CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
“Này con đây,
con đến để thực thi ý Ngài”
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Mk 5:1-4a;
Dt 10:5-10; Lc 1:39-45)
Gần ngày
Giáng Sinh, Phụng vụ Lời Chúa muốn chúng ta chú ý đến nhân vật chính là Chúa
Giê-su. Chúa Giê-su đến trần gian với sứ
mạng nào và trong phong cách nào? Trước
hết ngôn sứ Mi-kha nói đến sứ mạng của Chúa Giê-su là thống lãnh Ít-ra-en,
không phải như một ông vua trần thế uy quyền, nhưng như một Mục Tử sẽ đứng lên
chăn dắt họ, cho họ được an cư lạc nghiệp (bài đọc 1). Đoạn thư Do-thái cũng nói đến sứ mạng của
Chúa Giê-su, nhưng theo phong cách của một vị Thượng Tế dâng hiến chính bản
thân mình làm hy lễ để đền tội cho nhân loại.
Phong cách ấy được diễn tả như một thái độ khiêm nhượng và sẵn
sàng: “Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực
thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (bài đọc 2). Đáp lại việc Chúa Giê-su đến thi hành sứ mạng,
bà Ê-li-sa-bét và Gio-an, thai nhi còn trong bụng mẹ, cả hai mẹ con đều tỏ lòng
cảm tạ Thiên Chúa và vui mừng đón nhận sự hiện diện của Người (bài Tin Mừng).
1. Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ sẽ thống lãnh
Ít-ra-en. Trước hết ngôn sứ
Mi-kha cho chúng ta biết xuất xứ của Đấng Cứu Độ. Đây cũng là đoạn Kinh Thánh Cựu Ước mà các
thượng tế và kinh sư đã tra cứu theo lệnh vua Hêrôđê để trình lại cho vua biết
Đấng Cứu Độ sinh ra tại nơi nào (Mát-thêu 2:4-6). Qua ngôn sứ Mi-kha, Thiên Chúa phán: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ep-ra-tha, ngươi nhỏ
bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ
mạng thống lãnh Ít-ra-en”. Nếu có dịp
hành hương Thánh địa, thế nào chúng ta cũng nên ghé Bê-lem để kính viếng nơi
Chúa sinh ra. Bê-lem nhỏ bé chật chội và
nghèo nàn, mặc dù các cửa hàng bán đồ kỷ niệm mọc lên như nấm. Nhưng đó chỉ là nơi “xuất hiện” vị thống lãnh
Ít-ra-en, tuy quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là sứ mạng của Đấng xuất hiện
từ linh địa ấy. Sứ mạng của Đấng Cứu Độ
gắn liền với “nguồn gốc của Người có từ thuở trước, từ thuở xa xưa”. Điều này sẽ được thánh sử Gio-an lập lại
trong phần Mở đầu sách Tin Mừng của ngài:
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga
1:1). Vậy, từ thuở trước và xa xưa ấy
cho đến ngày Đấng Cứu Độ ra đời, Ít-ra-en (tức là trần gian và nhân loại) đã bị
Thiên Chúa “bỏ mặc” dưới ách nô lệ tội lỗi và sự chết, “cho đến thời người sản
phụ sinh con”. Đúng thế, sau khi ông bà
nguyên tổ phạm tội chống lại Thiên Chúa và bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, nhân
loại đã sống dưới ảnh hưởng của tội lỗi chẳng khác nào như sống trong bóng
đêm. Nhờ Chúa Giê-su chịu chết trên thập
giá, nhân loại được hòa giải với Thiên Chúa và trở thành “những anh em sống sót
của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en”. Người con do sản phụ sinh ra ám chỉ Đấng Cứu
Độ sinh bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Từ nay
sau khi được chuộc lại khỏi tội lỗi, những anh chị em sống sót trở về sẽ thuộc
về ràn chiên của Vị Mục Tử Nhân Lành, để dưới sự chăn dắt của Người họ sẽ được
dẫn về đồng cỏ xanh vĩnh cửu mà an cư lạc nghiệp trong bình an của Người. Nói tóm lại, ngôn sứ Mi-kha diễn tả sứ mạng
thống lãnh của Chúa Giê-su là thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa từ khi
Chúa xuống thế làm người phàm cho đến lúc hoàn tất kế hoạch là quy tụ mọi người
được cứu độ trên thiên quốc.
2. Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ đến để thực thi
thánh ý Thiên Chúa. Ngôn sứ
Mi-kha mô tả Đấng Cứu Độ thi hành sứ mạng của Người bằng cách “dựa vào quyền lực
Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa mà chăn dắt” những kẻ Người đã chuộc lại khỏi
quyền lực tội lỗi. Trên thập giá, quyền
lực sự sống của Chúa Giê-su đã chiến thắng quyền lực sự chết của ma quỷ. Đấy là thực tại của ơn công chính hóa và ơn cứu
độ. Tuy nhiên để thực hiện sứ mạng công
chính hóa và cứu độ chúng ta, Chúa Giê-su đã thi hành sứ mạng với một phong
cách tuyệt vời của Vị Thượng Tế Thập Toàn.
Đoạn thư Do-thái diễn tả phong cách thập toàn của Thượng Tế Giê-su bằng
một câu Kinh Thánh Cựu Ước: “Lạy Thiên
Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về
con”. Muốn giải thích cho chúng ta hiểu thái
độ sẵn sàng vâng phục của Chúa Giê-su để thi hành thánh ý Chúa Cha, thư Do-thái
viết: “Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ
mà thiết lập lễ tế mới”. Nói khác đi, từ
nay việc dâng mình hiến tế của Chúa Giê-su trên thập giá sẽ vĩnh viễn thay thế
các lễ tế cũ của Do-thái được cử hành hằng năm trong Đền Thờ và nhờ hy tế thập
giá của Đức Giê-su Ki-tô mà chúng ta được thánh hóa.
“Lạy
Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”. Chúng ta có thể nói rằng đây là câu nói nằm
lòng hoặc lời niệm mà Chúa Giê-su hằng lập đi lập lại suốt cuộc đời Người, nhất
là những khi Người bị cám dỗ hành động theo ý riêng. Hãy tưởng tượng những lời này đã được Chúa
Giê-su lập đi lập lại khi Người biết dân chúng sắp đến tôn Người lên làm vua,
khi Người và Mẹ Người được người ta kính nể và chúc tụng “phúc cho dạ đã cưu
mang Người và vú đã cho Người bú”, nhất là khi Người cầu nguyện trong Vườn Dầu
và trên thập giá. Đã có lần tôi được
chiêm ngưỡng một bức icon diễn tả cảnh Chúa giáng sinh. Điều lạ trong bức tranh này là Hài Nhi lại
đang ngước nhìn lên một góc bức tranh, ở đó có hình một cây thập giá. Giáng Sinh và thập giá không thể tách rời
nhau, bóng thánh giá đã thấp thoáng hiện diện tại Bê-lem rồi! Chắc là Hài Nhi Giê-su sẽ mãi mãi lập đi lập
lại những lời này bao lâu còn sống giữa nhân loại: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực
thi ý Ngài”.
3. “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với
tôi thế này?” Thật là một phản ứng
tuyệt vời! Dù chúng ta có suy niệm cao
siêu về sứ mạng của Đấng Cứu Độ thế nào đi nữa, nhưng nếu không nói lên và sống
những lời của bà Ê-li-sa-bét thì những suy niệm của chúng ta chỉ là công việc của
đầu óc khô khan, cứng ngắc và vô hiệu.
Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta đến thăm một người bạn thân đã bao năm
không gặp. Chúng ta háo hức, mong người
đó sẽ thật vui khi được chúng ta báo tin và sẽ niềm nở tiếp đón chúng ta. Nếu ước mong của chúng ta không xảy ra, chúng
ta sẽ buồn và thất vọng biết mấy! Điều
này không hề có khi Mẹ Ma-ri-a mang Chúa Giê-su trong dạ đến viếng thăm bà chị
họ Ê-li-sa-bét và người con chưa sinh ra của bà. Dù Mẹ và Chúa Giê-su không điện thoại trước
và đến bất ngờ, nhưng vẫn được bà Ê-li-sa-bét và cậu Gio-an đón tiếp vô cùng ấm
áp. Hết sức khiêm nhường nhưng đầy tràn
hạnh phúc, bà Ê-li-sa-bét “kêu lớn tiếng và nói rằng: ‘Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và
người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc’”, rồi bà tự hỏi mình: ‘Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với
tôi thế này?’ Bà cảm thấy bà là người hạnh
phúc nhất trần gian vì được lãnh nhận một hồng ân bà không hề dám mơ tưởng!
Đó là phản
ứng của một người mẹ khi được Thân Mẫu Chúa tôi viếng thăm. Nhưng ngay cả thai nhi trong lòng bà cũng bày
tỏ niềm hạnh phúc ấy theo cách của một thai nhi. Không nói được thì “nhảy lên vì vui sướng” vậy! Chúng ta thử nghĩ đến mỗi lần chúng ta rước lễ
là mỗi lần Chúa viếng thăm ta. Nhưng liệu
chúng ta có làm gì để bày tỏ niềm vui và tạ ơn Chúa không? Một lời nguyện sau khi rước lễ. Lắng nghe những tiếng đập rộn rã của trái
tim. “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự
vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ được lành mạnh”. Một lúc thinh lặng để thầm thĩ cám ơn
Chúa. Còn rất nhiều cách để chúng ta biểu
lộ việc cám ơn Chúa, tùy theo khả năng diễn tả của chúng ta, nhưng cần thực
lòng và thắm thiết.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
“Lạy
Chúa, này con đây, con đến để thực thi thánh ý Chúa”. Những lời này phải là những lời chính chúng
ta nói ra, nhất là những khi chúng ta bị cám dỗ muốn làm theo ý riêng, chứ
không theo lời dạy của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta hãy luôn chiêm ngưỡng hình ảnh Chúa
Giê-su cầu nguyện ở nơi thanh vắng vào ban đêm sau một ngày rao giảng và chữa
lành, để hình ảnh ấy khích lệ chúng ta luôn trung thành sống theo ý Chúa dù phải
phấn đấu với khó khăn và ma quỷ cám dỗ.
Ước gì những lời trên trở thành câu niệm chú cho chúng ta suốt đời, giúp
chúng ta làm cho danh Chúa được rạng sáng hơn.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi