CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, C

(Gio-an 13: 31-35)

 

        Phục Sinh là khởi điểm cho một giai đoạn mới của kế hoạch cứu rỗi.  Giai đoạn này đã diễn tiến trong bầu khí tình nghĩa thân mật giữa Chúa Giê-su, Mục Tử nhân lành, và đoàn chiên của Người.  Đó là giai đoạn của hạt giống đã chịu chết đi giờ đây sinh nhiều hạt khác (Ga 12:24).  Sự chết và sống lại của Chúa Giê-su cùng với sức sống của Chúa Thánh Thần đã khai sinh Giáo Hội và nuôi dưỡng Giáo Hội cho lớn lên.  Nhưng Giáo Hội phải lớn lên như thế nào chính là điều quan tâm mà Chúa Giê-su đã nói đến khi Người chia sẻ với các môn đệ Người trong lời cáo biệt đang khi họ ăn bữa Tiệc Ly.  Vậy ta hiểu được tại sao Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã trích dẫn điều răn mới Chúa trăn trối cho các môn đệ trước khi Người chịu cuộc Thương khó:  Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  Sống yêu thương vừa là cách để ta tiếp tục ở lại trong sự thân mật với Chúa phục sinh như con chiên bên cạnh Mục Tử nhân lành, vừa là đường lối để Giáo Hội phát triển theo đúng mẫu mực như Chúa Giê-su muốn.

 

a)  Tiếp tục sống mối quan hệ yêu thương với Mục Tử nhân lành và anh chị em

 

        Diễn tiến chủ đề về Giáo Hội dưới sự chăn dắt của Mục Tử nhân lành đưa ta tới một chiều kích mới là sống mối quan hệ với anh chị em.  Quan hệ đoàn chiên không phải chỉ theo chiều dọc, nghĩa là giữa chiên với Mục Tử, nhưng còn theo chiều ngang là giữa chiên với chiên, hoặc giữa ta với những anh chị em trong cộng đoàn dân Chúa.

        Yêu Chúa và yêu người là hai điều không thể tách rời.  Trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su luôn luôn đồng hóa hai chiều kích của tình yêu:  “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa...  Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu.  Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là:  ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:37-39).  Cộng đoàn Ki-tô là cộng đoàn yêu thương được phát triển theo hai chiều kích ấy.  Chúa Giê-su đã củng cố tình thương yêu giữa Người với các con chiên qua những chăm sóc thường ngày và cao điểm là qua những biểu lộ yêu thương của Người sau khi sống lại từ kẻ chết, thí dụ như hiện ra để an ủi họ, lấy lại tinh thần cho họ, dạy dỗ chỉ bảo, mở lòng trí cho họ hiểu Kinh Thánh...  Tất cả những giáo huấn và hành động của Chúa Giê-su về tình yêu đều là những chuẩn bị để Chúa đưa ta tới một hệ luận vô cùng quan trọng và là cốt lõi của lối sống Ki-tô:  như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau.  Những bản dịch Kinh Thánh thường đặt câu nói trên theo thứ tự:  anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đẽ yêu thương anh em.  Nhưng nếu đặt nhóm từ “như Thầy đã yêu thương anh em” ở đầu câu, nó sẽ giúp ta dễ nhìn vào Chúa Giê-su như gương mẫu.  Nói khác đi, trước hoàn cảnh khi ta muốn biết phải yêu thương anh em như thế nào, ta cứ việc ngước lên Chúa và hỏi:  Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương con như thế nào?  Thế là ta sẽ có ngay câu trả lời của Chúa để làm tiêu chuẩn hướng dẫn!  Nếu ta cứ để nguyên nhóm từ ấy ở phần sau, nó sẽ giúp ta nhìn lại lối sống yêu thương của ta với anh chị em và ta sẽ tự hỏi mình:  Tôi đã yêu thương anh chị em như Chúa yêu thương tôi chưa?  Cái hay của ngôn ngữ cũng giúp ta nhiều trong đời sống đức tin đấy chứ.

        Giáo Hội là môi trường để ta tiếp tục sống thân mật với vị Mục Tử nhân lành, nhất là qua việc lãnh nhận các bí tích.  Tuy nhiên Giáo Hội cũng phải trở nên dấu chỉ của tình yêu.  Giáo Hội không là một danh từ, nhưng là một tập thể sống động gồm các tín hữu.  Hình ảnh Giáo Hội được biểu lộ qua lối sống Ki-tô.  Mà lối sống Ki-tô là sống yêu thương.  Do đó, hình ảnh Giáo Hội sẽ không thể được biểu lộ nếu lối sống ấy không phải là lối sống yêu thương.

 

b)  Giáo Hội phát triển nhờ yêu thương và trong yêu thương    

 

        Lúc tâm sự với nhóm môn đệ trước khi chịu cuộc Thương khó, Chúa Giê-su đã gọi họ là “những người con bé nhỏ của Thầy.”  Cách xưng hô phản ảnh nhiều khía cạnh.  Có thể là cách nói của một người cha hiền hoặc bà mẹ nói với con cái, lúc nào cũng coi chúng như bé nhỏ.  Nhưng cũng có thể ngụ ý một nỗi ưu tư thầm kín của vị Mục Tử về bản chất yếu đuối của đàn chiên.  Phải đợi cho tới khi Thánh Thần được sai đến trong ngày lễ Ngũ Tuần, người ta mới nhận ra sức mạnh của Tình Yêu.  Phải đợi cho tới khi các tông đồ biểu lộ tình thương Thiên Chúa cho những người bệnh tật thể xác lẫn tâm hồn, những người đói khát nghe lời giảng về Đức Giê-su Na-da-rét, người ta mới thấy sức lan tỏa của Tình Yêu.  Phải đợi cho tới khi ông Phao-lô và các bạn đem Tin Mừng cho Dân ngoại, thắng vượt mọi khó khăn trên đường truyền giáo, người ta mới thấy sức kiên cường và động lực thúc đẩy của Tình Yêu.  Không còn là một nhóm “những người con bé nhỏ” nữa, nhưng là Giáo Hội hoàn vũ, được bành trướng theo lệnh truyền của vị Mục Tử nhân lành:  “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).

        Chúa Giê-su muốn nói lên vai trò quan trọng của các môn đệ trong sứ mệnh truyền giáo.  Truyền giáo đi theo từng bước.  Trước hết ta phải làm cho người ta nhận ra ta là ai trước đã.  Cho nên Người mới bảo:  “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy.”  Đấy, truyền giáo trước hết là rao giảng về chính ta!  Rồi từ khởi điểm ấy, người ta mới đi đến câu hỏi tiếp theo:  Vậy Thầy của họ là ai?  Hẳn ta còn nhớ có lần đang lúc Chúa Giê-su giảng, một người trong đám đông kêu to lên:  “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lc 11:27).  Chúa Giê-su không cần phải nói về mẹ Người, thế mà người ta cũng biết và tôn vinh mẹ Người.  Cũng theo cách thức ấy, Chúa muốn ta thi hành sứ mệnh truyền giáo như vậy, nghĩa là khi ta chưa nói về Chúa thì người khác đã nhận ra Chúa rồi, bởi vì ta đã làm cho hình ảnh Chúa được biểu lộ qua “điểm” hoặc dấu chỉ Người muốn thấy nơi ta:  do điểm ta yêu thương nhau.  Cách Giáo Hội lớn lên và phát triển đơn giản như thế thôi.  Mẹ Tê-rê-xa Calcutta đâu cần phải đứng giữa đám dân chúng giảng về Chúa, nhưng mẹ chỉ hành động, chỉ yêu thương chăm sóc người đau ốm và nghèo đói.  Vậy mà bao người đã nhận ra Chúa qua lối sống yêu thương của mẹ.  Cho nên ta có thể hiểu câu nói của Chúa như thế này:  Ở điểm này, Giáo Hội sẽ phát triển mạnh mẽ, là anh em có lòng yêu thương nhau.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Tôi nghe quá nhiều về tình yêu, nhưng có bao giờ tôi chiêm ngưỡng những gì Chúa Giê-su đã sống và đã làm cho nhân loại để hiểu được tình yêu là gì chưa?

        Sống yêu thương trong cộng đoàn là lối sống đặc biệt của Ki-tô hữu.  Tôi đã thi hành lối sống ấy thế nào?  Những ai trong cộng đoàn cần đến lòng yêu thương của tôi?  Những ai tôi cần phải làm hòa và yêu mến?  Đó là những điều khó thực hiện, nhưng không phải là không thể làm được.  Vậy tôi có nghe lời Chúa “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” để noi gương hoặc kiểm điểm lại mình không?

        Tôi có ý thức rằng khi tôi không yêu thương anh chị em là tôi đã làm cản trở sự phát triển của Giáo Hội không?  Tôi thử suy nghĩ về một trường hợp cụ thể nào đó đã làm cho người khác có ý nghĩ không tốt về Giáo Hội vì cách cư xử thiếu yêu thương của tôi.

 

Cầu nguyện:

 

        Lạy Cha, xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau

        trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

        Xin cho chúng con đến với nhau không chút thành kiến,

        và tin tưởng vào thiện chí của nhau.

        Khi cộng tác với nhau, xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,

        nhờ đó chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen,

        những tham vọng ích kỷ và những định kiến cằn cỗi.

        Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,

        để tìm kiếm chân lý ở mọi nơi và mọi người,

        nhất là nơi những ai khác quan điểm.

        Lạy Cha, xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,

        để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,

        và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

        Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,

        xin cho chúng con được triển nở không ngừng

        và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất.  A-men.

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 114)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà