Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh
(6-5-2001)
Còn gọi là Chúa nhật
Chúa Chiên Lành
(cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ)
Đọc Lời Chúa
· Cv 13,14.43-52 : Phao-lô và Ba-na-ba nói với người Do Thái: «Đúng ra
anh em mới là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì
anh em khước từ lời ấy, nên đã trở nên không xứng đáng hưởng sự sống đời đời,
thì đây, chúng tôi quay về phía dân ngoại». Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn
vinh lời Chúa, và lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.
· Kh 7,9.14b-17 : Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh
nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa
ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau
sạch nước mắt họ.
· TIN MỪNG : Ga 10,27-30
Chúa là mục tử luôn yêu thương gắn bó với chiên của mình
Khi ấy, Đức Giê-su nói: «Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết
chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng
phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban
chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa
Cha. Tôi và Chúa Cha là một».
Suy niệm
Câu hỏi gợi ý :
1. Yếu tố quan trọng nhất để trở thành mục tử nhân lành là gì? Có phải
là tình yêu thật sự đối với đàn chiên không?
2. Người mục tử phải biểu lộ tình yêu của mình đối với đàn chiên thế
nào? Đức Giê-su đã yêu thương chiên của mình thế nào?
Suy tư gợi ý :
1. Người mục tử phải thật sự yêu thương đàn chiên
Đọc bài Tin Mừng, ta thấy ngay sự quan hệ tốt đẹp, đầy yêu thương, và
gắn bó đến mức sống chết với nhau giữa mục tử và đàn chiên. Quan hệ ấy quả là
gương mẫu tuyệt vời cho mọi quan hệ ở trần gian này giữa các vị mục tử và những
giáo hữu mà các ngài có trách nhiệm chăm sóc. Quan hệ giữa mục tử và giáo hữu
có tốt đẹp hay không tùy thuộc vào cả hai phía, nhưng bình thường thì chủ yếu
và tiên khởi vẫn thuộc về phía mục tử.
Đức Giê-su nói: «Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và
chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải
diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi». Tại sao chiên lại nghe và
theo người mục tử, mà không nghe và theo người lạ hay kẻ trộm? Chính vì đàn
chiên đã cảm nhận được tình yêu thương đậm đà mà người mục tử dành cho chúng.
Để là mục tử đúng nghĩa, điều quan trọng là phải có tình yêu đối với những
người mà Thiên Chúa trao trách nhiệm cho mình chăm sóc. Điều này đòi hỏi người
mục tử phải yêu mến Thiên Chúa hay Đức Giê-su thật sự và nồng nàn.
Chắc chắn không phải là không có ý nghĩa việc Đức Giê-su, trước khi
giao cho Phê-rô trách nhiệm coi sóc đàn chiên của Ngài, đã phải hỏi ông tới ba
lần: «Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thày hơn các anh em này
không?». Thật vậy, có yêu Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu, có yêu Đức Giê-su
nồng nàn thì mới có đủ tình yêu cần thiết để hy sinh cho đàn chiên như nhu cầu
thực tế của đàn chiên đòi buộc. Người mục tử có thật sự yêu thương đàn chiên,
thì đàn chiên mới cảm nhận được tình yêu người mục tử dành cho họ, để dựa vào
đó họ tin tưởng và nghe theo người mục tử. Người mục tử sẽ chẳng làm được gì
ích lợi cho đàn chiên nếu đàn chiên không tin tưởng và không vâng nghe lời
người mục tử.
Tóm lại, muốn đàn chiên tin tưởng và nghe theo mình, người mục tử phải
thật sự yêu thương đàn chiên.
2. Tình yêu của người mục tử phải được biểu lộ bằng hành động
Làm sao bổn đạo có thể cảm nhận được tình yêu của mục tử đối với mình,
nếu người mục tử không có những hành động cụ thể biểu lộ tình yêu ấy? Đức
Giê-su đã đưa ra những hành động cụ thể của Ngài, với tư cách là Mục Tử tốt
lành như sau:
– Trước hết là «tôi biết chúng» (Ga 10,27), và có thể «gọi tên từng
con» (10,3). Nếu người mục tử yêu thương chiên của mình thật sự, thì sẽ phải
chú ý đến nhu cầu của từng con chiên một, để chăm sóc chúng, để đáp ứng đúng
nhu cầu của từng con. Tôi biết có những linh mục thường xuyên đi thăm các gia
đình trong họ đạo, và biết rõ tên của từng người trong từng gia đình, cùng với
hoàn cảnh và nhu cầu của từng người, từng gia đình một. Người bổn đạo sẽ cảm
nhận được tình thương của người mục tử ngay khi thấy ông gọi trúng tên mình,
biết rõ hoàn cảnh của mình, và đáp ứng kịp thời đúng nhu cầu của mình.
– «Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào» (10,10), «Tôi ban cho
chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được
chúng khỏi tay tôi» (10,28). Người mục tử tốt lành luôn quan tâm đến sự sống,
hạnh phúc và sự an nguy của đàn chiên, nhất là đời sống tâm linh. Nhưng ông
không chỉ quan tâm đến đời sống tâm linh, mà còn quan tâm đến cả đời sống thực
tế của đàn chiên. Đức Giê-su luôn luôn quan tâm đến nhu cầu vật chất của dân
chúng: chẳng hạn trong phép lạ hóa bánh ra nhiều: «Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn
đây?» (Ga 6,5), hay sau khi làm cho đứa con gái ông Gia-ia (trưởng hội đường)
chết sống lại, thì Ngài «bảo họ cho con bé ăn» (Mc 5,43).
– «Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11).
Không người mục tử nào ngu dại đến nỗi coi sự sống của đàn chiên quí hơn mạng
sống mình, trừ trường hợp đàn chiên ở đây không phải là thú vật, mà là những
con người, là hình ảnh Thiên Chúa hay con cái Thiên Chúa, hay nói cách khác là
hiện thân của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cũng đã yêu thương con người đến nỗi
đã sẵn sàng hy sinh Con Độc Nhất của mình cho con người (x. Ga 3,16). Người bổn
đạo đối với người mục tử không phải chỉ là những con chiên mà là những linh hồn
hết sức quí giá, đáng cho người mục tử hy sinh mạng sống mình vì họ. Thái độ
này khác hẳn với thái độ của người làm thuê, hay mục tử giả hiệu, là «khi thấy
sói đến thì bỏ chiên mà chạy (…) không thiết gì đến chiên» (Ga 10,12-13).
3. Những mục tử xấu, giả hiệu
Thánh Kinh không chỉ nói đến những mục tử tốt lành, nhưng còn nói đến
những mục tử giả hiệu – mà Đức Giê-su ví như bọn chăn chiên thuê – chỉ biết
nghĩ đến mình, nghĩ đến sự an nguy, quyền lợi hay hạnh phúc của mình, chỉ biết
rút ra những lợi lộc từ đàn chiên, mà không nghĩ gì đến quyền lợi hay hạnh phúc
của đàn chiên. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a viết: «Khốn thay những mục tử làm cho đàn
chiên Ta thất lạc và tan tác (…) các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm đến
chúng» (Gr 23,1-2). Ngôn sứ Ê-dê-ki-en viết: «Khốn cho các mục tử Ít-ra-en,
những kẻ chỉ biết lo cho mình! (…) Sữa chiên thì các ngươi uống, len của chúng
thì các ngươi mặc, con nào béo tốt thì các ngươi giết, và chẳng thèm lo chăn
dắt đàn chiên. Chiên đau yếu các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật các
ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương các ngươi không băng bó; chiên bị
lạc các ngươi không đưa về; chiên bị mất các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi
thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục
tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, khiến chúng bị tán loạn. Chiên của Ta tản
mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi, trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm
sóc, chẳng ai kiếm tìm» (Ed 34,2-6). Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ
Ê-dê-ki-en để nguyền rủa loại mục tử này: «Bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình
mà không chăn dắt đàn chiên của Ta, nên hỡi các mục tử! Đây Ta chống lại các
ngươi. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta, Ta sẽ không để các ngươi chăn dắt chiên Ta
nữa (…) để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa» (Ed 34,8b-10).
Thời nào cũng có những mục tử nhân lành, vị tha, nhưng chẳng có thời
nào lại vắng bóng những mục tử xấu, ích kỷ. Điều đáng tiếc là trong một số giáo
hội địa phương, đời sống thoải mái với vật chất đầy đủ và mặc nhiên được trọng
vọng của các linh mục, giáo sĩ đã khiến cho khá nhiều người phấn đấu để trở nên
linh mục, giáo sĩ vì những động cơ thấp kém. Vì thế, trong những giáo hội ấy, những
mục tử nhân lành dám sống chết vì đàn chiên, dám hy sinh cho đàn chiên không
nhiều như trong những giáo hội mà người ta được thúc đẩy làm linh mục và giáo
sĩ vì những động cơ siêu nhiên hơn. Do đó, những linh mục và giáo sĩ tương lai
cần phải luôn luôn quan tâm thanh lọc động cơ thúc đẩy mình theo đuổi đời sống
tu trì. Động cơ tốt nhất phải là tình yêu đích thực và nồng nàn đối với Thiên
Chúa và tha nhân, muốn cho tất cả mọi người đều được hạnh phúc cả đời này lẫn
đời sau.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, trong Giáo Hội của chúng con, chắc chắn không thiếu những mục
tử thánh thiện, luôn yêu thương và sẵn sàng hy sinh tất cả cho đàn chiên. Nhưng
chắc chắn cũng có những mục tử chưa yêu thương và hy sinh cho đàn chiên như
lòng Chúa mong ước, như nhu cầu của đàn chiên đòi hỏi. Chúa là Mục Tử Gương
Mẫu, xin hãy gia tăng số mục tử nhân lành lên, xin hãy làm cho ngọn lửa yêu
thương bùng cháy lên trong tâm hồn các mục tử, để Giáo Hội càng ngày càng trở
nên tốt đẹp, có khả năng biến cải thế giới và xã hội thành nhân bản hơn, chan
hòa tình Chúa tình người hơn. A-men.
Joan Nguyễn Chính Kết