Tại Sao Chúa Giêsu Lại Quá Mạnh Mẽ?

Chúa Nhật 23 TN, C

Các bài đọc: Wisdom 9:13-18, Psm 90:3-4, 5-6, 12-13, 14-17, Philemon 1:9-10, 12-17, Luke 14:25-33

Lm. Denis J.  Hanly, dòng Maryknoll

 

Phần mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay hẳn là một trong những điểm gây chú ý nhiều nhất trong tất cả các câu chuyện kể về Chúa Giê-su.

Tôi không biết điều đó có làm bạn khó chịu không, nhưng tôi thì khó chịu khi nghe Chúa Giêsu nói thế này:

Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Câu nói này thật mạnh mẽ.

Và tất nhiên, nhiều người am hiểu Kinh Thánh khi giải thích điều này cho chúng ta đã cố gắng làm nhẹ bớt sức mạnh của câu nói. Họ trưng ra rằng trong tiếng Híp-ri, ngược lại động từ ghét không phải là động từ yêu, nhưng là động từ "thích hơn", cho nên giả như Chúa Giêsu nói bằng tiếng Anh, thì từ ghét sẽ không mạnh nghĩa như trong ngôn ngữ Chúa Giê-su sử dụng. Nhưng bạn biết đấy, có điều gì đó khiến tôi bực mình là khi bạn dùng một từ nhưng bạn lại sợ từ ấy nên bạn cố gắng làm cho từ ấy nghe dễ thương để mọi người có thể ra về vui vẻ. Có lẽ chúng ta nên nhìn vào bối cảnh. Có lẽ chúng ta nên nhìn vào Chúa Giêsu. Nếu như chúng ta thấy Chúa đang trên đường lên Jerusalem, trên đường phải trải qua những đau khổ thật kinh hãi, trên đường bị từ chối, trên đường bị các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn, lính Rô-ma đội mạo gai lên đầu Người, cười nhạo Người, không ai buồn giúp đỡ Người, không ai ở bên Người. Rồi Người biết rõ điều này đang khi Người đi với các môn đệ là những người thấp cổ bé họng đã đi theo Người. Và điều đầu tiên bạn thắc mắc là "Tại sao Chúa Giêsu lại mạnh mẽ như vậy?" và tôi nghĩ điều trước tiên là Chúa Giêsu đang nói với chính mình. Người phải kiên quyết. Người phải quyết tâm. Người sẽ phải làm điều đó một mình.

Chúa đến để cứu thế gian, cứu thế gian bằng đau đớn và buồn sầu, bằng sự chối bỏ và mọi điều mà các môn đệ của Người đều khiếp sợ và không bao giờ muốn dấn thân vào. Các môn đệ lúc nào cũng tìm kiếm những điều tốt đẹp, giống như chúng ta khi còn bé cầu xin Chúa cho mình nào kem lạnh, nào xe đạp và đủ thứ. Và bạn thấy đấy, chúng ta luôn nghĩ rằng đi theo Chúa Giê-su là chúng ta sẽ được mọi thứ tốt đẹp, bởi vì chính Người tràn đầy yêu thương và hằng luôn chăm sóc. Và điếu ấy là thật. Nhưng Chúa Giêsu thì đang mong muốn một điều khác nơi các môn đệ Người. Chúa mong họ phải cương quyết, lòng không vương vấn, triệt để và dứt khoát dấn thân cho cuộc sống của Người, vì Người sắp kết thúc nó và Người sẽ sống lại để cứu thế gian nhờ của lễ tình yêu cao cả của Người. Nhưng điều cứu độ trần gian là Người đến ở giữa chúng ta và Người đòi chúng ta thực hiện cùng một cuộc dấn thân như Người, đó là: hoàn toàn dứt bỏ. Người không nói là Người chẳng yêu mến cha mẹ và những người khác. Nhưng Người nói là “Ta đã đến để cứu thế gian và đã đến để cứu họ bằng tình yêu hy sinh. “Và đó là cách duy nhất để cứu thế gian. Các con phải hy sinh và yêu bằng hy sinh. Đó không phải là một chuỗi tập hợp. Đó không phải là một điệu nhảy nhót vui vẻ. Nhưng đó là một cam kết mà các con phải thực hiện từ trong đáy lòng và Ta ở đó bởi vì các con đang thực hiện điều ấy cho Ta.

Sự quyết tâm đôi khi rất quan trọng.

Tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện vui, nhưng rất ý nghĩa về việc quyết tâm.

Người phóng viên đến thăm một nhà lãnh đạo rất nổi tiếng sống trong một khu rừng bên châu Phi và quanh ông là mười người cố vấn. Nhà lãnh đạo đang ngồi trên ngai vàng thì phóng viên đến gần ông và hỏi, "Tại sao mười cố vấn của ngài ai cũng chỉ có một cánh tay?" Và vị tù trưởng quyền uy nhìn anh ta và nói, “Khi tôi tính xây dựng một quốc gia thì tôi được gì? Mỗi khi tôi yêu cầu họ tư vấn cho tôi, họ nói, ‘Một mặt thì… Và mặt khác thì… (‘On the one hand … And on the other hand). Thế là tôi quyết định chặt một cánh tay của họ để xem liệu chúng tôi có tạo được một quốc gia hay không."

Điều này thật ra là buồn cười, vậy các bạn đừng tỏ ra nghiêm túc nữa nhé.

Nhưng sự thật là các bạn đã mệt mỏi rồi. Sẽ có lúc trong đời, các bạn phải nghiêm túc trong mọi sự. Không đùa được đâu. Các bạn đang bước vào thung lũng bóng tối.

Đức tin là như thế này. Đức tin các bạn có không phải vì cha mẹ các bạn đã dạy các bạn tin. Đức tin đến từ cảm nhận việc bước đi trong cuộc sống một cách vô cùng khác biệt mà không có niềm tin, không niềm hy vọng và không có tình yêu. Điều Chúa Giê-su muốn nói là “Bất cứ điều gì hiện diện trên đường các con đi, hiện diện trên đường các con theo Thầy đang khi chúng ta  đồng hành với một mục đích cao cả là mang tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa đến toàn thế giới, thì chúng ta đang làm đấy, nhưng các con phải cam kết thực thi. Các con phải hết lòng, hết linh hồn”. Trên đường đi, Chúa Giêsu nói: “Tất cả những gì hiện diện trên đường các con đang ôm ấp bất cứ điều gì đem lại tình yêu, đem lại sự tha thứ, đem lại hy vọng mới, đem lại niềm tin mới cho con người…, thì “Các con hãy ôm lấy chúng bằng tất cả trái tim mình. 

Nhưng nếu có điều gì hiện diện trên con đường và người ta bảo ‘Thôi, có lẽ để năm sau,' hoặc 'Có thể bạn cố gắng quá nhiều rồi', hoặc 'Có thể thế này hoặc có thể thế kia', thì các con phải mãnh liệt chống lại và bỏ đi”.

Tôi muốn kể cho bạn một thí dụ. Tôi giữ mãi trong lòng vì đó là người bạn thân nhất của tôi, một thanh niên rất dễ thương và khi sinh ra thì không phải là người Công giáo nhưng đã trở thành một người Công giáo.  Anh cũng là một ca sĩ tuyệt vời. Anh quyết định muốn trở thành một linh mục dòng Maryknoll. Nhưng cha anh nói, "Không được làm thế." Anh vào chủng viện. Rồi đến lúc sắp chịu chức linh mục, cha anh bảo anh: "Nếu anh chịu chức trong Giáo Hội Công giáo thì anh phải ra khỏi ngôi nhà này và tôi sẽ không bao giờ muốn gặp mặt anh nữa." Anh ta tan nát cõi lòng. Nhưng có điều gì đó sâu thẳm trong anh cứ nói: "Tôi phải làm điều này." Thế rồi anh đã làm được. Anh đã làm được điều đó vì anh cảm thấy mình hiểu được Chúa Giêsu chịu đau khổ và anh biết chính Chúa Giêsu chịu đau khổ đã mời gọi anh cùng Người bước vào một thế giới mới.

Tôi muốn nói rằng câu chuyện ấy kết thúc có hậu. Người cha đã chết mà không bao giờ nói chuyện được với con trai mình. Còn người con thì một phần trong lòng vẫn mong đợi sự tha thứ của cha mình.

Điều Chúa Giêsu thực sự muốn nói là thế này:

“Ta cho con mạng sống của Ta. Con cho Ta mạng sống của con.

“Ta cho đi mà không tính toán giá cả. Vậy con cũng cho Ta mạng sống của con mà không tính toán.

“Ta cho con mạng sống Ta để dạy con yêu thương như Ta yêu thương. Con cho Ta mạng sống của con để nhận lãnh tình yêu của Ta và mang tình yêu ấy đến cho người khác.

“Ta khởi đầu một sứ vụ. Con hãy tiếp tục nó.

“Nhưng khi tiếp tục như vậy, Ta sẽ không bao giờ, không bao giờ xa con. Ta sẽ ở bên con mọi ngày, thậm chí đến tận thế.”

Về cơ bản, đó là một cuộc hôn nhân mà Chúa Giêsu muốn nói đến. Phải, đó là một cuộc hôn nhân.

Như bạn biết, trong hôn nhân khi hai người kết hôn trong Giáo hội Công giáo, họ đã trao cho nhau hoàn toàn cuộc sống của họ. Linh mục không kết hôn cho họ, Giáo hội không kết hôn cho họ, Thiên Chúa không kết hôn cho họ - nhưng với sự tự do và ưng thuận, họ hiến thân cho nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc nghèo khó, cho đến chết. Đấy cũng là điều Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ.

Ưng thuận là một từ rất quan trọng.

Tôi đã làm phép cưới cho khoảng tám cặp trong ba tuần qua ở đây và mọi người đều vấp váp với từ “ưng thuận”. Sự ưng thuận có nghĩa như thế này: người ta không đòi hai người phải trao thân cho nhau trong hôn nhân, lúc mạnh khỏe cũng như khi ốm đau, lúc thịnh vượng cũng như khi hoạn nạn, cho đến chết.  Người ta không đòi hỏi họ như thế, để nếu có khó khăn xảy đến, thì họ sẽ nói: “Ồ, hôn nhân là như vậy đấy. Chúng tôi vẫn kết hôn mà." Sự ưng thuận có nghĩa là, "Tôi trao cuộc sống của tôi cho bạn, với tất cả những gì có thể, khổ đau, khó khăn và hiểu lầm cùng tất cả những điều khác nữa, nhưng tôi ưng thuận cuộc hôn nhân này và ưng thuận việc kết hợp này." Vậy sự khác biệt là thế nào? Phải, nếu bạn đã từng sống bậc hôn nhân thì có những lúc khó khăn và bạn luôn phàn nàn. Nhưng sự ưng thuận không cho phép bạn làm điều đó. Sự ưng thuận sẽ bảo: "Ngay cả khi những lúc tồi tệ nhất xảy ra, tôi vẫn nói:" Ưng thuận!" Đó là ý nghĩa của sự ưng thuận. Sự ưng thuận đã được lập lại ba lần trong lễ cưới: "Bạn có bằng lòng… không?" "Thưa có!" "Bạn có bằng lòng… không?" "Thưa có!" "Bạn có bằng lòng… không?" "Thưa có!"

Và đây là thứ cam kết mà Chúa Giêsu đang nói đến. Còn nếu cha mẹ bạn không thích hoặc bạn gặp rắc rối với mọi người hay vì thế này hay thế khác thì sao? Không thành vấn đề. Nó không liên quan gì đến họ. Bạn biết đấy, đó là lời ưng thuận khởi đầu cho tất cả điều này: bạn phải ghét mẹ mình, ghét cha mình, ghét anh trai, ghét chị gái - bởi vì họ sẽ lấy đi sự ưng thuận khỏi bạn, tuy không có ý nghĩa đối với họ, nhưng ý nghĩa đối với tâm hồn bạn. Điều ấy chỉ có nghĩa là họ không đi theo đường lối của những gì Chúa muốn.

Và đây chính là điều Chúa Giê-su muốn nói với các môn đệ:

‘Phải, các con yêu mến mẹ các con. Phải, các con yêu mến cha các con. Nhưng khi chọn Thầy, các con chỉ được chọn Thầy và chỉ chọn Thầy mà thôi. Giờ đây điều đó sẽ khơi dậy những cảm nghĩ cao cả. Điều đó rất khó thực hiện phải không? Thầy đã mất nhiều năm trời mới đạt được.’

Nhưng tôi sẽ kể cho anh chị em một câu chuyện hay. Có lẽ anh chị em đã nghe câu chuyện này rồi. Đó là một trong những câu chuyện tôi yêu thích và sau đó tôi sẽ kết thúc bằng câu chuyện này. Cần có có sự can đảm. Không cần khối óc, không cần tài năng - nhưng cần sự can đảm. Và bạn đã đủ can đảm để thực hiện những thứ cam kết này, cam kết hôn nhân, cam kết giữ lời bạn nói.

Và đây là câu chuyện: Một ngày nọ, bác nông dân đi ra ngoài.  Bác sống gần ngọn núi có vách đá cao. Bác đi ra ngoài chơi và ở dưới chân vách đá, bác thấy một cái tổ của con đại bàng nhỏ. Cái tổ từ trên cao rơi xuống. Còn chim đại bàng mẹ, không biết chuyện gì đã xảy ra nên không bao giờ xuất hiện nữa. Vậy, tội nghiệp con đại bàng con đang ở trong tổ lại bị thương, nên bác nông dân đã mang nó về nhà và để nó sống với đàn gà bác đang nuôi. Bạn biết đấy, cũng là loài chim cả, nên bác đã để đại bàng con sống chung với các con gà. Rồi bác đã nuôi đại bàng con và chăm sóc nó. Đại bàng con càng ngày càng lớn. Cuối cùng bác nông dân rất hạnh phúc, bác nhìn con đại bàng và thấy đôi cánh của nó sải rộng đáng kinh ngạc nên bác nói với đại bàng, "Bây giờ đã đến lúc rồi." Cho nên bác đem con đại bàng lên đỉnh vách đá và tung nó lên không trung. Nhưng con đại bàng rơi bịch xuống đất và sau đó nó bắt đầu nhảy loanh quanh… như một con gà. Sau đó bác thử lại lần nữa. Rồi bác khẩn khoản nói với con đại bàng: "Mày là một con đại bàng. Mày được sinh ra để bay lượn trong bầu trời, đương đầu với gió và bay đến tận mặt trăng." Còn con đại bàng thì chỉ biết “rơi xuống cái bịch" và sau đó chạy lòng vòng. Hết lần này đến lần khác, bác nông dân đã cố gắng để giúp con đại bàng bay lên… Bác nói: "Giờ thì tao phải đem mày về lại nhà." Thế là bác đã mang nó trở lại với đàn gà và để nó sống ở đó. Rồi bác rất buồn nói với nó: "Mày có đôi cánh đại bàng, nhưng lại có tâm hồn của con gà."

Đây là một câu chuyện hay vì tất cả chúng ta đều giống như vậy. Chúng ta được nuôi dưỡng trong một môi trường tại đó chúng ta biết được thế nào là đại bàng tung cánh, ngoại trừ không biết Chúa có kêu gọi chúng ta bay cao như đại bang không?

Vì thế điều quan trọng phải nhớ, là khi Chúa Giêsu nói điều này, thì đó chính là lời mời hãy bay vút cao như đại bàng.

Và vì thế ngoài bạn ra, không ai có quyền nói “Xin vâng” để quyết định khi Chúa Giê-su bảo bạn:  “Hãy theo Thầy”.

Ngày 5-9-2010

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://fatherhanly.com/

 

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C