CHÚA NHẬT II PHỤC
SINH C : ÔNG TÔMA
Lm
Phêrô Trần Đình, Dalạt
Dẫn nhập
Bài Tin Mừng hôm nay nói nhiều điều, nhưng chúng ta muốn tập trung suy
nghĩ về ông Tôma và rút ra những bài học cho chính mình.
Cứng lòng
Nói đến Tôma, thường người ta nghĩ đến việc ông hoài nghi hay cứng
lòng. Và thực ra chính Chúa Giêsu đã trách ông như vậy : “chớ cứng lòng, nhưng
hãy tin”.
Kể cũng tội nghiệp cho Tôma ! Cả đời hỏi rằng đã có ai thấy kẻ chết
sống lại đâu mà bảo ông tin Chúa phục sinh được ?. Cho đến bấy giờ, người Do
thái chưa có niềm tin vào sự sống lại của con người. Nếu Tôma không tin thì âu
cũng là chuyện bình thường. Và nếu ông đòi cho được một bằng chứng cụ thể để có
thể tin thì cũng là chuyện bình thường
nốt, bởi vì khi Chúa hiện ra với những tông đồ kia thì lập tức Người cũng cho
họ xem “tay và cạnh sườn” của Người bị thương tích.
Lại nữa, người ta thường chú ý phần đầu mà không để ý phần sau : Tôma
đã tuyên xưng Đức Giêsu là “Chúa và là Thiên Chúa”.
Từ câu chuyện về Tôma, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học.
1. Đức tin, niềm tin của con người vào Chúa thường gắn
liền với cụ thể, nghĩa là những gì mắt thấy, tai nghe.
Một câu nói của Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 thường được trích dẫn : “Con
người ngày hôm nay thích những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc là những
thầy dạy cũng phải là những chứng nhân”.
Cũng vị Giáo Hoàng này trong Tông huấn loan báo Tin Mừng nói rằng con
người thời đại này xem ra đã “miễn nhiễm” với ngôn từ. Những lời nói không đi
đôi với việc làm, với hành động thì người ta không sẵn sàng nghe và đương nhiên
là không tin.
Con người ngày hôm nay dễ tin hơn vào những người như Mẹ Têrêxa
Calcutta : một người nói bằng hành động, bằng bàn tay, bằng những nghĩa cử bác
ái yêu thương. Nếu Chúa cho xuất hiện một con người như vậy âu cũng là để cảnh
tỉnh, để nói với chúng ta hôm nay phải sống đạo như thế nào và phải rao truyền
về Chúa cách nào.
Cám ơn ông Tôma vì qua sự “cứng tin” của ông mà ta học được cách rao
truyền về Chúa.
Chúng ta mừng lễ phục sinh trong năm thánh truyền giáo thì chúng ta
cũng nên ý thức như vậy để sống đạo một cách tích cực hơn.
2. Chúa trách cứ ông Tôma vì “cứng tin” là để nói với chúng ta một điều
khác nữa, đó là : niềm tin phải gắn liền với lời chứng của các tông đồ, bởi đức
tin của chúng ta là đức tin “tông truyền” : “phúc cho những người không thấy mà
lòng vẫn tin !”.
Dĩ nhiên lời chứng đó phải đáng tin cậy. Và quả thật lời chứng của các
tông đồ đáng tin cậy vì họ đã được “thấy” Đức Giêsu phục sinh.
Việc rao truyền về Chúa hôm nay, vì vậy, phải được phát xuất từ những
con người không phải như những cái máy thu thanh rồi phát ra, nhưng phải từ
những con người có cảm nghiệm thật sự sâu xa về Chúa.
Chính vì vậy, ta hiểu được tại sao Đức Giáo Hoàng đương kim thường nhấn
mạnh rằng : “Tương lai của việc truyền giáo tuỳ thuộc vào việc chiêm niệm”. Nếu
không có sự xác tín tuyệt đối về Chúa ta không thể nào rao truyền về Chúa khả
dĩ làm cho kẻ khác tin.
3. Chúa trách cứ ông Tôma ngoài ra còn để dạy chúng
ta một bài khác nữa, đó là phải gắn liền đức tin vào chính lời của Người. Chúa
Giêsu đã nói rằng Người sẽ phục sinh sau ba ngày, nhưng các môn đệ của Người để
ngoài tai. Trên đường Emmau, Chúa đã dùng lời kinh thánh để giải thích cho hai
ông nhớ lại lời kinh thánh rằng Đức Giêsu phải chịu đau khổ trước khi bước vào
vinh quang. Đức tin của ta ngày hôm nay không thể đòi hỏi phải được thấy Chúa
nhưng phải gắn chặt vào lời của Người.
4. Bài học cuối cùng ta có thể rút ra : đức tin phải
dẫn đến việc tuyên xưng. Ông Tôma cho dù có lúc nghi ngờ, nhưng cuối cùng đã để
lại cho hậu thế một lời tuyên xưng cô đọng về Đức Giêsu là “Chúa và là Thiên
Chúa”, Xem ra đây là chủ đích của bài Tin Mừng, bởi vì Tin Mừng không muốn nhấn
mạnh đến sự hoài nghi cho bằng là lời tuyên xưng của ông. Theo truyền thống,
lời tuyên xưng của Tôma cuối cùng là sự chết.
Kết luận
Cám ơn ông Tôma, vì nhờ ông mà chúng ta được soi sáng để hiểu được
những gì Chúa muốn dạy ta hôm nay trong vấn đề đức tin.