Chúa
Nhật III Mùa Chay C
HÃY SINH HOA TRÁI
Lm Phêrô Trần Đình, Dalat
Dẫn nhập
Mùa chay kêu gọi chúng ta hoán cải. Nhưng hoán cải một cách tích cực
không những là sám hối, nhưng còn là và nhất là sinh hoa trái bằng những việc
bác ái, phúc đức như lời cầu nguyện của Chúa Nhật hôm nay : “Khi chuyên cần làm
các việc đạo đức, thực hành bác ái…họ đổi mới tâm hồn”.
Bài này trình bày hai điểm :
1. Hãy nhìn vào chính mình;
2. Hãy sinh hoa trái.
1. Hãy nhìn vào chính mình
a/ Từ những câu chuyện thời sự. Có mấy người đến kể
với Đức Giêsu chuyện tổng trấn Philatô giết nhiều người khi họ đang dâng của
lễ, cũng như chuyện một số người bị tháp Silôa đổ xuống đè chết. Không nói ra,
nhưng thâm tâm họ nghĩ rằng đó là kẻ có tội (c. 2.4).
Trong cuộc sống rao giảng, Đức Giêsu có cái tài là từ những câu chuyện
đời thường, Người rút ra những bài học để răn dạy người ta. Ở đây cũng thế, từ
cái nhìn về người khác như những kẻ tội lỗi, Chúa dạy họ tốt hơn hãy nhìn vào
chính mình thì hơn.
b/ Con người ta thường có khuynh hướng nhìn người
khác và thấy họ là kẻ có tội. Văn hào Lafontaine có kể một ngụ ngôn như sau : “Mỗi người đều mang trên mình hai
cái bị : một cái trước ngực và một cái sau lưng. Cái bị trước ngực chứa đựng
những khuyết điểm của kẻ khác và dễ thấy, còn cái bị sau lưng đựng những khuyết
điểm của mình nên không sao thấy được”. Chính vì chỉ thấy khuyết điểm của kẻ
khác, cho nên người ta cũng dễ đưa ra những lời phê phán, như những người được
nói đến trong Tin mừng hôm nay.
c/ Cục diện sẽ thay đổi, nếu chúng ta biết nhìn vào
mình. Thói thường, con người dễ nhìn thấy “cái rác” trong mắt người (=những
khuyết điểm nhỏ), còn “cái xà” trong mắt mình (=những tội to) thì không thấy
người hoặc không muốn thấy. Chúa dạy trước tiên hãy lấy cái xà ra khỏi mắt
mình. Nếu con người biết mình là ai thì họ không mạnh miệng kết án kẻ khác nữa.
Chuyện đi xem thú dữ. Bị thu hút bởi một trang quảng cáo ở cổng sở thú
New York : “Hãy tranh thủ đến mà xem một con thú dữ nhất trên thế giới”, thiên
hạ nườm nượp kéo nhau đi xem. Muốn xem được mặt mũi con sư tử ấy, mỗi người
buộc phải bước vào một căn phòng. Khi bước vào đó, họ chẳng thấy con sư tử nào
cả mà chỉ thấy mặt mình trong gương cùng với một dòng chữ được ghi trên đó rằng
: “Vâng, có khi bạn hay tôi chính là con thú dữ ấy !”. Ở đời người ta thường
nói: “Sáng việc người, tối việc mình” là thế !. Mùa Chay, chúng ta hãy cầu
nguyện như Thánh Aâutinh : “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết
con”. Và nếu chúng ta biết mình, chắc hẳn đó là bước đầu tiên của sám hối.
2. Hãy sinh hoa trái
a/ Một trong những chủ đề chính của Mùa Chay là sám
hối. Ngày xưa, khi tỏ lòng sám hối, người ta rắc tro trên đầu, mặc bao bị. Đó
cũng là một hình thức tỏ lòng thống hối. Tuy nhiên, Chúa vẫn thích người ta “xé
lòng hơn xé áo”, bởi lòng dạ con người thường là nơi trú ẩn của tội lỗi : gian
tham, độc ác, lăng loàn, ghen tị, giết người…”Xé lòng” nghĩa là phá bung nơi ẩn
núp của tội.
b/ Ngoài ra, sám hối tích cực như Chúa nói hôm nay là
hãy “sinh hoa trái”, tức là làm những việc lành phúc đức.
Ông chủ trong Tin mừng có điểm hơi vô lýï là tìm trái vả vào lúc trái
mùa, rồi khi không thấy trái thì đòi chặt phăng nó đi.
Tuy nhiên, nếu cây vả ấy được hiểu là con người thì ta chẳng có lý gì
mà thưa với Chúa rằng mùa này không phải là mùa ra trái, mùa này là mùa nghỉ
làm việc lành phúc đức.
Mùa Chay chúng ta tham gia “ngắm rằng”. Trong một ngắm có câu như thế
này : “Con chim kia còn biết mùa làm tổ…”, huống hồ nữa con người lại không
biết mùa làm việc lành phúc đức.
Kết luận
Trong Mùa Chay, Giáo Hội mượn lời Chúa để kêu gọi chúng hãy sám hối,
bằng cách tăng cường những việc bác ái, những việc làm phúc đức. Đức Giáo Hoàng
Gioan-Phaolô II trong sứ điệp Mùa Chay năm nay cũng dạy như thế : “Mỗi lần các
ngươi làm một việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các
ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Chúa muốn nói đến những việc bác
ái, những hành động yêu thương.
11-3-2004