Chúa
Nhật thứ 5 Mùa Chay
(28-3-2004)
Luật yêu thương
đòi hỏi thông cảm và tha thứ
ĐỌC LỜI CHÚA
· Is 43,16-21:
(19) Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không
nhận thấy hay sao ? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng
sông tại vùng đất khô cằn.
· Pl 3,8-14:
(8) Vì Đức Kitô, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức
Kitô (9) và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải
nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự
công chính do lòng tin vào Đức Kitô.
· TIN
MỪNG: Ga
8,2-11
Người phụ nữ ngoại tình
(2) Vừa tảng
sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy
họ. (3) Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một
phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, (4) rồi nói với
Người: «Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. (5) Trong
sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy,
Thầy nghĩ sao?» (6) Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.
Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. (7) Vì họ cứ hỏi mãi, nên
Người ngẩng lên và bảo họ: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà
ném trước đi». (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. (9) Nghe vậy, họ bỏ
đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một
mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (10) Người ngẩng lên và nói:
«Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?» (11) Người đàn bà đáp: «Thưa
ông, không có ai cả». Đức Giêsu nói: «Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!
Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!»
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Luật Môsê – cũng là luật của Thiên Chúa – buộc phải xử tử những kẻ
ngoại tình bị bắt quả tang. Đức Giêsu có tuân theo luật ấy không? Tại sao?
2. Luật mới của Đức Giêsu – luật yêu thương – đòi hỏi những gì? Nếu
không biết thông cảm và tha thứ, mà chỉ thích phán xử và kết án, ta có phải là
kẻ giữ luật mới của Ngài không?
Suy tư gợi ý:
1. Các kinh sư Do
Thái gài bẫy Đức Giêsu
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo muốn dùng trường hợp
người phụ nữ ngoại tình này để gài bẫy Đức Giêsu hầu tìm ra cớ tố cáo Ngài. Nếu
Ngài tuyên bố không nên ném đá phụ nữ này, thì Ngài đã không tuân luật Môsê.
Môsê viết: «Nếu
một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai
phải bị xử tử» (Đnl 22,22; x. Lv 20,10). Mà Ngài đã không tuân luật
Môsê, thì họ sẽ tố cáo Ngài trước dân chúng, và dân chúng buộc phải tẩy chay
Ngài. Vì giữa luật Môsê và Ngài, thì dân chúng phải tin vào luật Môsê hơn. –
Nếu Ngài tuyên bó6 phải ném đá, thì họ sẽ tố cáo Ngài với chính quyền Rôma, và
Ngài sẽ bị chính quyền Rôma xét xử, vì Ngài đã vi phạm luật Rôma. Theo luật
Rôma, người dân thuộc địa không có quyền lên án giết ai cả (x. Ga 18,31). Nhưng
cách giải quyết của Ngài chẳng những giúp Ngài thoát cái bẫy này một cách tài
tình, mà còn làm ê mặt các nhà lãnh đạo tôn giáo, đồng thời còn cho họ và cho
chúng ta một bài học để đời.
2. Tại sao Đức Giêsu
không tuân theo luật Môsê?
Luật Môsê là luật của Thiên Chúa (x. 2Mcb 7,11; Tv
1,2; Lc 2,23-24). Thời Cựu ước, dân Do Thái ai nấy đều tin rằng đã là luật của
Thiên Chúa thì sẽ là luật muôn đời không bao giờ thay đổi. Trong Kinh Thánh, có
rất nhiều câu xác định luật này là luật vĩnh viễn cho con người (x. Xh
12,17.24; 27,21; 30,21; Lv 6,11.15; 7,34; Br 4,1; v.v…), là luật chung cho cả
địa cầu (x. 1Sb 16,14; 2Sm 7,19; Tv 105,7). Và con người phải tuân giữ luật, vì
có như thế mới là tôn kính và yêu mến Thiên Chúa (Đnl 17,19; Gs 22,5; Hc 2,16;
15,1). Ai tuân giữ luật thì được hạnh phúc, được sống đời đời (Tv 119,1.165; Cn
29,18; Kn 6,18). Ai không giữ luật thì chính mình và cả con cháu ba bốn đời sẽ
Thiên Chúa bị nguyền rủa, trừng phạt (x. 1Sb 15,13; Xh 34,7; Er 7,26; Gr
19,15).
Vậy, luật Môsê buộc phải xử tử hình những kẻ phạm
tội ngoại tình, tại sao Đức Giêsu không tuân theo luật ấy mà lại tìm cách tha
cho người phụ nữ này? Đức Giêsu không giữ luật? Có phải vì Ngài không muốn vi
phạm luật Rôma nên đành vi phạm luật Môsê? Hay Ngài chỉ muốn tìm cách nào thoát
khỏi cái bẫy này? Hay Ngài là một nhà làm luật mới?
3. Đức Giêsu đến lập
luật mới là luật yêu thương và tha thứ
Nhiều người tưởng rằng hễ đã là luật của Thiên Chúa
thì sẽ là thứ luật muôn đời không thay đổi theo không gian và thời gian, nghĩa
là luật của Ngài phải được áp dụng cho mọi dân tộc trong mọi thời đại. Nhưng
không phải như vậy! Thiên Chúa lập luật cho con người chứ không phải cho Ngài.
Luật đó vì con người, nên phải phù hợp với con người. Mà con người thì luôn
luôn thay đổi: trình độ tâm linh và sự hiểu biết của con người luôn luôn tiến
triển. Nên để phù hợp với con người, luật Chúa cũng phải thay đổi. Thật vậy,
lịch sử cứu độ cho thấy luật cũ của Môsê đã được thay thế bằng luật mới của Đức
Giêsu: «Ngày
nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê»
(Rm 3,21; x. Ep 2,15; Dt 7,18). Các tông đồ đã chính thức tuyên bố bãi bỏ luật
Môsê (x. Cv 15,28-29).
Con người thời Cựu ước giống như nhân loại còn là
trẻ con. Khi ta còn là trẻ con, cha mẹ ta ra luật cho ta, và bắt ta giữ. Nếu ta
không giữ thì bị đòn, nếu ta giữ thì được khen thưởng. Động cơ giữ luật của ta
là sợ phạt và ham thưởng. Nhưng khi lớn lên, ta không còn giữ những luật đơn sơ
ngày xưa nữa, không giữ luật một cách nô lệ nữa. Động cơ khiến ta giữ luật
không còn là sợ hãi hay ham thưởng nữa, mà là tình yêu (đối với Thiên Chúa, với
chân,
thiện, mỹ, với cha mẹ, với mọi người). Khi trưởng thành, ta biết
điều nào là đúng, là hợp lý, là phù hợp với tình yêu, và ta biết ta phải hành
động thế nào.
Thời Đức Giêsu, nhân loại đã trưởng thành về tâm
linh hơn thời Môsê, nên Ngài đã khai mạc một kỷ nguyên mới, với luật mới của
Ngài. Luật của Ngài chỉ có một khoản duy nhất: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là
anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga
13,34). Vì thế, Ngài cũng như chúng ta, những kẻ theo Ngài, không còn hành xử
theo luật Môsê nữa, mà hành xử theo sự thúc đẩy của tình yêu.
4. Luật yêu thương
đòi hỏi sự thông cảm và tha thứ
Tình yêu đòi hỏi phải thông cảm và tha thứ… Thông
cảm vì bản thân ta cũng như mọi người khác đều rất yếu đuối và bị lệ thuộc rất
nhiều vào hoàn cảnh. Kết cuộc, con người «ai cũng phạm tội» (Rm 5,12): «Không ai là
người công chính, dẫu một người cũng không» (Rm 3,10; x. 1Ga 1,10).
Nếu mình cũng phạm tội, mà mình lại kết án người khác, thì quả thật có chút gì
«vô liêm
sỉ» ở trong đó.
Đức Giêsu tuy không hề phạm tội (x. 1Pr 2,22),
nhưng Ngài lại không lên án ai. Ngài đã từng chịu ma quỉ cám dỗ, nên Ngài rất
am hiểu sự yếu đuối của con người. Vì thế, đứng trước người phụ nữ này, Ngài
hiểu hết những tình huống đã dẫn chị ta đến với cơn cám dỗ, và từ cơn cám dỗ
đến những hành vi tội lỗi. Ngài hoàn toàn thông cảm với chị. Ngài ghê tởm những
kẻ tuy cũng cảm thấy mình yếu đuối như chị, cũng đã từng sa ngã khi gặp cám dỗ
như chị, nhưng lại vẫn muốn kết án chị. Dường như kết án chị, họ mới thỏa mãn
niềm kiêu hãnh phát xuất từ một ảo tưởng rằng họ vô tội. Họ thích sống trong ảo
tưởng đó, và muốn củng cố ảo tưởng đó bằng cách kết án người khác. Họ nghĩ càng
kết án thì càng chứng tỏ mình trong sạch, vô tội.
Đức Giêsu thấy ác tâm của họ, Ngài kêu gọi lương
tâm họ, đánh thức tính liêm sỉ trong lòng họ. Ngài bảo họ: «Ai trong các
ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi». Ngài biết đã là
con người yếu đuối, nếu không có ơn siêu nhiên giúp, họ không thể nào tránh
được tội lỗi. Lời nói của Ngài buộc họ phải tự xét lại chính mình. Và một khi
đã tự xét mình một cách thành thật, chắc chắn ai cũng thấy ít nhiều tội lỗi của
mình. Ngài đã cho họ một kinh nghiệm tâm linh: hãy thông cảm với tội lỗi của kẻ
khác, vì chính bản thân mình cũng có tội.
Một khi đã thông cảm với tội lỗi người khác, thì
chỉ còn biết tha thứ, bỏ qua, rồi lại tiếp tục yêu thương, tôn trọng họ.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, con cảm thấy mình rất yếu
đuối. Nhiều khi con đã phạm tội, và con đã từng phải xấu hổ vì tội của con.
Nhưng lạ thay, khi thấy tha nhân chung quanh con phạm tội, nhiều khi con lại
mạnh mẽ lên tiếng kết án họ. Khi con phạm tội, con muốn Cha và tha nhân thông cảm
và tha thứ cho con. Nhưng khi người khác phạm tội, con lại không muốn thông cảm
và tha thứ cho họ. Tại sao con lại mâu thuẫn như vậy? Con là như vậy sao? Trái
tim con quả là bằng đá. Xin Cha hãy sửa dạy con. Cho con một trái tim bằng thịt
thật sự, biết yêu thương, thông cảm với những yếu đuối của mọi người, và sẵn
sàng tha thứ tất cả.
Joan Nguyễn Chính Kết