Chúa Nhật V Phục
Sinh
13.05.2001
Nghe:
* Cv 14, 21b-27:
Oâng Phaolô và Oâng Banaba đi đó đây để củng cố đức tin của các môn đệ,
chỉ định cho họ những kỳ mục. Đồng thời hai ông cũng rao giảng Lời Chúa cho các
dân ngoại, lập nên nhiều Hội Thánh Chúa.
* Kh 21, 1-5a
Đây là thị kiến quan trọng nhất của Khải Huyền: trời mới, đất mới và
Giêrusalem mới. Công trình sáng tạo cũ biến mất và sự ác bị tiêu diệt hoàn
toàn. Thành Thánh Giêrusalem mới chính là Hội Thánh trên trời và làø vương quốc
đích thật của Thiên Chúa.
* TIN MỪNG: Ga 13, 31-33a.34-35.
Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói:" Giờ đây, Con Người được tôn
vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh
nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa
sắp tôn vinh Người. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở
với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em
hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng
yêu thương nhau."
Ngẫm:
Câu hỏi gợi ý:
1. Chúng ta có nhận ra được chủ đề chính xuyên suốt qua 3 bài đọc
không?
2. Những đặc tính của Hội Thánh Chúa: Duy nhất, Thánh Thiện, Công giáo
và Tông Truyền.
3. Sự trường tồn của Hội Thánh.
4. Thành viên Khôi Bình phải sống sao cho xứng đáng là một thành viên
của Hội Thánh?
* Suy tư gợi ý:
1. Chủ đề chính: Hội Thánh (Nước Thiên Chúa, Nước Trời)
"Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn
vinh nơi Người."(Ga 13, 31). Chúa Giêsu được tôn vinh và Đấng sai Người ắt
cũng phải hãnh diện. Chúa Giêsu đã phát biểu câu này khi Giuđa vừa bỏ bàn tiệc
ra đi để làm những việc ám muội. Nếu xét theo thứ tự thời gian thì lẽ ra câu
này phải được Chúa Giêsu phát biểu sau khi Người Phục Sinh. Vì thế, từ
"Giờ đây" ở đây diễn tả biến cố tương lai như một thực thể hiện tại,
nghĩa là sự tôn vinh của Đức Giêsu chưa hoàn tất, mà lại được coi như đã xảy
ra; xem như sự khổ nạn, sự chết và sống lại của Người đã được hoàn thành.
Được tôn vinh có nghĩa là khải hoàn, là toàn thắng, là sứ mạng đã hoàn
thành một cách mỹ mãn. Nhưng sứ mạng của Chúa Giêsu là gì nếu không phải là
thành lập Hội Thánh, là tạo dựng Nước Trời? Hội Thánh là gì nếu không phải là
một cộng đoàn Thánh Thiện, là một cộng đoàn gồm các thánh, là một nhóm người
thánh hoặc có ý muốn trở nên thánh (Tv 49). Vì tội nguyên tổ, con người không
thể trở thành thánh được. Chỉ có Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài đã chiến thắng ác
thần và tội lỗi, mới có thể tái sinh chúng ta trong Thánh Thần.(x Cv 2, 1-4).
Và chỉ có Ngài, Đấng Cứu Rỗi Duy Nhất, mới có thể thành lập Hội Thánh. Hội
Thánh có Chúa Kitô là Đầu và tất cả chúng ta là những chi thể của Ngài. ( x Ga
15, 1-8; Rm 12, 4-8; Ep 1, 1-23). Hội Thánh chính là Nhà của Thiên Chúa, là Đền
Thờ Mới, là Giêrusalem mới (Bài đọc 2). Hội Thánh luôn mở cửa rộng đón những
người thiện chí, dù là dân ngoại. (x Bài đọc 1; 1 Cor 16,9; 2 Cor 2,12; Cl
4,3). Do vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng ý thức lại mầu nhiệm Hội
Thánh, một dấu chỉ của Nước Trời mà chúng ta đang là thành viên.
2. Những đăc tính cấu thành của Hội Thánh
"Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông
truyền…"
– Duy nhất: Chỉ có một Hội Thánh do Đức Kitô lập và chính Ngài là Đầu
duy nhất của Hội Thánh ấy. (x Cl 1, 9-24). Từ "Duy nhất" ở đây hoàn
toàn không có nghĩa vật lý cụ thể, nhưng có nghĩa siêu việt. Do vậy, nó sẽ
không mâu thuẩn với từ "Hội Thánh (Giáo Hội) Tây phương, Hội Thánh Á Châu,
Hội Thánh địa phương". Thiên Chúa, không như chúng ta, Ngài không bị giới
hạn bởi không gian và thời gian. Nên Hội Thánh mà Chúa Giêsu sáng lập, đã có
tính cách trọn vẹn, hoàn hảo và một lần. Tuy nhiên, chúng ta là những con người
sống trong lịch sử, chúng ta có bổn phận tiếp tay với Chúa để xây dựng Hội
Thánh. Nên Phaolô và Banaba đã đi khắp đó đây để xây dựng những Hội Thánh địa
phương cụ thể khác nhau.
– Thánh thiện: Đây là một hội không mưu đồ nghiệp bá, không chủ trương
tiền tài danh vọng, nhưng luôn khuyến khích và động viên nhân sinh biết
"Tu" (sửa) để thành thánh, nghĩa là đạt tới sự viên mãn của hạnh phúc
trường cửu. Vì vậy, thực chất của Hội này là tốt lành thánh thiện. (x Đn 17,
16-27)
– Công giáo: Cửa Hội Thánh luôn rộng mở để đón tiếp mọi người thiện
tâm, không loại trừ, không phân biệt tuổi tác, trình độ, giai cấp, giàu nghèo,
sang hèn. Chính vì đặc tính phổ quát này mà mọi người đều có trách nhiệm phải
vào, dù bằng cửa chính hay cửa phụ. (x Is 2, 1-5)
– Tông truyền: Hội Thánh được xây dựng trên đức tin của Oâng Phêrô (Ga
21, 15-17) và theo sứ vụ mà các Tông Đồ đã nhận trực tiếp từ Đức Kitô. (Mt 28,
16-20).
Đến đây chúng ta có thể đặt lại câu hỏi: Tại sao Hội Thánh lại trường
tồn?
3. Sự trường tồn của Hội Thánh.
Chúng ta tin Hội Thánh trường tồn vì Chúa Giêsu đã tuyên bố:
" …Và quyền lực tử thần cũng không thắng nỗi" (Mt 16, 18b).
Chúng ta tin và chúng ta đã tìm được sự bình an do sự xác tín của chúng ta.
Đàng khác, trong trường hợp này, chúng ta có thể hiểu được sự trường tồn của
Hội Thánh qua sự suy luận thuần tuý của con người. Thật vậy, Hội Thánh ví như
một dân tộc có được người cầm đầu tuyệt hảo tên là Giêsu. Thủ tướng Giêsu đã
yêu thương dân tộc mình đến độ hy sinh cả cuộc đời, sự nghiệp và mạng sống của
mình. Thủ tướng Giêsu luôn mở rộng cửa biên giới cho bất cứ ai muốn trở thành
công dân của Oâng. Thủ tướng Giêsu đã có thể yêu thương cả kẻ thù để biến thù
thành bạn thì còn ai nỡ tâm tiêu diệt nhà nước Giêsu nữa. Đàng khác, toàn thể
dân tộc của Hội Thánh lại tự nguyện tuân giữ Hiến pháp và luật pháp. Mà Hiến
pháp và luật pháp này lại là tình yêu thương. Họ phải thương yêu nhau như Oâng
Giêsu đã yêu thương và làm gương cho họ. Tất cả là Tình yêu. Mà Tình yêu là
hạnh phúc. Nếu có một quốc gia nào trên trần thế này có được một phẩm chất
tuyệt vời như thế, ắt quốc gia ấy sẽ trường tồn. Anh chị em Khôi Bình là những
công dân của nhà nước Giêsu, chúng ta phải có những ứng xử thế nào?
4. Thái độ của chúng ta đối với Hội Thánh
Trước hết chúng ta phải có lòng yêu mến Hội Thánh và luôn luôn sống
theo lập trường của Hội Thánh. Dù Hội Thánh gồm những con người mỏng dòn yếu
đuối nhưng luôn được Thánh Linh soi dẫn và nâng đỡ. Hội Thánh hữu hình, đứng
đầu là Đức Thánh Cha, đã được ơn bất khả ngộ trong những định tín về Đức Tin và
Luân lý. Để chứng tỏ lòng yêu mến Hội Thánh, và để chứng tỏ là một công dân
trung thành của Tổ quốc Giêsu, mỗi người chúng ta phải biết yêu thương nhau:
"Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có
lòng yêu thương nhau." (Ga 13,35). Yêu thương để tha thứ, yêu thương để
sửa dạy, yêu thương để tìm được an bình và hạnh phúc.
Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nguyên từ ngữ Hội Thánh cũng đủ nói lên sự tốt lành
thánh thiện của hiệp hội, của cộng đoàn mà Chúa là đầu tàu. Thế sao đã có quá
ít người ham thích gia nhập vào cộng đoàn này? Chắc chắn có phần lỗi ở con, do
con không đủ quảng đại để yêu thương anh em như Chúa dạy. Xin cho con từ nay
biết rộng mở con tim để đón nhận và thông cảm cho cả những bất toàn của anh em
con, Amen.
Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa.