Chúa Nhật thứ 5 Phục
Sinh
(13-5-2001)
Đọc Lời Chúa
· Cv 14,21b-27 : «Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ và khuyên nhủ họ
giữ vững đức tin. Hai ông nói: "Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được
vào Nước Thiên Chúa"»
· Kh 21,1-5a : Bấy giờ, tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã
biến mất, và biển cũng không còn nữa
· TIN MỪNG : Ga 13,31-33a.34-35
Những lời cáo biệt
Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giêsu nói: «Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và
Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi
Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp
tôn vinh Người.»
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em
một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em
như vậy. Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau;
anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận
biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau.»
Suy niệm
Câu hỏi gợi ý :
1. Tại sao sắp tới lúc chịu tử nạn, Đức Giê-su lại nói rằng sắp tới giờ
Ngài được tôn vinh? Tử nạn và tôn vinh có phải là một sự kiện duy nhất không?
2. Tại sao khi Đức Giê-su được tôn vinh, thì Thiên Chúa cũng được tôn
vinh nơi Người? Có gì tương tự như thế giữa Thiên Chúa và chúng ta như nơi Đức
Giê-su không?
3. Tại sao sự yêu thương nhau lại là dấu chứng của các môn đệ Chúa? Thế
còn việc làm dấu thánh giá có phải là dấu chứng không?
Suy tư gợi ý :
1. Thiên Chúa được tôn vinh nơi Đức Giê-su và qua Đức Giê-su
a) Hai mặt đối nghịch nhau của mầu nhiệm vượt qua
«Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi
Người». Đức Giê-su nói điều này ngay trước khi chịu tử nạn. Tới giờ phải chịu
tử nạn, mà Ngài lại nói đó là lúc Ngài được tôn vinh. Điều này cho thấy «tử
nạn» và «được tôn vinh» là hai mặt khác nhau của cùng một sự việc. Nói cách
khác, tử nạn và phục sinh, hay đau khổ và vinh quang tuy khác nhau và ngược lại
nhau, nhưng lại luôn luôn gắn liền với nhau, không thể tách rời nhau, giống như
hai mặt của một tờ giấy duy nhất.
Đó là chính là nội dung và ý nghĩa của mầu nhiệm vượt qua: vì đau khổ
và vinh quang, tử nạn và phụïc sinh không thể tách rời nhau, nên muốn đạt được
cái này thì phải trải qua cái kia. Không thể phục sinh nếu không chịu tử nạn,
không thể hạnh phúc hay vinh quang, nếu không trải qua đau khổ. Đời sống thực
tế chứng tỏ rõ ràng điều ấy: Tôi không chịu cực khổ làm ăn, gia đình tôi không
thể ấm no hạnh phúc được. Một học sinh không chịu khó nhọc học hành không thể
đỗ đạt hay làm nên danh phận gì.
Ý thức được thực tế của mầu nhiệm vượt qua, người kitô-hữu không nên mơ
tưởng có được hạnh phúc mà không phải qua đau khổ, hay có được vinh quang mà
không phải chịu nhục nhã, hay sẽ phục sinh mà không cần tử nạn. Qui luật thực
tế của đời sống không cho phép như thế. Muốn hạnh phúc mà không qua đau khổ,
muốn vinh quang mà không chịu nhục nhã, muốn phục sinh mà không cần tử nạn, đều
là những cám dỗ cho tất cả mọi người, vì những ước muốn đó thường dẫn đến tội
lỗi. Thật vật, tất cả mọi tội lỗi xảy ra trên đời đều xuất phát từ ước muốn
không thực tế đó. Kẻ trộm cướp, hối lộ, kẻ giết người, gian dâm, v.v… đều là
những kẻ muốn hạnh phúc mà không phải khó nhọc, vất vả. Tới đây, ta nên nhớ lại
lời của Đức Giê-su: «Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang
thì đưa đến diệt vong mà nhiều người đi lại qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật
thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy» (Mt 7,13-14).
b) Trong Đức Giê-su, Thiên Chúa và con người là một
«Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi
Người». Đức Giê-su và Thiên Chúa đều được tôn vinh trong cùng một con người (là
chính Đức Giê-su), và trong cùng một sự việc (là cuộc tử nạn). Điều này cho
thấy Đức Giê-su và Thiên Chúa liên quan với nhau mật thiết đến mức có thể nói
Đức Giê-su và Thiên Chúa là hai mặt khác nhau của một thực tại duy nhất: con
người Đức Giê-su. Có thể nói Đức Giê-su, một mặt là một con người yếu đuối, bị
hạn chế đủ mọi mặt, mặt khác lại chính là một Thiên Chúa mạnh mẽ, vô hạn đủ mọi
mặt. Hai mặt ấy tuy ngược hẳn nhau nhưng lại kết hợp và gắn liền với nhau thành
một con người duy nhất.
Đức Giê-su chính là mô hình gương mẫu của chúng ta, của mọi người
kitô-hữu. Cũng tương tự như Đức Giê-su, một mặt ta mang tính con người, vốn hữu
hạn, yếu đuối, dễ trở nên tội lỗi, một mặt ta chính là con cái Thiên Chúa, là
hình ảnh của Thiên Chúa vô hạn, mạnh mẽ, thánh thiện, «được thông phần bản tính
Thiên Chúa» (2 Pr 1,4). Tính chất thần linh trong bản thân của đa số chúng ta
có thể còn ở dạng mầm, chưa phát triển. Bổn phận và sứ mạng của người kitô-hữu
là phải làm sao để cái mầm thần linh ấy ngày càng phát triển lớn mạnh lên. Ta
càng ý thức được tính chất thần linh của mình, và cố gắng sống phù hợp với tính
chất ấy, thì tính chất ấy càng có điều kiện phát triển mạnh.
Khi mầm thần linh ấy phát triển trong ta, khiến ta sống, hành động và
xử sự như Đức Giê-su, thì ta có thể nói được như Ngài: «Giờ đây, Con Người được
tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người». Thiên Chúa chỉ được tôn
vinh trong bản thân ta, khi chúng ta làm cho mầm thần linh trong ta phát triển
lớn mạnh. Mầm thần linh ấy chính là Nước Trời ở trong ta. Đức Giê-su đã từng
nói: «Nước Thiên Chúa ở trong anh em» (Lc 17,21). Và trong bản thân chúng ta,
Nước ấy, hay cái mầm thần linh ấy, giống như một hạt cải, «là loại nhỏ nhất
trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên lại là thứ lớn nhất. Nó trở thành
cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được» (Mt 13,32). Nhưng mầm thần
linh ấy chỉ phát triển khi «cái tôi đáng ghét» của ta thật sự nhỏ đi: «Ngài
phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30). Mầm thần linh ấy không thể được
phát triển nơi một người lúc nào cũng coi cái tôi của mình quá lớn.
2. Yêu thương là điều kiện phát triển tính thần linh trong ta
Mầm thần linh ấy không thể phát triển được trong một con người coi cái
tôi của mình là quá lớn. Sự phát triển hình ảnh của Thiên Chúa trong ta và sự
trương phình bản ngã của ta là hai sự việc luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau.
Càng coi cái tôi của mình là quan trọng, càng đặt nặng cái tôi của mình, thì
cái tôi ấy càng lấn át tính chất thần linh, và làm cho nó ngày càng yếu ớt, nhỏ
bé đi, và đó chính là nguyên nhân của mọi thứ tội lỗi. Trong tiếng Việt, chữ
«tội» được hình thành bởi chữ «tôi» và dấu «nặng»: «tôi nặng tội». Điều ấy
không phải là không có ý nghĩa. Tội lỗi được hình thành từ việc coi cái tôi của
mình quá nặng. Và sự thánh thiện thì ngược lại, được hình thành từ việc coi nhẹ
hay tự hủy cái tôi của mình đi. Đức Giê-su đã từng nói: «Hạt lúa được gieo vào
lòng đất nếu không chết đi, nó vẫn chỉ là hạt lúa, còn nếu chết đi, nó mới sinh
được nhiều hạt khác» (Ga 12, 24). Cái tôi có chết đi, thì sự sống thần linh hay
Nước Thiên Chúa trong ta mới phát triển và sinh hoa kết trái.
Yêu thương chính là quên mình, hay ra khỏi cái tôi của mình để đến với
Thiên Chúa và tha nhân. Và đó chính là bản chất của sự thánh thiện, cũng là bản
chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan đã định nghĩa: «Thiên Chúa là tình yêu» (1
Ga 4,8). Nếu ta là hình ảnh của Thiên Chúa, thì cách hành xử của ta phải phản
ánh tình yêu. «Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được
Thiên Chúa sinh ra. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên
Chúa là tình yêu» (1 Ga 4,7-8). Tình yêu chân thật chính là dấu chứng của sự
thánh thiện, chứng tỏ có sự hiện diện của Thiên Chúa. Người nào càng yêu thương
và càng hy sinh cho người khác thì càng là người thánh thiện, và càng chứng tỏ
có Thiên Chúa ở với mình.
Chính vì thế, trước khi từ giã các môn đệ để chịu tử nạn và về cùng
Chúa Cha, Đức Giê-su cho các môn đệ biết cái dấu hiệu quan trọng nhất để có thể
căn cứ vào đó mà biết được ai là môn đệ đích thực của Ngài, đó là tình yêu
thương đối với mọi người, và nhất là đối với nhau. «Mọi người sẽ nhận biết anh
em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau». Làm dấu
thánh giá, đọc kinh, dâng lễ… chỉ là những dấu hiệu bên ngoài của người kitô-hữu,
mà người không phải là kitô-hữu vẫn có thể giả mạo. Còn sự yêu thương – được
thể hiện cụ thể bằng hành động – mới là dấu chứng thật sự của người kitô-hữu.
Người yêu thương thực sự biết quên mình để hy sinh cho tha nhân vô điều kiện,
cho dù chưa rửa tội, thì đã là kitô-hữu đích thực từ bên trong rồi. Còn người
mang danh kitô-hữu mà sống ích kỷ, không tình thương, thì chỉ là kitô-hữu hữu
danh vô thực mà rhôi (xem Rm 2,12-24).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin biến cải lòng con thành «trời mới đất mới», thành Nước
Trời, trong đó luôn luôn tràn ngập tình yêu thương, để mọi người nhận ra sự
hiện diện của Thiên Chúa – là tình yêu – ở trong con.
Joan Nguyễn Chính Kết