CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN
Phải làm gì để tạ ơn Thiên Chúa?
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (2 V 5:14-17; 2 Tm 2:8-13;
Lc 17:11-19)
Tạ ơn
Thiên Chúa là đề tài quen thuộc trong Kinh Thánh. Điệp khúc “Tạ ơn Chúa” được lập đi lập lại
nhiều lần trong Cựu Ước, đặc biệt là trong các Thánh Vịnh. Tuy nhiên, tâm tình tạ ơn Chúa không chỉ được
bày tỏ qua những lời cầu nguyện, mà còn qua những việc làm cụ thể và đầy ý
nghĩa. Bài đọc 1 hôm nay thuật lại hành
vi tạ ơn của ông Na-a-man, viên tướng của vua nước A-ram, vì qua ngôn sứ
Ê-li-sa, Thiên Chúa đã chữa ông khỏi bệnh phong hủi. Bài đọc 2 là hành động tạ ơn của thánh
Phao-lô được thể hiện qua việc ngài sẵn sàng chịu khổ và chịu bách hại khi thi
hành sứ vụ, để đền đáp hồng ân Chúa Ki-tô đã kêu gọi ngài làm tông đồ dân ngoại. Sau cùng là câu chuyện nửa buồn nửa vui của
Chúa Giê-su sau khi Người chữa lành mười người phong hủi: buồn vì chín người Do-thái vô ơn không dâng lời
tạ ơn Thiên Chúa, nhưng vui vì dù chỉ có một người mà lại người ngoại bang đã
“trở lại tôn vinh Thiên Chúa”.
1.
“Ông Na-a-man trở lại gặp người của Thiên Chúa và tuyên xưng Đức Chúa” (bài đọc 1:
2 Vua 5:14-17)
Như chúng
ta đã biết, theo lời đề nghị của cô nô tỳ giúp việc cho vợ ông Na-a-man, ông đã
quyết định làm một chuyến đi gặp “vị ngôn sứ ở Sa-ma-ri” là Ê-li-sa, để xin
ngài chữa lành cho ông khỏi bệnh phong hủi.
Vậy ông Na-a-man lên đường, “mang theo ba trăm ký bạc, sáu mươi ký vàng
và mười bộ quần áo để thay đổi”. Ông
mang theo vàng bạc nhiều như vậy là để đánh đổi lấy việc chữa lành và để cám ơn
vị ngôn sứ giúp đỡ mình. Nhưng ông đã được
Thiên Chúa chữa lành miễn phí. Ông nài nỉ
ngôn sứ Ê-li-sa nhận món quà ông kính biếu, nhưng ngài cương quyết từ chối. Vàng bạc ông mang theo chẳng ích gì cả, vì
Thiên Chúa quảng đại ban phát mà không chờ người ta đền đáp. Trái lại, Người còn mở thêm cho ông một cơ hội
để ông có thể đến với Người. Đó là việc
ông quyết định sẽ chỉ nhìn nhận Đức Chúa là vị “thần” duy nhất của ông. Tuy nhiên, vì ông sống trong hoàn cảnh không
thể từ bỏ thế giới ngoại giáo, trong đó người ta thờ những thần khác, để hoàn
toàn trở về với Thiên Chúa, nên ông thành khẩn “xin Đức Chúa tha thứ điều ấy
cho tôi tớ ngài”. Ngôn sứ đã thay mặt
Thiên Chúa chuyển tới ông sứ điệp của Thiên Chúa: Người hiểu rõ hoàn cảnh của ông, nên ông cứ
đi về bình an.
Dù vậy,
ông Na-a-man vẫn muốn làm một điều gì đó để tỏ lòng cảm tạ Thiên Chúa. Ông xin với ngôn sứ: “Nếu ngài từ chối (nhận món quà tôi kính biếu),
thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa
chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào
khác ngoài Đức Chúa”. Tại sao ông lại
xin ngôn sứ cho ông làm một việc tầm thường như vậy? Số đất vừa sức hai con lừa chở được chẳng lẽ
lại quý giá hơn số vàng bạc ông mang theo hay sao? Đúng vậy, hành động này của ông Na-a-man rất
có ý nghĩa đối với ông. Ông đã được diễm
phúc đứng trên miền đất của Đức Chúa cùng với dân riêng của Người. Trên đất này, ông đã nhận được từ Thiên Chúa
ân huệ vô cùng lớn lao là ông được chữa lành khỏi chứng bệnh loài người khi ấy
không ai chữa nổi. Nhất là trên mảnh đất
này, ông đã được nhận biết quyền năng của Thiên Chúa. “Cùng với đoàn tùy tùng, ông trở lại
gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng
trước mặt ông ấy (ngôn sứ Ê-li-sa) và nói:
‘Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt
đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en’”. Giờ đây ông phải về nhà trong môi trường ngoại
giáo của ông. Vì thế, ông muốn xin mang
theo số đất này để ông có thể tiếp tục đứng trên miền đất của dân Chúa mà dâng
lời cảm tạ Thiên Chúa. Hành vi ông trở lại gặp ngôn sứ Ê-li-sa đã biểu tượng
cho khởi đầu hành trình đức tin của ông trở lại với Thiên Chúa. Ở đây chúng ta học được bài học tạ ơn Chúa bằng
cách tiếp tục trở lại với Chúa, để tiếp tục nhận biết, yêu mến và phụng sự Người. Đây cũng là điều chúng ta thấy tương tự như trường
hợp người ngoại bang phong hủi được Chúa Giê-su chữa lành đã trở lại cảm tạ Người
và tôn vinh Thiên Chúa!
2.
“Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại
bang này?” (bài Tin Mừng: Lu-ca 17:11-19)
Tin Mừng
Lu-ca thường đề cao đức tin của những người ngoại bang mà người Do-thái gọi là
dân ngoại. Nhiều lần chính Chúa Giê-su
đã ngạc nhiên và còn lên tiếng khen ngợi đức tin của họ nữa, thí dụ viên sĩ
quan Rô-ma đến xin Chúa chữa lành cho người đầy tớ của ông, hoặc người đàn bà
Ca-na-an xin Chúa cứu chữa con gái của bà bị quỷ ám (Mát-thêu 15:21-28). Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su gặp
mười người phong hủi tha thiết kêu xin Người chữa lành họ. Chúa bảo họ đi trình diện tư tế để chứng thực
họ được khỏi và trên đường đi, họ đã được lành bệnh. Chỉ có một người ngoại bang trở lại gặp Chúa
Giê-su và tạ ơn Người. Còn chín người kia
đều là Do-thái thì đi luôn. Nhiều ý kiến đưa ra để bênh vực cho việc họ không trở lại. Nhưng theo câu hỏi của Chúa Giê-su, dường như
Người thầm trách họ là những kẻ vô ơn:
Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa? Chúa Giê-su không cần họ ngỏ lời cám ơn,
nhưng rõ ràng Người muốn họ hãy “tôn vinh Thiên Chúa”, một cách cám ơn còn ý
nghĩa hơn trăm nghìn lời “cám ơn”.
Tuy nhiên
quan trọng hơn, chúng ta hãy xem “người ngoại bang” này cảm tạ Thiên Chúa như
thế nào. Vừa thấy mình được chữa lành,
anh lập tức nhìn nhận đây là một ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho anh. Nhất là
anh lại là “người ngoại bang” không thuộc thành phần dân riêng Người. Anh cảm nhận tình yêu quảng đại và lòng thương
xót của Thiên Chúa vượt trên mọi giới hạn chủng tộc và tôn giáo. Anh nhận biết Thiên Chúa nơi con người và uy
quyền của Chúa Giê-su. Vì thế, anh đã trở lại
với Người để “tôn vinh Thiên Chúa”. Với
anh, Chúa Giê-su chính là vị Thiên Chúa và anh trở lại là để tuyên xưng đức tin
của anh nơi Người. Tuyên xưng đức tin là
cách anh cảm tạ Thiên Chúa và chính Chúa Giê-su đã chứng nhận đức tin của anh
khi Người nói với anh: “Đứng dậy về
đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Anh đã phủ phục trước Chúa Giê-su, một cử chỉ
tuyên xưng Người là Thiên Chúa. Giống
như ông Na-a-man đã cảm tạ Đức Chúa của Ít-ra-en khi tuyên xưng đức tin vào Người,
thì kẻ ngoại bang được chữa lành cũng cảm tạ Chúa Giê-su bằng hành vi tuyên
xưng Người là Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
3.
Gương thánh Phao-lô: “Tôi cam chịu
mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ đạt tới ơn cứu độ” (bài đọc 2:
2 Ti-mô-thê 2:8-13)
Phụng vụ
Lời Chúa có vẻ rất thích trưng dẫn thánh Phao-lô như một gương mẫu sống Lời
Chúa! Hôm nay trong thư thứ hai gửi ông
Ti-mô-thê, thánh Phao-lô mời gọi Ti-mô-thê hãy đồng lao cộng khổ với ngài trong
sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.
Ngài bảo Ti-mô-thê “hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô”, Đấng đã làm cho ngài
cũng như Ti-mô-thê những ân huệ vô cùng lớn lao. Vì thế, ngài sẵn sàng chịu gian khổ, bị xiềng
xích, ngay cả hy sinh mạng sống để rao giảng “Đức Ki-tô Giê-su chịu đóng đinh
vào thập giá”.
Có lẽ đây
là cách tạ ơn Chúa thiết thực và ý nghĩa nhất chúng ta đều có thể làm để cảm tạ
Chúa về muôn vàn ơn lành Người đã, đang và sẽ ban cho chúng ta. Chúng ta không phải cam khổ tới mức độ như
thánh Phao-lô phải chịu, nhưng chắc chắn những đau khổ và hy sinh hằng ngày của
chúng ta để tuyên xưng lòng tin vào Chúa sẽ là những lời cảm tạ Chúa hùng hồn
nhất giống như ông Na-a-man, người ngoại bang và thánh Phao-lô đã làm. “Hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì tình Người yêu
thương ta bền vững tới muôn đời!”
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi