Hãy Là Người Biết Ơn
Suy niệm Tin
Mừng Chúa nhật XXVIII Năm – C
(Lc 17, 11-19)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta lại gần với
ông Naaman, vị tướng chỉ huy toàn thể quân lực Syria thời Êlisê mắc bệnh
phong cùi được chữa lành bệnh để học lòng biết ơn, và nghe lại câu hỏi đau xót,
phiền trách của Chúa Giêsu : "Không phải là cả 10 người được sạch ư?
Chín người kia đâu?" để học biết cám ơn.
Naaman được chữa lành bệnh nhờ nghe lời người của Thiên
Chúa xuống tắm bẩy lần ở sông Giođan. Ông trở lại xin người của Thiên Chúa
dâng lễ vật mọn để bầy tỏ lòng biết ơn và tôn vinh Thiên Chúa (x.2 V 5,
14-17).
Mười người phong cùi thời Chúa Giêsu được
chữa lành, nhưng chỉ có một người quay trở lại cám ơn Chúa Giêsu; người đó lại
là người ngoại đạo Samaria!
Vậy là chỉ có một người biết ơn, còn chín người kia không
biết có quên ơn không, hay mừng quá về nhà ăn khao, chưa kịp trở lại tạ ơn Đấng
chữa lành. Chúa Giêsu phải thốt lên : “Chớ thì không phải cả mười người được
lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên
Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc 17,17-18).
Ngày
nay, đạo đức xã hội đang ngày càng bị xói mòn. Trên mặt báo và xung quanh ta,
thấy những câu chuyện đau lòng như con phụ công cha, quên ơn mẹ, bỏ nhà ra đi,
đánh đuổi cha mẹ, ấy chưa nói đến có người coi trời bằng vung, hoặc sống như
thể không có Thiên Chúa, giết cha, hại mẹ, bạc nghĩa thầy nữa. Phải chăng lòng
biết ơn đang bị lu mờ trong tâm khảm con người.
Tại
sao lại vô ơn? Có nhiều lý do : vì người ta không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn,
họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có ; họ
giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là
cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và họ sợ nếu nhận
ra ơn, họ phải trả ơn, vì thế, họ quên ơn.
Lòng
biến ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính
tốt đẹp khác. Hầu hết chúng ta thức dậy với tâm trí lơ đãng. Thay vào đó, chúng
ta hãy bắt đầu một ngày mới với lòng biết ơn. Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa
lòng lành vô cùng chẳng bỏ con, chẳng để con hư không đời đời mà lại sinh ra
con cho con được làm người… lại gìn giữ con hôm nay được mọi sự lành.v.v..
Biết
ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn
lao và trọng thể khác Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Vô ơn là tự đào hố
để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ. Tạ ơn là lời cầu
nguyện tốt nhất bất cứ ai cũng có thể làm. Lời tạ ơn thể hiện lòng biết ơn, sự
khiêm tốn và hiểu biết.
“Biết
ơn” là một cụm từ rất quen thuộc với mọi người chúng ta. Tạ ơn Chúa,
cám ơn người, cám ơn đời, biết ơn ông bà, cha mẹ, biết ơn những người bao bọc,
giúp đỡ mình những khi mình gặp khó khăn….Biết ơn là sự ghi nhớ và trân trọng
những gì mình nhận được từ người khác.
Lòng
biết ơn có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta. Hạnh phúc và thành công đều tạo
dựng từ lòng biết ơn. Cho nên từ xưa đến nay, cha ông ta vẫn luôn căn dặn thế
hệ mai sau “uống nước nhớ nguồn”, phải luôn khắc ghi công ơn của những
người đã cho ta cuộc sống này. Như thế, lòng biết ơn luôn hiện diện xung quanh
cuộc đời ta, chỉ là chúng ta không để ýnhận ra thôi. Đừng bao giờ
quá bận rộn đến quên nói lời “làm ơn” hay “cảm ơn”. Sống mà không có lòng biết
ơn là một cuộc sống vô nghĩa. Nếu đời chỉ là chuỗi những lời oán than về bất
công và thua thiệt mà ta đã gặp phải, mà không nhớ đến những may mắn đã từng
đến với ta, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị trầm cảm, một căn bệnh thường gặp
trong xã hội ngày nay.
Biết
ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn
lao và trọng thể Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Người đời thường phê
phán những kẻ “ăn cháo đá bát”, “có mới nới cũ”, lừa thầy phản bạn,
bất hiếu với mẹ cha. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là
đứng vào hàng ngũ của ma quỉ.
Noi gương người Samaria chúng
ta cùng tạ ơn Chúa, cám ơn những người làm ơn cho chúng ta, nhất là xin Chúa biến ta trở nên người luôn biết ơn. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ