Chúa Nhật 30 Mùa Thường Niên – Ngày 23 Tháng 10, 2022
Các bài đọc: Sir 35:12–14, 16–18 • Ps 34:2–3, 17–18, 19, 23 • 2 Tm 4:6–8,
16–18 • Lk 18:9–14
bible.usccb.org/bible/readings/102322.cfm
Vào năm 1841, cha thánh Gioan Vianney nhận được một lá thư từ
một linh mục, cha xứ Borjon, 32 tuổi (lúc đó cha Gioan đã 54 tuổi). Thư mở
đầu như sau, “Thưa cha xứ, khi một người kém cỏi về thần học như cha thì
người ấy không bao giờ nên ngồi tòa giải tội. . . ” Cha Borjon tiếp
tục lăng mạ cha Gioan bằng đủ mọi cách. Cha Gioan đã viết thư hồi âm cho cha
Borjon, nói rằng:
“Tôi có
biết bao lý do để quý mến cha, người bạn linh mục thân yêu và đồng nghiệp đáng kính của tôi. Cha là người duy nhất thực sự hiểu tôi. Vì cha rất
tốt và có lòng bác ái lo lắng đến linh hồn đáng thương của tôi, xin hãy giúp
tôi được ân sủng mà tôi đã hằng cầu xin bấy lâu - đó là được thay
thế nhiệm vụ mà tôi không xứng đáng chu toàn vì sự dốt nát của tôi
– để tôi được rút lui vào một xó nào đó,
khóc cho cuộc đời tồi tàn của tôi. . . Tôi phải đền tội thật nhiều,
phải khóc bao nhiêu nước mắt mới đủ!”
Cha Borjon nhận được thư hồi âm của cha Gioan, liền đi đến họ
đạo Ars, tại
đây cha “sấp mình” dưới chân cha Gioan để xin tha thứ.
Thánh Gioan Vianney là một vị thánh tuyệt vời vì ngài có nhân đức khiêm nhường mà bất cứ vị thánh nào cũng có. Cha Gioan bị một số anh em linh mục ghen
tị vì các người xưng tội đã đổ về tòa giải tội của cha rất đông. Đúng vậy, một số
linh mục trong giáo phận của ngài đã chuyển cho nhau một bản thỉnh cầu buộc tội cha Vianney như "đa cảm, dốt
nát và phô
trương nghèo khó". Tình cờ bản thỉnh cầu ấy cũng đến tay cha
Gioan. Ngài đã đọc, đã ký tên và đã gửi đi
cho vị linh mục khác.
Cha Cajetan Mary Da Bergamo đã viết trong cuốn sách Tâm Hồn
Khiêm Tốn của ngài như sau:
“Trên Thiên Đàng, có nhiều
vị thánh không bao giờ bố thí khi còn ở trần gian: nhưng sự khó nghèo của họ đã
biện minh cho các ngài. Có nhiều những vị thánh không bao giờ phạt xác bằng cách
ăn chay, hoặc mặc áo nhặm: vì những bệnh tật trên thân xác nên các ngài đã được miễn trừ. Có nhiều vị nên thánh cũng
chẳng phải là đồng trinh; nhưng ơn gọi của họ lại ngược lại. Tuy nhiên trên Thiên Đàng không có vị
Thánh nào lại không khiêm tốn”.
Thánh Augustinô nói rằng ba nhân đức quan trọng
nhất cho đời sống luân lý: thứ nhất là
khiêm nhường, thứ
hai là khiêm nhường và thứ ba là khiêm nhường. Ngài đã tự nhận là mình
không am hiểu mấy về Kinh thánh. Sau này
ngài đã viết về việc tìm kiếm chân lý: “Tôi đã huyênh hoang tìm kiếm điều chỉ có đức khiêm nhường mới có
thể giúp tôi tìm được. . . và tôi sấp mình
xuống đất ”.
Chúa đáng tôn vinh của
chúng ta đã nói với thánh Catherine thành Siena: "Người ta chứng minh sự khiêm nhường của mình khi đối diện với một kẻ kiêu ngạo, đức
tin của mình khi đối diện kẻ vô đạo, đức công chính của mình khi đối diện kẻ
bất chính, lòng nhân từ của mình khi đối diện kẻ gian
ác." Một trong những điều khó nhất phải thi hành là đức khiêm nhường khi đối diện với một người kiêu căng, như trường hợp thánh Gioan Vianney
lúc nghe lời phê bình của cha Borjon.
Vua Đavít là một
nhân vật quan trọng trong
Sách Thánh. Tại sao? Nhà vua đã ngoại tình, đã giết
người. Vậy tại sao kẻ tội lỗi này lại được tôn vinh như vậy? Ngay đến Chúa Giê-su cũng tự hào được gọi là con vua
Đavít. Tại sao? Bởi lòng khiêm tốn của Đavít, lòng khiêm tốn đã được biểu lộ tuyệt vời trong Thánh
vịnh 51: 1,19
Lạy
Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng
hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa
con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi
con, xin Ngài thanh tẩy…
Lạy
Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm
lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
(Bản dịch của PVCGK)
Thánh Gioan Thánh Giá đã viết, "Tất cả mọi thị
kiến, mặc khải và cảm nghĩ ở thiên đàng, hoặc bất cứ
điều gì khác mà người ta muốn nghĩ ra, đều
không sánh nổi với hành vi nhỏ bé nhất của đức khiêm nhường."
Một ngày nọ, Thánh Margaret thành Cortona nhìn thấy trên
thiên đàng một ngai vàng lộng lẫy đến nỗi bà không thể hiểu nổi, không
thể diễn tả được vẻ đẹp huy hoàng của nó. Bà được mặc khải rằng ngai vàng này
trước đây thuộc về Lucifer, một thiên thần kiêu ngạo. Nhưng bây giờ bà nhìn
thấy trên đó lại là Phanxicô Assisi khiêm nhường trong vinh quang.
Đức Hồng y Merry del Val được cho là tác giả kinh cầu đức Khiêm Nhường.
Đây là phiên bản được sửa đổi và rút gọn một chút của kinh nguyện đó:
• Lạy Chúa Giêsu! Hiền
lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn nắn lòng con nên giống thánh tâm Chúa.
Xin giải thoát con khỏi lòng ham muốn được danh
giá; Xin
giải thoát con khỏi lòng ham muốn được tôn vinh. Xin giúp con khỏi lòng ham
muốn được ca tụng. Xin dạy con biết chấp nhận bị sỉ nhục, bị khinh miệt, bị
khiển trách, bị vu khống, bị lãng quên, bị cười chê, bị đối xử bất công và bị
coi thường.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con lòng ước muốn…:
cho tha nhân được yêu mến
hơn con;
cho tha nhân được ngợi
khen còn con bị loại bỏ;
cho tha nhân được ưu đãi
hơn con trong mọi sự;
cho tha nhân được thánh
thiện hơn con, miễn là con được nên thánh theo bổn phận của con;
Lạy Mẹ Maria xin cho con
biết noi gương kiên nhẫn và vâng lời của Mẹ. Amen.
Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc
Điệp
Nguồn: https://www.hprweb.com/