CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG
Giáng Sinh là niềm vui của Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Xp 3:14-18a; Pl 4:4-7;
Lc 3:10-18)
Có khi
nào chúng ta thắc mắc tại sao trong hai cuộc chờ đợi và chuẩn bị, tức mùa Vọng
và mùa Chay, Giáo Hội lại cho cho xen vào một Chúa Nhật gọi là Chúa Nhật Hãy Vui
Lên (Gaudete) và Chúa Nhật Hãy Vui Mừng (Laetare) không? Dĩ nhiên chúng ta có những câu trả lời khác
nhau. Về mặt giáo lý, cả hai biến cố
Giáng Sinh và Phục Sinh đều cho chúng ta lý do để vui mừng, vui vì Chúa đến ở lại
giữa chúng ta và mừng vì Người đã hoàn tất kế hoạch cứu độ chúng ta. Vậy hôm nay Phụng vụ Lời Chúa mô tả niềm vui
Giáng Sinh như thế nào? Ngôn sứ
Xô-phô-ni-a diễn tả niềm vui của Thiên Chúa một cách rất tự nhiên chẳng khác
chi niềm vui của một con người chúng ta (bài đọc 1). Thánh Phao-lô thì lấy niềm vui của Chúa đã được
ngôn sứ Xô-phô-ni-a nói đến để làm căn bản cho niềm vui của chúng ta: anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa
(bài đọc 2). Ai mà chẳng muốn có niềm
vui như vậy, nhưng làm sao để có được mới là vấn đề. “Chúng tôi phải làm gì?” Ông Gio-an Tiền Hô đã cho mỗi người muốn đi
tìm niềm vui của Chúa một câu trả lời, dù là bất cứ hạng người nào trong xã hội
(bài Tin Mừng).
1. Niềm vui của Thiên Chúa khi Người bắt đầu thực
hiện kế hoạch cứu độ chúng ta. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta thường nghe
nói tới niềm vui, nhưng là niềm vui của loài người chúng ta khi được Thiên Chúa
yêu thương và cứu giúp. Hôm nay, qua lời
ngôn sứ Xô-phô-ni-a chúng ta được biết niềm vui của Thiên Chúa là gì. Vậy ngôn sứ đã diễn tả niềm vui của Thiên
Chúa như thế nào? Tại sao Thiên Chúa lại
vui khi chúng ta là những kẻ tội lỗi phản nghịch? Thiên Chúa làm gì cho chúng ta khiến Người cảm
thấy vui và kêu gọi chúng ta hãy cùng vui với Người? Đây là những lời chính Thiên Chúa nói với dân
Người, để giải thích những việc Người thực hiện cho họ là nguyên nhân khiến Người
vui. Trước hết Người bảo dân Người, tức
“thiếu nữ Xi-on”, “nhà Ít-ra-en” và “thiếu nữ Giê-ru-sa-lem”, hãy reo vui, hò
vang và nức lòng phấn khởi. Tại
sao? Vì nhiều lý do. Thứ nhất, vì Thiên Chúa đã rút lại án lệnh phạt
họ. Thứ hai, vì Người đã đẩy xa thù địch
của họ, không để chúng áp bức họ nữa. Thứ
ba, đây là lý do tích cực nhất và ý nghĩa nhất, là Người đang ngự giữa họ, nên
họ không còn phải sợ bất cứ tai ương nào. Chúng ta tin chắc sự hiện diện của Chúa ở giữa
họ (và cả chúng ta nữa) là lý do mạnh nhất và quan trọng nhất, vì lý do này
liên hệ mật thiết với kế hoạch cứu độ nhân loại. Đúng vậy, bênh đỡ Ít-ra-en và đẩy xa kẻ thù của
họ chỉ là dành riêng cho lịch sử dân Chúa mà thôi. Còn “Đức Vua ở giữa Ít-ra-en” là ám chỉ việc
Ngôi Lời trở thành người phàm ở giữa chúng ta để thực hiện kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa. Tóm lại, Thiên Chúa là Vị cứu
tinh và Đấng anh hùng của chúng ta, nên chúng ta “đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời”.
Thiên
Chúa đến với chúng ta không những làm cho chúng ta vui, mà chính Người cũng sẽ
thấy vui mừng hoan hỷ. Cha mẹ nào chẳng
vui khi thấy con cái mình được hạnh phúc!
Thiên Chúa đối với chúng ta cũng vậy.
Càng vui thì cha mẹ lại càng muốn làm thêm những điều tốt đẹp cho con
cái. Đối với Thiên Chúa, việc Người muốn
làm nhiều nhất cho chúng ta là con cái Người, đó là lấy tình thương mà đổi mới
chúng ta. Vậy Người đổi mới chúng ta bằng
cách nào? Đó là nhờ, với và trong Con Một
là Chúa Giê-su mà Người lấy tình yêu và lòng thương xót của Người mà biến đổi
chúng ta mỗi ngày một nên giống như Chúa Giê-su, Trưởng Tử của Nhân loại Mới. Tất cả những công việc này đều nằm trong kế
hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha. Chúng
ta càng được đổi mới thì Thiên Chúa càng vui khi Người thấy chúng ta tích cực cộng
tác với kế hoạch của Người. Để diễn tả
niềm vui này của Thiên Chúa, ngôn sứ Xô-phô-ni-a dùng một hình ảnh rất “người”,
là “Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội”. Chắc chúng ta đã nhiều lần nhìn thấy người ta
nhảy múa tưng bừng ngày lễ hội, hoặc chính chúng ta cũng đã từng nhảy múa như
thế trong ngày lễ hội rồi! Vậy chúng ta
sẽ cảm nhận được Thiên Chúa sẽ vui mừng biết bao vì thấy chúng ta được cứu độ.
2. “Chúa đã gần đến. Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”. Nếu Thiên Chúa đã vui mừng vì Người đang đến
gần và sẽ ở lại với chúng ta, thì chúng ta cũng phải vui mừng đón tiếp Người chứ! Chính vì thế, thánh Phao-lô đã hô hào tín hữu
Phi-líp-phê: “Anh em hãy vui lên trong
niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” Nếu Chúa đã nói với chúng ta qua ngôn sứ
Xô-phô-ni-a rằng Người vui vì chúng ta, thì tại sao chúng ta không vui mừng vì
Chúa? Vậy chúng ta sẽ làm gì để nói lên
niềm vui vì Chúa của chúng ta? Thánh
Phao-lô vẽ ra hai phương cách: thứ nhất:
“sao cho mọi người thấy anh em sống
hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến”.
Chúa đến gần để giúp chúng ta sống như Người. Mà lối sống của Chúa Giê-su là sống hiền hòa
rộng rãi với hết mọi người, nhất là những người bị người đời khinh dể như những
kẻ tội lỗi, những người thu thuế và bị xã hội ruồng bỏ. Chính Chúa Giê-su đã diễn tả niềm vui của Cha
trên trời cũng như triều thần thiên quốc khi có một người tội lỗi sám hối trở về
(xem Lu-ca 15). Vì Chúa và theo lối sống
của Người nên chúng ta hiền hòa rộng rãi với anh chị em. Điều này không những làm cho Chúa vui, mà chính
chúng ta cũng cảm thấy vui mừng vì mình đã làm đẹp lòng Chúa như vậy. Thứ hai: “Anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn,
mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện”. Phải, điều chúng ta thỉnh nguyện Chúa chính là
ơn “bình
an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi sự hiểu biết”, sẽ giữ
cho lòng trí chúng ta được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. Giống như ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã nói ở trên,
nếu Thiên Chúa đang ngự giữa Ít-ra-en, thì Ít-ra-en không phải sợ hãi gì, nhưng
được bình an, thì cũng thế, khi lòng trí chúng ta được kết hợp với Chúa Giê-su,
tất nhiên chúng ta sẽ được bình an của Người, bình an mà thế gian không thể đem
lại cho chúng ta (Gio-an 14:27).
3. Để chia sẻ niềm vui của Chúa và biểu lộ niềm
vui trong Chúa của chúng ta, chúng ta phải làm gì? Khi ông Gio-an rao giảng về việc sám hối và
làm phép rửa tại sông Gio-đan, có rất nhiều người khắp nơi và thuộc mọi thành
phần xã hội đã đáp lại. Họ đến xin ông
làm phép rửa cho họ, một nghi thức khởi đầu để họ sẽ tiếp tục cố gắng thay đổi
cuộc sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa. Để
thực hành sám hối, tức là thay đổi lối sống tội lỗi của mình, mọi người đều có
chung một câu hỏi và họ xin ông Gio-an làm cố vấn cho họ: “Chúng tôi phải làm gì?” Sám hối không đơn thuần là một nghi thức như
chịu phép rửa. Nhưng sám hối là quay
lưng lại (conversion) điều gì đó để hướng tới một điều ngược lại; nói khác đi, sám hối là quay lưng lại tội lỗi
để hướng mặt tới Thiên Chúa. Sám hối
không chỉ một lần thay cho tất cả, nhưng là một diễn trình liên tục và lập đi lập
lại trong đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Chính vì thế, chúng ta không chỉ hỏi một lần “Tôi phải làm gì?” rồi có
câu trả lời là đủ, nhưng chúng ta cần lập lại nhiều lần mỗi khi kiểm điểm đời sống
mình, khi xét mình mỗi ngày trong giờ kinh tối, hoặc ngay sau khi ý thức mình
đã làm điều sai trái hay tội lỗi. Tuy
câu hỏi là chung cho mọi người, nhưng mỗi người chúng ta lại nghe Chúa hoặc ông
Gio-an Tẩy giả trả lời riêng cho cá nhân mình.
Như chúng ta thấy trong bài Tin Mừng, ông Gio-an đã dành cho mỗi người một
câu trả lời khác biệt, với dân chúng, với người thu thuế, cả với binh lính nữa,
mỗi người có một hoàn cảnh, một trách nhiệm và một lương tâm. Tuy nhiên ông Gio-an không quên nhắc nhở họ về
vai trò quan trọng của Chúa Giê-su, Đấng “sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh
Thần và bằng lửa. Tay Người cầm nia rê sạch
lúa trong sân”. Do đó, để tiếp tay chúng
ta trong việc chúng ta thực hành sám hối, qua Bí tích Giải tội, Chúa Giê-su sẽ
giúp chúng ta “rê sạch lúa” cho linh hồn chúng ta được thanh tẩy và biến đổi mỗi
ngày một đẹp đẽ hơn và chúng ta sẽ là những hạt thóc mẩy được thu vào kho lẫm
trên trời của Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Qua ngôn
sứ Xô-phô-ni-a, Thiên Chúa đã chia sẻ với chúng ta niềm vui của Người khi Người
cứu độ chúng ta. Thánh Phao-lô thì suy
niệm về niềm vui của Thiên Chúa và lấy niềm vui ấy làm lý do để kêu gọi chúng
ta hãy vui lên vì Đấng Cứu Độ đang đến với chúng ta. Sau hết, ông Gio-an Tẩy Giả đã trả lời khi từng
hạng người đến hỏi ông cho họ biết họ phải làm gì để thực hành sám hối và đón
tiếp Đấng Cứu Độ khi Người đến. Còn
chúng ta, chúng ta có vui mừng vì mình đang trong tiến trình được Thiên Chúa cứu
chuộc và biến đổi để ngày nào đó việc cứu độ cũa chúng ta được hoàn tất và
chúng ta được ở bên Chúa muôn đời không?
Một cách cụ thể hơn, mỗi ngày chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi phải làm gì để dần dần được trở nên đồng
hình đồng dạng với Đức Ki-tô?” Đặc biệt là
“Tôi phải làm gì trong những ngày sau cùng của mùa Vọng này?”
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi