CHÚA
NHẬT VII PHỤC SINH, C
(Gio-an
17: 20-26)
Những đề tài về Giáo Hội đã
được trình bày qua Phụng vụ Lời Chúa trong những Chúa Nhật trước, như quan hệ
giữa Mục Tử nhân lành với đoàn chiên, sống yêu thương giữa anh chị em tín hữu
với nhau, sứ mệnh truyền giáo. Bài Tin
Mừng hôm nay đề cập tới một khía cạnh đặc biệt của Giáo Hội: sự hiệp nhất. Đề tài này khiến ta liên tưởng tới Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp
nhất Giáo Hội, từ ngày 18 đến 25 tháng 1.
Như thế, cả hai mùa phụng vụ, Giáng Sinh và Phục Sinh, đều có một thời
gian để mời gọi ta suy niệm và cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Có lẽ Giáo Hội cố ý sắp đặt như vậy để ta
nhận ra rằng việc Chúa giáng trần và chịu chết để cứu chuộc nhân loại đều nhắm
đến mục đích cuối cùng là đưa người ta đến với nhau và đến với Thiên Chúa.
Đoạn Tin Mừng là phần cuối lời cầu nguyện của Chúa Giê-su
trong Bữa Tiệc Ly, thường được mệnh danh là kinh Lạy Cha mẫu dài, gồm những
nguyện ước Người dâng lên Chúa Cha để cầu xin hai điều: cho những ai tin vào Người được hiệp nhất
với nhau và cho họ được ở với Người.
a) Lời
nguyện hiệp nhất
Hiệp nhất là mục đích của kế
hoạch yêu thương Thiên Chúa đã tiền định và thực hiện trong Đức Giê-su Ki-tô để
đưa ta về kết hiệp với Người. “Đó là
đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền
một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1:10).
Từ sau khi phạm tội bất tuân, nguyên tổ nhân loại đã cắt đứt mối quan hệ
với Thiên Chúa và hậu quả của tội ấy là con người hoàn toàn mất hết khả năng đến
với Thiên Chúa và trở thành kẻ thù của Người.
Giữa Thiên Chúa và con người là một khoảng cách mà con người không thể
vượt qua để đến với Thiên Chúa. Nhưng
do tình thương vô điều kiện dành cho nhân loại, Thiên Chúa đã có một kế hoạch
để giúp con người được hòa giải với Người, nói khác đi là được trở về hiệp nhất
với Người. Lời hứa trong vườn Địa đàng,
cũng gọi là Tin Mừng nguyên thủy (St 3:15), được lập lại qua các ngôn sứ trong
lịch sử Dân Chúa. Rồi thời gian thực
hiện kế hoạch tới hồi viên mãn là khi Ngôi Hai xuống thế làm người và ở lại giữa
nhân loại. Nhờ cái chết trên thập giá,
Chúa Giê-su đã phục hồi cho con người khả năng đến được với Thiên Chúa là khả
năng đã bị tội nguyên tổ cướp đi.
Đó là kế hoạch hiệp nhất do
Thiên Chúa đề ra. Tuy Người mời gọi
toàn thể nhân loại tham dự vào kế hoạch ấy, nhưng vẫn tôn trọng tự do và ý muốn
của mỗi người, để họ tùy ý muốn đáp lại hay không. Do đó, đây là lý do Chúa Giê-su cầu nguyện: để ta biết mở lòng đáp lại tình yêu vô điều
kiện của Thiên Chúa. Con đường hiệp
nhất để trở về với Thiên Chúa khởi sự từ chính cộng đồng nhân loại nên trước
tiên họ phải hiệp nhất với nhau (“để tất cả nên một”). Không ai đi riêng rẽ một mình, nhưng liên
đới với người khác, vì đó là ý định của Thiên Chúa khi Người muốn quy tụ “muôn
loài trong trời đất”. Từ Giáo Hội lữ
hành ở trần gian và dưới quyền thủ lãnh của Đức Ki-tô, nhân loại hiệp nhất ấy
mới có thể tiến bước về hiệp nhất với Cha trên trời.
b) Để
họ được nên một với nhau
Sự hiệp nhất của Giáo Hội lữ
hành phải có một khuôn mẫu để noi theo.
Khuôn mẫu này đã được Chúa Giê-su khẳng định thật đơn giản: NHƯ Cha ở trong con và con ở trong Cha. Những từ “ở trong” hoặc “ở lại” trong Tin
Mừng Gio-an mang một ý nghĩa sống động.
Không phải là nơi chốn, nhưng là sự hòa nhập của hai ngôi vị, giữa Chúa
Cha với Chúa Con, giữa Thiên Chúa với từng cá nhân con người. Quan hệ yêu thương ràng buộc hai ngôi vị với
nhau để trở thành động lực duy nhất thúc đẩy họ suy nghĩ và hành động. Dù là đất trời xa nhau, nhưng Thiên Chúa vẫn
“ở lại” trong con người. Dù con người
đông tây xa cách, nhưng con người vẫn có thể “ở lại” với nhau trong tình yêu
Chúa Ki-tô.
Kế hoạch của Thiên Chúa là
như thế. Nhưng khi thực hiện kế hoạch,
Thiên Chúa vẫn không xóa đi những khác biệt giữa con người với nhau. Bởi thế mới có những hàng rào ngăn cách,
những trở ngại khiến con người khó hiệp nhất được với nhau. Cả Ki-tô hữu cũng có những khó khăn ấy, vì
Ki-tô hữu vẫn là con người. Vậy Chúa
Giê-su đã cầu nguyện xin cho họ thắng vượt được những trở ngại ấy.
Mục đích của sự hiệp nhất
Giáo Hội còn nhắm xa hơn tới toàn thể thế giới, nghĩa là giúp cho “thế gian sẽ
nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương
con.” Chỉ một người nói cho thế giới
biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ thì thế giới chẳng tin đâu, nhưng nếu toàn thể
cộng đồng Giáo Hội dưới quyền thủ lãnh của Chúa Giê-su nói cho thế giới biết
điều đó, thì thế giới phải biết, phải tin và không còn lý do bào chữa. Sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu càng chặt
chẽ và rõ ràng thì sứ điệp họ gửi cho thế giới càng có ảnh hưởng mạnh, vì “ở
điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga
14:35), hoặc anh em có sự hiệp nhất với nhau.
c) Để
họ nên một với Chúa Giê-su
Ki-tô hữu không thể hiệp
nhất với nhau nếu họ không hiệp nhất với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là mắt xích nối người với người và nối người với
Thiên Chúa. Tội lỗi đã chia rẽ người
với Thiên Chúa và chia rẽ người với người.
Nhưng Chúa Giê-su đã chiến thắng tội lỗi để nối kết lại tất cả nhân loại
trong Người và nối kết nhân loại với Thiên Chúa. Cho nên Chúa Giê-su mới mặc lấy bản tính nhân loại để trong Người
có cả Thiên Chúa lẫn nhân loại. Đó là
cách Thiên Chúa “ở lại” với con người và trong Chúa Giê-su con người “ở lại”
với Thiên Chúa.
Tuy nhiên nên một với Chúa
Giê-su lại mang một ý nghĩa hết sức phong phú.
Người cầu xin: “Lạy Cha, con
muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để
họ chiêm ngưỡng vinh quang của con.”
Vậy Chúa Giê-su muốn ta ở với Người bất cứ nơi nào Người đã, đang và sẽ
ở. Nơi ấy là Na-da-rét, là hoang địa,
là con đường truyền giáo, là chỗ người nghèo, cùi hủi, lang thang... đang sống, là con đường thập giá dẫn tới
Can-vê, và cuối cùng là bên hữu Thiên Chúa Cha. Để ta chia sẻ với Chúa Giê-su tất cả những gì Người có, nhất là
vinh quang của Người. Vinh quang ấy là
sự sống lại và kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa.
d) Suy
nghĩ và cầu nguyện
Có bao giờ tôi thực sự ý
thức mình là một chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Ki-tô là Giáo Hội không? Nếu không thì tại sao?
Sự hiệp nhất của Giáo Hội
phải được biểu lộ cách cụ thể ngay trong cộng đoàn nhỏ bé của tôi. Tôi đã đóng góp gì cho sự hiệp nhất ấy? Hoặc tôi có để cho óc bè phái, kéo bè kéo
cánh lôi cuốn tôi vào những cuộc chống đối, gây khó khăn cho những người đang
phục vụ cộng đoàn không?
Tôi đang “ở lại” với Chúa và
anh chị em bằng cách nào?
Chúa Giê-su đang ở đâu với
tôi bây giờ? Hoặc nói khác đi, tôi đang
ở đâu trong cuộc sống của mình và Chúa Giê-su có ở đó với tôi không?
Cầu nguyện:
“Lạy Chúa Giê-su,
xin thương nhìn đến Hội
Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự
hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa
một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh không
ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm
chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con
ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở
nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây
to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ
nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên
bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng
niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng
trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở
trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời
ở gần bên. A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 61)
Đaminh
Trần Đình Nhi