nghe Chúa Giê-su mô tả những kẻ
không chấp nhận lối sống của Người. Người
ví mình như “chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại”. Còn những kẻ từ chối “qua cửa hẹp” thì đứng ở
ngoài và bắt đầu gõ cửa xin Người cho họ vào nhà. Nhưng Chúa trả lời: Ta không biết các ngươi! Họ mới thưa Người rằng: Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt
Ngài, nghe Ngài giảng dạy! Nhưng Chúa sẽ
đáp lại: Ta không biết các ngươi từ đâu
đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi những
quân làm điều bất chính! Quả thực là ghê
sợ! Lời Chúa kết án họ là “quân làm điều
bất chính” chắc chắn khiến chúng ta phải rùng mình sợ hãi. Chúng ta hãy nhìn lại chính mình và đừng khoe
khoang là “chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, nghe Ngài giảng dạy
trên đường phố chúng tôi”. Đừng vội khoe
mình rước lễ hằng ngày, tức là ăn uống trước mặt Chúa, hoặc nghe Người giảng dạy
qua Lời Chúa và bài giảng chia sẻ Lời Chúa của linh mục. Bao lần chúng ta “ăn uống” một cách bất xứng
hoặc lắng nghe Lời Chúa một cách vô cùng thờ ơ.
Rồi biết bao lần chúng ta sống như “quân làm điều bất chính” trong cuộc
sống chúng ta. Tất cả những điều ấy rõ
ràng nói lên rằng chúng ta không “thuộc về” Chúa, cho nên Chúa trả lời “Ta
không biết các anh từ đâu đến” là đúng rồi.
Có lẽ
chúng ta cũng nên suy nghĩ về câu kết luận của Chúa sau khi Người nhận xét về
tình trạng những người Ít-ra-en không chịu đón nhận Nước Thiên Chúa do Người
thiết lập. Người bảo “Thiên hạ sẽ từ
đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, còn các anh thì bị đuổi ra
ngoài”. Họ bị đuổi ra ngoài vì họ không
muốn “sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Chúng ta cũng sẽ bị như vậy, nếu chúng ta không sám hối, tức là thay đổi
lối sống theo lối sống Tin Mừng!
Sống sứ điệp Lời
Chúa
3. Sống tinh thần “qua cửa hẹp” theo đề nghị của
thư Do-thái (bài đọc 2: Do-thái 12:5-7, 11-13)
Chúng ta
vừa nghe Chúa Giê-su đề cập đến việc chiến đấu qua cửa hẹp để vào Nước Thiên
Chúa. Ngoài việc từ bỏ mình và vác thập
giá hằng ngày theo Chúa, chúng ta còn một cách nữa để chiến đấu qua cửa hẹp, đó
là để cho Chúa sửa dạy chúng ta, giúp chúng ta trở nên giống Chúa Ki-tô mỗi
ngày một hơn. Người Việt chúng ta thường
nói: Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt
cho bùi. Đối với Chúa còn hơn thế nữa,
vì có tình yêu nào sánh được với tình yêu Thiên Chúa. Do đó, “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy,
và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt”. Tình yêu của cha mẹ là động lực để họ sửa dạy
con cái. Cũng thế, Chúa càng yêu thương
ta thì Người càng sửa dạy ta thật kỹ lưỡng, để chúng ta cũng được hoàn hảo như
Cha trên trời là Đấng hoàn hảo. Vậy chấp
nhận để Chúa sửa dạy và vui vì được Chúa sửa dạy chẳng khác gì là một hình thức
“qua cửa hẹp”, vì “ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy
buồn phiền”. Tuy nhiên sau khi đi qua cửa
hẹp sửa dạy, chúng ta “sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính”.
Việc sửa
dạy của Chúa không “kinh khủng” đến nỗi làm chúng ta khiếp sợ đâu. Nhưng bình thường Chúa sửa dạy chúng ta rất
nhẹ nhàng như người mẹ dạy con. Không biết
bạn có dịp xem bức tranh “Người con hoang đàng” do họa sĩ Rembrandt vẽ
chưa? Bức tranh lạ lắm. Người cha có hai bàn tay khác nhau: một bàn tay thì gân guốc và cứng rắn của người
cha, nhưng bàn tay kia thì mịn màng và dịu dàng như bàn tay người mẹ. Chúa không sửa dạy ta bằng bàn tay cứng ngắc,
nhưng bằng bàn tay của người mẹ. Vì thế,
chúng ta đừng sợ hãi gì cả. Cảm giác được
bàn tay người mẹ đặt trên đầu trên vai chắc chắn sẽ là cảm giác đầy sung sướng
hạnh phúc. Vào cuối mỗi ngày, khi bạn
xét mình để cảm tạ Chúa và xin ơn tha thứ chính là lúc bạn bước qua cửa hẹp, để
bạn cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và trở nên người con dễ thương hơn của
Người.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi