CHÚA
NHẬT THỨ IV MÙA CHAY, năm C
Lc
15,1-3.11-32
NGƯỜI CHA NHÂN TỪ
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Phụng vụ chúa nhật hôm nay nói lên lòng thương xót và nhân từ của Thiên
Chúa đối với con người, đối với loài người. Ngài quảng đại, rộng mở đối với
từng người. Ngài sung sướng, hân hoan khi thể hiện lòng yêu thương và bác ái
với con người. Ngài mời gọi con người chia sẻ niềm vui đó. Vì thế, chúa nhật IV
mùa chay còn gọi là chúa nhật vui mừng vì con người cảm nghiệm được tình yêu
thương sâu xa, dạt dào của người cha khiến con người tin yêu, phó thác, can đảm
dấn thân theo Chúa trong cuộc hành trình đức tin tiến về núi Canvê.
CÁI TRỚ TRÊU CỦA ĐOẠN TIN MỪNG HÔM NAY:
Tưởng rằng đứa con hoang đàng đòi cha mình phân chia gia tài, rồi y đi
phương xa phung phí tất cả tài sản y được chia phần, thất thế trở về, y sẽ
không được người cha đón nhận. Tuy nhiên, đoạn Tin Mừng của thánh Luca cho ta
thấy rõ lòng thương xót của người cha đối với đứa con phung phá, đối với đứa
con hoang đàng. Dù đứa con thứ có bê bối, buông thả, hư đốn, tội lỗi, chẳng ra
gì, người cha vẫn một mực yêu thương. Nên, khi người con hối cải, ăn năn, thống
hối quay về, y cứ tưởng mình sẽ không được đón nhận, không được thứ tha, y chỉ
muốn trở nên người làm thuê mà thôi…Nhưng, cái trớ trêu vẫn là người cha không
những không tức bực, nổi giận, không đánh đập, mắng nhiếc cho thỏa dạ, trái lại
người cha đã đón nhận người con thứ hư đốn trở về với tất cả lòng bao dung,
nhân từ của mình: ôm hôn, cho thay quần áo mới, giầy mới, nhẫn trang sức và cho
giết bê béo ăn mừng. Thái độ của người cha đã đánh thức tâm hồn, lay tỉnh lương
tâm người con phung phí đến tận căn. Người con bây giờ đã thấu hiểu tấm lòng
cao vời, độ lượng của người cha như thế nào. Anh cảm nghiệm sâu xa tình thương
diệu vời của cha mình và bỗng chốc, mọi suy nghĩ trong anh đã thay đổi hoàn
toàn, trước mắt anh chỉ còn một ý hướng, một con đường mới: con đường quảng đại
và tình thương cứu rỗi. Anh hiểu thấu cha mình không nhìn mình với ánh mắt hời
hợt, thông cảm cho có nhưng cha anh đã yêu thương với cả tấm lòng, cả con tim
của mình.Cái hóm hỉnh của đoạn Tin Mừng này đổ dồn trên thái độ của người anh
cả, đáng lẽ người anh phải vui mừng vì em anh trở về còn mạnh khỏe, đàng này
anh lại ghen với em, so bì với em và tức bực vì lòng quảng đại của cha. Anh cho
rằng anh chưa bao giờ làm gì xúc phạm tới cha, chưa bao giờ làm gì thiệt hại
gia đình, anh phải được cưng chiều và ưu tiên hơn. Nhưng, Tin Mừng của thánh
Luca cho thấy người cha đã nói với người con cả những điều anh chưa bao giờ
nghe :” Này con, con hằng ở với cha, thì tất ca ûnhững gì của cha là của con.
Nhưng phải ăn khao vì em con đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”.
Cái ngộ nghĩnh vẫn là người cha cần tình thương hơn cần sự giúp đỡ, làm giầu và
vâng lời máy móc của người anh cả.
CHÚA MUỐN CỨU VỚT TẤT CẢ:
Chúa đến trần gian là để mang hạnh phúc cho mọi người. Dân Do Thái cứ
tưởng rằng Chúa là riêng của họ, ơn cứu rỗi chỉ tới với họ. Họ đã lầm lớn và
chỉ sống trong ảo tưởng. Chúa đến để giải thoát, để cứu độ mọi người. Suốt
trong thời gian đi loan báo Tin Mừng, giới thiệu Nước Trời, Chúa Giêsu đã tiếp
xúc với đủ hạng người, Ngài đã đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội
lỗi. Ngài yêu thương kẻ nghèo. Ngài đi với người tội lỗi để đưa họ về với tình
thương. Ngài trọng nhân nghĩa chứ không trọng của lễ. Do đó, cuộc đời của Ngài
là cuộc tìm kiếm con chiên lạc, tìm kiếm đồng bạc đánh mất, Ngài mời gọi những
kẻ đầu đường xó chợ vào dự tiệc cưới, Ngài cứu chữa những người bệnh hoạn tật
nguyền, Ngài xua trừ ma quỉ, Ngài làm việc không ngơi nghỉ. Ngài luôn có mặt
bên con người dù con người dửng dưng với Ngài. Tình thương của Chúa cao vời,
dạt dào. Ngài luôn sống xả thân vì đàn chiên và quảng đại, yêu thương, băng bó
từng con chiên bị thương tích. Chúa đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Chúa không muốn bất cứ một con chiên nào bị loại trừ, bị hư đi.
THÁI ĐỘ CỦA TA:
Trước tấm lòng quảng đại, tình thương vô biên của Chúa, con người hãy
mau mắn trở về với tình thương của Chúa. Cảm nghiệm tình thương của Chúa, con
người hãy mở rộng cửa lòng để đón tiếp, giúp đỡ anh em như thái độ của người
cha đã đứng đón con mình trở về từ đàng xa. Trở về với tình thương không chỉ là
đón nhận anh em một cách máy móc cho qua, cho có lệ, nhưng là giúp đỡ, động
viên, khích lệ anh em, những người xung quanh với tất cả con tim, tình thương
vô vị lợi của mình. Trở về với Chúa trong những ngày chay này là thay đổi cách
nhìn, cách nghĩ của ta để ta luôn có cái nhìn, lối đánh giá và suy nghĩ như
Chúa Giêsu. Trở về là xây dựng tình thương nơi Gia đình, Xã hội và Giáo
hội để mọi người đều nghiệm ra tình
thương xả kỷ, vô vị lợi và hy sinh của Thiên Chúa Cha nhân từ.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Thái dộ của người con thứ
khi bị thất thế ở phương xa ra sao ?
2. Thái độ của người cha, của
người anh cả ?
3. Thái độ của anh, của chị
đối với người con hoang đàng ?