CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN C
Xh 17,8-13 ; 2Tm 3,14-4,2 ;
Lc 18,1-8
CẦU NGUYỆN VỚI MỘT ĐỨC TIN KIÊN TRÌ
I.HỌC
LỜI CHÚA
1.TIN
MỪNG : Lc 18,1-8
(1)
Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện
luôn, không được nản chí. (2) Người nói :
“Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng
chẳng coi ai ra gì. (3) Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần
đến thưa với ông : “Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ
kiện tôi”. (4) Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta
nghĩ bụng : “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên
Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì. (5) Nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta bênh
vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”. (6) Rồi Chúa
nói : “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy
nói đó ! (7) Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển
chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? (8) Thầy nói cho
anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu
Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”
2.Ý
CHÍNH : Tin mừng Lu-ca kể ra dụ ngôn của Đức
Giê-su về bà góa và ông quan tòa nhằm dạy các môn đệ : “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Một người bất
lương như ông quan tòa mà còn phải chịu thua lòng kiên trì nài xin của bà góa
nghèo. Phương chi Thiên Chúa là Cha nhân lành lại không mau chóng bênh vực những
kẻ hằng kêu xin Người đêm ngày hay sao ?
Tuy nhiên có nhiều kẻ vì thiếu kiên trì khi gặp phải gian nan thử thách nên đã sớm
bị mất đức tin. Vì thế Đức Giê-su đã phải thốt lên lời than phiền như sau : “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng
tin trên mặt đất nữa chăng ?”.
3.CHÚ
THÍCH :
-C
1-3 : + Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn… : Câu dẫn nhập này báo trước ý nghĩa của dụ ngôn : Đức
Giê-su muốn nhấn mạnh đến thái độ kiên trì và liên lỉ cầu nguyện để chuẩn bị
cho ngày Người tái lâm. +Trong thành kia có một ông quan tòa : Ông
này bị coi là bất lương vì ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng nể nang
người đời. Những quan tòa như thế có nhiều trong dân Ít-ra-en và nhiều lần đã bị
các Ngôn sứ lên án (x. Is 1,23; Gr 5,28; Am 5,7). + Trong thành đó cũng có một bà góa : Bà góa là một mẫu người nghèo thường được đề cập tới
trong Thánh kinh. Các bà không có chồng bảo vệ nên dễ bị kẻ xấu chèn ép bóc lột.
+ “Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi” : Bà góa này xin quan tòa giúp minh oan trước kẻ đang kiện
cáo mình.
-C
4-5 : + Một thời gian khá lâu, ông không chịu… : Lúc đầu ông quan tòa hành động vì ích kỷ, nhưng cuối
cùng ông cũng đành phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa nghèo để đứng ra
bênh vực bà, hầu tránh khỏi bị bà quấy rầy mãi.
-C
6-8 : + Rồi Chúa nói : Lu-ca nêu tước hiệu “Chúa” 20 lần trong các bài tường thuật.
Qua đó ông muốn người đọc lưu ý đến vương quyền mầu nhiệm của Đức Giê-su. + “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó : Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người
đã tuyển chọn…” : Mục
đích so sánh Thiên Chúa với quan tòa bất chính là để làm nổi bật sự tương phản
giữa lối hành xử bất lương của viên quan tòa với lòng nhân từ vô biên của Thiên
Chúa. Một con người ngang ngược ích kỷ vô tín mà còn biết bênh đỡ người yếu thế
để tránh khỏi bị quấy rầy như vậy, phương chi Thiên Chúa nhân từ lại có thể nhẫn
tâm từ chối lời cầu xin của những kẻ đầy lòng cậy tin vào Ngài hay sao ? + Dù
Người có trì hoãn : Chắc
chắn Chúa sẽ can thiệp, nhưng theo cách thức của Người. Mỗi khi cầu xin mà chờ
lâu vẫn không được như ý, chúng ta hãy nhớ lại trường hợp Đức Giê-su trong vườn
cây Dầu : đã cầu xin Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng và không được
Cha chấp thuận, nhưng nhờ vậy mà loài người chúng ta mới được cứu độ nhờ cuộc khổ
nạn và phục sinh của Người. Trong thực tế, có nhiều điều chúng ta cố nài xin
Chúa ban, vì tưởng điều đó tốt cho mình, nhưng thực ra nó lại có hại cho phần rỗi
đời đời của ta. Nên vì thương ta mà Chúa đã không ban theo ý ta xin, nhưng lại ban ơn khác giúp ta được
ơn cứu độ, như lời Đức Giê-su : ”Có ngừoi cha
nào đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ?….”. Trật tự thế giới này sẽ ra sao
nếu các ước muốn ngông cuồng của mọi người đều được Chúa ban như ý tất cả ? + Người
sẽ mau chóng bênh vực họ : Ở
đây cũng như ở nhiều nơi khác (x. Mt 9,1; 13,30). Đức Giê-su cho biết đến “ngày
của Con Người”, những kẻ được tuyển chọn sẽ được Chúa ra tay bênh vực (x. Lc
17,22-37). + Nhưng
khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ? :
Trong cơn thử thách, những kẻ được tuyển chọn cũng vẫn có thể trở thành vô tín
nếu không có sự kiên trì (x. Mc 13,20-22). Vì thế Đức Giê-su khuyên các môn đệ
phải tránh lối sống buông thả, nhưng luôn kiên trì cầu nguyện, giống như bà góa
trong dụ ngôn đã vững tâm cầu xin trước sự thờ ơ của quan tòa bất lương. Trong
thời gian dài từ khi Đức Ki-tô về trời đến khi Người lại đến vào ngày tận thế,
các tín hữu phải “tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều
sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
4.CÂU
HỎI : 1) Câu nào trong Tin mừng cho thấy bài
học Đức Giê-su muốn dạy môn đệ về sự tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa
? 2) Phải giải thích thế nào nếu Thiên
Chúa trì hõan không nhận lời cầu xin xem ra chính đáng của chúng ta ? 3) Câu nào cho thấy vào ngày tận thế nhiều người có thể mất
đức tin vì đã không kiên trì cầu nguyện khi gặp gian nan thử thách ? 4) Chúa đã hứa :"Hãy xin sẽ được…", vậy tại sao
tôi cầu xin hoài mà vẫn không được Chúa ban ơn như ý của mình ?
II.
SỐNG LỜI CHÚA :
1.LỜI
CHÚA : “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không
bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng đến kêu cứu với Người, dù
Người có trì hoãn ?” (Lc 18,7).
2.CÂU
CHUYỆN :
1)
KIÊN TRÌ CẦU XIN SẼ ĐƯỢC CHẤP NHẬN :
Một nhân viên bưu điện phi ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng
kín để phát thư. Ông gõ cửa nhưng không thấy ai ra mở cả. Ông biết trong nhà có
người, vì đã thấy bóng họ thấp thóang qua khung cửa sổ. Do đó, ông vừa la lớn vừa
đập mạnh vào cánh cửa. Sau khi ông đập cửa tới 5 lần thì một lỗ nhỏ trên cánh cửa
được mở ra và có tiếng người trong nhà hỏi : “Ông muốn gì ?”. Ông trả lời : “Muốn gì ư ? Tôi đã kêu cửa mấy phút rồi mà không thấy
ai ra mở cửa để lấy thư cả !” Bấy giờ người trong nhà mới vặn chốt mở rộng cửa ra
và giải thích như sau : “Xin ông thông cảm cho. Mỗi ngày
chúng tôi phải chịu đựng lũ trẻ hàng xóm đến phá quấy. Chúng cứ tới đập cửa ầm ầm,
rồi khi chúng tôi ra mở thì lại chẳng thấy ai cả. Khi nãy lúc đầu chúng tôi cứ
tưởng là lũ trẻ đến phá rối như mọi khi, nên không ra mở cửa. Nhưng về sau thấy
cửa cứ bị đập hòai, nên chúng tôi biết là có khách đến thăm thực sự”.
2)
LỜI CẦU XIN ỨNG NGHIỆM SAU NHIỀU NĂM :
Tạp chí Hướng Đạo có đăng một câu chuyện thú vị về một cô
giáo trẻ. Câu chuyện được tóm tắt như sau :
Cô giáo Me-ri được điều về dạy ở một trường nọ. Trong lớp cô phụ trách có một học
sinh ngỗ nghịch tên là Bill. Em này thường gây cho cô giáo trẻ sự bực bội và làm
cho lớp học thành một nơi bát nháo vô trật tự. Một buổi sáng kia, cô Me-ri đến
lớp sớm hơn và ngồi ở bàn của thầy giáo hí hoáy viết tốc ký lên một trang giấy,
thì bất ngờ Bill xuất hiện. Cậu bé tiến lại gần bàn cô giáo và nói : “Cô đang viết gì vậy ?” Me-ri đáp :
“Cô viết lời cầu nguyện với Chúa đó”. Bill chế giễu : “Chúa có thể đọc được chữ tốc ký hay sao ?” Me-ri đáp :
“Người có thể làm được mọi sự. Ngay cả việc nhậm lời cầu xin này của cô ”. Nói xong, cô để mảnh giấy kia vào trong cuốn Kinh
thánh, và quay lên viết bài học trên bảng cho cả lớp. Lợi dụng lúc cô giáo loay
hoay viết, Bill đã lén lấy cắp mảnh giấy có ghi lời cầu nguyện của cô giáo và bỏ
vào trong cuốn tập của cậu. Hai mươi năm sau, Bill đã trở thành giám đốc của một
công ty lớn. Một hôm ông ta lục tìm một đồ vật cũ để trên gác xép ngôi nhà xưa
của cha mẹ ông. Bill tình cờ cầm lên một cuốn sổ ghi bài học thuở nhỏ và đột
nhiên thấy một mảnh giấy vàng ố rơi xuống sàn. Đó là mẩu giấy có ghi chữ tốc
ký. Bill không hiểu nội dung những dòng chữ ấy. Ông gấp tờ giấy kia lại, mang đến
văn phòng nhờ cô thư ký đọc giúp. Cô ta đã viết lời dịch vào một tờ giấy khác
và đưa cho Bill. Ông nhận ra đó là lời cầu nguyện của cô giáo Me-ri năm xưa, nội
dung lời cầu ấy như sau : “Lạy Chúa, xin đừng để con bị thất
bại trong nghề giáo của con. Con không thể làm cho lớp con đang dạy vào khuôn
khổ kỷ luật được, vì có một cậu học trò tên là Bill hay phá bĩnh. Xin Chúa hãy
uốn nắn tâm hồn cậu bé này. Vì theo con nhận xét : Cậu bé ấy có thể trở thành một người hoặc rất tốt hoặc
rất xấu sau này”. Câu cuối cùng như một nhát búa nện vào đầu Bill, bắt ông phải
suy nghĩ. Thật ra chỉ vài giờ trước đó, Bill có dự tính lao vào một vụ làm ăn
buôn lậu, hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty. Ông cầm tờ giấy kia
lên gấp lại cho vào chiếc ví để trong túi quần. Rồi trong suốt tuần kế tiếp, mỗi
khi có dịp là ông lại lôi tờ giấy kia ra đọc đi đọc lại nhiều lần. Cuối cùng
thì lời cầu nguyện của cô giáo được viết trước đó hai mươi năm đã phát huy tác
dụng và làm thay đổi ý định buôn lậu của Bill. Mấy tuần sau, khi có dịp ngang
qua nhà cô giáo cũ, ông đã tìm đến thăm cô và kể cho cô nghe về lời cầu nguyện
của cô cách đây 20 năm đã có sức mạnh làm thay đổi cuộc đời hiện tại của ông ra
sao.
3) CHÚA CÓ NHIỀU
CÁCH ĐỂ THI ÂN :
Một bà cụ quê mùa nhưng rất có lòng đạo đức. Nhà bà quá
nghèo phải ăn đong từng bữa. Một hôm trong hũ gạo nhà bà chẳng còn hạt gạo
nào, nhưng bà không biết phải lo liệu cách nào. Bà đứng trước bàn thờ thành tâm
cầu xin Chúa ban cho gia đình bà có lương thực hằng ngày. Một chàng thanh niên vô
tín nhà kế bên nghe thấy bà cầu nguyện như thế, liền lấy một bịch gạo
quẳng sang bếp nhà bà. Khi vừa trông thấy bịch gạo, bà liền dâng lời tạ ơn
Chúa đã mau đáp lời bà cầu xin. Thấy vậy, chàng thanh niên liền nói vọng sang : “Bà ơi,
không phải Chúa ban cho bà đâu, bịch gạo đó là của cháu đấy. Chẳng có
Chúa nào đã ban gạo cho bà đâu”. Nghe vậy, bà cụ lại ngước mắt lên trời
nguyện rằng : “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã xui khiến anh chàng Giu-đa
này đem gạo đến cho con. Chúa có nhiều cách để thi ân cho
con. Con xin tạ ơn Chúa.”
4) CHÚA KHÔNG TRỰC
TIẾP NHƯNG THƯỜNG BAN ƠN QUA TRUNG GIAN :
Một lá thư được viết nguệch ngoạc
của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ người nhận là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở
thư ra đọc. Trong thư viết rằng :
"Lạy Chúa. Con tên là Tommy, được sáu tuổi. Ba con đã chết cách đây mấy
năm và mẹ con phải chịu vất vả cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho mẹ
con số tiền 300 đồng để làm vốn bán hàng nhé”.
Đọc thư xong, anh nhân viên bưu
điện rất xúc động và dưa cho các bạn đồng nghiệp cùng xem. Rồi họ quyết định
quyên góp để giúp đỡ cho gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng được 100 đồng được
gởi tới địa chỉ của người gửi là nhà cậu bé Tommy.
Vài tuần sau, nhân viên bưu điện
lại nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc bà thấy thư viết như sau :
"Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con không ?
Vì gởi qua bưu điện, họ đã giữ lại của chúng con mất 200 đồng !"
Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải
bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng chúng ta cũng cảm thấy hổ thẹn vì xem
ra mình cũng giống như cậu bé nói trên
: Chúng ta
thường muốn phải Chúa lập tức đáp lại lời cầu xin của chúng ta. Nếu Người chậm
đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ yêu cầu, thì chúng ta cảm thấy khó chịu, và cũng
quên nói lời cám tạ ơn Người.
3.SUY
NIỆM :
Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã
dạy các môn đệ : "Phải cầu nguyện luôn, không được
nản chí" (Lc 18,1). Người
muốn các tín hữu chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện để được Chúa ban ơn cứu
độ. Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyên và phải cầu nguyện thế nào ?
1. Mấy thái độ cầu nguyện ? :
Trong một vụ động đất lớn khiến nhiều
nhà cửa trong thành phố bị sụp đổ. Có ba người bị kẹt trong văn phòng một tòa
nhà của một công ty xây dựng. Bấy giờ văn phòng bị tối thui vì cúp điện và cũng
do một khối bê-tông lớn từ tầng trên rơi xuống chắn ngang cửa sổ và cửa ra vào
văn phòng. Trước tình huống này, người thứ nhất là trưởng phòng không có đức
tin và không đến nhà thờ từ lâu. Ông ta bực tức không ngừng chửi rủa viên kỹ sư thiết kế và là chủ thi công công
trình tòa nhà này đã không chịu gia cố thêm sắt thép khi xây dựng chân móng
và đà cột, khiến tòa nhà dễ bị sụp đổ khi có động đất mạnh. Anh thứ hai là nhân
viên vệ sinh của công ty có lòng đạo đức bình dân, khi bị kẹt
trong văn phòng liền quỳ gối lần chuỗi
kinh mân côi thật sốt sắng để xin Đức Mẹ thương ra tay cứu giúp. Anh thứ ba
là nhân viên bảo trì máy móc của công ty là người có đức tin trưởng thành đã bình tĩnh khi gặp sự cố. Anh ta âm thầm
đối thoại cầu xin Chúa như sau : “Lay Chúa,
Chúa muốn con làm gì để thoát khỏi hoàn cảnh này ?” Sau đó anh lấy
ra búa và đục trong giỏ đồ nghề luôn mang theo và bắt đầu đục phá khối bê-tông
bít lối ra vào kia. Cứ sau một lúc làm việc, anh dừng tay nghỉ mệt và lại thầm
thĩ thưa chuyện với Chúa : "Lạy Chúa, xin giúp con đủ sức đục bể khối
bê-tông này để cả ba người chúng con sớm thoát được ra bên ngoài". Cuối
cùng anh ta đã phá được một mảng lớn bê-tông và cả ba người đã chui được ra
ngoài an toàn.
2. Tại sao phải cầu nguyện ?
Câu chuyện trên cho thấy thái độ cầu
nguyện của ba hạng người : người thứ
nhất do mất đức tin, cho rằng cầu nguyện vừa mất thời giờ lại vừa vô ích, nên không cầu nguyện khi gặp khó khăn. Anh
ta chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh và tha
nhân, mà không tích cực giải quyết vấn đề. Người thứ hai có đức tin thụ động : Khi gặp sự cố
chỉ biết khoanh tay đọc kinh để cầu xin
phép lạ, thay vì chủ động giải quyết vấn đề. Có lẽ đại đa số các tín hữu chúng ta vẫn đang có lối cầu nguyện
thụ động này, nhất là khi chúng ta cầu xin cho người khác. Người thứ ba có đức tin tích cực chủ động : tuy tin vào
quyền năng của Chúa, nhưng đồng thời cũng ý thức cần phải sử dụng các phương
tiện Chúa ban để chủ động giải quyết sự
cố kèm theo việc xin Chúa ban ơn trợ
giúp. Đây là cách cầu nguyện đúng đắn nhất và đẹp lòng Chúa hơn cả mà các
tin hữu chúng ta hôm nay cần áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.
3. Ích lợi của sự cầu nguyện ?
- Hiệu quả của cầu nguyện : Cầu nguyện sẽ giúp các tín hữu thêm
lòng mến Chúa yêu người và tâm hồn sẽ được bình an hạnh phúc như có người đã
nói : « Hoa trái của cầu nguyện là đức tin ; Hoa trái của đức tin là tình
yêu ; Hoa trái của tình yêu là phục vụ ; Và hoa trái của phục vụ là
tâm hồn an bình hạnh phúc ».
- Không nên đòi hiệu quả tức thời : Khi cầu nguyện,
chúng ta tin chắc Chúa sẽ đáp lời cầu xin của chúng ta. Nhưng Ngài không ban
ngay theo ý ta, mà sẽ ban vào thời gian
thích hợp và ban những gì có lợi nhất cho phần rỗi đời đời của chúng ta.
4. Phải cầu nguyện thế nào để được Chúa chấp nhận ?
- Cần cầu xin với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần : như lời Thánh Phao-lô: "Chúng ta không
biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí sẽ cầu thay nguyện giúp
cho chúng ta… theo đúng thánh ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).
- Cần kiên trì cầu nguyện : Trong Tin Mừng
hôm nay, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ : "Phải cầu nguyện luôn, không được nản
chí" (Lc 18,1). Người
muốn các tín hữu kiên trì cầu nguyện noi gương ông Mô-sê xưa đã quì giang tay
suốt cả ngày để xin Chúa cho quân Ít-ra-en được thắng trận (Bài đọc 1); Hay như
bà goá bị kiện cáo oan ức đã kiên trì xin viên quan toà “không tin Chúa mà cũng
chẳng kiêng nể người đời”, để nhờ ông ta minh oan. Nhờ sự kiên trì mà cuối cùng
bà góa này đã được quan tòa minh oan (Bài Tin Mừng). Mỗi người chúng ta cũng
phải kiên trì cầu nguyện, cả những lúc xem ra Chúa im lặng không đáp ứng các
yêu cầu chính đáng của chúng ta, như trường hợp một người đàn bà Ca-na-an kiên
trì cầu xin Chúa chữa cho đứa con gái khỏi bị quỷ ám, (x Mt 15,21-28). Cầu xin
với sự xác tín và cậy trông phó thác vào quyền năng và tình thương của Chúa thì
sẽ được chấp nhận, như lời Đức Giê-su : “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người
đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? Thầy nói
cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lc 18,7-8a).
- Cần kèm theo lễ vật hy sinh : Để lời cầu xin xứng đáng được Chúa chấp nhận, chúng ta
cần kèm theo lễ vật, như dân Do thái xưa thời Cựu Ước đã dâng chiên bò làm lễ
vật toàn thiêu lên Đức Chúa; Hoặc hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đã dâng Hài Nhi
Giê-su cho Thiên Chúa và chuộc lại bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con
như Luật dạy (x Lc 2,23-24). Hoặc các đạo sĩ đến thăm Hài Nhi Cứu Thế, đã sấp
mình bái lạy kèm theo dâng tiến Chúa lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược (x
Mt 2,11).
Nếu quá nghèo không thể mua sắm lễ vật, chúng ta vẫn có
thể dâng lễ vật thiêng liêng là lời cầu nguyện chân thành, các việc hy sinh hãm mình đền tội và việc bác ái khiêm
nhường phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh.
TÓM LẠI : Cầu nguyện không
phải là cầu xin cách vụ lợi cho chúng ta, cũng không phải là nêu ra những nhu cầu để xin Chúa ban theo ý ta
muốn mà không cần phải cố gắng thực hiện, nhưng là thưa chuyện với Thiên Chúa,
xin Ngài giúp chúng ta vâng theo thánh ý Ngài, noi gương Đức Giê-su trước cuộc
khổ nạn : “Cha ơi! Nếu
được, xin cho chén này rời khỏi con.
Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Tuy nhiên vì biết
loài người vốn yếu đuối dễ bị nản chí thất vọng buông xuôi, nên Đức Giê-su đã
cảnh báo : "Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu
Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?” (Lc 18,8).
4. THẢO LUẬN : 1) Bạn cần đọc kinh dự lễ như thế nào để
tránh bị lo ra chia trí và để lời cầu nguyện của bạn xứng đáng được Chúa chấp
nhận ? 2) Ngoài việc đọc kinh dự lễ, bạn cần làm gì để biến đời bạn trở thành một
lời cầu nguyện liên lỉ ?
5.NGUYỆN CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Điều làm cho Chúa
đau lòng là có nhiều người đã bị mất đức tin, trong đó có thể có cả con nữa.
Nhiều lúc chính con đã không tin vào hiệu lực của lời cầu xin : Khi gặp khổ
đau hoạn nạn, con thường than thân trách phận, mà không biết mở miệng cầu xin
Chúa ban ơn trợ giúp. Cũng có những lúc con chỉ cậy vào sức riêng mình, dựa vào
sức mạnh của tiền bạc hay thế lực của những kẻ đang nắm giữ chức quyền… mà
không biết cậy dựa vào ơn của Chúa. Nhiều lúc con cảm thấy chán nản và thất vọng
khi cầu xin mãi mà vẫn không được Chúa ban theo ý con xin. Xin giúp con biết kiên
trì cầu nguyện và đừng bao giờ nản chí. Xin cho con ý thức rằng : Những ai tin
cậy vào quyền năng và tình thương của Chúa, sẽ không bao giờ phải thất vọng hổ
ngươi.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM
ĐAN VINH - HHTM