CHÚA NHẬT PHỤC SINH, năm C

(Lu-ca 24: 13-35)

 

        Tuy bài Tin Mừng thường nghe hôm nay là của thánh sử Gio-an kể lại sự kiện ngôi mộ trống, nhưng đi theo Phụng vụ Lời Chúa năm C, Chúa Nhật Phục Sinh cũng sử dụng Tin Mừng Lu-ca để giúp ta suy niệm về ý nghĩa sự sống lại của Chúa trong hành trình đức tin người Ki-tô hữu.  Câu truyện Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau được thánh Lu-ca thuật lại như một Thánh lễ đầu tiên sống động từ sau khi Chúa Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể.  Ta coi biến cố ấy là một Thánh lễ, vì nó bao gồm hai yếu tố chính, đó là Lời Chúa và Thánh Thể.  Thánh lễ Phục Sinh nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa Giê-su giữa cộng đồng tín hữu, dẫn dắt họ đến với đức tin trọn vẹn.  Hai môn đệ đã được nghe Lời Chúa trên đường đi và tham dự vào việc Người bẻ bánh.  Lời Chúa soi sáng ý nghĩa Phục Sinh và Thánh Thể dưỡng nuôi linh hồn sẽ giúp cho hành trình đức tin của ta được hoàn tất như thế nào?

 

a)  “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét”

 

        Sau khi Chúa Giê-su tắt thở trên thập giá, “chuyện ông Giê-su Na-da-rét” lập tức trở thành đề tài thời sự cho người dân Giê-ru-sa-lem.  Người ta càng thắc mắc bàn tán về con người và sứ mệnh của Chúa hơn nữa.  Làm sao người ta hiểu được, vì đâu phải chuyện dân gian, mà là chuyện của “thiên ý nhiệm mầu” (Ep 1:9) hoặc chuyện của “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3:16)!  Hai môn đệ trên đường Em-mau cũng ở trong tình trạng tương tự.  Các ông muốn hiểu “chuyện ông Giê-su Na-da-rét” như mọi người đương thời, nghĩa là chuyện của một vị anh hùng sẽ giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nô lệ cho đế quốc Rô-ma giờ đây sa cơ thất thế.  Trước tình trạng ấy, Chúa Giê-su đã phải thốt lên:  “Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ!”  Rồi Chúa Giê-su giúp hai ông cử hành Phụng vụ Lời Chúa để hiểu Mầu nhiệm Đức Ki-tô là gì.

        Thánh Lu-ca viết về phần Phụng vụ Lời Chúa của Thánh lễ Phục Sinh như sau:  “Bấy giờ Chúa Giê-su nói với hai ông:  ‘... Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?’  Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho các ông hiểu “chuyện ông Giê-su Na-da-rét” như thế nào, hoặc nói đúng hơn, hiểu và sống “Mầu nhiệm Đức Ki-tô.”

        Không phải lần đầu tiên Chúa Giê-su nói về Mầu nhiệm của Người.  Qua các bài giảng, những phép lạ, người ta đã có thể nhận ra những hình ảnh về Người rồi.  Trước khi ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, các bạn ông đã cho Chúa biết dân chúng nói Người là ai.  “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” (Mt 16:14).  Nhưng sau khi Phê-rô tuyên xưng, Người vẫn “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.”  Tại sao thế?  Vì các ông vẫn chưa hiểu hoặc không muốn chấp nhận một Đấng Ki-tô như Chúa muốn các ông biết và theo.  Đấng Ki-tô ấy đã được Chúa Giê-su mô tả khi Người cho các ông hay:  “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21).

        Mầu nhiệm có những điều không thể hiểu, hoặc vì nó đi ngược với lô-gích của con người, hoặc vì ta chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của cả một cơ cấu chứ không thấy được toàn diện trong cùng một lúc.  Mầu nhiệm Ki-tô có cả hai điểm trên.  Ngược với lô-gích, vì tại sao Đấng Ki-tô không sử dụng quyền năng của Thiên Chúa mà lại phải dùng đến đau khổ và cái chết để cứu chuộc nhân loại.  Chỉ thấy được một phần nhỏ, vì ta không biết nhìn trước nhìn sau, chỉ thấy đau khổ mà không thấy niềm vui, thấy thánh giá mà không thấy vinh quang, dừng lại ở cái chết để mà trách móc mà không biết hướng về sự sống lại sẽ tới sau.  Mầu nhiệm Đức Ki-tô là kết tụ của những cách thức Thiên Chúa yêu thương nhân loại quá đỗi đến nỗi ban Con Một của Người.  Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa muốn “cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14). Qua sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su, Thiên Chúa “phán dạy chúng ta” (Dt 1:2).  Qua cuộc Thương Khó, Thiên Chúa “yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20).  Cuối cùng, qua sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô, Thiên Chúa cho ta được “biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh... với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10,11).  Chúa Giê-su đã sử dụng Kinh Thánh để ghép lại tất cả những nét riêng rẽ làm thành một hình ảnh đích thực và trọn vẹn về Người, mà Phục Sinh là nét cuối cùng và quan trọng nhất để kết hợp tất cả những nét khác cho ta thấy được Đấng Ki-tô Phục Sinh là ai.

 

b)  “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”

 

        Hai môn đệ Em-mau đã được gặp gỡ Chúa Giê-su qua Kinh Thánh.  Nhưng gặp gỡ không phải chỉ ở mức độ tri thức, mà phải đi tới tình cảm, phải là gặp gỡ của những trái tim.  Thì đây là cơ hội để các ông được kết hiệp với Chúa Phục Sinh:  qua Phụng vụ Thánh Thể.  Vẫn cùng những cử chỉ “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban”, Chúa Giê-su đã mở con mắt đức tin cho họ.  Nhưng thánh Lu-ca lại cho chúng ta một chi tiết mang ý nghĩa thật sâu xa, đó là “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.”  Có phải Chúa Giê-su chơi trò cút bắt với họ không?  Không đâu.  Thân xác phục sinh của Chúa biến đi, nhưng thân xác bí tích của Chúa vẫn ở lại với họ để họ rước lấy và được kết hiệp với Người.  Thân xác phục sinh phải biến đi để thân xác bí tích trở nên lương thực thiêng liêng dưỡng nuôi họ trong hành trình đức tin.

 

c)  Thánh lễ hôm nay

 

        Thánh lễ Phục Sinh đầu tiên là như vậy.  Thánh lễ ấy đã cho hai môn đệ Em-mau cơ hội hiểu biết Mầu nhiệm Đức Ki-tô và kết hiệp với Người, nhờ đó các ông có đủ sức đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem để loan báo Tin Mừng.  “Hai ông thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường và họ đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24:35).  Đáp lại, các Tông đồ và những môn đệ khác cũng cho họ biết Tin Mừng “Chúa sống lại thật rồi!”  Ta có thể tưởng tượng Thánh lễ Phục Sinh cũng đã được cử hành tại nơi các Tông đồ và môn đệ đã tụ họp.  Để mọi người được biết cùng yêu mến Mầu nhiệm Ki-tô và nhất là được kết hiệp với Chúa Ki-tô.

        Thánh lễ ngày nay cũng không đi ra ngoài mục đích ấy.  Phụng vụ Lời Chúa là để giúp ta mỗi ngày, mỗi Chúa Nhật, mỗi mùa được biết Chúa Ki-tô là ai, được lắng nghe những lời Người dạy dỗ mà hoán cải con người ta.  Phụng vụ Thánh Thể mời gọi ta đến lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa để ta được “ở lại” trong Chúa và Chúa “ở lại” trong ta.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Hai môn đệ Em-mau đã nhờ những giải thích của Chúa Giê-su về Kinh Thánh mà tìm lại được niềm tin đã mất.  Còn tôi, Kinh Thánh đóng vai trò nào trong đời sống đức tin của mình?  Đọc và cầu nguyện bằng Kinh Thánh có phải là phương thức nuôi dưỡng đức tin của tôi không?  Tôi phải bắt đầu học hỏi Lời Chúa và tập cầu nguyện bằng Kinh Thánh như thế nào?

        Có lẽ tôi không chú ý đủ trong phần Phụng vụ Lời Chúa, nên rước Chúa cũng chẳng thấy sốt sắng.  Vậy tôi đã thực sự “biết” Đức Ki-tô chưa?  Đã “yêu mến” Người chưa?  Đã mong mỏi được “kết hiệp” với Người chưa?

        Tôi có ý định học hỏi về Thánh lễ để tham dự một cách hữu hiệu không?  Sẽ học hỏi như thế nào?

 

Cầu nguyện:

 

        Lạy Chúa, Chúa là thức ăn, thức uống của con.

        Càng ăn, con càng đói;  càng uống, con càng khát;

        càng sở hữu, con lại cang ước ao.

        Chúa ngọt ngào trong cổ họng con hơn cả tảng mật ong,

        vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

        Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,

        vì con không sao múc cạn được Chúa.

        Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?

        Con chẳng rõ;  vì ở thẳm sâu lòng con, con cảm thấy cả hai.

        Chúa đòi con nên một với Ngài,

        đòi hỏi đó làm con đau đớn,

        vì con không muốn từ bỏ những thói quen của con

        để ngủ yên trong tay Chúa.

        Con chỉ biết tạ ơn Chúa, ca ngợi và tôn vinh Chúa,

        bởi đó là sự sống đời đời cho con.

                                        - Ruy Broeck

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 104)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà