Chúa Nhật 6 Phục Sinh
20-5-2001
Thánh
ca và lời nguyện mở đầu
Kinh
Thánh: Công Vụ Tông Đồ 15: 1-2; 22-29
Sự phát triển
nào cũng phải trải qua những khó khăn. Công cuộc truyền giáo của Giáo Hội sơ
khai đang trên đà tiến mạnh. Những khó khăn cá nhân thì những nhà truyền giáo
đã thắng vượt. Chống đối, trục xuất, tù đày, đòn vọt không làm nản lòng Phao-lô
và các cộng sự viên của ngài. Nhưng những khó khăn của tập thể lại mang những
chiều kích khác và việc giải quyết nhiều khi ở ngoài tầm tay của các ngài. Đoạn
sách Công Vụ Tông Đồ Chúa nhật hôm nay trình bày tầm vóc trầm trọng của khó
khăn tập thể ấy khiến cho các vị lãnh đạo Giáo Hội là các tông đồ phải họp nhau
lại để cùng tìm một giải quyết thỏa đáng. Bài đọc cũng muốn nói lên Chúa Thánh
Thần hoạt động đặc biệt như thế nào để dẫn dắt Giáo Hội vượt qua sóng gió trong
thời điểm ấy.
Cuộc họp quan
trọng đầu tiên của Giáo Hội thường được mệnh danh là Công đồng chung
Giê-ru-sa-lem.
Thời gian: sau
hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô và Ba-na-ba.
Địa điểm:
Giê-ru-sa-lem.
Nội dung: Vấn
đề anh em lương dân trở lại Ki-tô giáo có phải chịu phép cắt bì theo tục lệ
Do-thái không? Đây cũng là vấn đề liên quan tới tương lai của Giáo Hội.
Mặc dù Phao-lô
và các tông đồ đã lập đi lập lại trong các bài giảng của các ngài rằng nhờ tin
vào Chúa Ki-tô mà người ta được cứu rỗi chứ không phải vì giữ trọn Lề luật
Mô-sê. Một số người Do-thái tuy đã trở lại Ki-tô giáo, nhưng vẫn không muốn dứt
khoát với Do-thái giáo. Cho nên một số người này đã từ Giê-ru-sa-lem đến
An-ti-ô-khi-a hô hào những anh em tân tòng phải giữ luật Mô-sê, nghĩa là phải
chịu phép cắt bì. Việc làm ngày có thể là hành động cuồng tín, có thể là do
những người Pha-ri-sêu xúi bẩy. Nhưng chắc chắn việc tuyên truyền này có thể
gây hậu quả tai hại, cho nên giáo hội An-ti-ô-khi-a quyết định cử hai ông
Phao-lô, Ba-na-ba và một vài người nữa lên Giê-ru-sa-lem trình bày vấn đề trong
Công đồng chung và lấy quyết định của các tông đồ. Chương 15 sách Công Vụ mô tả
rất sống động sinh hoạt của Công đồng Giê-ru-sa-lem, với những bàn cãi, diễn
từ, thảo nghị quyết, thông báo và thi hành quyết định, cuối cùng là dư âm tốt
đẹp của Công đồng.
Biến cố triệu
tập Công đồng Giê-ru-sa-lem cho chúng ta cơ hội nhận biết bàn tay quan phòng
của vị Mục Tử Nhân lành hoạt động qua các tông đồ của Người và sự dẫn dắt tuyệt
diệu của Chúa Thánh Thần. Những mục tử của Giáo Hội nhìn vào tấm gương của Thầy
để lo lắng cho đoàn chiên. Phao-lô và Ba-na-ba đã tích cực bênh vực các anh chị
em tân tòng thuộc gốc dân ngoại. Diễn từ của Phê-rô và Gia-cô-bê nói lên lòng
quảng đại của Thiên Chúa mà các ông lấy làm khuôn mẫu để Giáo Hội ân cần tiếp
nhận anh em dân ngoại.
Nhưng linh hồn
của Công đồng là Chúa Thánh Thần. Tất cả những diễn tiến và bàn thảo trong đại
hội đều là kết quả của việc đổi mới Người đã khởi sự trong ngày Hiện Xuống. Cho
nên nghị quyết đã ghi lại một câu thời danh và vô cùng ý nghĩa: "Thánh
Thần và chúng tôi đã quyết định..." Câu này trước hết cho thấy các tông đồ
xác tín sự hiện diện và ảnh hưởng tích cực của Chúa Thánh Thần trong đại hội
nói riêng và trong việc lèo lái con thuyền Giáo Hội nói chung.
Tại sao Giáo
Hội đã chọn biến cố này cho Phụng vụ Lời Chúa mùa Phục Sinh? Để trả lời, có lẽ
chúng ta phải nhìn lại cấu trúc Phụng vụ Lời Chúa mùa Phục Sinh như một chủ đề
duy nhất và liên tục. Các bài trích Công Vụ Tông đồ mô tả Giáo Hội như là hoa
trái của Phục Sinh và Thánh Thần. "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không
chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều
hạt khác" (Ga 12: 24). Qua từng Chúa Nhật chúng ta chiêm ngưỡng Giáo Hội
qua những góc cạnh khác nhau, để cuối cùng có một hình ảnh tổng hợp trung thực
về Giáo Hội. Nhưng mục đích của việc sắp đặt các bài đọc ấy không dừng lại ở đề
tài Giáo Hội, mà còn đưa chúng ta tới chiêm ngưỡng kế tiếp: Chúa Thánh Thần.
Qua lịch sử Giáo Hội, chúng ta nhận biết hoạt động của Đức Ki-tô Phục Sinh dưới
một cách thức mới, đó là hoạt động qua Thánh Thần của Người. Như thế chúng ta
có thể nói: các bài đọc Công Vụ Tông Đồ đang dẫn chúng ta đi từ biến cố Phục
Sinh đến biến cố Hiện Xuống.
Câu
hỏi gợi ý chia sẻ
Dựa vào các
bài đọc trích CVTĐ từ Chúa nhật Phục Sinh đến lễ Hiện Xuống, tôi có thể làm một
dàn bài về chủ đề "Giáo Hội" như thế nào?
Kinh nghiệm
Công đồng Giê-ru-sa-lem đem lại cho tôi những bài học gì? Cũng như Công đồng đã
tôn trọng văn hóa và luật pháp của anh em Ki-tô hữu gốc lương dân, tôi có biết
tôn trọng lối sống, lối suy nghĩ, những ý kiến, chia sẻ... của người khác
không? Tôi có coi đây là nguyên tắc quan trọng cho việc truyền giáo không? Có
bao giờ tôi "tranh luận" với người khác hoặc người đạo khác không?
Nếu có, nhìn lại thái độ của mình tôi thấy thế nào?
Trong thư gửi
cho tín hữu An-ti-ô-khi-a, các tông đồ gọi hai ông Ba-na-ba và Phao-lô là
"những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng
ta", một cách tuyên dương và kính trọng hai ông. Cử chỉ ưu ái này dạy tôi
và nhóm bài học gì?
Cầu
nguyện kết thúc
Sau cầu nguyện
bộc phát, nhóm có thể hát "Xin hiệp nhất chúng con..."
Lm. Trần Đình Nhi