CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN
Tin vào sự sống lại và sự sống đời sau
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (2 Mcb 7:1-2, 9-14; 2 Tx 2:16 – 3:5; Lc 20:27-38)
Có lẽ đây
là đề tài không thể thiếu vắng trong Năm Phụng vụ, bởi vì tin vào sự sống lại
và sự sống đời sau là đích điểm của đức tin, đồng thời cũng là kết thúc của
kinh Tin Kính theo công đồng Ni-xê-a. Đó
cũng là lý do Phụng vụ Lời Chúa chọn đề tài này cho cuối Năm Phụng vụ. Vậy Lời Chúa hôm nay trình bày niềm tin vào sự
sống lại và sự sống đời sau như thế nào?
Bài đọc 1 tường thuật câu chuyện tử đạo của bảy anh em và bà mẹ dưới thời
vua An-ti-ô-khô. Tất cả đều can đảm
tuyên xưng đức tin và nhất là biểu lộ lòng tin vững mạnh vào sự sống lại để được
sống đời đời. Ngược lại, câu chuyện bài
Tin Mừng cũng không kém lý thú khi nhóm Xa-đốc, những người chủ trương không có
sự sống lại, đã đặt ra một trường hợp gần như giả tưởng nhằm chế diễu niềm tin
vào sự sống lại và sự sống đời đời. Câu
chuyện của họ là bảy anh em đã lần lượt kết hôn với một phụ nữ để sinh con nối
dòng cho anh hay em mình theo điều luật của ông Mô-sê, nhưng tất cả đã chết mà
không để lại người con nào. Rồi họ đặt
câu hỏi hóc búa: Vậy nếu có sự sống lại
thì người phụ nữ ấy là vợ của ai? Chúa
Giê-su sẽ cho họ câu trả lời đích đáng!
Để rút bài học sống lời Chúa, chúng ta có thể theo lời dạy của thánh
Phao-lô mà xin Thiên Chúa ban cho chúng ta “niềm an ủi bất diệt và niềm cậy
trông tốt đẹp” do đức tin vào sự sống lại và sự sống đời đời đem lại.
1. “Vua
vũ trụ sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (bài đọc 1:
2 Ma-ca-bê 7:1-2, 9-14)
Dưới thời
An-ti-ô-khô vua Ba-tư, một gia đình Do-thái gồm bảy anh em cùng bà mẹ bị bắt và
bị ép phải ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm. Vì từ chối, họ bị tra tấn tàn nhẫn. Đoạn sách Ma-ca-bê hôm nay chỉ đan cử những lời
nói và hành động của bốn người con khi phải chịu cực hình. Mỗi người một cách đều biểu lộ niềm tin vào sự
sống lại. Người thứ nhất thay mặt anh
em, tuyên bố “sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông”. Anh liền bị cắt lưỡi, lột da đầu, chặt cụt
chân tay và dù đang thoi thóp, anh vẫn bị quăng vào lò lửa. Người con thứ hai, trước khi chết đã hùng hồn
tuyên xưng lòng tin vào sự sống lại. Anh
nói với vua: “Vua khai trừ chúng tôi ra
khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ,
nên Người
sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”. Đối diện với cực hình và cái chết trước mắt,
người thanh niên này không hề sợ vua An-ti-ô-khô là “một tên hung thần”, nhưng
anh lại vô cùng kính sợ “Vua vũ trụ” và Luật pháp của Người. Vậy anh căn cứ vào điều gì nơi Thiên Chúa là
Vua vũ trụ mà đành lòng chịu chết chứ không lỗi phạm Luật pháp của Người? Đó là vì anh vững tin rằng Thiên Chúa sẽ cho
anh và những ai trung thành với Người được sống lại để hưởng sự sống đời đời. Người
thứ ba, trước khi bị cắt lưỡi đã khẳng khái nói: “Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời
ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi
khinh những thứ đó và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được”.
Anh nói thế vì anh tin rằng khi được
Chúa cho sống lại, anh sẽ lấy lại được những gì hôm nay đã bị lấy đi vì lòng
tin vào Chúa. Người thứ tư đã nói lên rõ
ràng và hùng hồn nhất rằng vì tin lời Thiên Chúa hứa, họ hy vọng sẽ được Chúa
cho sống lại trong ngày sau hết. Anh còn
“nhắc khéo” vua Ba-tư: “Còn vua, vua sẽ
không được sống lại để hưởng sự sống đâu!”
Như thế,
qua những lời khẳng định của bốn người anh em nói trên, chúng ta nhận ra được một
điểm chung của họ: tất cả đều cùng một
niềm tin vào sự sống lại. Vì hy vọng được
Thiên Chúa cho sống lại nên họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống tạm thời để được
Chúa ân thưởng sự sống đời đời. Việc
tuyên xưng đức tin của họ đã khiến cho mọi người khâm phục, cả đến vua và quần
thần cũng phải “sửng sốt” vì lòng can đảm của họ.
2. “Đức
Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (bài Tin Mừng: Lu-ca 20:27, 34-38)
Chúng ta
đã nghe câu chuyện sách Ma-ca-bê kể về bảy anh em và bà mẹ chịu tử đạo vì không
muốn lỗi Luật Mô-sê cấm ăn thịt heo. Trước
khi chịu cực hình, họ đều tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, vào sự sống lại và
sự sống đời đời. Nhưng chúng ta cũng có
một câu chuyện về bảy anh em lần lượt kết hôn với một người phụ nữ do nhóm Xa-đốc
chế ra để đả phá niềm tin vào sự sống lại!
Theo luật Mô-sê, nếu anh hay em của người nào chết, đã có vợ mà không có
con thì người ấy phải lấy nàng để sinh con nối dòng. Cả bảy anh em đều lấy nàng, rồi chết và không
có con. Nhóm Xa-đốc hỏi Chúa: “Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ
là vợ ai, vì cả bảy đều lấy nàng làm vợ?”
Phải công nhận đây là một câu hỏi hóc búa, khó mà trả lời dựa trên suy
nghĩ bình thường của con người. Thực ra
câu hỏi của họ không nhắm vào đề tài người đàn bà ấy là vợ của ai, nhưng vào vấn
đề có sự sống lại hay không và nếu có thì sự sống lại là thế nào? Biết ý họ như vậy, Chúa Giê-su không trực tiếp
trả lời câu hỏi của họ, thay vào đó, Người muốn giúp họ hiểu sự sống lại là gì
bằng cách phân biệt rõ ràng hai hạng người:
thứ nhất là “con cái đời này” và thứ hai là “những ai được xét là đáng hưởng
phúc đời sau và sống lại từ cõi chết”.
Vậy muốn
hiểu sự sống lại là gì thì phải biết hạng người thứ hai là ai. Đây là cách giải thích của Chúa Giê-su. Trước hết, họ là những người “được xét là
đáng hưởng phúc đời sau”. Sở dĩ họ đáng
được hưởng phúc đời sau là vì họ đã sống một cuộc sống công chính đang khi họ
còn là con cái đời này. Do đó sau khi chết
và đến ngày phán xét chung, họ được Chúa cho “sống lại từ cõi chết” và “không
thể chết nữa vì được ngang hàng với các thiên thần”. Nói tóm lại, “họ là con cái Thiên Chúa, vì là
con
cái sự sống lại”. Qua những điều
Chúa Giê-su khẳng định về những người được sống lại, chúng ta hiểu rằng sự sống
lại của họ là sự sống mới Chúa Giê-su đã hứa ban, chứ không phải tự nhiên mà có
được. Đúng thế, nhờ cái chết và sự phục
sinh của Chúa Giê-su, họ được ban căn tính mới là con cái Chúa; nếu họ sống đúng với danh nghĩa con cái Chúa
thì sau khi chết, họ được sống lại và sẽ “được xét là đáng hưởng phúc đời
sau”. Phải được sống lại, họ mới được hưởng
phúc đời sau. Nếu trở lại lời mở đầu
trong câu trả lời của Chúa Giê-su – “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những
ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới
vợ, cũng chẳng lấy chồng” – chúng ta sẽ
nhận ra sự khác biệt giữa “con cái đời này” và “con cái sự sống lại”. Con cái đời này lấy vợ gả chồng, còn con cái
sự sống lại thì hưởng phúc đời sau! Mà
“hưởng phúc đời sau” cũng có nghĩa là được sống đời đời với Chúa, giống như các
tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp, thậm chí cả những người thân yêu của chúng
ta nữa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
3.
“Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta… an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh,
để làm và nói tất cả những gì tốt lành”
(bài đọc 2: 2 Thê-xa-lô-ni-ca
2:16 – 3:5)
Viết cho
tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca và cho chúng ta là những người đã được Chúa Giê-su cứu
chuộc khỏi ách tội lỗi và được làm con Chúa, thánh Phao-lô cầu xin Chúa Cha an ủi
và củng cố tâm hồn chúng ta, để làm và nói tất cả những gì tốt lành. Ngài cầu xin như vậy vì ngài biết rằng để
chúng ta được xét là đáng hưởng phúc đời sau, thì ngay lúc còn sống ở đời này,
chúng ta phải “làm” và “nói” tất cả những gì tốt lành. Đó chính là điều kiện để chúng ta trong ngày
Phán xét chung được Chúa xét là “xứng đáng hưởng phúc đời sau”. Như thế ngài muốn nhắc nhở chúng ta rằng để
được sống lại trong ngày sau hết, chúng ta phải sống tốt lành trong lời nói
cũng như việc làm. Trong một thế giới
người ta đánh mất niềm hy vọng vào sự sống lại và sự sống đời sau, chúng ta hãy
theo lời thánh Phao-lô mà cầu xin Chúa giúp chúng ta sống đích thực như những
“con cái sự sống lại” ngay ở đời này và sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi