SỐNG MÙA VỌNG
CHÚA
NHẬT I MÙA VỌNG - C
(Lc 21, 34-36)
Chúng
ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin
là Adventus, (có
nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa
đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.
Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng
định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào
nữa?
Mùa
Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm
biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sinh bởi Ðức
Maria Đồng Trinh ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán
xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là
lý do các từ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi
cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều
diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : « Maranatha –
Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái
kêu van : « Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống ».
Vì
sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mặc tâm tình của dân Cựu Ước và
của chính mình ngày hôm nay.
Mùa Vọng
trong Kinh Thánh
Phụng
vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ lại sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến
của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ
Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non...” (x.Is
11, 1-10).
Các
bài đọc Cựu Ước trưng dẫn sách các ngôn sứ, nhắc lại lời hứa ban Đấng Cứu Thế
và việc dân Do Thái chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ.
Các
bài đọc Thánh Thư cho thấy lời các ngôn sứ ấy được ứng nghiệm trong Đức Giêsu,
và nhấn mạnh đến chiều kích trông đợi Đấng Cứu Thế đến lần thứ hai.
Các
bài đọc Tin Mừng đề cập đến các chủ đề “tỉnh thức”, nhất là lời rao giảng chuẩn
bị đón Đấng Cứu Thế qua lời của Gioan Tẩy Giả, cụ thể lời kêu gọi : “Hãy dọn
đường đón Chúa, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho
đầy, nơi cao phải bạt xuống”. Các bài Tin Mừng Chúa nhật thứ tư các năm
ABC, trích dẫn sự kiện truyền tin cho Đức Maria, thánh Giuse hay cuộc thăm
viếng của Đức Maria.
Lời
thiên thần Gabriel cho biết Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế
: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…” (x.Lc
1, 26-38)
Gioan
Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước
để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng
rằng : “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống
cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người,
Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1,
19.28)
Như
thế, những việc cử hành thánh trong Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội
tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế
giới.
Mùa
Vọng
Trong
lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi tuần có tên gọi truyền thống đặc
thù của
nó, gồm những
lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu :
- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te
levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa…)
-
Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus
Sion ... (Này hỡi Dân Sion…)
-
Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete ... (= Anh em hãy vui
lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate ... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng
Công Chính...)
Đức Giêsu
dạy chúng ta sống Mùa Vọng
Đức
Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta
việc Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa tái lâm là chiều
kích thứ hai : “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21, 25-28,
34-36).
“Sẽ
có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân
tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ
đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó,
người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao
cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên,
vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28). Đó là những dấu
hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.
Thế giới nói chung đã, đang và sẽ
còn trải qua những ngày chết chóc kinh hoàng với đại dịch Covid-19 lây lan phủ
kín phần lớn địa cầu khiến mấy triệu người chết, con số vẫn chưa dừng. Người ta thấy nhiều cảnh thật bi ai
trên các phương tiện truyền thông. Có người đã chết cô đơn không có người thân
tại bệnh viện cũng như tại nhà thờ và nghĩa trang, thậm chí chết không còn đất
để chôn, không còn củi để thiêu, khiến người còn sống không khỏi đau lòng. Vì
lệnh cách ly tại chỗ để ngăn chặn sự lây lan của virus không cho phép các thành
viên gia đình đến chăm sóc người thân đang bị nhiễm bệnh, chết không thể an
táng.
Người bệnh
mất đi để lại bao người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi cút quắt, đến
các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, tình
nguyện viên, những người ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp chống dịch, một số bị sang chấn tâm lý vì không cứu được
người. Trong tình cảnh bi thương hiện nay, khi toàn thế giới chìm
trong khổ đau và lo lắng, đất thấm lệ rơi, phải chăng giờ cữu rỗi đã gần đến?
Lời
Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách : “Các con hãy giữ
mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà
ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống
trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát
khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21,
34-36).
Thế giới đã kiệt quệ bởi đại dịch
vẫn đang tiếp diễn này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải cảnh giác và có trách
nhiệm. Đức Phanxicô nói : Người Kitô hữu được khích lệ mở các cửa của mình để
cùng Chúa Cứu Thế giáng sinh đi gặp gỡ những ai đang đi trên đường. Sách Khải
Huyền viết : “Ta đứng ngoài cửa và gõ”. Chúa gõ cửa lòng chúng ta : “Ai
nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với
người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Chúa đang chờ đợi chúng
ta mở cửa để bước vào đem theo phúc lành cũng như tình thương của Chúa đến cho
chúng ta.
Lạy
Mẹ từ ái, xin dắt chúng con bước theo
Chúa trong hy vọng mọi nơi mọi lúc.
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ