CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Các động tác thể lý và tinh thần khi chúng ta cầu nguyện

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 17:8-13;  2 Tm 3:14 – 4:2;  Lc 18:1-8)

 

        Khi còn bé, chúng ta thường được nhìn thấy bức ảnh Chúa Giê-su cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu.  Người quỳ gối và phủ phục trên một tảng đá, đôi mắt tha thiết nhìn lên trời, miệng như đang lẩm bẩm câu nói “Lạy Cha, nếu có thể được, xin Cha cho con khỏi phải uống chén này…” Bức ảnh chứa đựng những động tác bây giờ chúng ta mới hiểu:  về thể lý, những hành vi quỳ gối, phủ phục bên tảng đá, ngước mắt lên diễn tả một tư thế thích hợp cho việc cầu nguyện;  về tinh thần, đôi mắt Chúa lộ vẻ khẩn khoản và những giọt mồ hôi pha lẫn máu nói lên tình trạng tinh thần vừa lo sợ vừa tín thác vào Chúa Cha.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng cho chúng ta những hình ảnh với các động tác sống động thể lý lẫn tinh thần của những người cầu nguyện.  Bài trích sách Xuất Hành thuật lại việc ông Mô-sê cầu nguyện trên đỉnh đồi trong lúc quân Ít-ra-en chiến đấu với quân A-ma-lếch tại Rơ-phi-dim.  Trong bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca, Chúa Giê-su kể dụ ngôn bà góa “quấy rầy” đã kiên nhẫn xin ông quan tòa bất chính hãy minh xét cho bà vì bà bị đối phương hại bà.  Bài học của dụ ngôn là chúng ta phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.  Việc cầu nguyện đòi hỏi những động tác thích hợp, tuy nhiên, việc sử dụng tài liệu giúp cầu nguyện cũng quan trọng không kém.  Sách Thánh là tài liệu tốt nhất để chúng ta sử dụng khi cầu nguyện.  Đó chính là điểm thánh Phao-lô đã khích lệ Ti-mô-thê hãy để cho Kinh Thánh “dạy anh nên người khôn ngoan”, đồng thời ngài cũng mong mỏi chúng ta hãy tích cực sử dụng Kinh Thánh mà làm cho đời sống cầu nguyện của chúng ta được phong phú.

 

        1.  “Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế”  (bài đọc 1:  Xuất Hành 17:8-13)

 

        Thoát khỏi Ai-cập mới chỉ là bước đầu của tự do.  Nhưng mục đích của Thiên Chúa không chỉ dừng tại đó, mà Người còn dẫn đưa dân Người trải qua những khó khăn thử thách để phát triển đức tin vào Người.  Trên đường tiến vào Đất Hứa, họ sẽ phải chiến đấu với những dân tộc họ đi ngang qua.  Trận đầu tiên là phải giao chiến với người A-ma-lếch.  Cảm nghiệm những việc Thiên Chúa đã làm cho họ như ban man-na, chim cút và nước uống phun ra từ tảng đá đã chứng minh cho sự quan phòng của Thiên Chúa.  Giờ đây chiến thắng quân A-ma-lếch sẽ bổ sung cho niềm tin của họ vào Thiên Chúa quan phòng.  Nhưng làm sao chiến thắng được quân A-ma-lếch?  Trên đường di chuyền nay đây mai đó, họ không có đủ sức mạnh và khí giới để chiến đấu.  Ông Mô-sê, cột trụ đức tin của dân Chúa, tin vào sự giúp đỡ của Người.  Không thể chiến thắng theo đường của loài người và chỉ có thể chiến thắng theo đường lối Thiên Chúa mà thôi.  Và đây là chiến lược của Mô-sê.  Ông bảo trợ tá Giô-suê:  “Anh hãy chọn một số người, và ngày mai ra đánh A-ma-lếch.  Còn tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm cây gậy của Thiên Chúa”.  Cây gậy của Thiên Chúa là sức mạnh Người trợ giúp cho dân quân Ít-ra-en.  Cầm cây gây của Thiên Chúa trong tay biểu tượng cho việc ông Mô-sê cầu nguyện.  Ông giơ tay lên để quân Ít-ra-en nhìn thấy cây gậy của Thiên Chúa mà vững lòng chiến đấu.  Tuy nhiên, còn một chi tiết thú vị là “Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên thì dân Ít-ra-en thắng thế;  còn khi ông hạ tay xuống thì A-ma-lếch thắng thế”.  Rõ ràng cầu nguyện với tư thế “giơ tay lên” đã mang lại hiệu quả, chứng tỏ động tác thể lý của Mô-sê là một yếu tố cần thiết của việc cầu nguyện cho chiến thắng của Ít-ra-en! 

        Vì tầm quan trọng của các động tác thể lý trong việc cầu nguyện, chúng ta nhận thấy trong Phụng vụ, Giáo Hội rất cẩn thận khi ấn định những động tác như đứng, quỳ, ngồi vào những lúc nào thích hợp.  Chúng ta đứng để nghiêm chỉnh lắng nghe Lời Chúa, ngồi để thinh lặng suy niệm Lời Chúa.  Chúng ta quỳ gối để tôn thờ Chúa Giê-su hiện diện trong Thánh Thể sau lúc Truyền phép.

        Tuy nhiên, những động tác thể lý ấy chỉ đóng vai trò trợ giúp việc cầu nguyện nên chúng ta không tuyệt đối phải theo.  Bằng chứng là sau khi ông Mô-sê đứng và giơ tay lên quá lâu và đã mỏi, bởi vậy “người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông A-ha-ron và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên.  Nhờ vậy, tay ông Mô-sê cứ giơ lên được mãi cho đến khi mặt trời lặn”.  Và trận chiến kết thúc, dân Chúa đã chiến thắng vẻ vang.  Mặc dù đoạn sách Xuất Hành không nói đến những động tác tinh thần của việc ông Mô-sê cầu nguyện, nhưng sau khi thắng trận, “ông Mô-sê dựng một bàn thờ và đặt tên là:  “Đức Chúa, cờ trận của tôi”.  Chính động tác tinh thần này tuyên xưng “Đức Chúa là cờ trận của tôi” đã tiềm ẩn trong tâm hồn khi ông Mô-sê cầm gậy của Thiên Chúa trong tay và giơ lên cao.

 

        2.  Chúa Giê-su kể dụ ngôn bà góa kiên trì xin ông quan tòa minh xét cho bà, để dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn, không được nản chí  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 18:1-8)

 

        Mục đích dụ ngôn Chúa Giê-su kể là để dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.  Do đó chúng ta đi thẳng vào những điểm trong dụ ngôn nhấn mạnh đến việc phải cầu nguyện luôn và thái độ không được nản chí.  Qua hình ảnh ông Mô-sê cầu nguyện, chúng ta đã suy nghĩ về những động tác thể lý của ông liên hệ đến hiệu quả của cầu nguyện.  Còn dụ ngôn bà góa kiên trì và quấy rầy thì nhấn mạnh đến động tác tinh thần phải có lúc cầu nguyện.  Dĩ nhiên có rất nhiều động tác tinh thần khác nhau, nhưng ở đây Chúa Giê-su chỉ chọn hai điều:  phải cầu nguyện luôn và không được nản chí.  Chúng ta hãy xem bà góa trong câu chuyện đã “cầu nguyện luôn” và đã “không nản chí” như thế nào.

        Để làm nổi bật lên hai đức tính của bà góa này, Chúa Giê-su đã mô tả con người của ông quan tòa:  “Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”.  Đến như Thiên Chúa mà ông ta còn không sợ, việc gì ông phải sợ một mụ đàn bà góa yếu thế cô thân!  Nhưng ông ta lầm rồi!  Bà góa này đâu phải vừa.  Dù nhiều lần ông quan tòa chẳng coi bà ra gì, nhưng bà cũng chẳng “sợ” ông đến nỗi phải bỏ cuộc.  Trái lại, bà vẫn tiếp tục nhiều lần đến gặp ông và xin ông minh xét.  Thấy bà tiếp tục xuất hiện tại cửa quan, ông ta bắt đầu “sợ” người đàn bà này.  Người đâu mà lì lợm quá vậy!  Ông cố tình không chịu xét xử “một thời gian khá lâu” để làm cho bà nản chí không đến nữa.  Nhưng cuối cùng ông chịu thua sự kiên trì của bà!  Lý do thất bại là vì ông ta sợ bị quấy rầy, sợ bà ấy làm cho ông “nhức đầu nhức óc”.

        Hình ảnh ông quan tòa bất chính mà đem so sánh với Thiên Chúa thì quả thực không phải, mặc dù một điểm có vẻ giống nhau là cả hai đều “thua” lòng kiên trì.  Nhưng lý do thua của ông quan tòa và của Chúa lại khác hẳn nhau.  Ông quan tòa thua vì ông ích kỷ, không muốn mình bị quấy rầy và phải nhức đầu nhức óc.  Còn Thiên Chúa “thua” lòng kiên trì của chúng ta khi chúng ta cầu xin, vì “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?”  Nói khác đi, Chúa “thua” chúng ta vì Người quá yêu thương chúng ta là con cái Người!

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

 

        3.  “Sách Thánh có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su”  (bài đọc 2:  2 Ti-mô-thê 3:14 – 4:2)

 

        Thêm vào hai yếu tố của việc cầu nguyện, những động tác thể lý và những động tác tinh thần, đó là tài liệu giúp chúng ta cầu nguyện.  Dĩ nhiên cầu nguyện có thể xuất phát từ những cảm nghĩ của tâm trí chúng ta để kết hợp với Chúa, nhưng có một dụng cụ vô cùng hữu hiệu giúp chúng ta sống mối tương quan với Chúa, đó là Kinh Thánh.  Trong Kinh Thánh, có những sách đem đến những lời Chúa  muốn nói với chúng ta, nhưng cũng có những sách là chính những lời Chúa trực tiếp nói với ta hoặc những lời ta thân thưa thẳng với Chúa, thí dụ sách Thánh Vịnh.  Do đó, khi đọc hoặc hát Thánh Vịnh là chúng ta trực tiếp cầu nguyện với Chúa.  Cầu nguyện hữu hiệu khi nó làm thay đổi con người chúng ta.

        Thánh Phao-lô đã ý thức tầm quan trọng của Kinh Thánh, nên trong thư thứ hai gửi Ti-mô-thê ngài đã đề cao sức mạnh và ảnh hưởng của Kinh Thánh khi chúng ta sử dụng mà cầu nguyện.  Ngài khẳng định Kinh Thánh có thể dạy Ti-mô-thê (và chúng ta) nên “người khôn ngoan để được ơn cứu độ”.  Được cứu độ là nhờ lòng tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.  Mà cầu nguyện sử dụng Kinh Thánh sẽ giúp cho lòng tin của chúng ta thêm vững mạnh và mời gọi chúng ta trở nên giống Chúa Ki-tô mỗi ngày một hơn.  Ở cuối bài Tin Mừng hôm nay, có một câu nói của Chúa Giê-su liên quan đến lòng tin làm cho chúng ta phải suy nghĩ cách nghiêm túc.  Người đặt vấn đề:  “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”  Chúa muốn hỏi mỗi người chúng ta câu hỏi này và muốn chúng ta hãy cầu nguyện luôn cho lòng tin của chúng ta được vững bền.

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

         

                  

                

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C