CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, C

(Lu-ca 13:1-9)

       

        Những mặc khải về sứ mệnh của Đấng Ki-tô, những bài học làm môn đệ và điều kiện theo Chúa, những cảnh cáo về hậu quả do thái độ lừng khừng hoặc bướng bỉnh không muốn theo Chúa, tất cả đều diễn ra trên con đường từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem.  Mọi sự sẽ được sáng tỏ ở cuối đường hầm.  Ga-li-lê mới chỉ là khởi điểm của hành trình làm môn đệ, bắt đầu học biết về Chúa bằng cách nghe lời giảng của Người và chiêm ngưỡng những việc lạ Người làm.  Nếu chỉ theo Chúa đến mức này, ta sẽ giống như ông Phê-rô và các bạn thôi, nghĩa là vẫn còn giữ cái nhìn quá phiến diện về con người và sứ mệnh của Chúa.  Ta cũng sẽ nghe Chúa nghiêm cấm ta như Người nghiêm cấm các tông đồ không được nói ra “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” (Lc 9:21), vì ta chưa nhìn nhận Đấng Ki-tô theo đúng chân tính của Người.  Hoặc ta cũng sẽ phải “nín thinh” không dám kể lại cho ai biết về Chúa (Lc 9:36), vì những gì ta biết vẫn chưa đủ cho ta trình bày khuôn mặt đích thực của Người.  Vậy làm sao ta có thể biết, yêu và theo Chúa đây?  Chúa Giê-su cho ta câu trả lời:  trước hết cần phải sám hối, nghĩa là phải thay đổi não trạng, hướng đi và lối sống;  tiếp đến, việc sám hối và thay đổi đó phải mang lại kết quả giống như cây vả cần được vun xới tưới bón để sinh trái.

 

a)  Phải thay đổi não trạng thì mới có thể tiếp nhận ơn cứu rỗi

 

        Con đường lên Giê-ru-sa-lem đưa Chúa Giê-su tới tột đỉnh của sứ mệnh, nhưng cũng là con đường đào tạo huấn luyện người môn đệ phải đi tới thái độ dứt khoát theo Người.  Chúa Giê-su lên núi Ta-bô-rê cầu nguyện để được xác tín vững vàng và chấp nhận sứ mệnh “phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại” (Lc 9:22).  Xác tín này cần cho Chúa, nhưng cũng cần cho môn đệ, vì con đường nào Chúa đi thì môn đệ cũng theo đường ấy, phép rửa nào Người chịu và nỗi khắc khoải nào Người mang cho đến khi sứ mệnh hoàn tất (Lc 12:50) thì môn đệ cũng phải trải qua giai đoạn ấy.

        Khởi đầu con đường huấn luyện với xác tín về sứ mệnh, Chúa Giê-su bắt tay vào việc huấn luyện môn đệ.  Huấn luyện bằng lời giảng.  Huấn luyện bằng kinh nghiệm.  Rồi thực tập.  Rồi kiểm điểm.  Tất cả đều nhắm mục đích thay đổi não trạng của người muốn làm môn đệ Chúa và giúp họ mặc lấy những tâm tình của Chúa Giê-su.

        Vậy đâu là não trạng của người môn đệ?  Sống tinh thần tự do là căn bản: không để bị ràng buộc bởi những quyến luyến vật chất và tình cảm, nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa là Cha nhân từ sẽ giúp ta sống tinh thần tự do.  Đừng để tinh thần nô lệ cho lề luật chủ động giống như những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật đã sống, nhưng chính tình yêu phải động viên mọi việc ta làm.  Lấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa Cha mà đối xử với anh chị em mình.  Đó là một vài điểm chính yếu từ những bài học Chúa Giê-su dạy ta trên đường lên Giê-ru-sa-lem.  Xen vào giữa những bài học ấy là những thực hành cụ thể:  tại Sa-ma-ri, Chúa ngăn cấm môn đệ sử dụng quyền lực để trả đũa những kẻ không đón tiếp các ngài, Chúa chữa người đau ốm vào ngày sa-bát, chạm đến những người bị phong cùi để chữa họ, tôn trọng phẩm giá các em nhỏ, chữa người mù tại Giê-ri-khô, tiếp nhận ông Da-kêu trở về...  Tóm lại, nếu ta đọc từ chương 9 đến 19 sách Tin Mừng Lu-ca, ta sẽ thấy mình đang ở trong trường của Thầy Giê-su, Đấng sẽ dùng lời giảng dạy và gương sáng uốn nắn tâm hồn ta nên giống như tâm hồn của Người.

 

b)  Cây vả sinh trái là hình ảnh của người môn đệ Chúa

 

        Để cụ thể hóa kết quả do việc đào tạo môn đệ, Chúa Giê-su dùng một hình ảnh dụ ngôn hết sức thực tế:  cây vả không ra trái.  Tuy là một dụ ngôn đơn sơ, nhưng lại rất giầu ý nghĩa.  Trồng cây ai mà chẳng mong nó sinh trái.  Khi cây lớn tới mức đủ để sinh trái, người trồng đặt đầy hy vọng vào nó.  Mùa xuân đến, lúc nó đâm chồi nảy lộc, người trồng mỗi ngày nôn nao xem xét coi đã có nụ hoa nào nhú lên chưa.  Họ sẽ thất vọng biết bao khi thấy mùa xuân đã qua rồi mà cây chỉ có lá tốt um chứ không có nụ hoa nào.  Vậy ta thử tìm hiểu một vài ý nghĩa của câu truyện cây vả Chúa nói.

        Cây vả được chủ vườn nho trồng trong vườn nho thật là tốt số!  Đối với đời sống Do-thái, cây vả thường được trồng nơi những dẻo đất thừa, không sử dụng được, là vì giá trị của cây vả quá tầm thường.  Vậy mà nó lọt được vào vườn nho, thì ta có thể hiểu được lòng quảng đại của chủ vườn nho như thế nào rồi.  Ba năm là thời gian quá đủ để cây vả sinh trái.  Nhưng ba năm cũng gợi cho ta ý tưởng về ba năm Chúa Giê-su giảng dạy, huấn luyện ta.  Vậy mà sau thời gian ấy vẫn không có gì thay đổi nơi ta.  Ta vẫn ngoan cố không chịu sám hối, thay đổi não trạng thế gian trong ta để mặc lấy não trạng của Chúa Giê-su, chẳng khác gì cây vả lì lợm không chịu sinh trái.  Chủ vườn ra lệnh chặt phứt nó đi cho rồi.  Nhưng người làm vườn khẩn khoản xin ông thư thả, cho thêm một mùa nữa để anh ta chăm sóc.  Anh vẫn còn đặt hy vọng vào cây vả.  Ta cũng có thể đoán được ông chủ vườn cũng bằng lòng gia hạn thêm một năm nữa.  Nếu ta cứ tạm hiểu chủ vuờn nho là Thiên Chúa Cha, vườn nho là Giáo Hội, người làm vườn là Chúa Giê-su hoặc những người có bổn phận dạy dỗ ta, việc vun xới tưới bón là những sinh hoạt giúp ta phát triển đời sống đức tin, và quan trọng nhất, cây vả chính là ta, thì ta sẽ thấy dụ ngôn có ý nghĩa đối với ta như thế nào.

        Dụ ngôn cây vả không sinh trái chuyên chở một sứ điệp có tính cách đe dọa, nhưng là đe dọa của một người cha nhân hậu lúc nào cũng ngóng đợi đứa con hoang đàng trở về.  Nhưng nếu ta vẫn một mực ngoan cố đến cùng thì số phận của ta còn bi đát hơn cả những người Ga-li-lê bị Phi-la-tô giết và tám người bị tháp Si-lô-ê đổ đè chết nữa!  Cho nên ta cần dứt khoát sám hối và lên đường theo Chúa, vì Chúa Giê-su cũng dứt khoát khi Người khẳng định:  “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11:23).

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Sám hối (metanoia) nghĩa là thay đổi não trạng của mình cho hợp với não trạng của Chúa Giê-su.  Tuy là Ki-tô hữu, nhưng tôi đang có não trạng nào?  Não trạng ấy biểu lộ qua lối suy nghĩ nào và qua cách hành động nào của tôi?  Thay đổi não trạng là việc khó.  Vậy tôi phải bắt đầu từ đâu?

        Tôi sẽ làm gì để được biến đổi trong trường học của Chúa Giê-su?  Lòng yêu mến có phải là động cơ chính thúc đẩy tôi thay đổi không?  Tại sao?

        Chúa Giê-su có thể tìm được hoa trái nào nơi đời sống đức tin của tôi, sau khi Người trồng tôi trong Giáo Hội Người và nuôi dưỡng tôi bằng những của ăn thiêng liêng?

 

Lời nguyện:

 

        “Lạy Chúa Giê-su,

        xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

        nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

        dễ thấy Chúa hiện diện

        và hoạt động trong đời con.

 

        Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

        xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

        khép kín và nghi ngờ.

 

        Xin dạy con sự hiền hậu

        để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

 

        Xin dạy con sự khiêm nhu

        để con dám buông đời con cho Chúa.

 

        Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

        vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

        hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau.  A-men.

 

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 14)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà