Chúa
Nhật III Phục Sinh, C
VAI TRÒ CỦA ÔNG
PHÊRÔ
Lm Phêrô Trần
Đình, Dalạt
Dẫn nhập
Tin Mừng Gioan đã kết thúc nơi câu : “Những điều đã được chép đây là để
anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà
được sự sống nhờ danh Người” (20, 31).
Còn đoạn Tin Mừng được đọc trong thánh lễ hôm nay là một phụ trương, có
lẽ đã được một trong những đồ đệ của Gioan soạn thảo.
Phụ trương này có ý nói đến vai trò của Phêrô. Xem ra đây cũng là ý
Giáo Hội, vì chỉ muốn nhắc đến vai trò của Phêrô khi không cho đọc những câu kế tiếp nói về tông đồ Gioan.
1. Sáng kiến của ông Phêrô
Sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh, cũng như hai môn đệ Emmau, Phêrô và các
bạn trở về quê cũ tiếp tục nghề chài lưới.
Thánh sử Gioan chắc hẳn có thâm ý, khi cho thấy sáng kiến “chài lưới”
phát xuất từ Phêrô : “Tôi đi đánh cá đây” (Ga 21, 3). Còn các bạn khác thì
“cùng đi” với ông.
Nhớ lại lần Gioan và Phêrô chạy tới mồ Chúa, tuy Gioan chạy nhanh hơn,
nhưng vẫn chờ cho Phêrô vào trước rồi ông vào sau.
Ngày hôm nay, nhiều người nhấn mạnh vai trò của đặc sủng mà quên đi vai
trò của Phêrô và cũng quên đi rằng quyền bính cũng là đặc sủng. Chính Chúa đã
xây Giáo Hội trên Phêrô : “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này,
Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực của tử thần sẽ không thắng nổi.
Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên
trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng
sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 18-19).
Đặc sủng nào cũng để xây dựng Hội Thánh và đặc sủng vẫn phải nhường
bước cho quyền bính, nếu không Giáo Hội của Chúa sẽ không còn sự duy nhất nữa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chính Gioan là người đã phát hiện ra Chúa, nhưng
cũng lại chính Phêrô là người đầu tiên nhảy xuống biển bơi vào bờ gặp Chúa.
2. Thành bại tuỳ thuộc vào ơn Chúa
Phêrô có sáng kiến đi đánh cá, nhưng đêm ấy “họ không bắt được gì cả”.
“Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là luống công”.
Nếu Phêrô đã không nghe lời Chúa mà thả lưới “bên phải mạn thuyền” (Ga
21, 6), thì chẳng bắt được 153 con cá to. Con số này chỉ tất cả các loài cá có
trong biển, theo quan niệm thời đó. Và như vậy, nó cũng ám chỉ mọi dân tộc trên
thế gian này.
Trong việc “đánh cá người”, đã đành nhiệt huyết là quí, nhưng còn phải
tựa vào ơn Chúa nữa, và có thể nói đây là yếu tố quyết định. Bài học này đôi
khi người ta dễ quên.
3. Ông Phêrô “kéo lưới vào bờ”
Nhờ Chúa hướng dẫn, Phêrô mới bắt được cá, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh
cũng để cho Ông Phêrô vinh dự được “kéo lưới vào bờ” (Ga 21, 11).
Câu này nói đến việc Phêrô sẽ làm việc nơi các người kế vị ông cho đến
khi con thuyền Giáo Hội đưa tất cả các dân tộc vào đạo thánh Chúa.
Chúa không muốn cứu rỗi con người cách riêng lẻ, nhưng muốn họ được cứu
rỗi trong chính Giáo Hội mà Phêrô được đặt làm đầu. Chính Phêrô sẽ kéo mọi
người về với Chúa để tất cả mọi người chỉ có “một chủ chiên duy nhất” là Đức
Kitô.
4. Ông Phêrô tuyên xưng lòng mến
Chúa trao nhiệm vụ cho Phêrô và Người cũng muốn ông trước đó phải tuyên
xưng lòng “mến Thầy hơn các anh em”.
Đức Giêsu hỏi Phêrô ba lần và có lẽ ông nghĩ rằng đó là cách nhắc lại
ba lần ông đã chối Thầy. Tuy nhiên, có thể hiểu theo một nghĩa khác : ba lần
Phêrô tuyên xưng lòng mến là một hình thức cam kết pháp lý theo một khoản luật
được áp dụng trong thế giới sếmít (x. St 23, 3-18).
Không chỉ là một cam kết môi miệng mà thôi, rồi đây Phêrô sẽ còn phải
đổ máu đào ra để chứng minh lòng mến đó : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình
yêu của kẻ hiến mạng vì bạn hữu”.
Kết luận
Đức Kitô đã xây dưng Giáo Hội của Người trên Phêrô và Phêrô được mời
gọi cam kết yêu mến Thầy hơn tất cả mọi người trước khi được Người trao nhiệm
vụ chăn dắt Giáo Hội. Chúng ta còn ngại ngùng gì khi phải bước theo Chúa qua
Phêrô, thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội ?.