Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh
(25-4-2004)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Cv
5,27b-32.40b-41: (38) Hãy để mặc những người này về, vì nếu ý định hay
công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; (39) còn nếu quả
thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị
lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.
· Kh 5,11-14:
(12) «Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn
ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc».
· TIN MỪNG: Ga 21,1-19
(hay 1-14)
Đức Giêsu hiện ra ở Biển Hồ Tibêria
(1) Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ
Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. (2) Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô,
ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ
khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Simôn Phêrô nói với các ông: «Tôi đi đánh cá đây». Các ông đáp: «Chúng tôi
cùng đi với anh». Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ
không bắt được gì cả.
(4) Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên
bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. (5) Người nói với các ông: «Này các chú, không có gì ăn ư?» Các ông trả
lời: «Thưa không». (6) Người bảo các ông: «Cứ thả lưới
xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá». Các ông thả
lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (7) Người môn
đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: «Chúa đó!» Vừa nghe
nói «Chúa đó!», ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi
nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy
cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
(9) Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn
than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (10) Đức Giêsu bảo các ông: «Đem ít cá mới bắt được tới đây!» (11) Ông Simôn
Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm
năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (12) Đức Giêsu
nói: «Anh em đến mà ăn!» Không ai trong các môn đệ dám hỏi «Ông là ai?»,
vì các
ông biết rằng đó là Chúa. (13) Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho
các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Đó là lần
thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
(15) Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi
ông Simôn Phêrô: «Này anh
Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?» Ông đáp: «Thưa Thầy
có, Thầy biết con yêu mến Thầy». Đức Giêsu nói với ông: «Hãy chăm sóc
chiên con của Thầy». (16) Người lại hỏi: «Này anh
Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?» Ông đáp: «Thưa Thầy
có, Thầy biết con yêu mến Thầy». Người nói: «Hãy chăn dắt chiên của Thầy».
(17) Người hỏi lần thứ ba: «Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy
không?» Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: «Anh có yêu
mến Thầy không?» Ông đáp: «Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy
biết con yêu mến Thầy». Đức Giêsu bảo: «Hãy chăm sóc chiên của Thầy. (18) Thật, Thầy
bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý.
Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn
anh đến nơi anh chẳng muốn». (19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải
chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: «Hãy theo
Thầy».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Người
tông đồ có những nhu cầu thực tế của đời sống như bao người khác không? Nếu
phải lo thỏa mãn những nhu cầu ấy như mọi người, thì họ còn thì giờ và năng lực
để có thể toàn tâm toàn ý cho công việc tông đồ không? Thiên Chúa có quan tâm
đến những nhu cầu thực tế của họ không?
2. Tại
sao mỗi lần Đức Giêsu muốn giao việc chăn dắt bầy chiên của mình cho Phêrô,
Ngài đều hỏi xem ông có yêu mến Ngài không? Điều này có ý nghĩa gì? Không yêu
Đức Giêsu thì có thể làm mục tử hữu hiệu không?
Suy tư gợi ý:
1. Người tông đồ cũng có những nhu cầu cụ thể
cần thỏa mãn
Là con người, ai cũng có những nhu cầu cần phải được thỏa mãn. Nếu
những nhu cầu ấy không được thỏa mãn, con người sẽ lâm vào tình trạng bất hạnh.
Vì thế, một trong những bận tâm rất lớn của con người là lo cho nhu cầu của
mình: nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Người tông đồ lo việc cho Thiên Chúa
cũng có những nhu cầu ấy, và cũng cần phải được thỏa mãn mới có thể sống hạnh
phúc được. Nhưng nếu người tông đồ cũng phải lo những nhu cầu này cho mình, thì
họ còn thì giờ và đầu óc đâu để lo công việc cho Thiên Chúa? Những người muốn
hiến thân cho Thiên Chúa, muốn dành trọn đời mình phụng sự Ngài, thì Ngài có
cách nào giúp họ giải quyết những nhu cầu cụ thể của họ không?
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một viễn cảnh tốt đẹp về sự quan
phòng của Thiên Chúa đối với những nhu cầu cụ thể của những người lo việc cho
Ngài.
2. Thiên Chúa luôn quan tâm lo liệu cụ thể cho
người của Ngài
Sau khi Đức Giêsu sống lại, các môn đệ Ngài cũng có lúc phải lo việc
kiếm thức ăn để sống. Nghề của các ông là nghề đánh cá, nên các ông rủ nhau đi
đánh cá tại hồ Tibêria. Những chuyện xảy ra đêm hôm ấy và sáng hôm sau là một
mặc khải quan trọng mang tính biểu tượng
Đêm ấy, các ông vất vả suốt đêm mà không bắt được một con cá nào. Điều
đó có nghĩa gì? – Dường như những người có ý hướng theo Chúa, muốn dấn thân làm
làm tông đồ, những người có khuynh hướng nội tâm, thường ít khi thành công
trong công việc làm ăn sinh sống, mặc dù họ có tài, biết cách suy tính. Muốn
thành công trong công việc làm ăn, người ta thường phải để hết tâm trí của mình
vào đó, và cũng phải gắn bó với tiền bạc, vật chất. Nhưng người đã chọn Thiên
Chúa, thì thường không thể để hết tâm trí vào chuyện vật chất được. Nên khi làm
ăn sinh sống, họ dễ bị thất bại vì thiếu tập trung vào công việc ấy. Họ đã được
Thiên Chúa chọn và kêu gọi để làm một công việc thuộc loại khác. Những thất bại
của họ trong công việc trần gian là một cách nhắc nhở hay thúc đẩy họ nên
chuyên tâm vào công việc của Ngài.
Khi trời sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển bảo họ thả lưới bên phải
mạn thuyền. Đề nghị của Ngài quả thật có phần phi lý: thả lưới bên phải hay bên
trái ở ngoài biển thì có gì khác nhau? Nếu có cá thì thả bên nào mà chẳng bắt
được. Nếu không có cá thì thả bên này hay bên kia có gì khác nhau! Nhưng các
tông đồ vẫn tuân theo lời đề nghị có vẻ chẳng hợp lý của Ngài, và kết quả là
một mẻ lưới thành công ngoài sức tưởng tượng. Điều đó có nghĩa gì? – Đối với
những người theo Chúa, những người làm tông đồ, Thiên Chúa thường cho họ thấy
đời sống vật chất của họ không tùy thuộc vào tài trí hay nỗ lực của họ, mà tùy
thuộc vào Ngài. Họ có dồn hết nỗ lực để làm giàu cũng vô ích, cũng vẫn lâm vào
cảnh thiếu thốn. Nhưng nếu họ dành hết tài năng, thì giờ, sức lực để lo việc
cho Ngài, thì Ngài có đủ mọi cách để họ có thể đủ sống, không phải lo lắng gì.
Một khi đã trở thành người của Ngài, họ sẽ được Ngài lo liệu, chăm sóc một cách
chu đáo như một ông chủ lo cho các nhân viên của mình. Điều Ngài mong đợi nơi
họ là họ toàn tâm toàn ý, hết mình với công việc của Ngài. Còn việc của họ,
Ngài sẽ lo thay cho họ. Ngài từng nói: «Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài
trước đã, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau» (Mt 6,33).
Một sự kiện rất ý nghĩa khác: khi đánh cá xong, bước lên bờ, các tông
đồ «nhìn
thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa». Và Đức
Giêsu mời các ông ăn bánh và cá mà Ngài đã dọn sẵn cho các ông. Như vậy, cho
dẫu các ông không đánh cá đêm ấy, hay không đánh được con cá nào, thì các ông
vẫn có bánh và cá để ăn, vì Đức Giêsu đã lo liệu tất cả cho các ông. Sự việc
này cho thấy Thiên Chúa sắp đặt sẵn tất cả mọi sự một cách chu đáo cho những kẻ
hiến thân cho công việc của Ngài. Vấn đề là họ có đức tin để nhận ra điều đó
hay không. Nếu Ngài là một Thiên Chúa quyền năng, mọi công việc của Ngài đều kỳ
diệu (G 5,9; 9,10; Tv 139,14; Hc 42,22), ắt nhiên sự quan phòng của Ngài dành
cho những kẻ hiến thân cho Ngài cũng hết sức kỳ diệu. Ngài đã tạo dựng nên một
vũ trụ một cách vô cùng thông minh, chính xác, Ngài đã cho con người một thể
xác vô cùng diệu kỳ, với những cơ chế tự động rất lạ lùng, chẳng lẽ Ngài lại
không đủ kỳ diệu và thông minh trong việc quan tâm chăm sóc những kẻ muốn dồn
hết nỗ lực cho công việc của Ngài?
3. Người tông đồ hãy tập trung năng lực vào
công việc tông đồ và chăn dắt đàn chiên của mình
Sau khi cho các môn đệ thấy sự sắp xếp chu đáo của Thiên Chúa đối với
những nhu cầu thực tế của các ông, Đức Giêsu mời gọi các ông hãy chăm lo cho
bầy chiên của Ngài. Trước mỗi lần Đức Giêsu mời gọi Phêrô chăn dắt bầy chiên
của Ngài, Ngài đều hỏi ông: «Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?»
Điều này cho thấy công việc chăn dắt bầy chiên của Đức Giêsu đòi hỏi một tình
yêu rất lớn lao đối với Ngài, vì nó đòi hỏi các tông đồ phải dành hết thời gian
và hết sức mình cho công việc đó. Việc gắn liền hai sự kiện này với nhau – việc
lo liệu sắp xếp của Thiên Chúa về nhu cầu sống của người tông đồ và lời mời gọi
chăn dắt bầy chiên – muốn nói lên rằng: người tông đồ muốn chăn dắt bầy chiên
một cách hiệu quả thì phải toàn tâm toàn ý với công việc ấy. Toàn tâm toàn ý
đến nỗi không còn đầu óc hay thì giờ để lo lắng cho những nhu cầu riêng của
mình. Tuy nhiên, dù không lo cho những nhu cầu của mình, người tông đồ vẫn được
Thiên Chúa sắp xếp lo liệu cho tất cả để có thể sống thật đầy đủ và hạnh phúc
trong cuộc đời này (x. Mc 10,29-30). Vậy, người làm tông đồ hãy yên tâm phó
thác tất cả những nhu cầu riêng tư của mình, của gia đình mình trong tay Chúa
Quan Phòng, Ngài sẽ lo liệu tất cả để ta an tâm phụng sự Ngài và công việc của
Ngài.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, nếu Cha đã dựng nên thế giới này thật diệu kỳ, và
cả thân xác của con đây cũng thật diệu kỳ, thì con tin rằng Cha điều hành và
quan phòng thế giới này cũng thật diệu kỳ. Vì thế, con tin chắc rằng một khi
con toàn tâm toàn ý lo cho công việc của Cha, và điều đó rõ ràng cũng là ý muốn
của Cha, thì Cha sẽ quan phòng lo lắng cho mọi nhu cầu của con. Xin cho con
sống đúng tinh thần lời của Đức Giêsu: «Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài
trước đã, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau» (Mt 6,33). Xin cho con
đủ đức tin và lòng thanh thoát để sống được như thế.
Joan Nguyễn Chính Kết