CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN
Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Kn 9:13-18;
Plm 9b-10, 12-17; Lc 14:25-33)
Trong phần
đầu kinh Lạy Cha, chúng ta xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Nhưng vấn đề của chúng ta là câu hỏi: vậy ý Cha là gì? Nói khác đi, Chúa Cha muốn chúng ta làm gì hoặc
kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta là kế hoạch nào? Hy vọng Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có thể soi
sáng cho chúng ta để ý thức được phần nào “ý Cha” và để chúng ta biết cộng tác
làm cho ý Người được thể hiện tốt đẹp.
Điều hiển nhiên là câu hỏi sách Khôn ngoan đưa ra: Ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Chúng ta chỉ có thể tìm được câu trả lời này
nếu chúng ta đến với Chúa Giê-su, đức khôn ngoan nhập thể, để Người tỏ ra cho
ta những gì Thiên Chúa muốn ta thực hiện trong những ngày sống trên trần gian
này. Nhưng muốn hiểu và lãnh nhận ý
Thiên Chúa thì điều kiện căn bản là chúng ta phải làm môn đệ Chúa Giê-su, cho
dù việc theo Người có đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mọi sự để được tự do. Tấm gương về thái độ tự do được nêu cao qua
đoạn thư thánh Phao-lô gửi cho ông Phi-lê-môn nói về anh Ô-nê-xi-mô, một người
nô lệ của ông ta cần được đối xử như một người tự do với tính cách là người anh
em trong Đức Ki-tô.
1. “Nào có ai biết được ý định của Thiên
Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn
điều chi?” (bài đọc 1: Khôn ngoan 9:13-18)
Đây là một
chân lý nói lên hai chiều: Thiên Chúa là
Đấng siêu việt, còn chúng ta chỉ là thân phận bụi đất thấp hèn. Chính vì sự khác biệt vô biên này mà chúng ta
không thể hiểu được những gì là cao siêu vượt trên tầm hiểu biết loài người
chúng ta. Diễn tả sự cách biệt vô hạn
này, tác giả sách Khôn ngoan nhìn vào bản chất con người chúng ta, một bản chất
của những bất toàn. Tác giả thưa với
Chúa về bản chất ấy. Đầu tiên là “Lạy
Chúa, chúng con vốn là loài phải chết”.
Vì chúng ta được dựng nên từ bụi đất, cho nên một ngày kia phải trở về bụi
đất. Sản phẩm của “bụi đất” là gì ngoài
“tư tưởng không sâu, lý luận không vững”?
Mặc dù Chúa có tạo cho mỗi người chúng ta một linh hồn và một tinh thần,
nhưng sự hư nát của thân xác đã khiến cho “linh hồn ra nặng” và “tinh thần trĩu
xuống”. Đó là bản chất của con người thuộc
hạ giới. Mà ngay những gì thuộc hạ giới
chúng ta còn chưa “hình dung nổi” và “phải nhọc công mới khám phá ra được”, thì
làm sao chúng ta dò thấu nổi những gì thuộc thượng giới!
Sau khi
khẳng định sự phân biệt vô hạn giữa con người thuộc hạ giới với Thiên Chúa thuộc
thượng giới, sách Khôn ngoan áp dụng sự phân biệt này vào đề tài “Ý định của
Chúa”, để đi tới một khẳng định khác, đó là “Ý định của Chúa, nào ai biết được,
nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí
thánh?” Qua Kinh Thánh, Thánh Truyền và
Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta đều hiểu Đức Khôn Ngoan chính là Chúa
Giê-su Ki-tô và thần khí thánh chính là Chúa Thánh Thần. Vậy chỉ nhờ Chúa Giê-su Ki-tô mặc khải và
Thánh Thần linh hứng, chúng ta mới có thể hiểu được “ý định của Chúa” mà
thôi. Ý định này quá phong phú và cao
sâu. Nhưng ở đây, sách Khôn ngoan tóm tắt
lại mục đích của ý định ấy trong một điều này, đó là để “con người được dạy cho
biết những điều đẹp lòng Chúa, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ”. Nói cách khác, “ý định của Chúa” là muốn dạy
cho ta biết những điều đẹp lòng Chúa và nhờ Chúa Ki-tô mà ta được cứu độ. Để thực hiện ý định này, Thiên Chúa đã ban
Con Một là Đức Ki-tô, Đấng dạy chúng ta qua sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và cứu độ
chúng ta nhờ cái chết cùng sự phục sinh của Người. Vậy để lắng nghe lời giảng và được cứu độ,
chúng ta được mời gọi hãy làm môn đệ Đức Ki-tô.
2.
“Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (bài Tin Mừng: Lu-ca 14:25-33)
Đầu tiên,
thánh Lu-ca nêu lên một hình ảnh tuyệt vời, là “có rất đông người cùng đi đường
với Đức Giê-su”. Cùng đi đường mang những
ý nghĩa khác nhau, có thể chỉ là đám người cùng trên một con đường nhưng không quen biết nhau, chứ đừng nói là
có liên hệ với nhau, hoặc thậm chí là một đám môn đệ đi theo một ông thầy. Chính vì thế, Chúa Giê-su chỉ muốn nói với những
ai “đến với Người” mà thôi, nghĩa là những ai muốn làm môn đệ Người. Chúa nói:
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị
em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Có nhiều bản dịch sử dụng từ ‘ghét bỏ’ thay
vì ‘dứt bỏ’ và người ta lấy ngôn ngữ Híp-ri để giải thích rằng ở đây ghét bỏ
không có ý nghĩa xấu như chúng ta tưởng.
Dầu sao chúng ta vẫn thấy từ dứt bỏ mang ý nghĩa thích hợp hơn, bởi lý
do chúng ta dứt bỏ bất cứ người hay điều gì là vì người hoặc điều ấy cản trở
chúng ta theo đuổi một lý tưởng hoặc một mục đích tốt. Như vậy, khi Chúa đòi chúng ta phải “dứt bỏ”
những người thân gia đình để làm môn đệ Chúa thì không có nghĩa là chúng ta phải
ghét bỏ, phải tránh xa họ, nếu họ là trở ngại cho chúng ta trên đường theo
Chúa. Bằng chứng là Chúa còn dạy chúng
ta phải “dứt bỏ” ngay cả “mạng sống mình” nữa để làm môn đệ Người. Rồi sau khi nói đến việc cân nhắc sự dứt bỏ ấy
trước khi quyết định làm môn đệ Chúa, Chúa Giê-su lập lại một lần nữa rằng: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có,
thì không thể làm môn đệ tôi được”. Đây
là sự tự do, một điều kiện cần thiết để trung thành theo Chúa. Từ bỏ hết những gì mình có giúp chúng ta sống
trong một tư thế sẵn sàng để lãnh hội những giáo lý của Chúa. Làm như thế, chúng ta khác nào một tờ giấy trắng
để Chúa có thể viết lên đó tất cả những lời giảng và giá trị Tin Mừng của Người.
Làm môn đệ
Chúa không giống như một học trò đến với thầy cô để học chữ, học nghệ thuật hay
kiến thức. Nhưng làm môn đệ dưới mái trường
của Chúa là chúng ta đến để học làm người theo khuôn mẫu của vị Thầy trên hết mọi
bậc thầy. Hoặc nói theo ngôn từ của
thánh Phao-lô, làm môn đệ Chúa có nghĩa là chúng ta bắt chước lối sống và suy
nghĩ của Chúa để được “nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô”.
Là môn đệ
Chúa, chúng ta nghe lời dạy của Người chưa đủ, mà phải đem các lời dạy ấy ra thực
hành trong đời sống. Có thực hành thì đời
sống chúng ta mới thay đổi được. “Tại
sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, mà anh em không làm điều Thầy dạy?”
(Lu-ca 6:46). Chúng ta chỉ là môn đệ
đích thực của Chúa khi chúng ta “làm điều Thầy dạy”; còn nếu chúng ta chỉ bô bô ngoài miệng “lạy
Chúa, lạy Chúa” mà không sống như Chúa dạy thì chỉ vô ích mà thôi!
3. Một
tấm gương về thái độ tự do (hoặc từ bỏ hết những gì mình có) để theo Chúa làm
môn đệ Người (bài đọc 2: Phi-lê-môn 9b-10, 12-17)
Từ bỏ mọi
sự là điều kiện cần thiết để làm môn đệ Chúa.
Điều này được phản ánh qua đoạn thư thánh Phao-lô gửi cho một người bạn
thân là ông Phi-lê-môn, liên quan đến số phận của Ô-nê-xi-mô, một người nô lệ của
ông ta. Ngày xưa, nô lệ thuộc quyền sở hữu
của chủ giống như một đồ vật. Ô-nê-xi-mô
là người nô lệ thuộc quyền sở hữu của Phi-lê-môn. Nhưng anh nô lệ này đã bỏ trốn và đến Rô-ma,
hy vọng không ai nhận ra mình giữa đô thị đông đúc này. Tình cờ và may mắn, anh gặp lại thánh Phao-lô
là bạn của ông Phi-lê-môn khi anh còn đang ở nhà chủ mình. Anh gặp thánh Phao-lô tại Rô-ma khi ngài đang
bị cầm tù ở đây. Tuy là tù nhân, nhưng
thánh Phao-lô vẫn được đặc ân ra ngoài tiếp xúc. Được thánh Phao-lô dạy dỗ khuyên bảo, anh đã
hoán cải và được ngài làm phép thánh tẩy.
Ngài bảo anh hãy trở về với ông Phi-lê-môn và mang theo bức thư ngài gửi
cho ông ấy. Trong thư, thánh Phao-lô khẩn
khoản nói với ông Phi-lê-mon: “Xin anh
hãy đón nhận anh Ô-nê-xi-mô, không phải như một người nô lệ, nhưng như một người
anh em rất thân mến”. Rõ ràng thánh
Phao-lô có ý nói với ông Phi-lê-môn rằng:
‘Chúng ta đều là môn đệ Chúa, cho nên không còn phân biệt chủ hay nô lệ
nữa. Anh là chủ, nhưng để làm môn đệ
Chúa, xin anh hãy từ bỏ quyền sở hữu nô lệ của anh để đối xử với Ô-nê-xi-mô
“như người anh em rất thân mến”’. Chúng
ta tin là ông Phi-lê-môn đã nghe lời thánh Phao-lô, đón nhận Ô-nê-xi-mô và đối
xử với người nô lệ cũ này như người anh em của mình, “cả về tình người cũng như
về tình anh em trong Chúa”. Dứt bỏ quyền
sở hữu, dứt bỏ lối cư xử giữa chủ với nô lệ, đó chẳng phải là một sự dứt bỏ thật
lớn lao hay sao?
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Dứt bỏ mọi
sự để được tự do mà làm môn đệ Chúa luôn là một việc khó làm và đòi hỏi thật
nhiều cố gắng của chúng ta. Lấy một hành
động cụ thể để so sánh việc khó khăn này, có lẽ Chúa Giê-su đã sử dụng hình ảnh
“vác thập giá” để diễn tả công việc dứt bỏ.
Dứt bò khác nào một gánh nặng trên vai, đôi khi làm chúng ta quỵ
ngã. Nhưng lý tưởng làm môn đệ Chúa đòi
chúng ta hãy can đảm đứng dậy và tiếp tục sống tinh thần dứt bỏ. Nhất là chúng ta đang bước theo chính Đấng đã
“trút bỏ vinh quang Thiên Chúa”, đã xuống thế làm người phàm như chúng ta, đã từng
vác thập giá nặng nề tiến lên Núi Sọ và đã chết ô nhục để giải thoát chúng ta
khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Chúng
ta không vác thập giá một mình, nhưng luôn có Chúa bên cạnh vác đỡ cho chúng ta
như ông Si-môn xưa đã vác đỡ thập giá cho Người. Vậy ta cứ can đảm lên mà dứt bỏ mọi sự với
tâm hồn quảng đại!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi