CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH, C

(Gio-an 14: 23-29)

 

        Giáo Hội lớn mạnh do tình yêu, tình yêu giữa vị Mục Tử nhân lành với đàn chiên và tình yêu giữa các tín hữu với nhau.  Nhưng không thể nói đến tình yêu mà lại không nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần là tình yêu sống động chuyển thông giữa Chúa Cha và Chúa Con thế nào, thì Người cũng giữ vai trò làm cho Giáo Hội được sống động và phát triển nhờ sự thông chuyển tình yêu giữa Thiên Chúa, Đức Ki-tô và các Ki-tô hữu như vậy.  Không có cách diễn tả nào thật ý nghĩa và thực tế về sinh hoạt của tình yêu trong Giáo Hội hơn là cách Chúa Giê-su đã diễn tả qua những lời cáo biệt Người nói với các môn đệ trước khi chịu cuộc Thương khó.  Tham gia vào sinh hoạt yêu thương này gồm có Chúa Cha, Chúa Giê-su, Chúa Thánh Thần và Ki-tô hữu.  Những động tác biểu lộ yêu thương được thể hiện nhịp nhàng, đáp trả qua những động từ “giữ lời, đến, ở lại, sai đến, dạy, nhớ lại, để lại bình an, đừng xao xuyến, đừng sợ hãi, vui mừng, và sau hết là tin.”  Vậy ta có thể nhìn ngắm sinh hoạt yêu thương ấy dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

 

a)  Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương ta

 

        Yêu ai là đến và ở lại với họ.  Dĩ nhiên ngoài cách hiện diện thể xác, ta có nhiều cách đến và ở lại với nhau, thí dụ bằng thư từ, bằng điện thoại, bằng e-mail...  Ta đến với người khác, nhưng nhiều khi lại không thể ở lại với họ, vì bận rộn hoặc vì ta chưa yêu mến đủ.  Còn Thiên Chúa, Người yêu ta như thế nào?  Người muốn đích thân đến với ta qua Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô và ở lại với ta cho đến tận thế qua sự hiện diện bí tích của Chúa Ki-tô trong Giáo Hội.  Sinh hoạt yêu thương Ba Ngôi dành cho ta là sự cộng tác tích cực giữa Cha, Con và Thánh Thần để thực hiện một kế hoạch yêu thương nhiệm mầu (Ep 1:9).

        Khởi đầu cho sinh hoạt yêu thương, Thiên Chúa đã đi trước và đến với ta.  Người không đến theo cách Người đã đến với dân Do-thái trong sấm sét tại Si-nai, vì người ta sẽ hãi sợ và không dám đến gần.  Cho nên Người đã đến một cách khiêm tốn, quá bình thường đến độ loài người không tin nổi.  Đó là Người đến qua Chúa Giê-su, Con Một Người.  Người đã “sai” Con Yêu Dấu đến, mặc lấy thân phận người phàm hèn mọn (Pl 2:7).  Đến với nhân loại, Chúa Giê-su, Tình Yêu Nhập Thể, đã hoạt động yêu thương dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần như ta luôn đọc thấy trong sách Tin Mừng.  Thánh Thần đã “xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.  Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19).  Được Thánh Thần xức dầu, Chúa Giê-su lên đường thi hành sứ mệnh mặc khải tình yêu Thiên Chúa, “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:38).  Thánh Thần là tình yêu và động lực làm cho sinh hoạt yêu thương của Thiên Chúa với trần gian được thể hiện trọn vẹn và tiếp tục trong Giáo Hội.

        Sau khi Chúa Giê-su về trời ngự bên hữu Chúa Cha, Người vẫn “ở lại” với trần gian.  Lúc sống trên trần gian, Người đã dùng sự hiện diện thể xác để tỏ ra tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại.  Trước khi về trời, Người đã xin Chúa Cha sai Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần đến.  Giáo Hội là thời gian của Thần Khí Đức Ki-tô hoạt động.  Thánh Thần sẽ tiếp tục công việc của Chúa Giê-su là “dạy dỗ, làm nhớ lại và để lại bình an” cho Giáo Hội.  Hoa trái “bình an” của Thánh Thần sẽ giúp cho mọi Ki-tô hữu trong Giáo Hội khỏi bị “xao xuyến và sợ hãi”, nhất là hoàn toàn đặt lòng tin vào Chúa Giê-su.

        Đó là diễn tiến sinh hoạt yêu thương của Thiên Chúa dành cho ta.  Nhưng ta biết lấy gì đền đáp lượng yêu thương vô bờ của Thiên Chúa?  Chúa Giê-su cho ta câu trả lời:

 

b)  “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”

 

        Chỉ có một điều kiện đơn giản như vậy sao?  Giữ lời Thầy!  Chúa Giê-su đã khẳng định:  không phải mọi kẻ “thưa, nói” là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ những ai “thi hành” ý muốn của Thiên Chúa (Mt 7:21).  Thi hành ý muốn của Thiên Chúa cũng chính là “giữ lời Thầy.”  Yêu mến không bao giờ thụ động, nhưng biểu lộ qua hành động.  Chúa Giê-su dạy ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách chấp nhận sống giáo huấn của Người.

        Khi ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, không phải ta sẽ làm một mình, mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ giúp ta.  Chúa Cha “nói” với ta qua Chúa Giê-su (Dt 1:2).  Chúa Thánh Thần “dạy” ta mọi điều và giúp ta “nhớ lại” những gì Chúa Giê-su nói với ta.  Ba Ngôi Thiên Chúa cư xử với ta tựa như cha mẹ, dạy dỗ và nhắc nhở ta.  Bổn phận của ta là cứ làm, cứ sống những gì các Ngài dạy.  Kết quả của lối sống ấy là lòng ta luôn được bình an, không còn xao xuyến và sợ hãi trước bất cứ nghịch cảnh nào.

        Việc ta đáp lại tình yêu Thiên Chúa sẽ được cổ võ và nâng đỡ do Chúa Thánh Thần.  Chúa Giê-su đã nói lên vai trò ấy của Chúa Thánh Thần khi Người gọi Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ.  Thánh Thần đã hoàn tất nơi các môn đệ Chúa Giê-su việc chuẩn bị để các ông thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13:7), đó là nhờ Thánh Thần đã làm cho họ “nhớ lại” những điều Chúa dạy và những việc Người làm.  Chúa Giê-su cũng cho Thánh Thần đến trên mỗi Ki-tô hữu qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, để họ có thể “giữ lời Thầy, được bình an, không xao xuyến, không sợ hãi và tin vào Chúa Ki-tô.”

 

c)  Chúa Thánh Thần và cuộc tạo dựng mới

 

        Giáo Hội là môi trường để Thiên Chúa thực hiện một cuộc tạo dựng mới.  “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, và đổi mới bộ mặt trái đất” là lời nguyện thiết tha của Giáo Hội.  Thánh Thần giúp ta sống như “con cái sự sáng”, như những kẻ “được chỗi dậy với Đức Ki-tô trong sự sống mới.”  Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma đã dành chương 8 để nói về lối sống theo Thần Khí, lối sống của những người con được gọi Thiên Chúa là “Áp-ba!  Cha ơi!”  Sống như vậy là ta đang cộng tác vào cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa Cha, thụ hưởng chức phận đồng thừa kế với Đức Ki-tô và thể hiện việc đổi mới bộ mặt trái đất.  Tóm lại, ta luôn luôn để cho Thần Khí hướng dẫn ta đáp lại những yêu thương Ba Ngôi Thiên Chúa đang sinh hoạt với Giáo Hội và với ta.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Sống mầu nhiệm Phục Sinh là cốt tủy của đời sống Ki-tô hữu, tức là sống đời sống mới theo Thần Khí để đáp lại tình yêu Thiên Chúa.  Vậy đâu là đời sống mới của tôi?  Tôi ý thức thế nào về đời sống mới ấy, hay chỉ sống như một Ki-tô hữu “có tiếng mà không có miếng”?

        Có khi nào tôi suy nghĩ về tình Chúa yêu tôi như một kế hoạch gồm những việc làm cụ thể Người thực hiện cho trần gian, cho Giáo Hội và cho cá nhân tôi không?  Tôi thử nhìn kế hoạch ấy riêng cho hoàn cảnh tôi xem như thế nào?  Đó có phải là sinh hoạt yêu thương sống động giữa Chúa với tôi, hay chỉ là tình yêu đơn phương của Chúa đã không được tôi đáp trả?

        Tôi “nhớ lại” được những gì về giáo huấn của Chúa Giê-su?

        Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và trong mỗi Ki-tô hữu.  Tôi có cộng tác với Người để “đổi mới bộ mặt trái đất” không?  Thử nhận định một vài “đổi mới” tôi đã tham gia với Người.

 

Cầu nguyện:

 

        “Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu,

        xin ban cho con một thời để yêu và một thời để sống;

        để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,

        để con yêu vì cuộc sống muôn loài.

        Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý

        và biết ghét những điều đê tiện, cấu xa.

        Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,

        và dám chết vì những điều mình ghét.

        Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống

        để mỗi giây phút sống

        con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.

        Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu

        để từng giây phút yêu,

        con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.

        Cuối cùng, xin cho conbiết hòa nhập cả hai nên một:

        để sống là yêu và yêu là sống,

        vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống

        cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.  A-men.”

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 41)

 

Đaminh Trần Đình Nhi

14/5/04


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà