SUY NIỆM
CHÚA NHẬT IV-MÙA CHAY 2001
Anh chị em rất thân yêu,
Sau 40 năm lầm lũi đi trong sa mạc để hoàn tất cuộc
Vượt Qua mà Chúa đã dùng cánh tay uy dũng Người thực hiện khi đưa dân qua Biển
Đỏ, hôm nay ở đất Yêricô cửa ngỏ vào Hứa Địa, Israel mới cảm nghiệm cuộc Vượt
Qua đã hoàn tất. Chính ở địa đầu Đất Hứa này, Israel mới thấy tất cả cái lịch
sử nô lệ thực sự đã được cuốn lại, để mở ra một trang sử mới, vì thế họ đặt tên
cho nơi này là Gilgal (cuộn lại). Những ô nhục trên đất Ai Cập, những của ăn đi
đàng (manna) đã chấm dứt, họ bắt đầu được ăn thổ sản. Cái Cũ đã qua, và cái mới
đã khởi đầu nói lên ý nghĩa đích thực của Vượt Qua. Và nói đến Vượt Qua là nói
đến Lòng Thương Xót, bao dung, tha thứ của Thiên Chúa đối với Dân Người, để dân
Người được đưa về sống trong miền đất Cha mình. Vì chính là Thiên Chúa Vượt Qua
để Giải Thoát. Không có lòng thương xót và tha thứ của Chúa đã không có cuộc
Vượt Qua uy hùng này, và Dân vẫn còn sống trong kiếp nô lệ. Nếu như chiếu theo
suy nghĩ và tình cảm của Dân thì không thể thực hiện được cuộc Vượt Qua. Đừng
kể Môsê đã phải vất vả thế nào để thuyết phục Dân hãy ra đi, mà thậm chí 40 năm
trong sa mạc, dân vẫn mang theo mình thần tượng ngoại lai, vẫn phản kháng và
coi như là bị bức bách rời bỏ xứ Ai Cập. Toàn thể con cái sinh ra trong hoang
địa 40 năm không cắt bì, và sống như kẻ không cắt bì. Do đó, chính ngày hôm
nay, Josuê đã làm lễ cắt bì cho Dân, để cuộn lại quá khứ tội lỗi và nô lệ.
Đứa con thứ trong bài Tin Mừng đã diễn tả thật đúng
cái lối sống của Dân, trên đường về Nhà Cha, nhưng lòng chỉ nghĩ đến cái cuộc
sống ô nhục, không biết tới lòng thương xót của Cha nó. Cho nên Tin Mừng không
phải là Tin Mừng về Đứa Con hoang đàng, nhưng là Tin Mừng về Cha giàu lòng
thương xót. Chính là trong lòng Cha Thương Xót mà cuộc Vượt Qua đã được thực
hiện, và đứa con đã được Cha mừng rỡ trong Nhà Người, dù nó bất xứng (đúng như
là người con cả nhận xét). Nhưng chính thái độ của người con cả cũng phủ nhận
và từ chối hiệp thông với lòng Thương Xót của Cha.
Vì thế Giáo Hội, theo thánh Phaolô, lãnh nhận sứ vụ
rao giảng Tin Mừng, thì chính là sứ vụ rao giảng Ơn Giao Hòa mà Thiên Chúa đã
thực hiện cho con người nhờ Đức Kitô. Thừa kế sứ vụ ấy, Giáo Hội phải hiểu lòng
Thương Xót và Ơn Giao Hòa mình rao giảng lớn lao đến mức độ "Đấng không hề
biết tội, thì Thiên Chúa đã làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng
ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa". Từng chữ trong phân biện trên
của Phaolô là từng lời mời gọi chúng ta giũ bỏ tính ích kỷ của đứa con hoang
đàng và sự kiêu căng của người con cả để có thể tham dự vào lòng Thương Xót lạ
lùng của Thiên Chúa, lòng Thương Xót bất chấp tội lỗi của con Người đã hiến
trao chính Máu Con Yêu Dấu để cho con người được giao hòa và nhận lại chức vị
là Con.
Anh chị em rất thân yêu,
Là sứ giả thay mặt Đức Kitô loan báo lời giao hòa
trong cuộc sống, đó là ơn gọi căn bản của chúng ta, những chi thể của Đức Kitô,
lời loan báo chỉ kết thúc trong hiến tế thánh giá. Xin cho chúng ta biết reo
vui với Hội Thánh, với thánh Phaolô để qua mọi khổ đau, chúng ta làm chứng rằng
một thế giới mới, một bàn tiệc mừng mới, một tạo thành mới đang được hiến tặng
cho nhân loại.
LM. Giuse Nguyễn Hữu Duyên