Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh
(18-4-2004)
«Con người
mới» sống bằng đức tin
ĐỌC LỜI CHÚA
· Cv 5,12-16:
(12) Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các
Tông Đồ. (14) Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả
đàn ông đàn bà rất đông.
· Kh
1,9-11a.12-13.17-19: (17) «Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối.(18) Ta là Đấng
Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời.
· TIN
MỪNG: Ga
20,19-31
Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ
(Mt 28,16-20; Mc 16,14-18; Lc
24,36-49)
(19) Vào chiều
ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì
các ông sợ người Dothái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: «Bình an cho anh em!» (20) Nói xong,
Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại
nói với các ông: «Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì
Thầy cũng sai anh em». (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông
và bảo: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha
tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ».
(24) Một người
trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi
Đức Giêsu đến. (25) Các môn đệ
khác nói với ông: «Chúng tôi đã được thấy Chúa!» Ông Tôma
đáp: «Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào
lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin». (26) Tám ngày
sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các
ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: «Bình an cho
anh em». (27) Rồi Người bảo ông Tôma: «Đặt ngón tay
vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng
cứng lòng nữa, nhưng hãy tin». (28) Ông Tôma thưa Người: «Lạy Chúa của
con, lạy Thiên Chúa của con!» (29) Đức Giêsu bảo: «Vì đã thấy
Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!»
(30) Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa
trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.
(31) Còn những điều đã được chép ở đây là để
anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà
được sự sống nhờ danh Người.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Thần Khí và đức tin đóng vai trò quan trọng thế nào trong đời sống
mới của «con
người mới» mà chúng ta phải trở thành?
2. Việc Tôma đòi hỏi phải thấy mới tin là một đòi hỏi hợp lý hay quá
đáng? Kinh nghiệm về Thiên Chúa có quan trọng trong việc hình thành đức tin
không?
3. Đức tin mạnh mẽ được hình thành như thế nào? Qua những giai đoạn nào?
Ta phải làm gì để có được một đức tin mạnh mẽ?
Suy tư gợi ý:
1. «Con người mới» sống bằng đức tin
Đức Giêsu đã chết và phục sinh là một biểu tượng
điển hình cho việc biến đổi từ «con người cũ» sang «con người mới». Nơi chúng
ta, «con
người cũ» là con người quan niệm, suy tư và hành động theo kiểu trần
gian, theo sự khôn ngoan trần gian, lấy những thực tại trần gian (danh, lợi,
thú, địa vị, quyền lực, của cải…) làm mục đích. Với chiều hướng đó, «con người cũ»
là con người yếu đuối, chỉ có được thứ hạnh phúc chóng qua, và thường phải sống
trong đau khổ. Còn «con người mới» là con người quan niệm, suy
tư và hành động theo Thần Khí, theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, theo sự hướng
dẫn của đức tin, lấy tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân làm động lực, lấy
lợi ích của Thiên Chúa và tha nhân làm mục đích. Vì thế, «con người mới» là con người
mạnh mẽ, luôn hưởng được một niềm hạnh phúc thường hằng xuất phát từ đáy tâm
hồn. Tất cả những quan niệm, suy tư, hành động và tình trạng hạnh phúc của «con người
mới» ấy đến từ đức tin. Vì thế, đức tin mạnh mẽ và thực tiễn là một
yếu tố quan trọng cấu thành «con người mới» ấy. Vấn đề là: làm sao có
được đức tin mạnh mẽ?
2. Con người mới
sống bằng Thần Khí
Trong công cuộc cứu chuộc và thánh hóa nhân loại,
Thánh Thần là người đạo diễn tất cả mọi chuyện. Vì thế, muốn hoàn thành vai trò
và sứ mạng của mình, Đức Giêsu, các tông đồ và những ai theo Ngài đều phải được
Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn, vì thế, phải «tràn đầy Thánh Thần». Trong
giai đoạn tới, các tông đồ tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu: «Như Chúa Cha
đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em», nên các ông cũng cần phải
tràn đầy Thánh Thần. Do đó, Đức Giêsu nói với các ông: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần».
Thánh Thần cũng chính là yếu tố quan trọng làm nên «con người mới»: «Anh em phải
để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới (…) để thật
sự sống công chính và thánh thiện» (Ep 4,23-24). Nhưng muốn nhận
được Thánh Thần hay Thần Khí của Thiên Chúa, điều quan trọng là phải có đức
tin: «Nhờ
đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí»
(Gl 3,14).
3. Để có một đức tin
mạnh mẽ
Là người Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng đều có
đức tin. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa trở thành «con người
mới». Vì tuy có đức tin, nhưng đức tin của ta nhiều khi chỉ là sự
chấp nhận xuông và tuyên xưng ngoài miệng một số tín điều nào đó. Đức tin kiểu
này không ảnh hưởng bao nhiêu đến cuộc sống của ta: kẻ tin theo kiểu này dường
như chẳng thấy nội tâm mình có gì thay đổi so với kẻ không tin. Đức tin đích
thực không phải là sự chấp nhận xuông của lý trí đối với một số tín điều nào
đó, mà là một kinh nghiệm sống, hay nói đúng hơn là một sự dấn thân dựa trên
kinh nghiệm thật sự về Thiên Chúa. Nếu không có kinh nghiệm về Thiên Chúa, khó
có thể có được một đức tin đích thực và mạnh mẽ.
Tại sao các tông đồ lại có một đức tin mạnh mẽ đến
nỗi có thể sống chết cho việc rao giảng Tin Mừng? Chính vì các ông có kinh
nghiệm đích thực về Thiên Chúa, về Đức Giêsu, về sự phục sinh của Ngài. Nếu các
ông không hề gặp Đức Giêsu sau khi Ngài sống lại mà chỉ nghe người khác tường
thuật lại, thì chắc hẳn các vị sẽ không dám sống chết với lời rao giảng của
mình. Đòi hỏi của Tôma «Nếu tôi không thấy dấu đinh…, nếu tôi không xỏ ngón
tay…, tôi chẳng tin» là một đòi hỏi chính đáng. Đức tin chỉ có thể
mạnh mẽ khi nó dựa trên những kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa. Vì thế, để
có một đức tin mạnh mẽ, chúng ta cần có kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa và
sau đó cũng cần đến những thử thách của Thiên Chúa để củng cố niềm tin, làm đức
tin ngày càng vững mạnh hơn.
4. Quá trình hình
thành một đức tin mạnh mẽ
Để dễ hiểu, chúng ta hãy dựa vào quá trình hình
thành đức tin của dân Do Thái:
– Kinh nghiệm đức tin
ban đầu: Thiên
Chúa muốn dân Do Thái tin Ngài là Thiên Chúa của họ, Ngài không chỉ nói với họ
hay thuyết phục họ để họ tin Ngài, mà nhiều lần Ngài biểu dương quyền năng của
Ngài cho họ. Biểu dương cụ thể nhất, rõ ràng nhất, được mọi người Do Thái thời
đó chứng kiến tận mắt là Thiên Chúa cho dân Ngài vượt qua Biển Đỏ một cách lạ
lùng. Khi thực hiện phép lạ này, Thiên Chúa làm cho nước biển rẽ ra trước, rồi mới bảo
dân chúng bước xuống biển, để cuối cùng họ vượt qua Biển Đỏ an toàn
(x. Xh 14,21-22).
Nhờ đó, toàn dân đều có kinh nghiệm rõ rệt về quyền
năng của Thiên Chúa. Họ bắt đầu đặt niềm tin nơi Ngài dựa trên kinh nghiệm nền
tảng ấy. Đức tin ban đầu của họ còn non yếu, cần phải được nâng đỡ bằng những
kinh nghiệm tỏ tường. Thiên Chúa không đòi hỏi họ «liều» trong giai đoạn này.
Nhưng khi đức tin trưởng thành, đức tin ấy phải dựa trên kinh nghiệm về Thiên
Chúa trong quá khứ để tự xác quyết về quyền năng của Ngài sẽ được thể hiện thế
nào trong hiện tại hoặc tương lai. Khi con người đã có kinh nghiệm ban đầu về
quyền năng của Thiên Chúa và đặt niềm tin vào Ngài rồi, thì Thiên Chúa bắt đầu
thử thách niềm tin ấy để niềm tin ấy trưởng thành và vững mạnh hơn.
– Thử thách đức tin: Thời Giosuê làm thủ lãnh dân Do Thái, Thiên Chúa
cũng cho xảy ra một trường hợp tương tự như lần dân Chúa vượt qua Biển Đỏ. Thời
ấy, Giosuê đưa toàn dân cùng với Hòm Bia Giao Ước đi qua sông Giođan. Thiên
Chúa ra lệnh cho dân bước xuống dòng sông. Nhưng lần này, Ngài không cho
nước rẽ ra trước, mà bảo họ bước xuống trước. Sự việc xảy ra là «khi chân các
tư tế khiêng Hòm Bia vừa đụng xuống nước ở ven bờ, thì nước mạn ngược chảy
xuống dừng lại, dựng đứng thành một khối duy nhất trong một khoảng rất dài»
(Gs 3,15-16), và toàn dân đã qua được sông Giođan. Như vậy, lần này, Thiên Chúa
đòi hỏi dân phải «liều» hơn lần trước một chút. Nhờ liều như thế mà họ lại
kinh nghiệm thêm một lần nữa về quyền năng của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đào tạo và giáo dục đức tin của ta theo
cách ấy, nghĩa là một cách tiệm tiến và có phương pháp. Đức tin ta càng trưởng
thành, thì Thiên Chúa càng đòi hỏi ta phải liều lĩnh nhiều hơn. Nếu ta dám tin
mạnh hơn, dám chứng tỏ đức tin ấy bằng hành động là dám liều nhiều hơn, thì ta
càng có nhiều kinh nghiệm về Thiên Chúa hơn, và đức tin của ta ngày càng trưởng
thành hay vững chắc hơn. Một khi đã có kinh nghiệm về Thiên Chúa, về quyền năng
của Ngài, mà ta lại không dám chứng tỏ đức tin bằng hành động thật sự khi được
Ngài thử thách, thì đức tin của ta sẽ dậm chân tại chỗ, không phát triển, và
mãi mãi sẽ là một đức tin non yếu.
– Đức tin
trưởng thành: Đức tin thật sự đạt đến mức trưởng thành phải tương tự như
đức tin của Phêrô khi ông dám liều bước chân xuống biển để đi trên nước đến với
Đức Giêsu (x. Mt 14,22-33). Tuy nhiên, đức tin của ông chưa đạt đến mức hoàn
hảo, vì «khi
thấy gió thổi thì ông đâm sợ và bắt đầu chìm xuống biển» (14,30).
Ông vẫn còn nghi nan. Chính sự nghi nan này làm ông chìm. Nếu ông hoàn toàn
vững tin, ông sẽ đi trên mặt biển không khác gì trên đất liền.
Hiểu được quá trình hình thành một đức tin vững
mạnh, ta sẽ hiểu được cách để phát triển đức tin của ta hầu trở thành «con người mới».
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, trong cuộc đời Kitô hữu của
con, nhiều lần Cha đã tỏ quyền năng của Cha cho con một cách rất lạ lùng, để
con có được những kinh nghiệm nền tảng về quyền năng hay tình thương quan phòng
của Cha. Nhờ đó con tin vào Cha. Nhưng khi Cha thử thách niềm tin của con để
đức tin của con trưởng thành hơn, thì con lại lùi bước. Con đòi hỏi phải thật
bảo đảm mới dám dấn thân hành động theo ý Cha. Con không dám liều một chút vì
Cha. Vì thế, đến bây giờ đức tin của con vẫn còn yếu kém. Và con vẫn mãi mãi là
một con người yếu đuối. Xin Cha giúp con biết liều hơn một chút, để quyền năng
của Cha được biểu lộ ra cho con, hầu đức tin của con vững mạnh hơn. Nhờ đó con
tiến triển hơn trong đời sống đức tin để trở thành «con người mới».
Joan Nguyễn Chính Kết