CHÚA NHẬT I MÙA
VỌNG C
Gr 33,14-16 ; 1Tx
3,12-4,2 ; Lc 21,25-28.34-36
TỈNH THỨC ĐÓN CHỜ CHÚA
KI-TÔ TÁI LÂM
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG:
Lc 21,25-28.34-36
(25) Khi ấy Đức Giê-su phán cùng các môn đệ rằng:
“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới
đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.
(26) Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng
xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. (27)
Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự
trong đám mây mà đến. (28) Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh
em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.
(34) Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè
chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất
thần chụp xuống đầu anh em, (35) vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân
cư khắp mặt đất. (36) Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn,
hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước
mặt Con Người.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin mừng hôm nay là một phần trong diễn từ
cánh chung của Đức Giê-su và được viết theo lối văn khải huyền (x. Lc
21,5-36). Trong đó Đức Giê-su cho biết sẽ có những điềm lạ trên trời
dưới đất, tiên báo việc Con Người sẽ đến trên đám mây, đầy quyền uy cao
cả. Người cũng dạy các tín hữu phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn,
để chờ đón ngày ấy. Cần tránh sa đà vào các đam mê, để khi Chúa
đến bất ngờ, họ sẽ không lo bị phạt, và có thể đứng vững trước
mặt Vua thẩm phán Giê-su.
3. CHÚ THÍCH:
- C 25-26: + Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời,
mặt trăng và các vì sao:
Người Do thái thời xưa quan niệm
không gian có ba tầng: Trời, đất và biển. Qua câu này, Đức Giê-su muốn
dùng những hình ảnh có tính khải huyền, để diễn tả sự can thiệp
dứt khoát của Thiên Chúa trên vũ trụ mà Ngài sắp giải thoát chúng
khỏi sự dữ (x. Rm 8,19). Vì thế sự rung chuyển của ba tầng trời là
dấu chỉ báo hiệu sự sụp đổ của chúng trong ngày tận thế (x. Kh
21,1-8).
- C 27-28: + Con Người: Đức Giê-su
xưng mình bằng danh hiệu “Con Người”, vì danh hiệu này thể hiện đúng sứ
mệnh Thiên Sai của Người. Danh hiệu Con Người có hai ý nghĩa khác nhau
nhưng bổ túc cho nhau: Một là: “Người tôi
tớ của Đức Gia-vê” sẽ
phải chịu đau khổ để đền tội thay cho nhân loại (x. Mc 8,31); Hai là “Chúa
Con sẽ được đưa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” (x. Tv 110,1), và sẽ
tái lâm đến trên mây trời vào ngày tận thế, để trở thành Thẩm Phán
tối cao xét xử thế gian, và thiết lập một “Vương quyền vĩnh cửu” (x.
Đn 7,13-14). +Ngự trên đám mây: Mây được coi như xa giá của
Thiên Chúa. Câu này cho biết Đức Ki-tô sẽ ngự đến trong uy quyền và
vinh quang như Thiên Chúa. +Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên:
Trong ngày đó, thái độ của các tín hữu sẽ là “đứng thẳng” và
“ngẩng đầu lên” trong niềm hy vọng và vui mừng vì sắp nhận được ơn
cứu độ. Trong Tân ước, cứu độ không những ám chỉ cuộc Tử nạn và
Phục sinh của Đức Giê-su thực hiện trên núi Sọ (x. Rm 3,24-26), mà còn
ám chỉ công trình Người sẽ hoàn tất vào lúc cuối thời, khi Người
quang lâm và làm cho mọi xác phàm được sống lại (x. Lc 21,28).
- C 34-35: + Đề phòng: Đồng nghĩa với cảnh giác. Đức
Giê-su nhắn nhủ các tín hữu phải luôn cảnh giác vì tính cách bất
ngờ của ngày tận thế. +Chiếc lưới bất thần chụp xuống:
Giờ chết của mỗi người
hay ngày tận thế chung toàn nhân lọai ví như chiếc lưới bất thần
chụp xuống như ngư phủ chài lưới bắt cá. Việc chụp lưới này mang ý nghĩa là không
ai tránh thoát được.
- C 36: + Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn:
Tỉnh thức là không mê
ngủ, là luôn ở tư thế “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” để chu
toàn bổn phận được trao phó (x. Lc 12,35-48). Tỉnh thức còn là sự
trung tín với Chúa. “Cầu nguyện
luôn” nghĩa là cầu nguyện không ngừng (x. Lc 18,1), không nhàm
chán hay nản chí (x. Lc 18,1). Cầu nguyện luôn là cách biểu hiện một
đức tin mạnh mẽ sống động. +Đứng vững trước mặt Con Người:
Nếu biết tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng thì các tín hữu
sẽ được cứu khỏi cơn gian nan thử thách sắp xảy đến và có thể đứng
vững vào ngày tận thế trước toà phán xét.
4. CÂU HỎI: 1)
Sự rung chuyển của ba tầng trời là dấu chỉ tiên báo điều gì sắp
xảy đến? 2) Trong Thánh Kinh từ ngữ “Con Người” mang ý nghĩa thế nào? 3)
Tại sao Đức Giê-su lại tự xưng là Con Người? 4) Tỉnh thức khác với
ngủ mê ra sao? 5) Làm sao có thể cầu nguyện luôn khi người ta phải lo toan
quá nhiều công việc hằng ngày?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Chớ
để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa” (Lc 21,34).
2. CÂU CHUYỆN:
1) GIA ĐÌNH ÔNG LÓT ĐƯỢC CỨU THOÁT NHỜ SỐNG TỈNH THỨC:
Ngày xưa có một ông cụ già cố cứu kinh thành Sôđôm khỏi bị Chúa tiêu
diệt bằng cách mỗi ngày đi gặp người dân trong thành để cảnh cáo và
kêu gọi mọi người tin Chúa, thờ Chúa cho khỏi bị tiêu diệt. Không ai chịu nghe
lời ông cụ mà còn chế diễu là mê tín dị đoan nữa. Ông cụ vẫn bền
chí đi hết nhà này sang nhà nọ để kêu gọi họ thống hối ăn năn.
Thấy chuyện vô tích sự của cụ, nên có người hỏi:
– Tại sao cụ nói cho họ biết làm gì cho mệt. Họ có nghe cụ và
thay đổi gì đâu? Nói với họ cũng như nước đổ đầu vịt!
Ông cụ bình tĩnh đáp:
– Có lẽ tôi không thuyết phục nổi ai, cũng không
thay đổi được ai đâu. Nhưng làm như thế cũng là giúp
tôi, để tôi đừng lao mình vào cuộc sống sa đoạ giống như họ.
Câu truyện trên chính là chuyện ông
Lót trong kinh thành Sô-đôm. Ông đã thất bại khi ra sức cảnh
báo người đương thời hãy tích đức hành thiện.
Và cuối cùng chỉ gia đình ông Lót được cứu thoát khỏi cơn bão lửa tiêu diệt cả
thành Sô-đôm.
2) VỀ NGÀY CÙNG TẬN BẤT NGỜ CỦA CON TÀU
TI-TA-NIC :
Đêm 15.04.1912 các báo đài trên
thế giới đồng loạt đưa tin về con tàu Ti-ta-nic nổi tiếng bị đắm. Bấy
giờ tàu này đang chạy trên vùng phía Bắc Đại Tây Dương, không may đụng
phải một tảng băng ngầm. Sự va chạm mạnh khiến thành tàu bị lủng một
miếng lớn, và bị nước ào vào các khoang trong hầm tàu. Mấy tiếng
đồng hồ sau thì con tàu đã bị gãy ra làm đôi và chìm xuống đáy biển,
mang theo phần lớn hành khách và toàn bộ thủy thủ đoàn.
Ti-ta-nic là một con tàu vĩ
đại: dài 271 mét, rộng 28 mét, cao 22 mét với 8 tầng lầu và mỗi phòng đều
có đầy đủ tiện nghi. Trên tàu có phố chợ, hồ bơi, sân chơi thể thao,
rạp hát, vườn bông, nhà hàng... Số hành khách có mặt trên tàu khi
gặp nạn vào khoảng 1500 người. Hầu hết là các người có địa vị cao
trong xã hội như các ông hoàng bà chúa, chính khách, đại phú gia,
nghệ sĩ, thương gia... Con tàu Ti-ta-nic này khi hạ thủy đã được đánh
giá là có độ an toàn tuyệt đối, thách thức được mọi thời tiết. Nhưng
trong thực tế khi mới khởi hành được mấy ngày thì tàu đã gặp phải một
tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử hàng hải thế giới.
Gần đây, trong dịp kỷ niệm biến
cố đắm tàu Ti-ta-nic, một tạp chí tôn giáo kia, sau khi nhắc lại thảm
họa, đã nêu ra câu hỏi để độc giả suy nghĩ như sau: “Giả như chúng ta
có mặt trên con tàu Ti-ta-nic khi nó đang bị chìm, thì chúng ta có
tiếp tục vui chơi ăn uống khiêu vũ... mà quên rằng mình sắp bị chết
chìm hay không?”.
3) HÃY LÀM NGAY NHỮNG GÌ CẦN LÀM CHỨ ĐỪNG TRÌ HOÃN:
Giai thoại về tướng quân Archais của Hy Lạp
năm xưa. Ông là một vị tướng giỏi, đánh trận nào thắng trận đó. Sau một trận thắng
lớn, ông khao quân lính một bữa tiệc thịnh soạn. Giữa cuộc vui, một sứ giả đem
đến cho ông bức thư khẩn báo tin là ông đang bị mưu sát và cần phải đề
phòng. Thay vì mở thư ra
đọc và cảnh giác, ông lại nhét lá thư vào túi, rồi vẫn tiếp tục cuộc nhậu và tự nhủ mình rằng: “Thôi cứ để ngày mai hãy tính”. Ngay trong đêm đó, ông đã bị kẻ gian giết chết.
Câu chuyện gợi nhắc lời Chúa trong Tin mừng
hôm nay: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say
sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh
em” (Lc 21, 34). Điều mỗi người chúng ta cần lưu ý là: “Điều cấp bách cần làm hôm nay thì
đừng trì hoãn để đến ngày mai kẻo muộn”.
4) TỈNH THỨC ĐỒNG NGHĨA VỚI
LỐI SỐNG NGHIÊM TÚC:
Một vị thanh tra kia khi đến thăm một trường tiểu
học đã nói với các em học sinh như sau: “Hôm nay thầy thấy có nhiều
học sinh đã để bàn học mất trật tự, lớp học thì ồn ào và rác
rến vung vãi mất vệ sinh. Vậy thầy quyết định sẽ trở lại đây để
kiểm tra các em một lần nữa. Từ nay tới hôm thầy trở lại, em nào
giữ được bàn học sạch sẽ, sách vở ngăn nắp sẽ được thưởng”. Bấy
giờ có mấy em hỏi: “Thưa thầy, khi nào thầy sẽ trở lại ạ ?”. Thầy
đáp: “Thầy sẽ trở lại. Nhưng không cho các em biết ngày giờ chính
xác”.
Sau khi thầy thanh tra đi, một cô bé liền nói với
mấy đứa bạn rằng mình quyết tâm sẽ dành được phần thưởng của thầy.
Các bạn khác nghe vậy liền cười ồ chế diễu, vì cô bé này ít khi
nào có thái độ chỉnh tề ngăn nắp. Có bạn hỏi rằng: “Bàn học của bạn
chẳng khi nào chỉnh tề mà bạn lại đòi được lãnh phần thưởng hay sao
?” Nhưng cô bé trả lời: “Từ ngày mai, mỗi buổi sáng tớ sẽ thu xếp
dọn dẹp bàn học ngay khi mới đến là sẽ gọn gàng ngay thôi mà”. Bạn
kia lại hỏi: “Thế nếu thầy thanh tra đến vào buổi chiều hay tối thì
sao ?” Cô bé im lặng suy nghĩ một lát rồi nói: “Thôi, mình hiểu rồi.
Như thế là lúc nào mĩnh cũng phải giữ cho bàn học thứ tự gọn gàng
và sạch sẽ phải không các bạn ?”.
3. SUY NIỆM:
Hôm nay lịch phụng vụ bắt đầu Mùa
Vọng, là thời gian trông mong Chúa lại đến. Chúng ta được nghe Lời Chúa nhắc
nhở : “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè
chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất
thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34).
1) CÁI CHẾT THƯỜNG DẾN BẤT NGỜ :
Lời Chúa hôm nay đề cập đến sự
bất ngờ như sau: “Anh em phải đề phòng, kẻo ngày ấy như một chiếc
lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34). Nơi khác Chúa Giê-su cũng
nói: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh
em đến... Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ,
thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,42.44).
2) NHƯNG KHÔNG HOÀN TOÀN BẤT NGỜ:
Vì Chúa vẫn thương yêu chúng ta.
Người luôn cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước về cái chết, để chúng
ta kịp thời chuẩn bị. Mỗi khi thấy một người chết vì bệnh tật hay
bị tai nạn... thì đó chính là tín hiệu do Chúa gửi tới để nhắc chúng ta
về cái chết của mỗi người chúng ta. Khi ta không may té xe bị thương nhẹ,
hoăc bị trơn trượt té ngã cầu thang ; rồi khi phát hiện ra mấy sợi tóc
bạc xuất hiện trên đầu, một chiếc răng sâu làm đau đến nha sĩ xin nhổ ;
Đôi mắt ta ngày càng nhìn mờ đi, cần phải đi cắt kiếng cận để đeo ; Tay
chân ta bị bệnh thấp khớp sưng lên khiến ta đi lại khó khăn, hoặc một cơn
đau tim nhẹ xuất hiện... Đó chính là những tín hiệu cho thấy sức khỏe chúng
ta suy yếu và tiên báo thần chết đang đến gần! Chúng ta không nên cố tình
bịt tai nhắm mắt trước những tín hiệu ấy, nhưng hãy tìm hiểu ý
nghĩa và chuẩn bị tâm hồn để sẵn sàng đón Chúa đến trong giờ chết bất
cứ lúc nào.
3) PHẢI LÀM GÌ TRONG NHỮNG NGÀY MÙA VỌNG NÀY ?
- Phải canh thức và đề phòng:
Đừng để cho những đam mê lạc
thú bất chính, những nhu cầu của thể xác như cơm, áo, gạo, tiền...
chi phối chúng ta, làm cho chúng ta quên đi cùng đích cuộc đời là được
về Nhà Cha trên trời. Trong khi chờ đợi ngày ấy, chúng ta cần phó
thác cuộc sống trong tay Chúa Quan Phòng và ưu tiên tìm kiếm Nước
Trời như Lời Chúa phán: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn
gì, uống gì hay mặc gì đây?” (Mt 6,31). Vậy “trước hết hãy tìm kiếm
Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Còn tất cả những thứ
kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
- Phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn:
* Tỉnh thức là không “chè chén say sưa”, không
mê đắm hưởng thụ các đam mê xác thịt đời này. Tỉnh thức là không “lo lắng sự đời”,
nghĩa là không mê say tìm kiếm những giá trị tạm bợ nhất thời là « danh, lợi,
thú ». Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên
những chân trời cao thượng. Tỉnh thức
còn là thái độ trung tín : tuy đang còn sống trong thế giới hôm nay
nhưng tâm hồn phải hướng về những giá trị thiêng liêng vĩnh cửu ở đời sau.
* Cầu nguyện: Ta phải cầu nguyện vì “tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu
hèn." (Mt 26,41. Cầu nguyện để luôn thức tỉnh. không mê ngủ, nhưng
luôn “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” để đón Chúa đến bất cứ lúc nào
(x. Lc 12,35-48). Cầu nguyện luôn
nghĩa là cầu nguyện không ngừng (x. Lc 18,1), không nhàm chán hay nản
chí (x. Lc 18,1). Cầu nguyện luôn là cách biểu hiện một đức tin mạnh
mẽ sống động. Vì khi cầu nguyện là ta tách lìa khỏi các ràng buộc của thế giới
vật chất để hướng tới các sự cao siêu trên trời. Nhất là cầu nguyện còn để xin
ơn Chúa trợ giúp. Vì xác thịt dễ bị các thú vui đam mê lôi kéo. Chỉ khi được
Chúa ban ơn giúp đỡ, chúng ta mới hy vọng sống siêu thóat, vượt thắng được sự quyến
luyến lạc thú đời này để vươn tới cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng ở đời sau.
4) THỰC HÀNH LỜI
CHÚA THẾ NÀO TRONG NHỮNG NGÀY NÀY ? :
* Năng tưởng nhớ đến Chúa: Chúng ta hãy làm những việc bổn
phận thường ngày kèm theo một lời nguyện tắt như: « Lạy Chúa. Con xin làm việc này để cầu
cho một người quen được sớm nhận biết tin yêu Chúa ». Mỗi ngày có
biết bao giờ phút có thể gặp gỡ Chúa mà chúng ta lại bỏ qua, như: Khi phải ngồi
chờ người bạn đến trễ; Khi dừng xe ở ngã tư để chờ đèn xanh; Khi món quà mới
mua đang được đóng gói; Khi đang trong thang máy để lên phòng làm việc; Khi đang
ngồi máy tính mà bất ngờ bị cúp điện... Những lúc ấy, thay vì sốt ruột bực tức,
chúng ta hãy thưa chuyện với Chúa: “Lạy Chúa Giê-su. Xin dạy con yêu mến Chúa”.-
“Lạy Chúa. Xin cho cha mẹ, chồng vợ, con cái, anh em con luôn khỏe mạnh và bình
an ”.
* Năng đến nhà thờ dự lễ và dọn mình rước lễ mỗi
ngày : Khi tham dự
thánh lễ, chúng ta sẽ được nghe Lời
Chúa, đón nhận được sức sống của Chúa, nhờ đó sẽ ngày một hoàn thiện nên giống
như Chúa Cha trên trời (x. Mt 5,48).
* Luôn tỉnh thức đón chờ Chúa đến: Khi tổ chức mừng thọ 60, 70 tuổi…
chúng ta cần ý thức ngày giờ Chúa đến có thể đã gần bên cửa. Hãy nhớ rằng khi
chết, chúng ta không thể mang theo vàng bạc vật chất trần gian. Chỉ những của cải
thiêng liêng như các việc từ thiện bác ái và các đóng góp để “làm cho danh Cha
cả sáng, Nước Cha trị đến” mới có giá trị trước tòa Chúa phán xét (x Mt
25,34-40). Do đó ta cần phải cấp thời lo hòan thành những gì đang còn dở dang
hoặc các công trình văn hóa muốn lưu truyền cho con cháu. Ngòai ra các bậc làm
cha mẹ hay các vị có trách nhiệm lãnh đạo cộng đòan cũng cần làm di chúc. Cần
liệu sao để bản di chúc có giá trị pháp lý và ủy thác cho người có uy tín đứng
ra thi hành, hầu tránh tình trạng tranh chấp tài sản giữa các thành viên trong gia
đình ruột thịt.
4. THẢO LUẬN : Bạn có đồng ý với
lời dạy của thánh nữ Tê-rê-sa : “Làm
những việc bình thường bằng một cách thức phi thường” không ? Tại
sao ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con thường nghĩ mình
không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để trò chuyện với Chúa. Nhưng
thật ra sa mạc luôn ở ngay bên và ở trong lòng con. Chỉ cần một chút cố gắng là
con có thể tạo ra sa mạc cho mình. Mỗi ngày có biết bao giờ phút có thể gặp gỡ Chúa
mà con lại bỏ qua… Xin cho con năng dâng lời nguyện tắt lên Chúa để được sống kết
hiệp với Chúa và có sự bình an trong tâm hồn. Thật hạnh phúc cho chúng con
nếu khi Chúa đến bất ngờ, mà thấy chúng con đang tỉnh thức cầu nguyện và đang
trong tư thế sẵn sàng đón chờ Chúa đến.
X) HIỆP
CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM