CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY,
C
(Lu-ca 15: 1-3, 11-32)
Một
thay đổi lớn nhất trong não trạng của ta, đó là phải có lòng thương xót như
Thiên Chúa là Cha xót thương. Vì là
điểm lớn cho nên thánh Lu-ca đã cẩn thận giải thích lý do tại sao Chúa Giê-su
kể những dụ ngôn nói về lòng thương xót của Thiên Chúa (Lc 15:1-3). Chỉ một đề tài mà Chúa Giê-su đã sử dụng một
lúc tới ba dụ ngôn, điều ấy chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề. Phụng vụ Lời Chúa chọn dụ ngôn người cha
nhân hậu với những tình tiết sống động hơn.
Dụ ngôn này được sử dụng nhiều trong sinh hoạt phụng vụ. Ta có thể gặp thấy nhiều lần khi cử hành Bí
tích Hòa giải. Câu truyện ở mỗi hoàn
cảnh đều có những gợi ý khác nhau, thật phong phú như không bao giờ cạn
nguồn. Vậy sử dụng câu truyện này trong
Phụng vụ mùa Chay, Giáo Hội có dụng ý nào?
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để ta đồng hành với Chúa Giê-su lên
Giê-ru-sa-lem và học làm môn đệ Người.
Trường học của Chúa không chỉ dạy lý thuyết, nhưng là những điều chính
Thầy dạy đã sống và thực hành làm gương.
Như thế, ta có thể nói, dụ ngôn Người cha nhân hậu không chỉ trình bày
lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng còn mời gọi ta chiêm ngưỡng Chúa Giê-su
là sự biểu lộ sống động lòng thương xót ấy.
a)
Hoàn cảnh trước khi Chúa Giê-su giảng dạy dụ ngôn Người cha nhân hậu
Đó
là cảnh “tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức
Giê-su mà nghe Người” (Lc 15:1). Lu-ca
không ngại dùng từ “tất cả” để diễn tả mức đông người, đồng thời ngài cũng ngầm
hiểu Chúa Giê-su có một sức lôi cuốn những người ấy đến với Người. Tiếp theo là cảnh những kẻ thù của Chúa
Giê-su, phái Pha-ri-sêu và các kinh sư, ghen tức và hẹp hòi lên án Chúa vì
Người đã “phung phí” lòng thương xót đối với những kẻ xã hội không muốn thương
xót. Chúa Giê-su muốn đứng về phía
Thiên Chúa Cha và Người cũng muốn đứng về phía những người tội lỗi đang trên
đường hối cải. Cho nên Người thấy cần
phải nói lên lời nói mạnh mẽ để tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa mà
Người là nhân chứng. Con số ba của
Do-thái thường được dùng diễn tả điều gì ở cực độ, thí dụ Thiên Chúa là cực
thánh (Thánh, Thánh, Thánh). Như thế,
với ba câu truyện, ta có thể hiểu Chúa Giê-su muốn hết lòng đề cao lượng thương
xót vô bờ của Thiên Chúa đối với người tội lỗi và niềm vui vô cùng lớn lao của
Thiên Chúa khi họ trở về.
b) “Ông chạnh lòng thương...”
Nếu
để ý, ta nhận thấy rất nhiều bản dịch Kinh Thánh ngày nay đã thay đổi tiêu đề
của câu truyện Tin Mừng hôm nay. Thay
vì là “Người con hoang đàng” thì người ta đặt tiêu đề là “Người cha nhân hậu”
hoặc tân thời hơn thì là “Người cha phung phí.” Phung phí tình cảm và lòng thương xót đối với thằng con bất
xứng. Câu truyện đặt trọng tâm vào
người cha mới đúng, vì hai dụ ngôn trước đó đề cập tới niềm hân hoan của Thiên
Chúa khi thấy một người tội lỗi ăn năn trở về là để giới thiệu cho câu truyện
thứ ba và cũng là câu truyện chính, tột đỉnh của chủ đề được trình bày.
Điểm
nổi bật trong câu truyện là cách ứng xử của người cha. Phát xuất từ tình yêu hải hà, lòng nhân từ
của người cha đã lèo lái, biện hộ trong từng việc làm, từng lời nói, từng lý
luận của ông. Ta có cảm tưởng sau khi
mở đầu bằng câu: “Ông chạnh lòng
thương...”, Lu-ca cho ta thấy đó chính là lý do và căn bản để người cha có
những cử chỉ không sao kìm hãm nổi, thao thao bất tuyệt hết ra lệnh này tới
lệnh khác. Nào là khi thằng con còn ở
đằng xa, thế mà ông đã nhìn thấy.
Nguyên cái nhìn “phi thường”, cái nhìn của giác quan thứ sáu này cũng đủ
cho ta suy niệm và cầu nguyện về cái nhìn của Thiên Chúa nhân từ rồi. Nào là “chạy ra”, “ôm cổ anh ta”, “hôn lấy
hôn để”, không lưu ý tới lời xin lỗi của anh ta. Nào là ra lệnh mang ra áo, dép, nhẫn cho cậu ấm! Chắc đám đầy tớ cũng phải quýnh quáng vì
lệnh tới dồn dập. Đấy, lòng nhân từ có
sức mạnh vô song như thế đó. Nó coi
thường tuổi già sức yếu (già cả mà vẫn còn nhìn thấy từ xa và còn “chạy”
được!), coi nhẹ sức nặng của lỗi lầm (làm như không nghe thấy những gì thằng
con bất hiếu đang nói). Rồi đâu phải
đùng một cái là có áo đẹp, nhẫn quý, dép êm mà đem ra cho cậu. Khi bỏ nhà ra đi, tên ấy đã ẵm đi hết
rồi! Vậy thì chắc là người cha đã chuẩn
bị trước. Lòng nhân từ mang lại cho ông
niềm tin, thế nào nó cũng trở về.
Cũng
lòng nhân từ ấy đã được biểu lộ qua thái độ của người cha đối với đứa con
cả. Nó giúp ông kiên nhẫn, cảm thông và
khiêm tốn. Có mấy khi cha mà phải “năn
nỉ” con? Vậy mà ông đã làm như
thế. Đứa con cả thấy mình được cha “năn
nỉ” lại càng lên mặt, buông lời hỗn láo, lý luận ra điều đay nghiến. Nó còn ngầm ý khinh thường cha mình khi mỉa
mai với những lời ám chỉ chính đứa em của nó:
“Còn thằng con của cha đó...” Nó
dám cả gan hạ nhục cả tình yêu của cha nó nữa!
Nhưng lòng nhân từ đã cho ông sức mạnh để hứng chịu tất cả những giận dữ
đứa con cả trút lên đầu ông mà ông vẫn bình tĩnh không nổi giận. Cuối cùng, ông không thể lý luận bằng đầu óc
với hắn nổi nên ông đã sử dụng lý luận bằng con tim, một lối lý luận phi lý
luận: “Con à, lúc nào con cũng ở với
cha, tất cả những gì của cha đều là của con.
Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại
sống, đã mất, nay lại tìm thấy” (Lc 15:31-32).
c) “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc
6:36)
Chúa
Giê-su dùng dụ ngôn sống động nói với ta về lòng thương xót của Thiên
Chúa. Còn Giáo Hội, khi đưa câu truyện
Tin Mừng này vào Phụng vụ Lời Chúa mùa Chay thì có ý mời gọi ta trước hết hãy
chiêm ngưỡng Chúa Giê-su là chính lòng thương xót của Thiên Chúa được nhập thể
và là gương mẫu sống động để ta cứ theo đó mà sống như những con cái của Thiên
Chúa. Trong bài giảng khai mạc sứ vụ
tại Ga-li-lê, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh đến lòng thương xót như đường lối chính
để ta được trở nên hoàn thiện (Lc 6:36).
Đó cũng là điểm cốt yếu ta cần phải thay đổi trong não trạng của mình
nếu muốn thực tâm sám hối. Trở nên nhân
từ mỗi ngày một hơn là điều không dễ làm.
Theo kinh nghiệm chung, phản ứng trước những điều xấu và dữ trong xã hội
càng lúc càng làm cho trái tim ta cứng và nhỏ lại hơn, phán đoán khắt khe
hơn. Nhưng Chúa Giê-su quả quyết với ta
một phương thức hữu hiệu để tập sống nhân từ:
đừng lên án, đừng xét đoán, hãy tha thứ, hãy cho, vì “anh em đong bằng
đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:38).
Lòng
thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su đã được biểu lộ hoàn toàn trên thập
giá khi Người xin Cha tha thứ cho những kẻ giết mình. Đó cũng là ý nghĩa công cuộc cứu chuộc của Chúa Giê-su mà Giáo
Hội muốn chúng ta suy niệm và đáp trả ơn Chúa trong mùa Chay thánh và Phục Sinh
này.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Với
đề tài về lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Giê-su, Phụng vụ
Lời Chúa mùa Chay đã đưa tôi đến đâu trên con đường lên Giê-ru-sa-lem và học
làm môn đệ Người? Tôi đã khám được gì
nơi khuôn mặt của Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa?
Xét
lại thái độ nhân từ và lòng thương xót của tôi trong những ứng xử với người
trong gia đình, trong cộng đoàn, trong sở làm... tôi cần phải làm gì để sống theo lời dạy của Chúa Giê-su?
Trong
gia đình, có khi nào tôi “ăn mừng” khi có một người thân hối lỗi, hay vẫn còn
ấm ức, giận dỗi?
Lời nguyện:
“Lạy
Chúa Giê-su,
sám
hối không phải là điều dễ dàng,
bởi
lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để
nhận mình lầm lỗi.
Chúng
con ngỡ ngàng
khi
thấy Chúa là Đấng vô tội
mà
lại đứng chung với các tội nhân,
chờ
Gio-an ban phép rửa.
Chúa
đã muốn nên bạn đồng hành
với
phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin
cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối
nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh
táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành
thật để khỏi tự dối mình.
Ước
gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám
đi đến những hành động cụ thể,
và
chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng
xin đừng quên ban cho chúng con
niềm
vui của Gia-kêu,
hạnh
phúc vì được tự do và được yêu mến.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 89)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
3/10/2004