CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

(Gio-an 8: 1-11)

       

        Trong khuôn viên nhà thờ bằng kiếng tại Garden Grove, bang California, có đặt ngoài trời một tác phẩm điêu khắc bằng đồng rất đẹp và khổ người lớn hơn cả người thường, diễn tả cảnh tượng bài Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giê-su trong tư thế một chân quỳ xuống đất, đưa tay viết trên mặt đất.  Trước mặt Người là nhóm Pha-ri-sêu, ông nào cũng lộ vẻ khát máu trên nét mặt, có người tay còn nắm viên đá lớn, hằm hằm nhìn Chúa, người khác thì vội quay người bỏ đi.  Còn Chúa Giê-su, với nét mặt thản nhiên biểu lộ tất cả lòng nhân từ, hiện diện như “đá tảng” hoặc “thành lũy vững bền” che chở cho người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình.  Người phụ nữ đứng sau lưng Chúa, hướng nhìn về chân trời mới, hai tay đưa cao như người vừa được giải phóng.  Tác phẩm đã lôi cuốn tất cả sự chú ý của khách thập phương vào Chúa Giê-su để nhận thấy nơi Người tỏa ra lòng nhân từ và chở che của Thiên Chúa. 

Nhận xét về kết thúc câu truyện Tin Mừng hôm nay, thánh Augustinô ghi chú:  “Chỉ còn lại hai:  con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót.”  Chủ đề lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giê-su lại được tiếp tục qua bài Tin Mừng Gio-an về câu truyện Chúa cứu người phụ nữ ngoại tình.

 

a)  Lề Luật và con người yếu hèn

 

        Người đàn bà phạm tội ngoại tình trong cuộc xử án hôm nay không có tên tuổi.  Chị đã phạm một tội mà Lề Luật không thể tha thứ.  Chị là con người yếu hèn đang phải đối phó với Lề Luật dũng mãnh.  Trước hết vì thánh sử tế nhị và tôn trọng người ấy nên không cho biết xuất xứ của chị ấy.  Kế đến, vô danh cũng là cách để cho người đọc dễ đặt mình vào trường hợp người ấy, đóng vai người ấy trong cuộc suy niệm.

        Yếu hèn là bản chất của con người.  Muốn giúp con người sống trong sự yếu hèn mà vẫn có thể đi theo đường lối của Thiên Chúa và tiến dần đến với Người, nên Thiên Chúa đã ban Lề Luật cho con người.  Do đó, mục đích của Lề Luật là hướng dẫn con người bước đi trong tự do như những người con cái Chúa, chứ không phải đi trong xiềng xích của dục vọng tội lỗi.  Lề Luật không trói buộc, nhưng đồng hành với con người và nhắc nhở con người.  Lề Luật được đặt ra để phục vụ con người, chứ không phải con người được dựng nên để làm nô lệ cho Lề Luật (x. Mc 2:27-28).  Khi thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su đã giảng dạy và hành động để đặt Lề Luật trở lại đúng vị trí của nó.  Cụ thể là Người đã chữa bệnh vào ngày sa-bát, dạy người ta tẩy rửa tâm hồn quan trọng hơn là rửa tay rửa chén trước khi dùng bữa...  Chúa Giê-su đã đặt lại vấn đề yếu hèn của con người, cả thể xác lẫn tinh thần, trước quyền lực mà nhóm Pha-ri-sêu đã khoác cho Lề Luật.  Lề Luật phải giúp người ta thắng vượt sự yếu hèn, chứ không thể dựa vào sự yếu hèn của con người mà đàn áp con người.

Nhóm kinh sư và Pha-ri-sêu đã tôn vinh Lề Luật như “Thiên Chúa” của họ.  Tinh thần nô lệ cho Lề Luật nơi họ đã được biểu lộ rõ rệt trong đoạn Tin Mừng trước đoạn kể lại câu truyện hôm nay.  Họ đã chất gánh nặng Lề Luật trên vai người khác (Mt 23:4).  Họ đã nhân danh Lề Luật lên án mọi người.  Trước hết họ lên án đám dân chúng tin vào Chúa Giê-su.  Họ bảo:  “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” (Ga 7:49).  Tiếp đến là lên án đám vệ binh của Đền Thờ được sai đi bắt Chúa nhưng lại trở về tay không.  Họ mắng:  “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?” (Ga 7:47).  Sau đó đến lượt ông Ni-cô-đê-mô, một người Pha-ri-sêu trong nhóm họ, cũng bị họ lên án khi đứng lên nhắc nhở họ về ý nghĩa đích thực của Lề Luật:  “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao?  Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy:  không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả” (Ga 7:52).  Lề Luật đã trở thành khí giới họ sử dụng để bảo vệ cho chỗ đứng của họ và chống lại Chúa Giê-su, Đấng đã từ trời đến mặc lấy sự yếu hèn của con người để dìu con người về với Cha trên trời.

Trở lại câu truyện xử án người phụ nữ ngoại tình, ta hãy xem Chúa Giê-su, lòng nhân hậu của Thiên Chúa được nhập thể, sẽ ứng xử với sự yếu hèn của con người khác với cách thức của nhóm Pha-ri-sêu như thế nào.

 

b)  Đấng đầy lòng thương xót trước con người yếu hèn 

 

Trước tiên ta thử nhìn cách những người nắm giữ Lề Luật đối xử với người phụ nữ phạm tội.  Ta có cảm tưởng họ dùng chị ta như con cờ để hạ đối thủ là Chúa Giê-su.  Họ không đối xử với chị như đối xử với một con người.  Mới “vừa tảng sáng” mà họ đã lôi chị đến khu vực Đền Thờ, trước bao nhiêu con mắt của khách hành hương.  Họ đã đặt nặng vấn đề luật lệ, nhưng lại coi thường luật lệ, đúng như lời nhận xét khách quan của Ni-cô-đê-mô:  “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7:51).  Ta cứ nghe những lời họ nghênh ngang nói với Chúa Giê-su là thấy ngay lòng dạ họ:  “Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.”  Đã căn cứ vào Lề Luật, họ còn lôi thêm cả ông Mô-sê ra nữa để làm bung xung.  Tội nghiệp Lề Luật, tội nghiệp cả ông Mô-sê!  Rồi họ hạ một đòn chí tử:  “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”  Rõ ràng họ muốn lập thành một phe quyết chiến với Chúa Giê-su.  Họ muốn lấy Lề Luật cứng ngắc để chống lại với Lề Luật yêu thương.  Họ muốn ăn thua đủ với Đấng “đến để kiện toàn” Lề Luật (Mt 5:17), Đấng đã giảng dạy Luật yêu thương và sống yêu thương đến nỗi chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

Đáp lại, Chúa Giê-su làm một cử chỉ khó giải thích:  cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.  Đương đầu với nhóm người hung hăng như thế mà Chúa Giê-su chỉ làm một cử chỉ đơn sơ như vậy sao?  Tại sao Người viết và Người viết những gì?  Khó mà giải thích được.  Hầu hết các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng viết trên đất là thái độ của người không muốn chú ý đến những người chung quanh, là cử chỉ của người từ chối không muốn nói chuyện với những người khác.  Đúng vậy, làm sao chú ý, làm sao nói chuyện được với những người không muốn chấp nhận giới luật yêu thương.  Có thể thánh sử không nhắc tới, nhưng ta hiểu rằng cùng với cử chỉ không muốn chú ý tới những ông “quan tòa” đang hiện diện trước mặt Người, Chúa Giê-su muốn họ chú ý tới điều quan trọng hơn cả việc lên án, đó là hãy lấy lòng nhân từ của Thiên Chúa mà cư xử với tha nhân.  Cuối cùng, đáp lại sự hối thúc của họ, Chúa Giê-su cũng hạ một đòn chí tử của yêu thương:  “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”  Thế là tình yêu và lòng thương xót đã chiến thắng và hóa giải sức mạnh của Lề Luật.  Họ kéo nhau bỏ đi hết, “chỉ còn lại hai:  con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót.”

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Tôi có tinh thần làm nô lệ cho luật lệ trong những việc nào?  Dự lễ Chúa Nhật vì sợ tội chứ không phải để gặp gỡ Chúa?

        Tôi hay kết án anh chị em một cách vội vàng?  Làm sao sửa đổi tập quán xấu này?

        Tôi khám phá ra lòng thương xót của Chúa Giê-su qua những điều nào đọc thấy trong sách Tin Mừng?  Hoặc qua chính những kinh nghiệm cá nhân nào của tôi?

        Chúa Giê-su là Thiên Chúa đầy lòng thương xót, có phải là hình ảnh Giáo Hội muốn tôi chiêm ngưỡng và gặp gỡ trong mùa Chay và Phục Sinh không?  Tôi sẽ học với Người như thế nào để biết cảm thông và chấp nhận sự yếu hèn của mình và của anh chị em?

        “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”  Tôi cảm thấy thế nào khi Chúa nói những lời ấy với tôi?

 

Lời nguyện:

 

        “Lạy Chúa Giê-su,

        ai trong chúng con cũng thích tự do,

        nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

        Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

        Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

        tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

        tự do trước đam mê của trái tim,

        tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

        Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

        để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

        dễ nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

       

        Lạy Chúa Giê-su,

        xin cho chúng con được tự do như Chúa.

        Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

        khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

        và chữa bệnh ngày sa-bát.

        Chúa tự do trước những thế lực ngăm đe,

        khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

        Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

        vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

        Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

        để chúng con được tự do bay cao.”

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 96)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà