CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
(Lu-ca 4: 1-13)
Mùa Chay và
Phục Sinh được Phụng vụ Lời Chúa trình bày như một cuộc hành trình đức tin để
ta nhận ra căn tính đích thực của Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô và Người Tôi tớ
chịu đau khổ của Thiên Chúa, sẽ chu toàn sứ mệnh của mình là xóa tội trần gian,
chiến thắng tội lỗi và sự chết. Đức
Ki-tô là ai? Chúa Giê-su đã tiên báo
Mầu nhiệm về Đấng Ki-tô khi Người cho các môn đệ biết Người sẽ bị nộp vào tay
kẻ thù, bị giết chết, và sẽ sống lại ngày thứ ba. Đó là căn tính đích thực của Người. Các tông đồ và thánh sử đã trải qua cuộc hành trình đức tin ấy và
cuối cùng đã đi tới việc tuyên xưng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng
Ki-tô. Ki-tô hữu hôm nay cũng được mời
gọi lên đường trong cuộc hành trình ấy cùng với các bậc tiền nhân và toàn thể
Giáo Hội, để nhờ những trình bày của Phụng vụ Lời Chúa trong “thời gian thuận
lợi” này, ta sẽ gặp gỡ được “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần
gian.” Bài Tin Mừng thánh Lu-ca hôm nay
trình bày Chúa Giê-su là người bị thử thách trong sứ mệnh, đồng thời cũng ngầm
hiểu Người là gương mẫu cho mọi Ki-tô hữu.
Đã nhiều lần ta suy niệm về nội dung những cám dỗ Chúa Giê-su chịu, nay
ta thử căn cứ vào cách thánh sử sắp đặt vị trí câu truyện để nhận ra được một
khía cạnh mới của biến cố ấy.
a) Cám dỗ gắn liền với cuộc sống con người
Nếu nhìn qua
dòng cuối cùng của đoạn Tin Mừng nói về gia phả Chúa Giê-su (Lc 3:23-38), ta
thấy tên ông A-đam được nhắc đến ngay trước khi thánh Lu-ca tường thuật về cuộc
ma quỷ cám dỗ Chúa Giê-su trong hoang địa. Đoạn gia phả viết: “...Ông
Kên-nan con ông Ê-nốt, ông Ê-nốt con ông Sết, ông Sết con ông A-đam và ông
A-đam là con Thiên Chúa.” Không phải là
tình cờ Lu-ca sắp đặt như vậy, nhưng chắc là thánh sử muốn cho ta có dịp so
sánh giữa hai con người bị cám dỗ: ông
A-đam và Chúa Giê-su. Ở đây, ta như
mường tượng lại những gì thánh Phao-lô suy tư về vai trò của A-đam và Đức Ki-tô
Giê-su trong thư gửi tín hữu Rô-ma (5:12-21).
Vậy A-đam và
Chúa Giê-su, cả hai đều là “con Thiên Chúa,” đã chịu cám dỗ nào và hai vị đã
thắng bại ra sao?
Tuy được
trình bày qua những khung cảnh khác nhau, nhưng mục đích và bản chất của cám dỗ
vẫn không hề thay đổi, đó là xúi giục các ngài đừng làm “con Thiên Chúa” hay
nói khác đi, đừng tuân phục và đừng thi hành những gì Thiên Chúa muốn. Cám dỗ con người hãy theo ý riêng mình để ăn
trái cấm, hoặc cứ theo kế hoạch riêng của mình để “làm phép lạ” lòe thiên hạ và
trục lợi cho cá nhân mình, chung quy bản chất của hai cám dỗ đều là không muốn
tuân phục thánh ý của Thiên Chúa mà thôi.
Đứng trước cùng một cám dỗ như thế, thắng hay bại là do mình có biết đặt
ý muốn của Thiên Chúa lên trên ý riêng của mình hay không. Khiêm nhượng hoặc kiêu căng sẽ quyết định
phần thắng bại của họ. Ai thắng ai bại,
ta đã thấy rõ rồi. A-đam muốn “trở nên
như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3:5). Kiêu căng đã quật ngã ông và nhân loại. Còn Chúa Giê-su muốn “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng
chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:8).
Khiêm nhượng đã đưa Đức Ki-tô đến sự phục sinh và vinh hiển.
Khi đặt Chúa
Giê-su bên cạnh A-đam như thế, đoạn Tin Mừng Lu-ca cũng cho ta nhiều gợi ý khác
nữa. Ngoài việc cho ta thấy cám dỗ là
những gì gắn liền với cuộc sống con người, Tin Mừng còn trình bày một khuôn mẫu
thắng vượt cám dỗ như thế nào.
b)
“Chúa Giê-su được đầy Thánh Thần” là khuôn mẫu thắng cám dỗ
Sau khi nhắc
đến “ông A-đam là con Thiên Chúa,” thánh Lu-ca giới thiệu Chúa Giê-su như
sau: “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần,
từ sông Gio-đan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa” (4:1). Thánh sử không muốn viết đơn giản “Từ sông
Gio-đan trở về, Đức Giê-su đi vào hoang địa,” nhưng ngài muốn dùng những cụm từ
trên để nói rõ về con người của Chúa Giê-su như thế nào, nghĩa là một người
“được đầy Thánh Thần” và “được Thánh Thần dẫn đi.” Vai trò của Thánh Thần đã rõ ràng trong chiến thắng của Chúa
Giê-su trước cám dỗ. Muốn thắng được
cám dỗ, điều kiện tiên quyết phải là được đầy Thánh Thần và để cho Thánh Thần
dẫn mình đi. Thánh Thần là chính nghĩa
của Thiên Chúa, thể hiện tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa. Cho nên khi ta “được đầy Thánh Thần” có
nghĩa là ta có khả năng nhận ra những gì thuộc về Thiên Chúa, ý muốn và kế
hoạch của Người là gì, phương cách thi hành theo ý Người phải làm như thế nào... Và “được Thánh Thần dẫn đi” có nghĩa là ta
hành động theo đúng hướng và đúng cách của Thiên Chúa, chứ ta không để cho tham
vọng của ta lèo lái công việc ta làm.
Để được đầy Thánh Thần, Chúa Giê-su đã suy niệm, cầu nguyện và trân
trọng kế hoạch của Chúa Cha từng giây từng phút cuộc đời Người, nhất là qua
những dịp “ban đêm, Người đi đến nơi thanh vắng” để cầu nguyện và hiệp nhất với
Chúa Cha. Người lấy việc “được Thánh
Thần dẫn đi” hoặc “thi hành ý Cha” như là nguồn lương thực cho sự sống của
Người (Ga 4:34).
c)
Cám dỗ của ta và chiến thắng của ta
Khi
cám dỗ Chúa Giê-su, ma quỷ mở đầu với lời:
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì ông hãy...” Thử thách căn tính là một thử thách chung của loài người. Mỗi người có một cám dỗ về căn tính của
mình. Trong gia đình, cha mẹ bị cám dỗ
muốn làm bậc cha mẹ độc đoán; con cái
bị cám dỗ muốn phản chứng, muốn tự do.
Ông chủ tịch thì bị cám dỗ độc tài.
Ông nhà báo bị cám dỗ viết trái sự thật để mưu mô đen tối. Ông đạo diễn bị cám dỗ phải cho vào phim của
mình vài ba cảnh hở hang khiêu dâm thì mới ăn khách. Học sinh bị cám dỗ để ngày mai làm bài, còn kịp chán. Linh mục cũng bị cám dỗ dùng tòa giảng để
trút cơn... thịnh nộ!
Nhưng nếu ta
thẳng thắn và trả lời tên cám dỗ rằng:
“Đúng, tôi là con Thiên Chúa.
Người rất thương tôi. Người muốn
điều tốt cho tôi...”, thì ta đã bắt đầu
thắng cám dỗ rồi đó. Chính Thánh Thần
đã làm cho ta thành nghĩa tử của Thiên Chúa, để ta có thể gọi Thiên Chúa là
“Abba! Cha ơi!” (Rm 8:15). Được đầy Thánh Thần, ta mới có khả năng làm
con Thiên Chúa và đủ sức nói thẳng vào mặt tên cám dỗ: tôi là con Thiên Chúa. Đó là bước đầu. Tiếp đến, ta cứ để cho Thánh Thần tiếp tục đưa ta đi, vì “Gió
muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng
gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3:8).
Chúa Giê-su,
khuôn mẫu chiến thắng cám dỗ, ghé tai ta nói nhỏ: “Cứ thế, cứ thế...” Cho
nên theo Người, chắc chắn ta cũng chiến thắng vẻ vang.
d)
Suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi
có ý thức rằng cám dỗ căn bản đối với tôi vẫn là cám dỗ phản bội căn tính của
mình không? Tôi phải mô tả cám dỗ ấy
như thế nào? Là một Ki-tô hữu “hữu danh
vô thực”? Là một bậc cha mẹ vô trách
nhiệm? Là một công nhân không ngay
thẳng?...
Đâu
là điều Chúa muốn (thánh ý Chúa) tôi làm lúc này và tại đây? Người muốn tôi làm điều ấy theo cách nào?
Tôi
cảm nghiệm thế nào về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tôi? Tôi đã để cho Người hoạt động trong tôi như
thế nào?
Lời nguyện:
“Lạy
Chúa Giê-su,
bị
cám dỗ là thân phận của con người,
nhưng
thắng được cám dỗ là nhờ ơn của Chúa.
Cuộc
sống hôm nay cho chúng con bao cám dỗ ngọt ngào,
làm
khuấy động những thèm khát nơi chúng con.
Cám
dỗ chiếm đoạt và sở hữu.
Cám
dỗ thống trị bằng quyền uy hay tri thức.
Cám
dỗ sống buông thả theo bản năng tự nhiên.
Cám
dỗ nào cũng hứa cho chúng con ít nhiều hoan lạc,
nhưng
thật ra lại làm chúng con nghèo nàn
vì
tự giam mình trong cái tôi ích kỷ.
Xin
cho chúng con thắng được các cơn cám dỗ
nhờ
tỉnh thức và cầu nguyện,
nhờ
chay tịnh và làm chủ bản thân.
Xin
cho chúng con dám lội ngược dòng với thế gian,
để
đi vào con đường hẹp của Chúa,
con
đường nghèo khó khiêm nhu,
con
đường hy sinh phục vụ.
Ước
gì chúng con được lớn lên trong tình yêu Chúa,
sau
những lần chiến đấu vất vả cam go.
Và
ngay cả khi yếu đuối ngã sa,
xin
cho chúng con can đảm đứng lên,
vững
tin vào lòng Chúa tín trung tha thứ.
A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 94)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
26-2-2004