Chúa Nhật I Mùa Vọng, năm C
(30-12-2003)
Luca 21, 25-28. 34-36
Linh mục Phêrô Trần Đình *
Giáo phận Đàlạt.
Trời đã đổi
mùa. Niên lịch phụng vụ cũng sang trang : mùa vọng đã bắt đầu.
Giáo Hội muốn
dùng bài Tin Mừng hôm nay để giáo huấn chúng ta : trước tiên là giúp ta hiểu ý
nghĩa của mùa vọng, thứ đến dạy ta thái độ cụ thể phải có để sống mùa vọng tốt
hơn.
1.
Ý nghĩa của mùa vọng
Nói đến mùa
vọng người ta nghĩ ngay đây là mùa chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Chúa Giáng Sinh.
Các ca đoàn sẽ tập hát, những buổi thống hối cộng đồng sẽ được cử hành, những
hang đá sẽ được chuẩn bị. Mùa vọng không chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh là gì !.
Đúng vậy, nhưng đây là mục đích gần của mùa vọng. Nó chỉ là bàn đạp giúp chúng
ta đi xa hơn mà thôi.
Thật ra, mục
đích chính yếu của mùa vọng là hướng cái nhìn chúng ta về ngày Đức Kitô trở
lại. Ngày ấy, Người sẽ đến trên mây trời trong quyền năng và vinh quang. Những
hiện tượng như trời rung đất chuyển, biển gào sóng vỗ…mà văn chương khải huyền
Cựu ước nói đến và Tin Mừng trích dẫn, tựu trung cũng chỉ là nền trời cho Con
Người xuất hiện như Đấng thẩm phán quyền uy mà con người sẽ phải đối diện và
trả lẽ về cuộc sống hôm nay.
Nếu những hiện
tượng lạ lùng là cớ cho con người hãi hùng, hồn xiêu phách lạc (c. 26), thì đối
với các tín hữu, đó là ngày cứu độ họ mong chờ. Và thái độ thích hợp là “đứng
thẳng và ngẩng đầu lên” (c.28) như thể để đón nhận ơn mưa móc của Chúa : “Trời
cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời”.
Hiểu như thế,
thì mùa vọng chẳng những là mùa mong đợi, nhưng còn phải là mùa nuôi dưỡng nơi
ta lòng khát vọng Chúa. Nếu không có tâm tình này, lễ Chúa Giáng Sinh sẽ chỉ
còn là một kỷ niệm của quá khứ được ta làm sống lại, chứ không mang lại lợi ích
thiêng liêng nào cho ta.
Mùa vọng, khi
nói đến việc Đức Kitô sẽ trở lại, còn muốn đưa cái nhìn chúng ta “đi xa hơn
hiện tại”, giúp chúng ta biết nghĩ về cùng đích đời người - điều mà người ta ít
quan tâm hay nghĩ đến - và phải làm gì để hoàn thành định mệnh đời ta.
2.
Thái độ đối với mùa vọng
Vì thế, đi vào
mùa vọng, Giáo Hội kêu gọi ta hãy có những thái độ thích hợp.
Trước tiên là
sự trông chờ và khát vọng Chúa như đã nói trên, nếu không mùa vọng sẽ đi qua
một cách vô ích và ơn Chúa cũng không đổ xuống lòng ta.
Thứ đến, Chúa
dạy ta hãy đề phòng : “chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng
việc đời…” (c.34). Đó là những cản trở thật sự khiến ta hờ hững đối với Chúa.
Một sự thanh thoát của lòng trí và tâm hồn là điều kiện cần thiết để ta có thể
gần Chúa và khát vọng Người.
Thứ
ba là tỉnh thức.
Trong Kinh
Thánh lời kêu gọi tỉnh thức luôn gắn liền với đêm tối và người kẻ trộm (x.Lc
12, 36-40 ; 1 Tx 5, 2-3) để nói đến sự bất ngờ lúc Chúa đến và tư thế sẵn sàng
để đón Người. Tỉnh thức ở đây ắt hẳn không phải là chong đèn ngồi đợi, cho bằng
là giữ cho lòng mình luôn ở trong trạng thái đẹp lòng Chúa.
Và cuối cùng
là sự cầu nguyện. Tỉnh thức luôn phải đi liền với sự cầu nguyện. Là bởi vì con người
thường yếu đuối hơn mình tưởng. Chỉ có sức mạnh của Chúa mới có khả năng nuôi
dưỡng nơi ta sự tỉnh thức liên tục, lòng mong chờ và khát vọng Chúa, đồng thời
giúp ta có thể “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”.
Mùa vọng, như
vậy, là mùa hồng ân. Chúng ta hãy có những thái độ xứng hợp để đón nhận ơn
Chúa.
________________________
* Lm. Trần Ðình là
cha quản nhiện Giáo Xứ Chi Lăng, Ðàlạt. Ngài xuất thân TCV Simon Hòa, khóa 2, nguyên
là giáo sư Triêt Học Ðại Chủng Viện Ðàlạt (1978). Ngài có một lối suy niệm
rất cô đọng nhưng đơn sơ. Kể từ nay, Website
Simon Hòa hân hạnh được Ngài cộng tác thường xuyên, đặc biệt trong trang Suy Niệm
Chủ Nhật. Xin giới thiệu cùng quí độc giả
và cám ơn linh mục giáo sư Phêrô Trần Ðình.