CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Hc 35:12-14, 16-18;  2 Tm 4:6-8, 16-18;  Lc 18:9-14)

        Hôm nay chúng ta tiếp tục đề tài cầu nguyện, nhưng cầu nguyện trong thái độ căn bản và không thể thiếu, đó là sự khiêm nhường.  Bài đọc trích sách Huấn Ca và bài Tin Mừng giúp chúng ta thấy rõ Thiên Chúa luôn nhậm lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường.  Đoạn sách Huấn Ca mô tả đức khiêm nhường khác nào đôi cánh giúp cho lời nguyện của người nghèo và cô thân cô thế “vượt ngàn mây thẳm” mà tới Đức Chúa là Đấng xét xử và chẳng thiên vị ai.  Còn Chúa Giê-su, để dạy người ta khi cầu nguyện phải có lòng khiêm nhường, Người đã kể câu chuyện dụ ngôn hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu và người kia là kẻ thu thuế.  Ông Pha-ri-sêu cầu nguyện bằng cách khoe khoang với Chúa những việc lành mình làm, còn người thu thuế khi cầu nguyện chỉ biết đấm ngực thưa với Chúa “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.  Người khiêm nhường hoàn toàn tin tưởng vào Chúa nên lời cầu nguyện của họ được Thiên Chúa nhậm lời.  Qua những dòng tâm sự của thánh Phao-lô với ông Ti-mô-thê, chúng ta có thể cảm thông với thánh Phao-lô trong hoàn cảnh hầu như bị mọi người bỏ rơi đang khi ngài thi hành sứ vụ.  Nhưng ngài đã khiêm nhường đặt hết tín thác vào Chúa, vì ngài luôn tin “Có Chúa đứng bên cạnh”, nhờ đó ngài đã hoàn thành việc rao giảng.  Đó cũng là tấm gương sống khiêm nhường cho chúng ta, để chúng ta luôn tin tưởng khi cầu nguyện.

        1.  Lời cầu nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm  (bài đọc 1:  Huấn Ca 35:12-14, 16-18)

        Lời cầu nguyện của chúng ta có được nhậm lời hay không còn tùy thuộc vào thái độ chúng ta cũng như vào Thiên Chúa.  Đoạn sách Huấn Ca diễn tả lập trường của Thiên Chúa đối với những kẻ nghèo hèn kêu cầu Người.  Thiên Chúa là Đấng xét xử mọi người và Chúa không thiên vị, đó là điều không những sách Huấn Ca mà cả các sách khác đều khẳng định.  Sách trưng ra một vài thí dụ:  Chúa không vị nể kẻ quyền thế giàu có mà làm hại kẻ nghèo hèn và kẻ bị áp bức;  Người không ngoảnh mặt khi kẻ mồ côi hoặc các kẻ góa bụa khấn nguyện.  Đây là những người không hề cậy vào sức riêng mình hoặc tiền bạc của cải.  Đối với họ, chỉ có Thiên Chúa là Đấng phù trợ nên họ đặt hết lòng tin tưởng vào Người.  Chính lòng tin tưởng này sẽ giúp cho lời cầu nguyện của họ thêm sức mạnh, hoặc nói cách hoa mỹ là “được chắp cánh”, để có thể “vọng tới các tầng mây” và “vượt ngàn mây thẳm” mà bay lên tới Chúa.  Có một tỷ lệ nghịch giữa lời cầu nguyện và đức khiêm nhường:  càng khiêm nhường hạ mình xuống thấp thì lời cầu nguyện càng có sức mạnh bay cao!  Tiếp theo, tác giả Huấn Ca còn nhắc tới một đặc điểm của những kẻ “nghèo hèn” khi họ cầu xin Chúa:  bao lâu lời cầu nguyện của họ chưa đạt tới đích và chưa được Chúa thương đoái, họ sẽ kiên trì tiếp tục cầu xin.

        2.  Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi, còn người Pha-ri-sêu thì không  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 18:9-14)

        Cầu nguyện không phải lúc nào cũng là cầu xin, nhưng mục đích của việc cầu nguyện còn nhắm đến nhiều điều khác nữa.  Rõ ràng trong dụ ngôn này, Chúa Giê-su xác định mục đích cầu nguyện là xin Thiên Chúa cho ta được nên công chính.  Điều này càng rõ ràng khi chúng ta nghe hai người cầu nguyện, ông Pha-ri-sêu và người thu thuế.  Thay vì khiêm nhượng xin cho mình “được nên công chính”, ông Pha-ri-sêu lại kể lể những việc ông đã làm để chứng minh cho Chúa biết ông là người công chính.  Như vậy, Chúa mắc nợ ông về sự công chính nên Người phải công bố ông là người công chính.   Cũng nực cười, nếu ông Pha-ri-sêu đã cho mình là người công chính rồi thì ông đâu cần phải cầu xin Chúa làm gì nữa!  Một cách gián tiếp, ông đã phủ nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa;  nói khác đi, ông không cần Chúa giúp cho ông được nên công chính, nhưng tự sức riêng của ông, ông “có thể” trở nên người công chính rồi.  Quả thực là ngạo mạn! 

        Trái lại, người thu thuế tự nhận mình là kẻ tội lỗi và tha thiết xin Chúa “thương xót” mình.  Ông nhìn vào mình và tội lỗi của mình chứ không dám ngước mắt lên nhìn Chúa.  Ông đấm ngực để xác nhận chính mình là kẻ tội lỗi, bất xứng khi đến với Chúa và quyết tâm ăn năn hối cải.  Ông thấy mình xấu xa đến nổi không dám đến gần bàn thờ Chúa, mà chỉ dám “đứng đằng xa”.  Ông không có gì để “khoe khoang” với Chúa, chẳng lẽ tự hào về bao việc xấu xa tội lỗi ông đã phạm.  Có lẽ ông đang nghĩ đến những số tiền ông gian lận của người dân.  Có lẽ ông đang nhớ đến những người đã nghèo khổ lại càng khổ thêm vì họ là nạn nhân tính tham lam của ông.  Quá khứ đổ về và hiện tại ông không là gì khác ngoài một tên tội lỗi.  Nhưng ông không tuyệt vọng, vì ông vẫn biết Chúa là Đấng giàu lòng thương xót.  Cho nên ông không biết nói điều gì khác hơn là lập đi lập lại chỉ một lời cầu xin:  “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.  Càng lập đi lập lại, ông càng xác tín Chúa là Đấng từ bi nhân hậu và trái lại, ông càng thấy rõ mình là kẻ xấu xa tội lỗi khát khao được nên công chính.  Rồi ông ra về, tâm hồn được thảnh thơi, sung sướng vì đã được “nếm thử cho biết Chúa tốt lành biết mấy!”  Chính Chúa Giê-su đã tuyên bố kết quả việc cầu nguyện của hai người:  “Người này (ông thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi;  còn người kia (ông Pha-ri-sêu) thì không”.  Chúa Giê-su không quên kèm theo một bài học sống Lời Chúa:  “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;  còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

        3.  Thánh Phao-lô khiêm nhường và tin tưởng nơi Chúa  (bài đọc 2:  2 Ti-mô-thê 4:6-8, 16-18)

        “Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Lời này của Chúa Giê-su đã được thể hiện nơi thánh Phao-lô.  Với đoạn thư tâm sự gửi cho ông Ti-mô-thê, thánh Phao-lô đã chia sẻ với ông Ti-mô-thê những tâm tình rất thật của ngài.  Trước hết ngài nghĩ tới ngày ra pháp trường để bị hành quyết vì làm chứng cho Chúa Ki-tô và Tin Mừng.  Ngài không khoe khoang kể lể những việc tốt mình đã làm, giống như ông Pha-ri-sêu kia cầu nguyện trong Đền Thờ.  Nếu như Chúa Ki-tô không đoái thương gọi ngài trở về, thì chắc ngài cũng chẳng khác gì ông Pha-ri-sêu nói trên.  Khi ấy ông Pha-ri-sêu Sau-lê cũng sẽ khoe khoang với Chúa những hành trình truyền giáo vất vả… và đòi Chúa phải ân thưởng cho ông.  Nhưng không phải vậy.  Nhìn lại cuộc đời truyền giáo, Phao-lô chỉ coi là mình “đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững đức tin”.  Rồi ngài trông đợi “Ngày ấy” là thời điểm Vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng cho ngài.  Mà không phải phần thưởng cho riêng ngài đâu, “nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” nữa.

        Tiếp theo, Phao-lô chia sẻ về sự nâng đỡ của Chúa khi ngài bị người đời bỏ rơi.  Đứng trước phiên tòa lần thứ nhất, Phao-lô phải “đứng ra tự biện hộ” cho mình, vì “mọi người đã bỏ mặc tôi”.  Chúa thì không bỏ mặc ngài, nhưng luôn “đứng bên cạnh” ngài và “ban sức mạnh” cho ngài, nhờ đó ngài đã hoàn thành sứ vụ, đã “chạy hết chặng đường” làm tông đồ dân ngoại.  Nhìn lại tình thương và hỗ trợ của Chúa dành cho ngài, ngài chỉ còn biết dâng lên điệp khúc chúc tụng và cảm tạ Chúa, tương tự như ông thu thuế cứ luôn miệng kêu xin Chúa “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Lời Chúa hôm nay để lại cho chúng ta nhiều bài học quá!  Từ Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và không thiên vị ai cho đến Chúa Giê-su, Đấng dạy chúng ta hãy cầu nguyện với lòng khiêm nhường, người thu thuế cầu xin cho được nên công chính, sau hết là gương thánh Phao-lô tông đồ dân ngoại, tất cả đều là những bài học vô cùng thực tế được áp dụng cho đời sống Ki-tô hữu chúng ta, đặc biệt là mỗi khi chúng ta cầu nguyện.  Ai thích bài học nào thì ráng suy nghĩ và nhất là hãy đem ra thực hành.  Cầu xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được nên công chính, vì đó là một trong những mục đích quan trọng nhất của việc cầu nguyện.

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

       

       

                           

                 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C