Chúa nhận lời
kẻ khiêm tốn cầu xin
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXX Năm – C
(Lc 18,9-14)
Tuần
trước, qua dụ ngôn đầy tính hài ước với hai nhân vật mang tính biểu
tượng : một bên là vị thẩm phán bất công, đại diện kẻ áp bức, bên kia
là bà góa đi kiện, điển hình của kẻ bị áp bức. Chúa Giêsu khuyên
chúng ta phải cầu nguyện luôn đừng ngã lòng và xác tín rằng, Thiên Chúa hằng
nhận lời chúng ta (x.Lc 18,1-8).
Chúa
nhật tuần này, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn khác cũng gồm hai nhân vật : một
bên là người pharisiêu tự cho mình là công chính tuân giữ Luật Chúa cách hoàn
hảo và bên kia là người thu thuế, tội lỗi lên Đền thờ cầu nguyện (x.Lc 18,
9-14). Và Người khuyên chúng ta khiêm tốn cầu xin thì sẽ được Chúa nhận lời.
Lời người khiêm nhường vang lên tới Chúa
Nếu
chúng ta đọc và nghe lại những lời Chúa trong sách Huấn Ca viết : “Chúa là
quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch
với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh
rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời
than van.
Nỗi
hồn đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu
nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho
đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao
đoái nhìn. Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và
sẽ ra lời phán quyết” (Hc 35, 15b-17. 20-22a (Hl 12-14.
16-18).
Ðoạn
sách trên nói đến kẻ nghèo, người oan,
kẻ mồ côi, người góa bụa, là những thành phần cô thân cô thế trong xã hội. Tác giả dùng nhiều hình thức của nhiều câu văn lặp đi
nhắc lại chỉ một ý tưởng: Thiên Chúa nghe lời người khó nghèo kêu xin. Ðó là
của lễ được nhận...
Người nghèo bao gồm cả con cái Israel thời
bấy giờ. Họ phải phiêu bạt đi nhiều nơi, bị dân ngoại chèn ép không nhận được
pháp luật bảo vệ trong việc thờ phượng và giữ luật của cha ông. Nhưng họ vẫn cố
gắng trung thành với giao ước; vẫn thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ; và khẩn cầu
Danh Ngài. Ðó mới thật là kẻ nghèo, người oan, kẻ mồ côi, người góa bụa. Lòng
đạo đức của họ nhất định đẹp lòng Chúa và chắc chắn Người sẽ thi hành công lý
cho họ khi Ðấng chí công xét xử.
Người thu thuế ra về khỏi
tội
Dụ
ngôn được Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng hôm nay gồm hai nhân vật đại diện cho
con người chúng ta : một bên là người pharisiêu tự cho mình là công chính
tuân giữ Luật Chúa cách hoàn hảo và bên kia là người thu thuế, tội lỗi, tay sai
cho bọn đế quốc, vơ vét tiền bạc trên lưng của đồng bào (x.Lc 18, 9-14).
Hôm
nay, Ðức Giêsu nói dụ ngôn này với với những ai hay tự hào mình là
người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác để
dạy họ cần phải học cho thuộc bài học khiêm nhường, đồng
thời phủ
nhận một lối sống đạo tự cao tự đại, một sự công chính sai lầm
và đề ra tinh thần đạo đức thánh thiện thật.
Người Pharisêu
Người
Pharisêu đại diện cho người bảo thủ cảm thấy mình phù hợp với Thiên Chúa và tha
nhân, khinh thường kẻ khác. Người thu thuế là kẻ đã phạm lầm lỗi, nhưng anh
nhìn nhận lỗi lầm đó và khiêm tốn xin Chúa tha thứ. Anh nghĩ, mình không thể
cứu được mình nên cậy nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Câu cuối cùng của
dụ ngôn minh chứng: Người này, khi trở về nhà, thì được nên công chính, nghĩa
là, được tha và hoà giải với Chúa; người Pharisêu trở về nhà trong tình trạng y
như hồi ra đi vẫn giữ cảm giác về sự công chính của mình, đương nhiên mất sự
công chính của Chúa (x.Lc 18,14).
Trong
thực tế, người Pharisiêu đã đặt ra cho mình chỉ tiêu công chính. Ông không như
người khác : ăn chay, nộp thuế… Ông tự xây dựng hình ảnh người công chính
cho mình mà quên mất điều quan trọng nhất của lề Luật là tình yêu tha nhân.
Tệ
hơn nữa là thái độ của ông. Ông "tạ ơn Thiên Chúa" ;
nhưng không được, ông thích liệt kê những kẻ tội lỗi. Trong lời cầu nguyện, ông
không cần đến Thiên Chúa. Như thế, ông không công chính với chính mình. Một
người hài lòng với chính mình, làm sao có thể giao tiếp được với Thiên
Chúa ?
Người thu thuế
Người
thu thuế biết mình không có gì để khoe, và cũng chẳng có ai thấp kém hơn mình
để đạp. Anh chỉ biết mình được xếp loại ngang hàng với gái điếm, nên đứng xa
xa, không dám ngước lên trời, đấm ngực và nói lên điều mà lòng anh đang khao
khát : "Lạy Chúa, xin thương con là kẻ có tội" (Lc 18,13). Anh
khao khát tình thương nên anh được Chúa đoái thương nhận lời anh cầu xin. Một
kẻ tội lỗi như anh, có thể chứa đựng lòng thương xót, bởi vì không giống như
người pharisiêu đóng cửa lòng mình và thỏa mãn với sự đầy đủ của mình, anh mở
rộng tâm hồn, sẵn sàng đón lấy ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Bài học từ hai người trên
Một
kết luận thực tế : Rất ít người vừa Pharisêu vừa là người thu thuế, tức là,
công chính trong mọi sự hay là tội lỗi trong mọi sự. Phần đông chúng ta có một
chút ít cả hai trong cuộc sống. Lúc tồi tệ nhất chúng ta ứng xử như quan thu
thuế trong cuộc sống, kinh doanh vô đạo đức, và lúc khác chúng ta như người
Pharisiêu trong đền thờ, được cho là hợp lý bởi hành vi tôn giáo của chúng ta.
Điều tệ nhất có lẽ là hành động như người thu thuế trong đời sống thường ngày
và như người Pharisêu trong nhà thờ. Những người thu thuế là những kẻ tội lỗi,
không có áy náy lương tâm, coi tiền bạc và nghề nghiệp trên hết mọi sự. Những
người Pharisêu, ngược lại, là rất khắc khe và chăm chú đến lề luật trong sự
sống hằng ngày của mình.
Chúng
ta hãy cầu xin cho chính chúng ta được hưởng lòng thương xót Chúa. Amen.
Lm.
Antôn Nguyễn Độ