CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê-su, con đường của đức khiêm nhường
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Hc 3:17-18, 20, 28-29; Dt 12:18-19, 22-24a; Lc 14:1, 7-14)
Con đường
dẫn vào Nước Thiên Chúa chính là Đức Ki-tô và lối sống Tin Mừng của Người. Để tiếp tục đi trên con đường này, đức tính
căn bản Ki-tô hữu phải có chính là nhân đức khiêm nhường. Như vậy có thể nói Lời Chúa hôm nay tiếp nối
đề tài tuần trước và trình bày đức khiêm nhường dưới ba cái nhìn theo: tác giả sách Huấn ca, thư Do-thái và lời giảng
của Chúa Giê-su. Sách Huấn ca lập lại
nguyên tắc “Càng tự hạ, con sẽ được đẹp lòng Thiên Chúa”, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến thái độ tự khiêm tự hạ
của những người làm lớn. Thư Do-thái cho
ta thấy đức khiêm nhường là con đường đưa Thiên Chúa đến với ta, và ngược lại
đưa ta đến với “vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su”, gương mẫu của việc tự
hạ. Sau hết, nhân dịp quan sát các khách
được mời tranh giành chỗ ngồi trong một bữa tiệc, Chúa Giê-su nêu lên một khuôn
vàng thức ngọc: “Phàm ai tôn mình lên sẽ
bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được
tôn lên”.
1.
“Càng tự hạ, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (bài đọc 1: Huấn ca 3:17-18, 20, 28-29)
Ông
Giê-su con ông Xi-ra là tác giả sách Huấn ca.
Khi viết sách này, ông muốn chia sẻ những điều ông đã học được trong
Sách Thánh và những kinh nghiệm sống của ông.
Đề tài của bài đọc 1 hôm nay thực ra là nói về đức khiêm nhường. Tuy nhiên để giúp ta hiểu rõ khiêm nhường là
gì, bài đọc đã trích dẫn thêm đoạn nói về sự kiêu ngạo để diễn tả sự đối nghịch
giữa khiêm nhường và kiêu ngạo.
Trước hết,
đức khiêm nhường được biểu lộ qua cung cách của chúng ta khi hoàn tất được điều
gì đó. Sau khi làm được một việc tốt,
chúng ta thường dễ bị cám dỗ phô trương thành quả của mình. Đây có thể là bước đầu đưa ta đến thái độ
vênh vang tự đắc. Vì thế, sách Huấn ca khuyên
ta hãy “nhũn nhặn” và như thế chúng ta sẽ được mọi người mến yêu. Thường những người làm lớn lại thấy việc phô
trương thành quả là cần thiết để củng cố địa vị và danh tiếng của họ. Điều này rõ rệt nhất nơi các người làm chính
trị và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm
của sách Huấn ca hoàn toàn ngược lại:
“Càng làm lớn, con càng phải tự hạ”.
Chúa Giê-su cũng nói đến điều này với các môn đệ sau khi hai người con
ông Dê-bê-đê đến xin Chúa cho họ được ngồi bên phải và bên trái Người lúc Người
được vinh quang. Nhưng Chúa dạy: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người
phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em
thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mác-cô 10:43-44).
Một điều
căn bản về đức khiêm nhường cũng được đề cập tới: đức khiêm nhường giúp ta tôn vinh quyền năng
Thiên Chúa. Có lẽ câu chuyện thích hợp
nhất nói lên chân lý này, đó là câu chuyện các thiên thần vâng phục Thiên Chúa
dưới sự lãnh đạo của Tổng Lãnh Mi-ca-e và các thiên thần chống lại Thiên Chúa
dưới sự lãnh đạo của Lu-xi-phe. Trong
khi Tổng Lãnh Mi-ca-e hỏi: “Ai bằng
Thiên Chúa?” thì Lu-xi-phe hô hào: “Tôi
không phục vụ Thiên Chúa”. Ngoài ra, gương
mẫu tôn vinh quyền năng Thiên Chúa thì Mẹ Ma-ri-a là người đứng đầu. Chính vì Mẹ coi mình là “tôi tớ” của Thiên
Chúa, sẵn sàng thưa “Xin vâng” trước thánh ý của Người và hoàn toàn cộng tác
vào công cuộc cứu độ của Người, nên Mẹ đã làm cho Người được tôn vinh!
Trái nghịch
với người khiêm nhường là kẻ kiêu ngạo.
Sách Huấn ca chỉ đan cử một thí dụ thôi cũng đủ nói lên số phận của kẻ
kiêu ngạo, đó là khi nó “lâm cảnh khốn cùng”.
Kẻ kiêu ngạo vốn vỗ ngực cho mình là tài giỏi, tự sức mình có thể làm được
bất cứ điều gì mà không cần ai giúp đỡ.
Trước mặt Thiên Chúa, kẻ kiêu ngạo thấy mình không cần đến Người và sự
giúp đỡ của Người. Trái lại, người khiêm
nhường luôn ý thức mình cần đến Thiên Chúa.
Họ tâm niệm lời dạy của Chúa Giê-su:
“Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Gio-an 15:5). Trước mặt Thiên Chúa, người khiêm nhường nhận
biết thân phận “đất bụi” của mình, bởi vì mình đã được Đấng Tạo Hóa dựng nên từ
đất bụi. Từ humilitas (đức khiêm nhường) trong tiếng La-tinh là bởi từ humus nghĩa là đất bụi.
2. Đức
khiêm nhường là con đường đưa chúng ta đến với vị Trung Gian giao ước mới là
Chúa Giê-su (bài đọc 2: Do-thái 12:18-19, 22-24a)
Trong
khi sách Huấn ca nói về sự đối nghịch giữa người khiêm nhường và kẻ kiêu ngạo,
thì đoạn thư Do-thái lại trình bày đức khiêm nhường dưới cái nhìn thần học. Đức khiêm nhường được mô tả như đường dẫn ta
đến cùng vị Trung Gian giao ước mới là Chúa Giê-su. Thực ra tác giả thư Do-thái muốn so sánh hai
cách thức chúng ta đến với Thiên Chúa:
thời Cựu Ước, dân Chúa đến cùng Thiên Chúa trên núi Xi-nai trong khung cảnh
uy nghi và đáng sợ; còn thời nay, chúng
ta đến với vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su tại núi Xi-on trong khung cảnh
thiên giới. Chúng ta đến với Thiên Chúa
qua vị Trung Gian giao ước mới là Chúa Giê-su.
Người đã trút bỏ vinh quang uy quyền của Thiên Chúa để xuống thế làm người
phàm sống giữa chúng ta (Gio-an 1:14).
Người chọn con đường khiêm nhường mà sống giữa chúng ta để chúng ta có
thể dễ dàng đến với Người trong Giáo Hội.
Chúng ta đã tới núi Xi-on. Điều
này có ý nghĩa gì? Đối với người Do-thái
thời ấy, núi Xi-on là hình ảnh của thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời. Nhưng với Ki-tô hữu, núi Xi-on cũng là hình ảnh
Giáo Hội, nơi quy tụ nhưng kẻ tới “dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên
Chúa là những kẻ đã được ghi tên trên trời”.
Khi chúng ta được rửa tội và nhận vào Giáo Hội chính là lúc chúng ta cảm
nghiệm ở mức độ nào đó như mình đang được sống trong “cảnh vực thần linh” của
gia đình Thiên Chúa, gồm các thánh và các thiên thần. Đó cũng là lúc chúng ta cảm nhận mình “đã tới
núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống”, được gặp gỡ Thiên Chúa làm người,
Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.
Người mời gọi: “Anh em hãy học với
tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mát-thêu 11:29).
3.
“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (bài Tin Mừng: Lu-ca 14:1, 7-14)
Trong đám
tiệc hoặc đám bạc, bao nhiêu tính xấu con người dễ dàng lộ ra hết! Chúa Giê-su được mời đến dự tiệc tại nhà một
ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu. Đâu phải mọi
người Pha-ri-sêu đều là kẻ thù của Chúa.
Chúa quan sát và thấy rõ cảnh khách dự tiệc “cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”,
nên Người “nhắc khéo” họ bằng một câu chuyện dụ ngôn. Chẳng lẽ đến dự tiệc do một người bạn mời mà
Chúa lại nghiêm khắc “lên lớp” thì thật là quá đáng! Thực ra Chúa Giê-su chỉ khai triển một câu
trong sách Châm ngôn (25:6) mà các ông Pha-ri-sêu chắc chắn đã biết. Câu ấy là:
“Trước long nhan, đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng”. Câu Châm ngôn vẽ ra cảnh các thần dân đang ở
trước mặt đức vua. Vậy thái độ khôn
ngoan của mọi người là đừng lên mặt kiêu kỳ, vì so với vua, mình là ai mà dám
lên mặt kiêu căng hoặc buông lời phạm thượng.
Coi chừng cái đầu không còn hoặc được bóc lịch cả đời trong nhà tù đấy! Cũng vậy, giữa một đám thần dân và quan chức,
bạn đừng xớ rớ “đứng vào chỗ của hàng vị vọng”, vì chắc chắn người ta sẽ lôi cổ
bạn ra khỏi chỗ của người khác. Câu Kinh
Thánh trên chỉ khuyên người ta hãy có thái độ khiêm nhường trong các quan hệ
ngoại giao, nay được Chúa Giê-su chuyển thành một câu chuyện dụ ngôn để gửi đến
chúng ta một thông điệp: Phàm ai tôn
mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình
xuống sẽ được tôn lên.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Khiêm nhường
là thái độ phù hợp với con cái Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa hay Giáo Hội không phải là một quốc gia trần thế hay một
tổ chức dân sự. Là con cái Thiên Chúa và
anh chị em trong Chúa Ki-tô, chúng ta được kêu gọi hãy sống tinh thần khiêm nhường
trong phục vụ. Trong mọi lãnh vực sinh
hoạt trần tục, người ta cố gắng giẫm lên người khác để chiếm được địa vị cao
hơn. Còn Ki-tô hữu chúng ta thì khác,
chúng ta bước theo con đường khiêm nhu là chính Chúa Giê-su, để ưu ái chăm sóc
cho những người chung quanh, nhất là những người cần chúng ta giúp đỡ. “Vì Con Người đến không phải để được người ta
phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”
(Mác-cô 10:45). Lời kêu gọi này cũng là
một thứ “cửa hẹp” cho chúng ta vào Nước Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy qua cửa hẹp mà đến với Chúa
Giê-su
.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi