CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN

Lòng Chúa thương xót

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 32:7-11, 13-14;  1 Tm 1:12-17;  Lc 15:1-32)

        Chủ đề Lòng Chúa thương xót là điểm son của Tin Mừng thánh Lu-ca và được thánh sử nói đến nhiều hơn những sách Tin Mừng khác.  Phụng vụ Lời Chúa năm C khai triển Tin Mừng Lu-ca, cho nên không thể thiếu đề tài này trong mùa Thường niên.  Để hỗ trợ cho đề tài này, Phụng vụ Lời Chúa trích dẫn đoạn sách Xuất Hành và lời chia sẻ của thánh Phao-lô qua thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê.  Như vậy chúng ta có thể suy niệm lòng Chúa thương xót trước hết qua câu chuyện Thiên Chúa nhân từ đã tha thứ cho dân Ít-ra-en vì tội thờ ngẫu tượng.  Tiếp đến, chúng ta nghe thánh Phao-lô khiêm nhường chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của ngài về lòng Chúa thương xót, vì chính ngài đã từng bách hại Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Cuối cùng là lời giảng của Chúa Giê-su về lòng thương xót của Thiên Chúa qua các dụ ngôn, nhất là dụ ngôn nổi tiếng Đứa con hoang đàng.

 

        1.  “Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe”  (bài đọc 1:  Xuất Hành 32:7-11, 13-14)

        Sau khi được cứu thoát khỏi tay Pha-ra-ô cùng đoàn quân Ai-cập truy đuổi và trên đường về Đất Hứa, dân Ít-ra-en phải đương đầu với những khó khăn như đói khát và thiếu thốn trong sa mạc, giao chiến với người A-ma-lếch.  Phần ông Mô-sê, ông phải tổ chức lại cộng đồng Ít-ra-en và đời sống phụng tự của họ, như dựng Nhà Tạm cho Hòm Bia, tấn phong và cắt đặt hàng tư tế dưới sự lãnh đạo của A-ha-ron.  Mỗi khi ông Mô-sê phải lên núi để gặp gỡ và thỉnh ý Thiên Chúa, thì ông A-ha-ron có nhiệm vụ thay ông để dẫn dắt dân chúng.  Họ đã được yên ổn nên giờ đây quên ngay những gì họ đã cam kết là tuân giữ Mười Điều răn Thiên Chúa ban cho họ.  Họ muốn đi ra ngoài con đường Người muốn họ đi.  Thế là họ thay thế Thiên Chúa bằng một ngẫu tượng:  con bê bằng vàng.  Họ đến xin ông A-ha-ron:  “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập”.  A-ha-ron đã theo ý họ, hành động như một tư tế xu thời, mị dân và mau quên sứ mạng mình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa!

        Ở trên núi, Thiên Chúa báo tin dữ cho Mô-sê và bảo ông hãy đi xuống.  Người nổi cơn thịnh nộ và có ý định tiêu diệt họ.  Người hứa với Mô-sê là sẽ làm cho ông thành một dân lớn.  Giống như A-đam đã bất tuân ngay từ đầu công cuộc tạo dựng, dân Ít-ra-en cũng bất tuân ngay sau khi họ lãnh nhận Lề Luật.  Vì thế như Chúa đã hứa với A-đam là ban ơn cứu độ và thiết lập một nhân loại mới, Người cũng hứa với Mô-sê điều tương tự.  Tuy nhiên, ông Mô-sê “cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại”.  Thế là ông cất tiếng năn nỉ ỷ ôi, đưa lý lẽ để “nhắc khéo” Thiên Chúa đừng hủy bỏ những gì Người đã hứa với các tổ phụ Ít-ra-en.  Ông còn dám “khích” Chúa đừng làm cớ cho người Ai-cập coi thường Chúa, nhưng hãy “giữ thể diện” mà tỏ lòng thương xót Ít-ra-en là những con cái cứng đầu cứng cổ của Người!  Nói tóm lại, ông Mô-sê chỉ muốn nại đến lòng thương xót của Thiên Chúa mà thôi.  Kết cục, ông Mô-sê đã “thắng” Thiên Chúa trong lần chuyển cầu này, vì ông nắm được “điểm yếu” của Thiên Chúa, đó là “Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an” (2 Cô-rin-tô 1:3).  Vậy “Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe” nữa!

 

        2.  Câu chuyện dụ ngôn “Người Cha hoang đàng” về tình yêu thương  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 15:1-32)

        Câu chuyện mang tiêu đề Đứa con hoang đàng, nhưng chúng ta lại có thể hiểu ngược lại, là Người cha hoang đàng.  Vậy thì hoang đàng về phương diện nào?  Hoang đàng để mà phung phí tài sản, tiền bạc cho một cuộc sống bê tha tội lỗi, đó là sự hoang đàng của đứa con thứ trong câu chuyện.  Còn hoang đàng để phung phí tình yêu thương dành cho một thằng con hư đốn, mong mỏi chờ đợi ngày nó hối lỗi và trở về, đó là sự hoang đàng của người cha, một hình ảnh áp dụng cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Dĩ nhiên đã là câu chuyện dụ ngôn thì người ta có thể hiểu theo nhiều cách.  Do đó, để khai triển chủ đề lòng Chúa thương xót, chúng ta nhấn mạnh đến nhân vật chính của câu chuyện này là người cha vì hành động do lòng thương xót của ông, chứ không phải người con hoang đàng hối lỗi trở về.  Vậy dựa vào diễn tiến câu chuyện, chúng ta xem những hành vi nào của người cha đã biểu lộ tình yêu vô điều kiện ông dành cho cậu con thứ và cả cậu con cả nữa.

        Trước hết, khi người con thứ tới xin người cha chia gia tài cho anh, ông liền “chia của cải cho hai con”.  Vậy ông nghĩ gì khi làm việc đó?  Có thể vì ông muốn tuân thủ luật lệ và tôn trọng sự tự do của các con nên đã làm thế.  Có thể ông cũng muốn cho cậu con thứ một cơ hội để cậu được trưởng thành và cho cậu con cả có dịp thay đổi hình ảnh không mấy đẹp của cậu về ông, về em cậu.  Chắc chắn là ông đã hiểu rõ tính nết của cả hai cậu, cho nên ông dùng cơ hội này để dạy cho các cậu những bài học thích hợp.  Đã từ lâu cậu cả nhìn cha mình như một ông chủ, còn cậu thì chẳng khác gì một tên đầy tớ “bao nhiêu năm trời hầu hạ cha và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho cậu lấy một con dê con để ăn mừng với bạn bè”, thì bây giờ cậu phải thay đổi cái nhìn sai lệch ấy, ý thức mình thực sự là con của ông, luôn ở với ông, có thể sử dụng gia tài của ông vì mọi sự của ông là của cậu, cho nên giết một con dê để vui với bạn bè cũng chẳng có gì là quá đáng!  Còn cậu thứ thì thích xây mộng lớn, nhưng vẫn còn ấu trĩ và cần để cho đời dạy cho cậu những bài học để đời.  Khi chia gia tài cho cậu, chắc chắn người cha cũng đắn đo, biết đâu cậu ta có thể ra đi không ngày trở về.  Nhưng ông tin vào tình yêu và lòng thương xót.  Ông nghĩ nhất định tình yêu sẽ thắng, tình yêu bao la ông dành cho cậu và niềm hy vọng đặt trên căn bản tình yêu ấy.  Ông hy vọng thế nào cậu cũng trở về. 

        Trong khi cậu vắng nhà, ông tưởng tượng ra tình trạng khốn khổ của cậu, lòng đau nhưng vẫn tin tưởng.  Chính lòng thương xót giúp ông giữ vững niềm tin và hy vọng.  Ông đếm từng ngày.  Ông sống trong trạng thái chờ đợi, ăn ngủ không yên.  Lúc nào mắt ông cũng trông về phía chân trời, mong thấy hình ảnh một chàng trai thất thểu tiến về nhà.

        Đúng vậy, một ngày khi cậu còn ở đằng xa, người cha đã trông thấy.  Rồi khi thấy, cảm xúc đầu tiên của ông là “chạnh lòng thương”, tội nghiệp cho đứa con.  Ông biểu lộ cảm  xúc bằng hành vi “chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”, tưởng như sợ nó lại chạy mất!  Vì yêu, ông lập tức ra lệnh phải “thay đổi” con người cậu thứ:  “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu”.  Tiếp đến ông quyết định cả nhà phải “ăn mừng” vì “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

        Lòng thương xót của ông đã làm tất cả những việc kể trên.  Thậm chí khi người con cả trở về và nổi giận với ông, ông cũng tìm cách “năn nỉ” giải thích để anh vui lòng nhận lại “đứa em” đích thực của cậu, chứ không phải nhận lại “thằng con của cha đó”!

        Chúa đối xử với mỗi người chúng ta bằng tấm lòng thương xót bao la của Người, vì Người là Cha “hoang đàng”, phung phí tình yêu vô điều kiện của Người đối với chúng ta.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

 

        3.  “Sở dĩ tôi được thương xót là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi”  (bài đọc 2:  1 Ti-mô-thê 1:12-17)

        Chúng ta có thể lấy tấm gương của thánh Phao-lô để xác tín lòng Chúa thương xót và sống lòng thương xót.  Trước hết thánh Phao-lô không ngần ngại tự thú nhận mình là “kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược”.  Chúng ta ai cũng biết câu chuyện của ngài.  Tuy nhiên, điều ngài muốn nhấn mạnh ở đây là ngài đã được Chúa Ki-tô thương xót, mặc dù khi ấy ngài đã hành động vô ý thức trong lúc chưa có niềm tin vào Chúa.  Cảm nhận sâu xa lòng thương xót Chúa Ki-tô dành cho ngài khi Chúa chọn ngài làm tông đồ, ngài đã tận hiến đời mình cho Chúa và sứ mệnh Người trao.  Phao-lô đã xác tín về lòng thương xót của Chúa Ki-tô đối với những người tội lỗi, mà “kẻ đầu tiên” chính là ngài.  Hơn thế nữa, ngài còn nhận mình là “kẻ đầu tiên” được Chúa Ki-tô tỏ bày tất cả lòng đại lượng, để Chúa đặt ngài làm gương cho người khác tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

        Không phải chúng ta chỉ theo gương thánh Phao-lô mà tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng chúng ta còn phải để cho lòng thương xót ấy thay đổi con người chúng ta, để chúng ta biết thương xót người khác như Thiên Chúa thương xót chúng ta.  Thiên Chúa đã thương xót dân Ít-ra-en, không huy diệt họ như họ xứng đáng bị hủy diệt.  Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót luôn chờ đợi chúng ta là kẻ tội lỗi trở về và thay đổi thân phận chúng ta như trong câu chuyện dụ ngôn “Người Cha hoang đàng”.  Thiên Chúa đã thương xót thánh Phao-lô, một kẻ bách hại Hội Thánh Chúa Ki-tô, và đã gọi ngài làm tông đồ dân ngoại.  Cuối cùng và cũng là quan trọng hơn cả:  Chúa thương xót bạn và tôi, những kẻ tội lỗi;  Người kêu gọi chúng ta trở về và dang rộng cánh tay để ôm chúng ta vào lòng Thương Xót của Người!

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi 

                                   

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C