CHÚA
NHẬT III PHỤC SINH, C
(Gio-an
21: 1-19)
Rao
giảng Tin Mừng là bổn phận tiên quyết của các Tông đồ sau khi Chúa sống
lại. Nhờ việc rao giảng này, nhân loại
sẽ đón nhận Tin Mừng, tin vào Chúa và làm thành cộng đồng đức tin. Bài Tin Mừng hôm nay nói lên thời điểm này
với những chi tiết vô cùng phấn khởi, vừa chan chứa niềm vui Phục Sinh vừa đầy
tràn tình thương giữa thầy trò, huynh đệ và hiệp nhất. Thực ra sách Tin Mừng Gio-an đã kết thúc ở
chương 20, nhưng chương 21 được thêm vào để cho ta thấy được ở cuối thời của
các Tông đồ một hình ảnh thật đẹp về Giáo Hội:
dưới sự dẫn dắt của Chúa, các Tông đồ đã đưa các tín hữu đến chia sẻ sự
sống Chúa ban, tức là sự sống trong Thánh Thần. Bàn tiệc Thánh Thể là nơi quy tụ mọi người với Chúa. Vai trò lãnh đạo của Phê-rô là phải gìn giữ
đoàn chiên nhân danh Chúa Ki-tô. Mặc dù
ông đã không theo Chúa trong cuộc Khổ nạn của Người, nhưng từ nay ông sẽ một
lòng gắn bó yêu thương để theo Thầy trong sứ mệnh cho dù phải hy sinh mạng
sống. Vậy hình ảnh Giáo Hội sơ khai ấy
gợi cho ta những tâm tình nào?
a) Sự thân mật của Chúa Giê-su đối với môn đệ
Người
Hình
ảnh vị Mục Tử Nhân lành là đề tài thường gặp thấy nhất trong lịch sử Giáo Hội
sơ khai. Người ta vẽ hình, tạc tượng
Chúa Giê-su đi bên đàn chiên, vác con chiên lạc trên vai, trên bức tường sau
bàn thờ, tại những địa điểm hội họp...
Hình ảnh ấy được gợi hứng từ bài diễn từ của Chúa Giê-su về chức phận
mục tử của Người (Ga 10:1-19), nhưng có lẽ nhất là do trình thuật về cuộc hiện
ra của Chúa tại bờ hồ Ti-bê-ri-a sau khi Người sống lại. Sự thân mật Chúa Giê-su dành cho các môn đệ
được biểu lộ qua những chăm sóc yêu thương và ân cần lo lắng cho những nhu cầu
vật chất cũng như tâm linh của họ. Suốt
một đêm họ vất vả buông lưới mà không bắt được con cá nào. Đói, mệt và nhất là chán nản. Chúa Giê-su giúp họ giải quyết từng nhu cầu
một.
Chán
nản là căn bệnh nguy hiểm nhất và dễ gây hậu quả tai hại nhất, do đó cần chữa
trị trước. Mẻ lưới đầy cá sẽ giúp họ
lấy lại tinh thần đã mất. Mới ngày nào
cũng sau một mẻ lưới đầy cá, họ đã được Chúa gọi làm những kẻ lưới cá bắt người
ta (Lc 5:1-11). Họ hăng say theo Chúa,
được huấn luyện làm tông đồ, được sai đi thực tập việc rao giảng và trở về đầy
phấn khởi. Nhưng sau cái chết của
Người, họ mất hết cả tinh thần, từ sứ mệnh lưới người ta họ lại muốn trở về với
công việc lưới cá. Bởi vậy, hôm nay và
cũng như ở chính nơi đây ba năm trước, mẻ lưới nhắc nhở họ về sứ mệnh Chúa đã
trao và kêu gọi họ đặt tất cả tin tưởng vào Người. Họ chỉ là thợ gặt, còn chủ ruộng là Chúa. Kết quả công việc là do ân sủng và quyền
năng của Chúa. Mẻ lưới đã giúp cho
người môn đệ Chúa thương mến nhận ngay ra được Người và làm cho ông Phê-rô tìm
lại được cá tính hăng say nhiệt thành đã mất.
Tiếp
đến là những nhu cầu vật chất. Ta cứ
thử tưởng tượng mình đang mệt nhọc, đói khát mà được mẹ cho một ly nước đá, một
cái bánh mì thịt nguội thật ngon, thì hạnh phúc biết mấy. Chúa Giê-su đầy thương mến như một bà
mẹ. Trên than hồng, Người đã dọn sẵn
nào cá nướng, nào bánh thơm. Người còn
làm cho các ông phấn khởi thêm khi âu yếm ra lệnh: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” để đề cao thành công của họ.
Sự
thân mật Chúa Giê-su dành cho các môn đệ dường như có phần thay đổi và rõ ràng
hơn từ khi Người khẳng định: “Thầy
không còn gọi anh em là tôi tớ nữa...
nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15:15). Bữa Tiệc ly đã thăng hoa tình thầy trò và biến đổi thành tình
bạn. Tiệc Thánh Thể hôm ấy đượm tâm
tình ly biệt và tế tự. Còn bữa Tiệc
Thánh Thể hôm nay của Chúa Phục Sinh với các môn đệ đầy ắp yêu thương chăm sóc
của vị Mục Tử Nhân lành.
b) Đáp lại tình yêu
Lòng
yêu thương của Chúa Giê-su đã được đáp lại qua việc tuyên xưng tình yêu. Ông Phê-rô đã tuyên xưng đức tin (Mc
8:27-30). Nhưng chưa đủ. Ông còn phải tuyên xưng tình yêu nữa. Việc chăn dắt đàn chiên của Chúa không phải
chỉ dùng đầu óc. Nếu thế thì chắc chắn
Phê-rô cần phải có bằng tiến sĩ về quản trị!
Nhưng Chúa cần ông có một trái tim nồng cháy mới cáng đáng nổi công việc
chăn dắt này. Những đặc tính của tình yêu
(1 Cr 13) sẽ giúp ông đối phó với bao khó khăn của sứ mệnh mục tử. Sứ mệnh luôn luôn đi đôi với tình yêu. Động lực chính để ta thi hành bất cứ sứ mệnh
nào, đó là tình yêu. Nếu không, ta chỉ
là kẻ làm thuê để lãnh tiền lương, “nên khi thấy sói đến sẽ bỏ chiên mà chạy”
(Ga 10:12).
Sự
thân mật Chúa dành cho ông Phê-rô lúc này thật ngọt ngào qua ngôn từ đối
đáp. Cách Chúa gọi tên ông, câu hỏi như
đâm thẳng vào trái tim ông, chân thành tha thiết và thẳng thắn (mến Thầy hơn các anh em này), cách ông trả lời
với tất cả tín thác, buồn vì hối hận, tất cả đều nói lên tình yêu tha thiết giữa
hai người, đâu cần tới những mỹ từ văn hoa bay bướm mà là những lời rõ ràng
ngắn gọn. Ngay cả đến mệnh lệnh cũng
mang một sắc thái đặc biệt, vì là mệnh lệnh của tình thương yêu và tin tưởng.
c) Qua Giáo Hội, ta tham dự vào sự thân mật ấy
của Chúa Giê-su
Thường
thì ta không dễ nhận ra sự thân mật với Chúa qua môi trường Giáo Hội. Hình ảnh Giáo Hội nhiều khi không còn chân
thực đối với ta nữa. Một phần lỗi ở
chính ta đã không kết hiệp với Chúa và với anh chị em. Một phần tại người khác, có thể do một linh
mục khó tính gắt gỏng ta đã gặp, có thể do những giáo dân không mấy thiện cảm
với ta. Khía cạnh loài người của Giáo
Hội dễ làm cho ta vơ đũa cả nắm, căn cứ vào hành động xấu của cá nhân để xét
đoán tập thể. Hình ảnh của Giáo Hội ban
đầu qua cuộc họp mặt giữa các môn đệ với Chúa (Ga 21:1-19), hoặc như sách Công
Vụ kể lại (Cv 2:42-47) vẫn luôn là lý tưởng mời gọi tín hữu mọi thời mọi nơi
xây dựng cho cộng đoàn của mình được như thế.
Hành vi tha thứ một cách tế nhị của Chúa dành cho Phê-rô đã chối Người
là một gương mẫu để ta sẵn sàng tha thứ cho anh chị em.
Chúa
Giê-su Thánh Thể là mối giây liên kết mọi người. Lời gọi “Hãy theo Thầy” cũng là lời Chúa nói với mỗi người. Ta chỉ có thể theo Chúa nếu ta liên kết với
Người và anh chị em, đó là tính cách cộng đoàn và liên đới của Giáo Hội Người,
một đề tài suy niệm thật ý nghĩa trong mùa Phục Sinh. Những con người mới bước theo Chúa Giê-su phục sinh cần phải sống
một cuộc sống mới, sống trong Thánh Thần.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
·
Xét lại sự thân mật với Chúa
Giê-su, tôi thấy tình trạng của tôi như thế nào? Tôi phải làm gì để cải thiện tình trạng ấy?
·
Chúa trao cho tôi sứ mệnh
nào? Tôi có lấy lòng yêu mến Chúa làm
động lực thúc đẩy tôi thi hành sứ mệnh ấy không?
·
Nếu tôi ở bậc sống gia đình và
có con cái, tôi đã chu toàn trách nhiệm mục tử của tôi thế nào?
·
Quan hệ của tôi với cộng đoàn,
giáo xứ như thế nào? Hay chỉ là nơi tôi
đến “xem lễ” rồi “về bình an” mà không cần biết giáo hội địa phương ấy là gì?
Cầu nguyện:
“Lạy
Chúa Giê-su, Tình Yêu của con,
nếu
Hội Thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì
hẳn Hội Thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó
là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính
tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu
trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì
các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các
vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy
Chúa Giê-su,
cuối
cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn
gọi của con chính là tình yêu.
Con
đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh:
nơi
Trái Tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và
như thế con sẽ là tất cả,
vì
tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy
Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi
ước mơ của con được thực hiện.”
dựa theo lời của thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 62)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi