Hiền lành, đức tính của bậc
anh hùng
SUY
NIỆM CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C
(Lc 14, 1a.7-14)
Chúng ta đang sống trong một thế giới tự cao tự đại, kiêu ngạo,
giả hình, háo danh, đề cao quyền lực và lợi nhuận, say mê thống trị và chiếm
đoạt, bè phái và chia rẽ. Sự dịu dàng, hiền lành đang dần vắng bóng, thay vào
đó là sự cộc cằn, thô lỗ, hay nóng giận và thù hằn. Lòng khiêm nhường lại càng
hiếm hoi, khi người ta sống theo chủ nghĩa khoe khoang, thích thể hiện, tự phụ,
cậy vào tài năng của mình và đề cao cái tôi.
Trong thực tế, khiêm nhường là đặc
điểm chung của các nhà lãnh đạo tuyệt vời, các vị cao sang đều mến chuộng đức
khiêm nhường. Lịch sử nhân loại đã không có ít bậc danh nhân vì chán ghét cảnh
tranh chấp quan trường mà cáo quan về ở ẩn. Họ luôn giữ cho lòng mình trong
sáng, tinh thần khiêm tốn, thanh cao. Hiền lành và khiêm nhương không phải là
thái độ của kẻ hèn nhát, sẵn sàng chịu khuất phục, nhưng là đức tính của bậc
anh hùng, của người đã làm chủ được bản thân mình. Chỉ ai khiêm nhường mới có
khả năng yêu thương thực sự. Và chỉ ai yêu thương thực sự mới thích sống hiền
hậu và khiêm nhường. Người ăn ở khiêm nhường chẳng những được người đời kính
trọng mà cả Thiên Chúa cũng yêu thích kẻ khiêm nhường. Lời Chúa trong sách
Huấn Ca dạy : Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa. "Hỡi
con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp
lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con
sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và
mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa" (Hc 3, 19-21. 30-31).
Lời Chúa trích Sách Khôn Ngoan khuyên chúng ta hãy ở khiêm nhường.
Kẻ khiêm nhường: vừa đẹp lòng người vừa đẹp lòng Chúa. Người hiền lành thì thu
phục nhân tâm, cứu vãn tình bạn và cảm hóa được lòng người. Ai cũng muốn kết
giao và quí trọng người hiền lành. Tiếp xúc với người hiền lành, chúng ta thấy
nhẹ nhàng thoải mái, bởi vì họ luôn hòa nhã và chân thành, bản thân họ cũng sẽ
đạt được nhiều quả ngọt trong cuộc sống. Người hiền lành sống chân thành, vị
tha, biết nhẫn nại và kiềm chế, đối xử mọi người như nhau. Người hiền lành ai
cũng muốn tới gần. Sự hiền lành thường đi song song với khiêm tốn. Hiền lành là
một trong tám mối phúc : "Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm
sản nghiệp" (Mt,5,5). Người hiền lành là người bình tĩnh, đơn giản,
nhẹ nhàng, vâng phục và hòa bình, đối xử tốt với người khác và không cãi vã với
ai, được người khác quý mến và chiến thắng sự giận dữ.
Bằng dụ ngôn khách được mời tới dự tiệc
cưới, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy khiêm nhường dành chỗ nhất, chỗ trọng cho
người khác : "Đừng tìm kiếm chỗ nhất ". Chúa biết chúng
ta thường thích chỗ nhất ở nơi công cộng, trong nhà cũng như ngoài phố, nơi hội
họp cũng như bàn ăn… Người biết ý
định của chúng ta, nên Người khuyên chúng ta : "Khi anh được mời đi ăn
cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất" (Lc 14,8).
Chỗ nhất là chỗ quan trọng nhất. Ta chọn
ngồi chỗ nhất là vì ta thấy mình quan trọng, xứng đáng được hưởng vinh dự đó...
Tiếc thay, chỗ nhất chỉ có một chứ không có nhiều, nên người ta phải tranh
giành nhau bằng mọi thủ đoạn để chiếm được và giữ được chỗ nhất cho mình. Những
cuộc tranh giành như thế vẫn diễn ra nơi gia đình, trong cộng đoàn, trong nhóm,
trong giáo xứ, giữa các quốc gia... Ở đâu có hai người trở lên là có đụng chạm,
chỉ vì có một chỗ nhất. Vì thế Chúa Giêsu khuyên bảo ta: "Phàm ai tôn
mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc
14,11). Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống. Ai
thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ, sẽ được Thiên Chúa tôn lên. Ai tự nâng
mình lên thì không có giá trị gì. Ai được người khác nâng lên, tuy có giá trị
đó, nhưng rất mong manh. Ai được Thiên Chúa nâng lên, giá trị đó mới thực cao
quý và bền vững. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, còn ai tự hạ thì rồi được tôn.
Vì muốn chọn chỗ nhất, nên ngươi ta thường
thích giao du với người có thế giá, có học, có của, để dễ nhờ vả khi cần. Chính
vì thế mà xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi, vì nghèo túng, vì kém cỏi về
mọi mặt. Chúa Giêsu dẫn chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi, để đi vào thế
giới của những người bất hạnh, giảm bớt sự kiêu căng, nâng cao đức khiêm
nhường.
Lạy Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm
nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ