Chúa Nhật I Mùa Chay, C
Chúa Giêsu chịu ma quỉ cám dỗ
Linh mục Phêrô Trần Đình, Dalat
Dẫn nhập
Sống là phấn đấu
và chọn lựa. Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người, cũng không đi ra ngoài qui luật
đó. Nếu ma quỉ cám dỗ Đức Giêsu thì mục đích của nó là đặt Người vào thế phải
lựa chọn.
1. Chuyện: Người ta kể một giai thoại về Hoàng đế Charles
Quint của Đức như sau :
Sau nhiều năm
tận tụy hi sinh phục vụ Hoàng đế, một vị trung thần của ông ngã bệnh và đang
phải chiến đấu với tử thần. Để tỏ lòng biết ơn và cảm mến đối với một con người
đã suốt cuộc đời trung thành với mình, Hoàng đế đã đích thân đến bên giường bệnh
của ông. Cầm tay vị trung thần, Hoàng đế nói “ Khanh đã hết lòng phục vụ trẫm,
nay trẫm xin được đền đáp. Khanh hãy cho trẫm biết khanh mong ước điều gì, trẫm
sẽ thoả mãn yêu cầu của khanh”.
Trong hơi thở
đứt quãng, vị trung thần tâu : “Thần ao ước được nhận được từ tay bệ hạ một ân
huệ”.
Đôi mắt Hoàng
đế như sáng lên. Ông hỏi nhanh : “Khanh cứ nói, ân huệ gì trẫm cũng sẽ ban cho
khanh”.
Người hấp hối
nói một cách chua xót : “Xin bệ hạ ban cho thần được sống thêm một ngày, chỉ một
ngày mà thôi”.
Nghe xong lời
cầu khẩn của vị trung thần, Hoàng đế lắc đầu nói : “Trẫm được xem là quân vương
quyền thế nhất trên thế gian này, nhưng điều khanh xin hoàn toàn nằm ngoài tầm
tay của trẫm. Sự sống thì chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban mà thôi”.
Trong tiếng
thở dài pha lẫn sự đắng cay chua xót, vị trung thần thốt lên : “Thật là vô ích
cho tôi, vì tôi đã điên rồ đến độ không biết dành nhiều thời gian hơn để phục vụ
Chúa mà lại hoang phí thời giờ để phục vụ các vua chúa trần gian. Tôi đã không biết lựa chọn cho đúng, tôi đã
lựa chọn sai lầm”.
2. Đức Giêsu, xét như một Vị Thiên
Chúa làm người, cũng phải sống lựa chọn.
Tin Mừng kể lại việc Người chịu ma quỉ
cám dỗ. Đức Giêsu xuống trần gian này để xây dựng Nước Thiên Chúa và ma quỉ
đã đề xuất cho Người ba điều hấp dẫn.
a/ Sở
hữu, chiếm hữu, vật chất (avoir). “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền
cho đá này thành bánh đi!”. Chúa đã trả lời : “Người ta không phải chỉ sống chỉ
nhờ cơm bánh”. Công việc của Đức Giêsu là nuôi sống con người bằng Lời của Thiên Chúa : “Các ông hãy ra công
làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn
đem lại phúc trường sinh” (Ga 6, 27). Một đôi khi Người cũng làm phép lạ hoá bánh
ra nhiều cho dân chúng ăn no nê, nhưng trước đó Người đã giảng Lời cho họ, bởi vì con người còn phải sống “nhờ mọi lời miệng
Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4). Nước Thiên Chúa phải được xây dựng trước tiên trên
Lời Thiên Chúa.
b/ Quyền
bính, thống trị (pouvoir). “Tôi sẽ
cho ông toàn quyền cai trị cùng vinh hoa lợi lộc của các nước này (…). Nếu ông
bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Chúa trả lời : “Ngươi phải bái lạy Đức
Chúa là Thiên Chúa của ngươi và thờ phượng một mình Người mà thôi”. Nước của
Chúa là nước của phục vụ, của tình yêu
và chia sẻ chứ không phải là thống trị : “Con Người đến không phải để được
người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn
người” (Mt 20, 28). Đây là nét thứ hai của Nước Thiên Chúa.
c/ Tri thức, biết (savoir). “Nếu ông là
Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống đi”. Chúa trả lời : “Ngươi chớ thử thách
Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Đức Giêsu đã không muốn thử thách Thiên Chúa
nhưng chấp nhận sống tuân phục và khiêm
nhu và đặt tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa. Đây là nét thứ ba mà Đức
Giêsu muốn xây dựng cho Vương quốc của Người.
3. Bài học cho chúng ta hôm nay: Chúa Giêsu xét như một con người có xác thịt đã để lại cho
chúng ta bài học về sự chọn lựa. Sống là chọn lựa, chọn lựa giữa các gía trị.
Chính sự chọn lựa sẽ đem chúng ta đi lên hoặc đi xuống, thiên đàng hoặc hoả ngục,
sự sống hay sự chết, được chúc phúc hay bị chúc dữ.
Nếu phân tích
cho kỹ, chúng ta dễ nhận ra điều này : ma quỉ đã đánh vào “huyệt tử” của Người. Là con người, ai lại không thích chiếm hữu
(avoir), thống trị (pouvoir) và hiểu biết (savoir)?.
Nếu ngày nay
ma quỉ cám dỗ chúng ta, thì nó cũng sẽ cám dỗ về ba khía cạnh này.
a/ Chiếm
hữu, vật chất. “Cơm bánh” là kiểu nói để chỉ vật chất nói chung. Ai cũng
mong “có” cho nhiều tiền bạc, vật chất, tiện nghi…và nghĩ rằng thế là đảm bảo
cho cuộc sống mình. Thực ra, “giá trị của con người không phải ở chỗ họ “có”
cho bằng họ “là” (Hiến chế Mục Vụ). Chính vì mong ước “có cho nhiều” mà người
ta quên cả Chúa và thậm chí không thấy Chúa là cần thiết cho họ nữa.
b/ Thống
trị, quyền bính (pouvoir). Không những người ta thích có cho nhiều, nhưng còn
thích hơn kẻ khác, thống trị người khác nữa. Những uy quyền, địa vị xã hội cũng
là mơ ước thường xuyên của con người. Những điều này chẳng có gì sai trái : sự
vươn lên là điều đáng khuyến khích, tuy nhiên đừng vì thế mà quên đi sự phục vụ,
yêu thương và chia sẻ với người khác nữa.
c/ Tri
thức, hiểu biết (savoir). Tri thức, kiến thức, sự hiểu biết là điều đáng khích
lệ. Sự thăng tiến của chúng ta tuỳ thuộc phần lớn vào sự hiểu biết. Nhưng không
phải bất cứ điều gì chúng ta cũng phải biết qua, phải thử nghiệm hay đòi hỏi mọi
sự phải minh bạch, nhưng phải biết sống trong tin tưởng vào tình yêu và quyền năng
của Thiên Chúa nữa.
d/ Một nét cuối
cùng chúng ta cần phải thấy nơi “chiến
thuật” của ma quỉ : nó trích dẫn kinh thánh một cách chính xác, nhưng giải
thích theo cách có lợi cho nó mà thôi. Chúa Giêsu cũng trưng kinh thánh nhưng
giải thích theo ý Thiên Chúa muốn.
Kết luận
“Ma quỉ, thế gian và xác thịt” là ba điểm
mà giáo lý truyền thống của Giáo Hội dạy ta phải chiến đấu để chống lại. Theo
Tin Mừng, ma quỉ không bao giờ chịu thua ai. Ngay cả đối với Chúa Giêsu cũng vậy:
không phải nó chỉ cám dỗ Người một lần, nhưng cả cuộc đời Người. Cho đến khi
Người bị treo trên thập giá, nó cũng chưa tha : “Nếu mi là Con Thiên Chúa thì
xuống khỏi thập giá xem nào ! … Hắn cứu được thiên hạ mà chẳng cứu nổi mình … Hắn
cậy vào Thiên Chúa thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn”
(Mt 27, 40-43). Ma quỉ luôn giở bài “khích
tướng” để con người ngã lòng trông cậy vào Chúa. Phải biết như vậy để chúng
ta luôn luộn tỉnh thức và cầu nguyện
(x. Lc 21, 36).