CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Chúa Giê-su đến để thực hiện kế hoạch cứu độ
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Gr 33:14-16; 1 Tx 3:12 – 4:2; Lc 21:25-28, 34-36)
Phụng vụ
Lời Chúa hôm nay có lẽ để lại cho chúng ta một thắc mắc thật lớn: các bài đọc
nói về biến cố Chúa Giê-su đến lần thứ nhất khi Người sinh ra tại Bê-lem hay nói
về biến cố Người sẽ đến lần thứ hai trong ngày Quang lâm để xét xử gian trần? Quả thực không dễ trả lời thắc mắc này. Sở dĩ Chúa Giê-su đến với chúng ta là để thi
hành một sứ mệnh và thực hiện một kế hoạch.
Còn đối với chúng ta, điều quan trọng là chúng ta phải làm gì mỗi khi
Chúa đến. Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ
Giê-rê-mi-a trình bày một sấm ngôn của Đức Chúa về lời Người hứa ban cho nhà
Đa-vít “một mầm non, một Đấng Công Chính”, ám chỉ Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra từ
dòng dõi vua Đa-vít. Bài Tin Mừng ghi lại
những lời Chúa Giê-su loan báo về ngày Người quang lâm, tức là biến cố Người trở
lại trần gian vào lúc tận thế để xét xử mọi người. Tuy nhiên đây cũng là ngày “anh em sắp được cứu
chuộc”. Chúng ta sống trong giai đoạn giữa
hai biến cố ấy. Vậy chúng ta phải làm
gì? Lời khuyên của thánh Phao-lô gửi đến
tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cũng phải là những lời dành cho mọi Ki-tô hữu mọi thời,
để tất cả biết phải chuẩn bị thế nào cho ngày Chúa đến với từng người chúng ta.
1. Chúa Giê-su đến trần gian lần thứ nhất để thực
hiện lời Thiên Chúa hứa ban ơn cứu độ.
Đa-vít là vua trị vì nước Ít-ra-en sau vua Sau-lê. Dưới triều Đa-vít, Ít-ra-en đã trở thành một
vương quốc hùng mạnh và vua là một nhà lãnh đạo gương mẫu tài ba. Ông đã đưa Ít-ra-en tới đỉnh phát triển cả về
mặt đạo lẫn đời. Tuy nhiên sau khi
Đa-vít mất, Ít-ra-en dần dần trở nên yếu kém, đi tới việc phân chia vương quốc,
tình trạng tôn giáo suy đồi và cuối cùng là việc dân chúng bị bắt đi sống kiếp
lưu đày. Nhưng rồi qua ngôn sứ
Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa lại ban cho dân Ít-ra-en một lời hứa: “Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công
Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị
nước theo lẽ công bình chính trực”. Vậy
lời hứa này có ý nghĩa gì? Như chúng ta
biết, ngôn sứ Giê-rê-mi-a có những sấm ngôn liên hệ đến việc loan báo Đấng Cứu
Thế. Một trong những lời tuyên sấm ấy
chúng ta được nghe trong bài đọc 1 hôm nay.
Tuy nhiên nếu đọc lại Giê-rê-mi-a 23:1-6, chúng ta sẽ thấy lời loan báo
Đấng Cứu Thế rõ ràng hơn và hiển nhiên ám chỉ Chúa Giê-su sẽ sinh ra từ dòng
dõi vua Đa-vít: “Này, sẽ tới những ngày
– sấm ngôn của Đức Chúa –Ta sẽ làm nảy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính
trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người
khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Ít-ra-en được sống yên hàn. Danh hiệu
người ta tặng vua ấy sẽ là: ‘Đức Chúa, sự
công chính của chúng ta’”. Lời sấm này
không chỉ áp dụng cho lịch sử Ít-ra-en, mà còn là lời loan báo một vị vua tương
lai sẽ đến, không phải để lãnh đạo một nước Ít-ra-en trần gian tái sinh, nhưng
để trị vì một nước Ít-ra-en thiêng liêng.
Vị vua tương lai ấy chính là Chúa Giê-su, Đấng được Chúa Cha sai đến trần
gian để quy tụ một Dân mới trong kế hoạch cứu độ của Người. Danh hiệu của vua tương lai là “Đức Chúa, sự
công chính của chúng ta”. Nhưng trong sấm
ngôn hôm nay, một lần nữa danh hiệu của Chúa Giê-su lại được lập lại. Người được gọi thẳng là “Đấng Công
Chính”. Danh hiệu này nói lên sứ mệnh cứu
độ của Chúa Giê-su khi Người được sai đến trần gian. Theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha, Ngôi Lời được
sai xuống trần gian, nhập thể làm người phàm và sinh ra bởi Đức Trinh Nữ
Ma-ri-a. Sau những năm sống ẩn dật tại
Na-da-rét, Chúa Giê-su bắt đầu thiết lập Nước Thiên Chúa bằng cách thi hành sứ
vụ rao giảng Tin Mừng và thực hiện các phép lạ, nhất là các phép lạ chữa lành,
để chứng tỏ Nước Thiên Chúa đã hiện diện ở trần gian. Lời sấm của Giê-rê-mi-a cho thấy “Người sẽ trị
nước theo lẽ công bằng chính trực”. Đúng
vậy, là Đấng Công Chính, Chúa Giê-su sẽ giúp cho chúng ta cũng trở nên công
chính và được gọi là con cái Thiên Chúa.
Làm như thế, Chúa Giê-su mở ra cho chúng ta con đường cứu độ đưa chúng
ta trở về nhà Cha. Viễn ảnh cứu độ này được
diễn tả qua hình ảnh cụ thể do sấm ngôn đưa ra:
đó là “Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp”. Được cứu thoát và an cư lạc nghiệp là hai
hình ảnh ám chỉ việc chúng ta được hoàn toàn cứu độ và hạnh phúc đời đời trên
thiên đàng.
2. Chúa Giê-su đến trần gian trong ngày Quang
Lâm để xét xử mọi người. Trong
Thánh lễ, sau khi chủ tế Truyền Phép, chúng ta cùng đọc lời Tuyên xưng đức
tin: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền
Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”. Đúng thế, đọc những lời trên là chúng ta nói
lên niềm tin rằng Chúa Giê-su sẽ đến trần gian một lần nữa. Trước khi lên trời trở về với Chúa Cha, Chúa
Giê-su đã thiết lập Nước Thiên Chúa, cử Thánh Thần đến để giúp chúng ta sống
theo tinh thần của Chúa Giê-su là Trưởng Tử nhân loại mới. Người cũng thiết lập các Bí tích để tiếp tục
hỗ trợ chúng ta sống theo lối sống của Người, từ những Bí tích Khai tâm (Rửa tội,
Thêm sức, Thánh Thể) cho đến những Bí tích chữa lành (Giải tội, Xức dầu bệnh
nhân) và Bí tích về ơn gọi (Truyền chức, Hôn phối). Tất cả là để giúp chúng ta sống những ngày
trên dương thế làm con cái đích thực của Cha trên trời. Mặc dù không hiện diện bằng thân xác giữa
chúng ta như ba mươi ba năm sống kiếp phàm nhân tại nước Ít-ra-en, nhưng Người
vẫn hiện diện cách mầu nhiệm giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.
Người
đang chờ đợi ngày Quang Lâm để trở lại trần gian. Ngày Người đến lần này là dịp vui mừng cho những
ai trung thành trong lối sống Tin Mừng mà Người đã giảng dạy. Nhưng đó cũng có thể là Ngày “như một chiếc
lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” nếu chúng ta không trung thành sống đức
tin. Chúa Giê-su còn nói rõ hơn rằng: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền
năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”.
Hơn thế nữa, Chúa Giê-su còn tiên báo quang cảnh trần gian trước khi Người
đến: các điềm lạ trên trời, biển gào
sóng thét, người người sợ hãi, các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Có lẽ những hình ảnh ấy chỉ nhắm mục đích diễn
tả “quyền năng và vinh quang” của Chúa Giê-su khi Người đến trần gian lần này,
chứ không phải là những gì sẽ thực sự xảy ra.
Cũng chính trong sự uy phong đó, Con Người sẽ ở trong đám mây mà đến.
Chúa
Giê-su đã nói về Ngày Người đến, nhưng Người cũng nói về chúng ta trong Ngày ấy,
nhất là về tương lai của chúng ta nữa.
Chúa nói: “Khi những biến cố ấy bắt
đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”. Thật là tuyệt vời, vì Chúa Giê-su thì đầy quyền
năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến, còn chúng ta thì “đứng thẳng và ngẩng
đầu lên” để đón tiếp Người! Vậy làm sao
chúng ta có thể ở trong thái độ sẵn sàng như thế? Đây, chúng ta hãy nghe lời nhắn nhủ của thánh
Phao-lô nói với tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca và lấy đó làm bài học sống sứ điệp Lời
Chúa.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Trước hết
chúng ta nhận thấy thánh Phao-lô rất lo lắng đối với các tín hữu
Thê-xa-lô-ni-ca là những người dân ngoại mới trở lại. Đời sống đức tin của họ chưa được vững
vàng; thêm vào đó, họ sống trong thế giới
văn hóa Hy-La nên đức tin phải chạm trán với lý trí, không thua gì ở thời đại
chúng ta. Trong khi đó, vì sứ mệnh truyền
giáo, Phao-lô không thể ở bên cạnh họ hoài, mà phải ra đi đến với các cộng đoàn
khác. Cũng may là ông Ti-mô-thê được
ngài phái đi kinh lý giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca khi trở về đã đem những tin tốt
lành, nhất là về đời sống đức tin gương mẫu của họ. Để giúp họ thêm kiên vững, khi đề cập tới
“ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người”, thánh
Phao-lô đã nhấn mạnh đến lối sống yêu
thương của cộng đoàn. Nhờ sống yêu
thương, Thiên Chúa sẽ cho họ “được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện,
không có gì đáng trách trước nhan Thiên Chúa”.
Đó là những gì cho thấy họ đã thực hiện được tư thế “đứng thẳng và ngẩng
cao đầu” mà Chúa Giê-su đã nói về những kẻ đón tiếp Người vào ngày Người trở lại
trong vinh quang.
Quả thực,
lối sống yêu thương có thể là điều gần như xa lạ đối với nền văn hóa Hy-La thời
ấy. Do đó, tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cần
phải can đảm đi ngược dòng để trung thành với những giáo lý Tin Mừng họ đã đón
nhận từ thánh Phao-lô. Đây cũng là thách
đố của chúng ta, “những tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca ngày nay”, đang phải đối đầu với
một nền văn hóa đi ngược lại Ki-tô giáo, thí dụ trong những vấn đề luân lý về
phá thai, chuyển giới, gieo rắc hận thù giữa sắc dân… Là Ki-tô hữu sống trong
thời gian chuyển tiếp giữa biến cố Chúa Giê-su đến trong lịch sử và Ngày Người
trở lại để phán xét trần gian, chúng ta hãy “sống thế nào cho đẹp lòng Thiên
Chúa” và phát huy đời sống ấy mỗi ngày một hơn.
Hơn nữa, chúng ta cũng hãy sống trong niềm hy vọng chắc chắn “sắp được cứu
chuộc” như Chúa Giê-su đã hứa. Có như vậy
chúng ta mới đứng thẳng trong tư thế sẵn sàng và ngẩng cao đầu trong tin tưởng
vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, mà chờ đợi Chúa Giê-su đến bất cứ lúc nào
khi cái chết đến với chúng ta cũng như trong Ngày Người quang lâm.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi