Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Chay
(18-3-2001)
Nghe :
· Xh
3,1-8a.13-15 : (Thiên Chúa gọi ông Mô-sê từ bụi cây bốc cháy và cho biết tên
của Ngài).
· 1 Cr
10,1-6.10-12 : Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.
· TIN
MỪNG : Lc 13,1-9
Nếu
không sám hối thì sẽ chết hết
Khi ấy,
có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng
trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức
Giêsu đáp lại rằng: Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó
vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không
phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như
vậy. Cũng như mười tám người kia bị thác Xi-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông
tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem
sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu
sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.
Dụ ngôn
cây vả không ra trái
Rồi Đức
Giêsu kể dụ ngôn này: Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta
ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: Anh coi, đã ba năm nay
tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho
hại đất?. Nhưng người làm vườn đáp: Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa, tôi
sẽ vun sới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu
không thì ông sẽ chặt nó đi.
Ngẫm :
Câu hỏi
gợi ý :
1. Ta nghĩ gì về những người thình lình bị tai nạn, về những người xấu số
hơn ta, có phải họ bị Chúa phạt vì tội lỗi của họ không?
2.Thiên Chúa có hài lòng khi ta nhận ra rằng mình đạo đức hay thánh thiện
hơn người không? Tại sao?
Suy tư
gợi ý :
1. Khi thấy ai bị tai nạn, đừng vội nghĩ họ bị Chúa phạt
Ngày
xưa, khi thấy một người nào bị tai nạn khủng khiếp, người Do Thái thời ấy
thường nghĩ rằng vì người ấy tội lỗi, nên bị Chúa phạt. Nhân xảy ra một vụ có
nhiều người bị thảm sát, Đức Giê-su đã chỉnh lại quan niệm ấy. Theo Ngài, tất
cả mọi người đều là người tội lỗi trước mặt Thiên Chúa, đều cần phải nhìn ra
tội lỗi của mình và sám hối. Thánh Kinh có lời chép: Không ai là người công
chính, dẫu một người cũng không; chẳng ai có lương tri, chẳng ai tìm kiếm Thiên
Chúa (Cv 3,10-11; xem Tv 14,1-3). Vì thế, trước Thiên Chúa, đừng ai tự hào
mình công chính hơn người khác. Thiên Chúa rất ghét sự tự hào này (xem Lc
18,9-17). Đồng thời không nên phán đoán về giá trị đạo đức của người khác, nhất
là không bao giờ nên kết án người khác, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả
năng xét đoán chính xác và được quyền kết án mà thôi. Đừng xét đoán để khỏi
bị kết án (Mt 7,1).
Tốt
nhất, khi thấy ai bị tai nạn, ta không nên cho rằng người đó tội lỗi, đáng bị
Chúa phạt. Biết bao người hiền lành, thánh thiện bị Chúa thử thách và thánh hóa
bằng nghịch cảnh, bằng những tai ương dồn dập. Thánh vịnh nói: Người hiền
đức gặp nhiều bước gian truân. Các Ki-tô hữu thời sơ khai, các thánh tử
đạo. thường là những người hiền đức nhưng cuộc đời của họ nhiều khi gặp toàn
nghịch cảnh, và có khi phải chết một cách thảm thiết, chẳng hạn rất nhiều Ki-tô
hữu bị Nê-rô cho sư tử xé xác và bị thiêu sống tập thể. Chính thánh Tê-rê-xa
A-vi-la cũng gặp rất nhiều thử thách, đến nỗi ngài phải than với Chúa: Bây
giờ con mới hiểu tại sao Chúa lại quá ít bạn như thế, vì Chúa thường đối xử với
bạn thân thiết của Chúa như thế này đây!. Thật vậy, Chúa thương ai nhiều
thì thường thử thách người đó nhiều bằng đau khổ, vì đau khổ có khả năng thánh
hóa rất cao. Do đó, không thể cứ thấy ai lâm hoạn nạn là ta nghĩ họ vì tội lỗi
nên bị Chúa phạt.
2. Hãy nhận ra lỗi của mình, đừng tự hào rằng mình đạo đức
Thiên
Chúa muốn chúng ta tự xét lỗi và nhận ra lỗi của bản thân mình hơn là xét lỗi
và thấy lỗi của người khác. Thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi mình chỉ
khiến ta phát sinh lòng kiêu ngạo, tự mãn, khinh người. Còn nhận ra tội lỗi hay
yếu đuối của mình, sẽ giúp ta khiêm nhường, nhất là cảm thông được những yếu
đuối và tội lỗi của người khác. Nếu vì những yếu đuối hay vì một số tội lỗi ta
đã phạm mà ta trở nên khiêm nhường và thông cảm với người khác hơn, thì những
yếu đuối hay tội lỗi ấy đúng là những tội lỗi hồng phúc. Vì Thiên Chúa đánh giá
một người tội lỗi mà khiêm nhượng còn cao hơn một kẻ thánh thiện mà kiêu ngạo.
Hạng trước có thể lên thiên đàng, còn hạng sau thì không bao giờ. Lu-xi-phe ban
đầu chắc hẳn thánh thiện hơn bất kỳ ai trong chúng ta, nhưng sự thánh thiện ấy
trở thành vô giá trị khi đi đôi với tính kiêu ngạo và lòng tự hào. Tính kiêu
ngạo phá hủy tất cả mọi nhân đức, mọi việc lành. Minh họa sau đây nói lên điều
ấy:
Một
người nổi tiếng đạo đức, sáng nào cũng dậy đi lễ và làm rất nhiều việc phúc đức
khác, chỉ có điều đáng tiếc là ông ta tự hào rằng mình đạo đức hơn người vì đã
làm được những việc tốt lành ấy. Một hôm, ông bị bệnh, và dự định sáng hôm sau
sẽ không đi lễ. Nhưng sáng hôm sau, có người lạ mặt đến tận giường đánh thức
ông dậy, bảo ông mau dậy đi lễ. Ông hỏi thì người ấy tự nhận mình là ma quỉ.
Ông hỏi tại sao quỉ lại khuyến khích ông đi lễ thay vì theo lẽ thường là ngăn
cản ông. Quỉ cho ông biết là cám dỗ ông đi lễ thì có lợi cho hỏa ngục hơn, và
thiệt hại cho phần rỗi của ông hơn. Vì càng đi lễ nhiều thì ông càng tự hào
mình đạo đức hơn người, và điều ấy làm cho ông bớt đẹp lòng Chúa hơn, thậm chí
có thể làm ông trở thành đạo đức giả, làm gì cũng là để người khác ca tụng, nể
phục. Đó là điều Chúa rất ghét.
Câu
chuyện trên minh họa một sự thật, được Đức Giê-su nói đến trong dụ ngôn người
thu thuế và người Pharisiêu lên đền thờ cầu nguyện (xem Lc 18,9-17). Người thu
thuế tuy tội lỗi nhưng khiêm nhường thì làm Chúa hài lòng hơn người Pharisiêu
tuy đạo đức nhưng lại tự kiêu.
3.Tinh thần khiêm nhường, sám hối
Qua bài
Tin Mừng này, ta thấy Đức Giê-su muốn ta có tâm tình sám hối thường xuyên,
nghĩa là luôn khiêm nhường, ý thức được tình trạng yếu đuối, mỏng dòn, và tội
lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa, để càng ngày càng cố gắng sống tốt đẹp hơn,
mà vẫn luôn khiêm nhượng, không tự cho mình là hơn ai.
Thật
vậy, trong cuộc đời ta, lúc nào ta cũng bị vướng vào một số khuyết điểm nào đó,
khiến ta không bao giờ có thể tự hào mình hoàn toàn vô tội hay hoàn hảo, khiến
ta luôn luôn có lý do để khiêm nhường, để sám hối trước mặt Chúa, để quyết tâm
trở nên hoàn hảo hơn. Sự thánh thiện của ta không hệ tại tình trạng toàn hảo
cho bằng tình trạng luôn luôn hướng về sự hoàn hảo đó, trong nhận thức rằng mình
còn khiếm khuyết để rồi cố gắng hoàn hảo hơn nữa.
Nếu ta
thật sự sống lý tưởng nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo
(Mt 5,48), ta sẽ cảm thấy mình luôn luôn có lý do để sám hối, vì thấy mình còn
xa mức đó lắm, vì thấy mình còn vướng nhiều khuyết điểm, tội lỗi, và còn phải
sửa sai nhiều chuyện. Chính khi ta có tâm tình khiêm nhường sám hối như thế,
không dám nghĩ rằng mình là thánh thiện, thì Cha trên trời lại đánh giá sự
thánh thiện của ta rất cao. Ngược lại, chính khi ta tự hào mình là thánh thiện
và cảm thấy không cần phải sám hối về điều gì, thì Ngài lại đánh giá sự thánh
thiện của ta rất thấp. Mà chỉ có sự đánh giá của Ngài mới chân thực và có giá
trị.
Thông
thường, khi nghĩ tới sám hối, chúng ta chỉ nghĩ tới những hành vi sai trái,
những tội lỗi ta đã phạm, và nhiều người trong chúng ta cảm thấy nghĩ hoài mà
không thấy mình có lỗi gì, nghĩa là thấy mình vô tội, hoặc chỉ thấy mình có một
vài khiếm khuyết nho nhỏ. Vì thế, ta cảm thấy không có nhu cầu phải sám hối,
thậm chí còn nghĩ rằng mình đã thánh thiện lắm rồi, hoặc không mấy ai sống tốt
lành được như mình. Nhưng nếu ta xét về những tội do thiếu sót, nghĩa là về
những việc mà đáng lẽ ta phải làm nhưng ta đã không làm, thì người lành thánh
tới đâu cũng khó tránh khỏi tội, nhất là về đức bác ái, là nhân đức bị Chúa xét
tới nhiều nhất trong ngày phán xét.
Khi ta
tự nhận ra mình còn nhiều thiếu sót, ta sẽ thấy mình luôn luôn cần phải cố gắng
hơn nữa để tiến tới, nhờ đó ta sẽ tiến mãi. Nếu ta tự cho mình là công chính,
thì đó là một ảo tưởng khiến ta tự mãn và đứng lại, không tiến tới nữa. Chính
sự tự hào tự mãn ấy làm ta không đề phòng những cám dỗ, vì thế, ta có thể sa
ngã bất cứ lúc nào. Vì trong thực tế, ta yếu đuối hơn ta tưởng rất nhiều, sự
thánh thiện của ta mỏng dòn và bị lệ thuộc vào nhiều điều kiện thuận lợi ta
đang có. Những điều kiện đó bị mất, có thể ta sẽ rơi vào tội lỗi ngay. Vì thế,
bài đọc hai đã cảnh báo ta: Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng
kẻo ngã. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy: có nhiều người đã từng nổi tiếng đạo
đức hơn ta, thế mà nay đã sa ngã, bị thiên hạ liệt vào hạng người không tốt.
Nguyện :
Lạy
Chúa, xin cho con luôn luôn nhận ra sự yếu đuối và bất toàn của con, đồng thời
nhận ra mức độ thánh thiện hay đạo đức mà con đang có được chủ yếu là một hồng
ân Chúa ban hơn là do con làm nên. Xin cho con một tinh thần sám hối, luôn luôn
nhận ra những thiếu sót của mình để cố gắng hoàn thiện nhiều hơn nữa. Đừng bao
giờ để con tự hào về mức độ hoàn thiện của mình. Amen.
Joan Nguyễn
Chính Kết