CHÚA NHẬT 25
THƯỜNG NIÊN
Ki-tô Hữu Chỉ
Có Một Chọn Lựa Là Làm Tôi Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp Lời
Chúa (Am 8:4-7;
1 Tm 2:1-8; Lc 16:1-13)
Trong
cuộc sống, chúng ta có nhiều chọn lựa vì Chúa đã ban cho chúng ta sự tự do để
chọn điều tốt nhất giữa những cái tốt. Thiên
Chúa là chính sự tốt lành, do đó chọn lựa cuối cùng và tốt nhất phải là lựa chọn
làm tôi Thiên Chúa. Đây là lời kêu gọi của
Chúa: “Trước hết
hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ
kia, Người sẽ thêm cho” (Mát-thêu 6:33). Nói đến ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa,
Chúa Giê-su không phủ nhận những cám dỗ khiến chúng ta không muốn thực thi công
việc ưu tiên này. Chúng ta luôn bị cám dỗ
tìm kiếm tiền bạc, danh vọng và quyền lực thay vì tìm kiếm những gì giúp chúng
ta làm tôi Thiên Chúa. Bài đọc 1 trích
sách ngôn sứ A-mốt tố cáo một tệ nạn xã hội:
đó là những kẻ vì tham lam tiền bạc nên sẵn sàng chà đạp lên công bình
xã hội. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su
kể câu chuyện dụ ngôn về người quản gia bất lương và không trung tín khi anh ta
sử dụng của cải của ông chủ để mua lấy bạn bè phòng khi bị đuổi việc. Anh ta không phục vụ cho ông chủ, nhưng làm
tôi cho tiền bạc. Rút bài học sống Lời
Chúa hôm nay, thánh Phao-lô chia sẻ rằng khi chọn lựa làm tôi Thiên Chúa, ngài
đã hết mình phục vụ Thiên Chúa trong sứ mệnh tông đồ dân ngoại của ngài.
1.
“Đức Chúa chống lại những kẻ lấy tiền bạc mua người cơ bần” (bài đọc 1:
A-mốt 8:4-7)
A-mốt
là vị ngôn sứ lên tiếng mạnh nhất chống lại những tệ nạn trong xã hội Ít-ra-en. Đoạn trích dẫn sách ngôn sứ A-mốt hôm nay là
một bản cáo trạng mạnh mẽ của Thiên Chúa chống lại thái độ làm tôi của cải tiền
bạc khiến cho nhiều kẻ gian ác thẳng tay “đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ
nghèo hèn trong xứ”. Vậy ngôn sứ A-mốt đã
vạch trần những hành vi gian ác của họ như thế nào? Trước hết họ chỉ chờ đợi cơ hội thuận tiện để
bóc lột người cùng khổ và kẻ nghèo hèn.
Đối với họ, ngày mồng một và ngày sa-bát tuy là những thời gian đặc biệt
dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng họ chỉ mong cho nó chóng qua chóng hết,
để họ còn bán lúa thóc cho dân nghèo với giá cắt cổ. Họ lơ là việc thờ phượng Chúa, nhưng lại nôn
nóng và sốt sắng trong việc tìm kiếm những đồng tiền bất nhân! Ngay trong việc buôn bán, họ bày ra những
mánh khóe để ăn gian tiền bạc của người khác.
Nào là “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm”. Nào là “làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ”. Tất cả những hành vi đê tiện này trở thành
phương thế để họ bòn rút tiền bạc của người nghèo, cho nên ngôn sứ A-mốt không
tiếc lời phơi bày chúng ra để chúng ta thấy đó là những tệ nạn xã hội ảnh hưởng
tai hại nhất trên những người Í-ra-en nghèo khổ. Làm cho đời sống dân chúng phải đau khổ chưa
đủ, nhưng tệ hơn, họ còn tước đoạt hết nhân phẩm của những người nghèo khổ nữa. Đó là khi họ “lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ, cả lúa nát gạo mục,
họ cũng đem ra bán”. Thế ra người cơ bần đã biến thành một vật dụng
để cho họ mua bán và mạng kẻ cùng khổ chỉ đáng giá bằng một đôi dép của họ sao? Thế ra người nghèo khổ chỉ đáng được ăn lúa
nát gạo mục, còn họ thì ở nhà mát ăn bát vàng hay sao? Người ta cũng có nhân phẩm như họ chứ!
Bổn
phận của A-mốt là phơi bày tội ác của những kẻ làm tôi Tiền Của, còn trừng phạt
những kẻ ấy là việc của Thiên Chúa làm.
Tuy nhiên ngài cũng truyền đạt sứ điệp của Thiên Chúa gửi cho họ: Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi
nào của chúng đâu, nếu chúng không ăn năn sám hối và thay đổi lối sống!
2. “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa
làm tôi Tiền Của được” (bài
Tin Mừng: Lu-ca 16:1-13)
Để
dẫn tới bài học thực hành này, Chúa Giê-su kể câu chuyện dụ ngôn người quản gia
bất lương. Bất lương là một đặc nét thuộc lối sống thế gian và gốc rễ sinh ra
tính bất lương là vì người ta tham lam và làm tôi cho tiền bạc, danh vọng. Chúng ta hãy nghe Chúa Giê-su mô tả những
hành vi bất lương của người quản gia này.
Anh ta làm quản gia cho một nhà phú hộ.
Rồi người ta tố cáo với ông chủ là anh ta “đã phung phí của cải nhà
ông”, nên ông quyết định cất chức quản gia của anh và sa thải anh. Anh ta lo lắng thu xếp cho tương lai theo
cách bất lương sẵn có của anh. Anh đang
cầm giấy nợ của các con nợ và anh phải tính sổ trước khi bị đuổi việc. Và đây là cách xử sự bất lương và bất trung của
anh ta. Anh ta “cho gọi từng con nợ của
chủ đến”. Tại sao anh lại muốn gặp từng
con nợ một? Làm như thế, việc gian lận của
anh ta đỡ bị phát giác và anh ta sẽ dùng của cải của ông chủ để “mua” được nhiều
con nợ hơn. Hành vi này có phần giống với
những kẻ gian ác đã bị ngôn sứ A-mốt tố cáo là lấy tiền bạc mua đứa cơ bần như
chúng ta thấy trong bài đọc 1. Thí dụ,
con nợ đầu tiên nợ ông chủ một trăm thùng dầu ô-liu. Nhưng tên quản gia bất lương bảo con nợ ấy viết
vào biên lai là năm chục thùng thôi. Anh
ta đã “ăn cắp” năm mươi thùng dầu ô-liu của ông chủ để “mua” con nợ này và hy vọng
con nợ này sẽ đền ơn anh ta sau khi anh ta thất nghiệp! Với con nợ khác là người nợ ông chủ một ngàn
giạ lúa, anh ta “làm ơn” cho con nợ này bằng cách bảo bác ta viết vào biên lai
tám trăm thôi. Anh ta lấy hai trăm giạ
lúa của ông chủ để mua sự giúp đỡ của con nợ này trong tương lai. Những hành vi của anh ta không những là bất
lương mà còn bất trung nữa. Dĩ nhiên
Chúa Giê-su không khen ngợi tên quản gia bất hảo này, mà chỉ có ông chủ là khen
hắn đã hành động khôn khéo! Nhưng Chúa
Giê-su lại nhấn mạnh đến sự đối nghịch giữa tính bất lương và đức trung tín để
áp dụng vào việc làm tôi Tiền Của và làm tôi Thiên Chúa. Làm tôi Tiền Của sẽ khiến người ta trở thành
bất lương. Còn làm tôi Thiên Chúa sẽ
giúp chúng ta luôn trung tín.
Đối
với tên quản gia bất lương này, Chúa Giê-su đặt hắn trong hai chọn lựa: một là Tiền Của, hai là ông chủ của hắn. Đáng tiếc là hắn đã chọn phục vụ Tiền Của
thay vì phục vụ ông chủ. Hắn đã yêu Tiền
Của mà khinh dể ông chủ bằng cách gian lận: khi hắn còn làm quản gia thì phung phí của cải
của ông và khi bị cho thôi việc thì hắn bất trung với ông. Qua bài học này, Chúa Giê-su nói với chúng ta
là môn đệ Người: “Anh em không thể vừa làm tôi
Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”.
Hôm nay Chúa Giê-su phong thần cho Tiền Của, đủ biết Tiền Của có sức mạnh
quyến rũ người ta như thế nào! Có lẽ ý
tưởng này đã giúp cho thánh Inhaxiô đưa ra một bài suy gẫm rất đặc biệt với đầu
đề “Hai bóng cờ”, một của Xa-tan và một của Chúa Giê-su. Cả hai tướng lãnh đều kêu gọi người ta đứng
dưới bóng cờ của mình để đi chinh phục thế gian! Tạ ơn Chúa, chúng ta đang ở dưới bóng cờ của Vua
Giê-su Ki-tô thì hãy là những “người lính giỏi của Đức Ki-tô Giê-su” (miles Christi – 2 Ti-mô-thê 2:3).
Sống sứ điệp Lời Chúa
3.
Làm tôi Thiên Chúa nghĩa là chúng ta cộng tác với Người để phục vụ trong
sứ mệnh tông đồ (bài đọc 2: 1 Ti-mô-thê 2:1-8)
Trong
đoạn thư gửi cho ông Ti-mô-thê, thánh Phao-lô đã chia sẻ về việc ngài “làm tôi
Thiên Chúa” như thế nào. Trước hết thánh
Phao-lô kể ra công việc Thiên Chúa muốn ngài thi hành: ngài “được đặt làm người rao giảng và làm
Tông Đồ, nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý”. Trong thân phận làm đầy tớ của Ông Chủ là
Thiên Chúa, thánh Phao-lô đã hết lòng hết dạ phục vụ Đức Ki-tô và Tin Mừng. Những cuộc hành trình truyền giáo đầy vất vả
và nguy hiểm đã nói lên lòng trung thành của ngài đối với Thiên Chúa. Ngài xác tín rằng Thiên Chúa muốn cho mọi người
được cứu độ nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Hơn thế nữa, ngài còn ý thức bổn phận của
mình là phải làm chứng cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa bằng cách thi hành
trách nhiệm làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý. Sau cùng, Phao-lô đã chu toàn việc “làm tôi
Thiên Chúa” bằng cách sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng cho Đức Ki-tô và
Tin Mừng của Người.
Có
lẽ chúng ta cũng có kinh nghiệm về việc làm tôi Tiền Của! Và chúng ta cũng có nhiều kinh nghiệm về việc
làm tôi Thiên Chúa! Nhưng chắc chắn mọi
người chúng ta đều cảm thấy mình bị lôi kéo bởi hai sức mạnh: sức quyến rũ của Tiền Của và lời mời gọi của
Tình Yêu Thiên Chúa. Trước hai “ông chủ”
ấy, chúng ta chỉ có một lựa chọn mà thôi!
Cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn hướng về Người và quảng đại đi theo tiếng
mời gọi của Vua Giê-su, để không những chúng ta được cứu độ mà còn theo đạo
quân của Người đi chinh phục toàn thể nhân loại nữa.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi