CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN

Chúa thương xót hết mọi người, nhất là những kẻ tội lỗi

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Kn 11:22 – 12:2;  2 Tx 1:11 – 2:2;  Lc 19:1-10)

        Chúa Nhật trước chúng ta đã suy niệm về lời cầu nguyện khiêm nhường của người nghèo khó đánh động lòng Chúa thương xót khi họ kêu cầu Người.  Hôm nay thì ngược lại, Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta đi thẳng vào đề tài Chúa chủ động tỏ lòng thương xót với hết mọi người, nhưng đặc biệt là những kẻ tội lỗi.  Lòng thương xót bắt nguồn từ tình yêu.  Do đó, bài trích sách Khôn Ngoan khẳng định với chúng ta rằng sở dĩ Chúa thương xót mọi người là vì Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, tức là mọi loài Người đã dựng nên.  Tuy nhiên Chúa không muốn mọi loài bị hư mất, đặc biệt là loài người, thậm chí cả những kẻ tội lỗi, nên Chúa đã làm tất cả những gì tình yêu của Người có thể làm để nhắc nhở, sửa dạy, cảnh cáo giúp họ từ bỏ tội lỗi mà tin vào Người.  Câu chuyện cảm động về ông Gia-kêu trong bài Tin Mừng là một thí dụ cụ thể nói lên lòng thương xót Chúa đã dành cho ông, một người bị coi là kẻ tội lỗi.  Tất cả chúng ta đều cần đến lòng Chúa thương xót và phải hằng lập lại lời cầu xin của người thu thuế đứng cuối Đền Thờ:  “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.  Hôm nay, chính thánh Phao-lô đã cầu nguyện xin Chúa của lòng thương xót giúp anh chị em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca sống sao để “được xứng đáng với ơn gọi” và danh của Chúa Ki-tô “được tôn vinh” nơi họ.  Đó cũng chính là bài học Lời Chúa dạy chúng ta hôm nay:  tha thiết cầu xin lòng Chúa thương xót.

        1.  “Chúa thương xót mọi người, vì Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu”  (bài đọc 1:  Khôn Ngoan 11:22 – 12:2)

        Trước khi nói với chúng ta về Thiên Chúa thương xót mọi người, đoạn sách Khôn Ngoan cho chúng ta một hình ảnh về sự chênh lệch giữa Thiên Chúa và con người.  Đối với Thiên Chúa, toàn thể vũ trụ bao la chỉ là hạt cát   trên bàn cân hoặc giọt sương rơi trên mặt đất, huống chi là con người.  Vậy mà Chúa lại xót thương “hết mọi người”, xót thương đến độ “nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải”!  Chúng ta đâu đáng cho Chúa xót thương, vậy thì động lực nào đã khiến cho Chúa xót thương?  Chắc chắn không phải vì chúng ta có giá trị trước mặt Người.  Đây là câu trả lời của sách Khôn Ngoan:  “Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra”.  Nếu Chúa đã dựng nên chúng ta do lòng yêu thương thì cũng chính lòng yêu thương là động lực khiến Chúa cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi.  Còn giả như Chúa “ghê tởm” chúng ta thì việc gì Người phải bận tâm dựng nên chúng ta!  Do đó, mối bận tâm đầy tình yêu thương này của Thiên Chúa đã trở thành một đề tài thường xuyên được tác giả Thánh Vịnh xướng lên để mời gọi chúng ta cảm tạ Chúa.  Vì Chúa là “Đấng yêu sự sống” nên Người không muốn chúng ta đời đời rơi vào tay thần chết do tội lỗi chúng ta, nên Người đã lập ra một kế hoạch mà thánh Phao-lô gọi là “kế hoạch yêu thương” (Ê-phê-xô 1:9).  Sự sống linh hồn của chúng ta thường bị đe dọa do cám dỗ và nhiều khi vì yếu đuối chúng ta đã sa ngã và “chết trong tội”.  Nhưng Đấng yêu chúng ta cũng là Đấng yêu sự sống linh hồn chúng ta, vì thế “những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ, cảnh cáo họ, nhắc nhở họ, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa”.

        Lòng Chúa thương xót khởi đầu từ chính Thiên Chúa, hoặc nói khác đi, xuất phát từ chính tình yêu của Thiên Chúa.  Chúng ta chỉ là hạt cát hay giọt sương mà được “Chúa Tể là Đấng yêu sự sống” đoái thương, thì quả thực lòng thương xót của Người lớn lao đến nỗi chúng ta không sao hình dung ra nổi.  Hơn thế nữa, bình thường nếu chúng ta không phải là kẻ tội lỗi mà Chúa còn xót thương như vậy, huống chi chúng ta thực sự là những kẻ tội lỗi, chứng tỏ tình yêu và lòng thương xót của Người vĩ đại thế nào!  Do đó, chúng ta có “ca ngợi tình Chúa yêu thương ta cho đến muôn đời” cũng vẫn chưa đủ đâu.  Lòng Chúa thương xót là một thực tại hiển nhiên không cần minh chứng.  Dù vậy, Lời Chúa hôm nay vẫn thuật lại cho chúng ta một thí dụ điển hình về kẻ tội lỗi được Thiên Chúa đặc biệt xót thương, đó là ông Da-kêu, một “người đứng đầu những người thu thuế”, được tiếp xúc với lòng thương xót bằng xương bằng thịt là Chúa Giê-su.

        2.  “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”, câu chuyện ông Gia-kêu  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 19:1-10)

        Câu chuyện xảy ra tại thành Giê-ri-khô, một thành phố Chúa Giê-su thường “đi ngang qua” mỗi khi Người từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem. Chúng ta biết hành trình lên Giê-ru-sa-lem của Chúa mang những cái tên khác nhau.  Riêng thánh Lu-ca gọi hành trình ấy như sau:  Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (9:51).  Đúng vậy, Giê-ru-sa-lem chính là nơi Đức Giê-su chịu chết để chuộc tội nhân loại, sống lại và được rước lên trời, dẫn theo “đàn em đông đúc” là chúng ta.  Một trong những người được Chúa Giê-su cứu khỏi ách nô lệ tội lỗi là ông Da-kêu.  Ông là cỡ người “thiếu chiều cao” (nhất lé nhì lùn!), nhưng lại làm lớn.  Giê-ri-khô là một thành lớn và giàu có tại Pa-lét-tin, nơi giao lưu của các thương gia đi lại trên con đường dọc theo bờ sông Gio-đan.  Do đó, kẻ đứng đầu những người thu thuế chắc chắn sẽ là người có cơ hội trở nên giàu có.  Càng giàu có vật chất ông Da-kêu lại càng nghèo trong đời sống thiêng liêng.  Tuy nhiên, ông vẫn “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai”.  Chúng ta không hiểu rõ lý do ông muốn gặp Chúa.  Có thể vì tính hiếu kỳ.  Có thể ông cần Chúa giúp đỡ việc gì đó, thí dụ xin Người chữa bệnh cho ông hoặc người thân của ông.  Nhưng có một lý do chắc chắn, đó là ông Da-kêu, một kẻ tội lỗi công khai, được Thiên Chúa xót thương và làm cho ông nên công chính.  Lòng Chúa xót thương đã thúc đẩy Da-kêu tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai.  Tìm cách gì bây giờ?  Dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn!  Nhưng Da-kêu không chịu “bó tay” đâu.  Ông đã có trăm phương nghìn cách để làm giàu bằng việc thu thuế của dân thì nhất định ông cũng có cách để xem bằng được Đức Giê-su là người thế nào.  Chuyện nhỏ thôi!  Cách của ông thật giản dị:  chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su.  Ông chỉ muốn “xem” Chúa thôi.  Trái lại, Chúa Giê-su không chỉ muốn “xem” mà còn muốn “thấy” ông nữa.  Người đang đi kiếm ông thì làm sao ông thoát được tay Người.  Chúng ta hãy xem Tình Yêu của Thiên Chúa ra tay như thế nào:  Chúa tới thẳng chỗ Da-kêu đang núp, nhìn lên và nhẹ nhàng “ra lệnh”:  “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.  Nghe những lời này của Chúa khác nào lời dỗ dành của bà mẹ nói với con mình.  Nhưng Chúa còn làm hơn cả những lời dỗ dành bằng cách tự nguyện muốn “ở lại” nhà ông.  Ông chưa mời mà Chúa đã tự nguyện rồi!  Lời Chúa Giê-su chính là tiếng gọi tình yêu.  Vẫn chưa đủ, vì sau khi Da-kêu đáp lại tiếng gọi tình yêu của Chúa qua việc đền bù cho các nạn nhân của ông, lập tức Chúa tuyên bố:  “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.  Vừa lúc trước, các kẻ thù của Chúa Giê-su gọi nhà ông Da-kêu là “nhà người tội lỗi” thì bây giờ Chúa phản đòn bằng lời khẳng định:  Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này.  Thật tuyệt vời, nhà người tội lỗi bỗng biến thành nhà người được cứu độ, nhà của người đã mất thành nhà của người được tìm thấy, nhà người bất chính thành nhà người công chính.  Rồi Chúa Giê-su còn nhắc nhở những kẻ xầm xì nói trên rằng:  Nghe đây, Da-kêu cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham đấy nhé, vậy mà các người khinh bỉ ông, gọi ông là kẻ tội lỗi!  Nhưng Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, lại đặc biệt để ý đến những kẻ tội lỗi, đi tìm và cứu họ.  Hôm nay Con Người đến Giê-ri-khô để tìmcứu Da-kêu đã mất!

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  Thánh Phao-lô: “Lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em”  (bài đọc 2:  2 Thê-xa-lô-ni-ca 1:11 – 2:2)

        Mặc dù Chúa chủ động thương xót hết mọi người qua kế hoạch cứu độ, nhưng phần chúng ta, chúng ta không thụ động ngồi đó đợi chờ mà phải tích cực cộng tác với ân sủng Chúa. Một trong những cách cộng tác là hãy cầu nguyện cho nhau luôn biết đáp lại tình yêu và lòng thương xót của Chúa.  Trong thư 2 gửi cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô đã nhắn nhủ anh chị em tín hữu về điều này khi ngài tâm sự với họ:  “Lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em:  xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin.  Thánh Phao-lô vạch ra con đường giúp chúng ta sống lòng Chúa thương xót rất là thực tế.  Để đáp lại tình yêu Thiên Chúa, trước hết chúng ta phải có thiện chí;  tiếp đến là bày tỏ thiện chí ấy qua mọi công việc chúng ta làm hằng ngày;  và sau cùng là mọi công việc làm hằng ngày phải được làm vì đức tin.  Tin vào tình yêu và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta muốn cảm tạ Người không chỉ bằng lời nói suông, nhưng bằng những việc làm cụ thể, nhất là những việc làm phản ánh lòng thương xót của Chúa.  Một thí dụ dễ dàng nhất, đó là chúng ta hãy nhìn người khác không phải bằng con mắt của dân chúng nhìn ông Da-kêu, nhưng bằng ánh mắt yêu thương của Chúa Giê-su “nhìn lên” ông đang ẩn núp trên cây.  Ngoài thái độ tỏ lòng thương xót của chúng ta, nhất là đối với những người bị khinh thường, chúng ta theo gương thánh Phao-lô cầu nguyện cho nhau, để nhờ lòng Chúa thương xót tất cả chúng ta biết sống xứng đáng với danh hiệu Ki-tô hữu.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

                          


Suy Niệm Lời Chúa Năm C